Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đền Quán Thánh


Đền Quán Thánh tức đền Trấn Vũ, tên chữ Chân Vũ Quán, có từ đầu thế kỷ 11; thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hoá quốc gia (năm 1962). Địa chỉ: số 13 đường Thanh Niên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Toạ độ: 21°02’34"N 105°50’11"E, cách Hồ Gươm 2,5km về hướng tây-bắc. Điểm dừng xe bus gần nhất: phố Quán Thánh (bus 14, 33, 45, 50), đường Thanh Niên (bus 33, 50).
JPEG - 166.1 kb
Cổng đền Quán Thánh. Ảnh ©2014 NCCong

Lược sử

Đền Quán Thánh nổi danh là đền thiêng trấn bắc, một trong “tứ trấn” của kinh kỳ. Tương truyền ngôi đền được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tổ, tức đã nghìn năm tuổi. Tên chữ Hán đắp nổi trên cổng là "Chân Vũ quán" do đền thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ và xưa kia là nơi tu luyện của các đạo sĩ. Nhưng tên này không có trong kho sách cổ in trước khoảng giữa thế kỷ 17, khi Đạo giáo phục hưng ở Thăng Long. "Quán Thánh" mới là cái tên được nhiều người biết đến nhất và đã trở thành tên phố. Hiện nay đền tọa lạc ở góc phố Quán Thánh cắt đường Thanh Niên. Cổng đền nhìn về hướng tây thẳng ra vườn hoa Lý Tự Trọng vốn là mảnh đất lấn ra hồ Tây từ phía đường Thụy Khuê.
JPEG - 138.6 kb
Cổng đền Trấn Vũ năm 1896
Ban đầu đền vốn nằm bên trong tường thành. Sang thời Trần, đền đã được tu sửa nhiều lần. Năm 1474 khi mở rộng hoàng thành, vua Lê Thánh Tông đã cho di chuyển đền ra một nơi có địa thế phong thủy gọi là “Quy Xà” (rùa, rắn) tại bờ nam hồ Tây, thuộc phường Thuỵ Chương, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long. Đến nay vẫn lưu truyền những câu thơ của Trần Thiện Chánh về vị trí đắc địa này:
Mặt hướng hồ Tây một quán xưa
Ngàn năm linh tích tiếng còn đưa
Hoa chen quanh bến sen giương kiếm
Lá rụng vào sông trúc thủ bùa…

Cổng đền Trấn Vũ. Panorama ©2014 NCCong
JPEG - 75 kb
Đền Trấn Vũ nhìn từ vệ tinh
Năm 1842, vua Thiệu Trị nhà Nguyễn đến thăm đền, đổi tên là "Chân Vũ quán" và tặng một đồng tiền vàng. Ngày nay phần lớn người Việt đều biết đến đền qua mấy câu thơ trong sách giáo khoa:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Thời Pháp thuộc, đền Trấn Vũ lẫn hồ Tây vẫn chưa bị thu hẹp. Một tấm ảnh chụp năm 1896 cho thấy có bậc thang trước trụ biểu dẫn thẳng xuống bến nước rất đẹp. Tấm ảnh có dòng chữ Pháp chú thích: "Entrée de la pagode du Grand Bouddha, sur le Grand lac" (Lối vào chùa Phật Lớn ven Hồ Lớn); như vậy nhà xuất bản đã nhầm đền ra chùa, nhầm tượng thần ra tượng Phật.
JPEG - 234.3 kb
Sân đền Trấn Vũ

Kiến trúc

Sau khi làm xong con đập ngăn thành hồ Trúc Bạch, các trụ nghi môn đền Trấn Vũ nằm ngay sát bờ Hồ Tây. Cách một vỉa hè của đường Cổ Ngư là tam quan, phía trên cổng giữa của đền có đắp nổi tượng thần Rahu. Thần thoại Ấn Độ giải thích rằng thần Rahu đã nuốt Mặt Trăng và Mặt Trời nên gây ra hiện tượng nhật thực và nguyệt thực.
Qua tam quan thì đến nhà bia. Theo văn bia “Trùng Tu Trấn Vũ Quán Bi Ký” khắc năm Tự Đức (1856), đền được sửa sang chính điện, bái đường và gác chuông, đắp lại 4 pho tượng và làm thêm hai dãy hành lang tả hữu. Bia “Chân Vũ Quán Thạch Bi” cho biết năm Thành Thái thứ 5 (1893) đền được trùng tu lớn. Nhân dịp chào mừng Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long—Hà Nội gần đây đền lại được tu bổ.
Sau nhà bia, bên phía sát đường Quán Thánh là đền thờ liệt sĩ. Sân đền khá thấp và được che phủ bởi những cây cổ thụ, cuối sân có bể cá vàng và núi non bộ. Đền chính gồm có hai phần lớn xây liên tiếp tạo nên chiều sâu thâm nghiêm của đền. Phần ngoài là đại bái với các cửa ra vào cũng như cột xà, cửa võng bên trong đều sơn son thếp vàng. Hai bên tả hữu treo biển đồng chữ bạc của vua Thiệu Trị ban, trên khắc bài thơ của chính ông. Lại có chiếc khánh đồng to do một đại đô đốc thời Tây Sơn cung tiến.
JPEG - 80.4 kb
Tượng Vũ Công Chấn
Phần trong là nơi thờ tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Ngoài các bức hoành phi và câu đối đẹp, phía trên hai cửa bên dẫn vào hậu cung đền có treo mấy chữ đại tự “Tẫn Nhập”, “Huyền Xuất” (vào cửa Tẫn, ra cửa Huyền). Theo các nhà nghiên cứu thì đó là chữ lấy trong sách Đạo đức kinh: "Huyền Tẫn chi môn thi vị thiên địa" (cửa Huyền Tẫn là gốc của trời đất)[1].

Lưu ý

Hiện vẫn còn tấm bia khắc bài văn “Trấn Vũ Quán bi ký” do Thượng Thư Đông Các Đại Học Sĩ Hồ Sĩ Dương soạn, cho biết nhiều thông tin về ngôi đền. Năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677) chúa Trịnh Tạc sai Luân Quận Công Vũ Công Chấn (1618—1689) đốc thúc việc trùng tu đền, đúc tượng Trấn Vũ và quả chuông cao 1,5m, nặng 1 tấn treo ở tam quan. Theo gia phả họ Vũ, Luân Quận Công được tạc tượng đá và phối thờ trong nội điện.
JPEG - 78.1 kb
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ
Giữa những cổ vật quý giá, nổi bật nhất trong nhà bái đường của đền Quán Thánh là pho tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ đúc bằng đồng đen, nặng 4 tấn và cao 3,69m. Tượng đặt ở tư thế ngồi trên điện thờ, bàn chân để trần, tay trái bắt quyết, tay phải chống kiếm tựa trên lưng rùa, quanh kiếm có rắn quấn dài. Nhiều tín đồ đệ tử đến đây dâng lễ thường sờ chân thần để cầu may, lâu ngày chỗ đó thành ra vệt mòn.

Di tích lân cận

Bản đồ trực tuyến


Chú thích

[1] Hà Nội—Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, Doãn Đoan Trinh, Đền Quán Thánh, trang 556—557

Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong

Khám phá trấn Bắc Thăng Long xưa




Đền Quán Thánh (đường Thanh Niên, Hà Nội) là một trong bốn "Thăng Long Tứ Trấn" của Thăng Long xưa. Di tích văn hóa hơn 300 năm tuổi này hiện thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.
kham pha tran bac thang long xua
Đền Quán Thánh là một trong những ngôi đền cổ kính nhất ở Hà Nội.
Đền Quán Thánh được xây dựng vào năm 1010 dưới triều vua Lý Thái Tổ. Sau khi dời Đô về Thăng Long, vua cho rước bài vị của thần về ở phía tây bắc thành, gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ Đại Đế Quán – phúc thần của kinh thành.
Đền là một trong Thăng Long tứ trấn (4 vị thần trấn thành Thăng Long): Thần Huyền Thiên trấn phía bắc, thần Bạch Mã trấn phía đông (đền Bạch Mã), thần Linh Lang trấn phía tây (đền Voi Phục), thần Cao Vương trấn phía nam (đền Kim Liên).
kham pha tran bac thang long xua
Phía trước cổng Tam quan đền Quán Thánh.
Trải qua đời Trần, đền có tu sửa nhiều lần. Năm 1677, đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Tạc sai đình thần là Nguyễn Đình Luân trùng tu đền. Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm và tặng một đồng tiền vàng cùng với một số vàng do các hoàng thân dâng cúng để đúc lại thành một cái vòng treo ở cổ tay tượng thần.
Năm 1856, bố chánh Sơn Tây, bố chánh Hà Nội, tri huyện Vĩnh Thuận đã tổ chức quyên góp trùng tu, sửa lại chính điện, đình điều hương, bái đường và gác chuông, làm thêm hai dãy hành lang bên phải và bên trái, đắp lại 4 pho tượng đại nguyên soái. Năm 1893 đền được tu sửa lớn như diện mạo ngày nay.
kham pha tran bac thang long xua
Sau cổng Tam quan có hai tượng voi quỳ gối.
Đền Quán Thánh gồm các hạng mục: Tam quan, sân, ba lớp nhà tiền đế, trung đế, hậu cung. Cổng ngoài của đền nằm trên lề đường Thanh Niên. Cổng có bốn cột trụ với tượng bốn con phượng hoàng đấu lưng với nhau và con nghê trên đỉnh.
Ở hai bên là hai bức bình phong đắp nổi hình mãnh hổ hạ sơn. Phía trên là tượng đắp nổi hình cá hóa rồng. Ở các mặt trước và sau của bốn cột trụ được trang trí bởi những cặp câu đối đỏ trông rất nổi bật.
kham pha tran bac thang long xua
Văn bía tại đền Quán Thánh.
Sau cổng ngoài là tam quan có cấu tạo như một phương đình. Điều đặc biệt, phía trên cổng giữa của tam quan đắp nổi tượng thần Rahu. Đây là vị thần trong thần thoại Ấn Độ, đã nuốt Mặt Trăng và Mặt Trời nên gây ra hiện tượng nhật thực và nguyệt thực.
Một số đền ở Hà Nội cũng có sự hiện diện của thần Rahu bên ngoài cổng như đền Bạch Mã. Điều này nói lên phần nào sự hội nhập tín ngưỡng của người Việt Nam.
kham pha tran bac thang long xua
Phía trước ba lớp nhà tiền đế có đắp hòn núi non bộ.
Tam quan của đền có ba cửa và hai tầng. Trên gác tam quan có quả chuông đồng cao 1.5m, nặng 1 tấn, được đúc vào năm 1677, triều đại vua Lê Hy Tông. Tiếng chuông này đã đi vào ca dao với những câu thơ đậm chất trữ tình: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”.
kham pha tran bac thang long xua
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ trong đền Quán Thánh là một công trình nghệ thuật độc đáo.
Qua tam quan, du khách sẽ đến với nhà bia bên trong đền. Nhà bia có lưu văn bia do Tiến sĩ Lê Hy Vinh (nguyên Học chính tỉnh Thanh Hóa) soạn, Nguyễn Văn Ninh (Lệ mục huyện Thọ Xương) trông coi việc khắc bia. Nội dung bia nói về các thời điểm trùng tu đền.
Trong đó có câu: “… Có thể làm cho giang sơn này đẹp hơn lên phải chăng chỉ có người Hà Nội? Dân khí đã hòa thì thần ban phúc cho. Điềm lành không đợi phải nói. Nay viết để khắc vào bia đá. Năm Tự Đức thứ 10 (1857) tháng 5, ngày tốt”.
kham pha tran bac thang long xua
Đền Quán Thánh có nhiều cấu kiện chạm khắc rồng tinh xảo.
Bên phải, phía sau nhà bia, nằm sát đường Quán Thánh là đền thờ liệt sĩ. Đền được xây dạng phương đình (đình hình vuông), bên trong đặt bàn thờ với dòng chữ “Tổ quốc ghi công”; hai bên là hai cặp câu đối.
Xung quanh tường treo ảnh của các liệt sĩ thuộc khu vực đền Quán Thánh. Điều này nói lên lòng biết ơn của nhân dân với các liệt sĩ đã hi sinh cho việc bảