Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Văn Miếu–Quốc Tử Giám


Văn Miếu—Quốc Tử Giám là một quần thể đã trải qua 10 thế kỷ. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Địa chỉ: số 58 phố Quốc Tử Giám, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Tọa độ: 21°1’36"N 105°50’12"E, cách Hồ Gươm chừng 3km về hướng tây. Điểm dừng xe bus gần nhất: các phố Quốc Tử Giám (bus 38), Cát Linh (23, 25, 49), Tôn Đức Thắng (02, 23, 25, 41, 49).
Năm Bính Thìn (1076) dưới triều vua Lý Nhân Tông (1072—1128), Quốc Tử Giám được thành lập tại kinh đô Thăng Long. Nhà trường tọa lạc ở ngay phía sau Văn Miếu, nơi thờ Khổng Tử. Quần thể Văn Miếu–Quốc Tử Giám ngày nay là một trong những địa điểm nổi tiếng và có nhiều khách du lịch đến thăm nhất.

Trường đại học Việt Nam đầu tiên


Tượng Chu Văn An trong Văn Miếu
Quốc Tử Giám là tên gọi vào thời Lý (1010—1225), đến thời Trần (1225—1400) gọi là Quốc Tử Viện sau đổi thành Quốc Học Viện. Sang thời Lê (1428—1788) trường mang tên Thái Học Viện, nhà trường lúc này được mở rộng, có quy mô học đường, có ký túc xá, lại là nơi trực tiếp in sách.
Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam từng làm Quốc Tử Giám Tư Nghiệp (hiệu trưởng) của trường. Nhiều "người thầy một đời, muôn đời" như Bùi Quốc Khải, Nguyễn Trù,... đã từng vang tiếng giảng ở Quốc Tử Giám.
Vào thời Nguyễn (1802—1945), Quốc Tử Giám cũng như kinh đô đều chuyển vào Huế nhưng Văn Miếu Hà Nội vẫn tồn tại cho tới ngày nay.
Quốc Tử Giám là trung tâm văn hóa giáo dục lớn của cả nước. Ban đầu, đây là nơi học của hoàng tử và thanh niên quý tộc, nhưng về sau mở cửa đón tiếp nhân tài trong cả nước đến học tập và rèn luyện.

Học hành, khoa cử thời xưa

Việc học và thi cử thời xưa có nhiều qui định, nội dung chặt chẽ. Từ 6, 7 tuổi trẻ bắt đầu học sách Sơ học: Tam tự kinh, Ngũ tự kinh, Ngũ ngôn và tập làm vǎn câu đối 2 chữ, 4 chữ. Chừng 10 tuổi trở lên học Ngũ kinh, lịch sử Trung quốc, Việt Nam, tập làm vǎn câu đối 7, 8 chữ. Ngoài người hoàng tộc và con quan lại, nhà vua còn chọn những người tuấn tú cho vào học ở các trường trong kinh và Quốc Tử Giám.
Tập võ ở sân Quốc tử giám
Sau một thời gian học lầu thông kinh sử, học sinh dự kỳ thi, đầu tiên là thi hương tức là kỳ thi của một tỉnh hoặc liên tỉnh để chọn người vào các kỳ thi sau tại kinh đô gọi là thi Hội, thi Đình. Thi hội là kỳ thi quốc gia dành cho những người đã kinh qua thi Hương và các giám sinh đã mãn khoá Quốc Tử Giám. Thi Hội và thi Đình là cuộc kiểm tra đánh giá cao nhất đối với các bậc tài nǎng của đất nước nên còn được mệnh danh là Đại tỷ, Đại khoa. Thi hội dần dà gồm 4 kỳ, người đỗ cả 4 kỳ được cấp bằng tiến sĩ. Thi Đình còn gọi là Điện thí tức là thi tại sân vua, vua thân hỏi bài. Thi Đình chỉ để xếp loại các tiến sĩ đã đỗ ở kỳ thi hội. Khoa thi tiến sĩ mở đầu vào nǎm Ất Mão (1075) đời Lý Nhân Tông và khoa cuối cùng vào nǎm Kỷ Mùi (1919) đời Nguyễn Khải Định.
Thi Hội và thi Đình diễn ra trong khoảng 8 tháng: mùa xuân thi Hội đến mùa thu nǎm ấy thi Đình. Một vài khoa đầu nhà Lý cho thi ám tả ở kỳ thứ nhất. Về sau, ở kỳ thứ nhất cho thí sinh làm kinh nghĩa và kinh truyện; mỗi thứ một bài, mỗi bài từ 1000 chữ trở lên.
Lối thi này đến nhà Hồ lại có thêm kỳ thứ nǎm hỏi về toán. Dần dà theo Lê Quý Đôn triều đình quy định mức điểm cho mỗi kỳ thi. Nguyên tắc chung là mỗi kỳ thi phải qua 2 lần chấm sơ khảo và phúc khảo. Đủ điểm kỳ thi thứ nhất mới được thi kỳ 2 rồi kỳ thứ 3 thứ 4 cũng theo luật đó. Trong một số khoa thi buổi đầu, số thí sinh còn ít ỏi nên việc thi được tổ chức ở ngay trường Quốc Tử Giám.
Các tiến sĩ được hưởng quyền vinh quy bái tổ và khắc tên lên bia đá đặt trong Văn Miếu.

Kiến trúc

Cổng Vǎn Miếu Môn
Du khách có thể vừa tham quan khu Vǎn Miếu–Quốc Tử Giám vừa so sánh với mô hình kiến trúc quần thể trong hình trên để dễ theo dõi và ghi nhớ. Khu thứ nhất bắt đầu với cổng chính tọa lạc ở phố Quốc Tử Giám. Cổng này được thiết kế rất đồ sộ theo kiểu tam quan, trên có 3 chữ Vǎn Miếu Môn. Cửa giữa trước đây chỉ dành cho vua, quan lại hoặc các bậc thầy đến giảng sách. Đối diện Vǎn Miếu Môn ở phía bên kia đường là hồ Văn Chương, nay đã bị thu hẹp rất nhiều so với xưa kia.
Bước qua cổng du khách sẽ thấy một khu đất vuông rộng, chính là nơi các thí sinh ngày trước cắm lều ngồi thi. Ngày nay đó là một khu vườn đẹp với hai ao sen ở hai bên. Một lối đi xây bằng gạch ở giữa xuyên thẳng từ cửa đến nhà thờ biểu tượng sự thống đạt chính trực của đạo học, gọi là "Chính Đạo". Ngày xưa những ai đi học đều phải phấn đấu làm người tốt, tránh xa lũ xấu bụng, nhỏ nhen.
Cổng Đại Trung Môn
Đi tiếp, đường giữa dẫn ta đến cổng "Đại Trung Môn" mở đầu cho khu thứ hai. Hai bên có hai cổng nhỏ có ghi chữ mục tiêu lời chúc học hành "Thành Đức", "Đại Tài".
Một công trình đẹp, hình căn gác hai tầng, phía trên được chạm trổ bằng gỗ đã hiện ra phía sau Đại Trung Môn. Đó là Khuê Vǎn Các, căn gác tôn vẻ đẹp của sao Khuê, ngôi sao biểu tượng về vǎn học. Công trình này được xây dựng vào đầu thế kỷ 19.
Gác Khuê Văn Các
Khu thứ 3 đi từ gác Khuê Vǎn tới một cổng xây cao to hơn cổng trước, trên có hàng chữ "Đại Thành Môn". Cái đẹp trong kiến trúc cổ của cha ông ta xưa cũng thể hiện ở đây: trước một khu điện thờ kính cẩn, tôn nghiêm cần có một hồ nước với nhiều cây cổ thụ.
Giếng Thiên Quang Tỉnh (Whell of Celeste Light)
Giữa khu thứ 3 có một hồ vuông mang tên rất đẹp: Thiên Quang Tỉnh (giếng trời trong sáng). Mặt nước có tường hoa bao quanh in bóng gác Khuê Vǎn và cây xanh lung linh, tạo cho người học ngày trước và khách tham quan ngày nay một cảm giác trong sáng, thư thái.
Khu nhà bia
Hai bên hồ là 2 khu nhà bia với những bia đá lớn cao bằng người, đặt trên những chú rùa bằng đá khổng lồ. Có tất cả 82 bia ghi tên các vị tiến sĩ đã đỗ trong 82 khoa thi, trên đó có rất nhiều nhà chính trị, ngoại giao, vǎn học, sử học nổi tiếng như Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Nhậm, Lê Quí Đôn, nhà toán học Lương Thế Vinh, ông tổ nghề in Lương Nhữ Hộc, v.v.. Từ các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Hậu Lê đến Nguyễn, tổng cộng từng diễn ra trên cả nước 185 khoa thi với 2906 lần người đỗ, trong đó có 56 trạng nguyên.
Bên trong bái đường
Bước qua Đại Thành Môn một khung cảnh khoáng đạt ấn tượng mở ra từ khoảng sân giữa rất rộng lát gạch bát. Hai bên là 2 dãy nhà tả vu, hữu vu, vốn dùng làm nơi thờ các danh nho. Ngày nay thường xuyên tại đây có nhiều hoạt động vǎn hoá giáo dục như hội thảo khoa học, biểu diễn nghệ thuật, kỉ niệm danh nhân, lễ hội dân gian, vinh danh các trí thức, v.v.
Cuối sân là nhà đại bái và hậu cung. Tại đây có một số hiện vật quý: bên trái treo "Bích Ung đại chuông", bên phải có một chiếc khánh đá. Chuông Bích Ung do hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (cha của thi hào Nguyễn Du) đứng ra đúc nǎm 1768. Tấm khánh mặt trong có hai chữ Thọ Xương, mặt ngoài khắc bài minh viết kiểu chữ lệ nói về công dụng của loại nhạc khí này.
Khu Thái học với gác chuông, gác khánh
Sau khu đại bái chính là trường Giám cũ. Những triều đại coi "Thức giả là nguyên khí của quốc gia" đã tuyển chọn nhiều người tài giỏi, đỗ đạt cao, bổ xung vào các chức Thị độc, Thị giảng, Hữu tư giảng, Tả tư giảng, Thiếu phó, Thiếu bảo để chǎm lo việc giảng dạy, giải đáp cho học sinh, vừa giúp cho vị vua tương lai nâng cao tri thức mọi mặt.
Khi nhà Nguyễn dời trường Giám vào Huế thì nơi đây chuyển làm đền Khải Thánh. Nǎm 1946—1947 giặc Pháp đã đốt trụi khu này. Sau ngày giải phóng thủ đô 1954, toàn bộ quần thể di tích đã được phục hồi. Đợt mới đây bắt đầu từ 1991, Bộ Vǎn hoá và UBND thành phố đã đầu tư tôn tạo Văn Miếu, khu Thái học, điện Đại Thành, tường bao, hệ thống hạ tầng và dựng mái nhà bia.

Di tích lân cận

Bản đồ trực tuyến


Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét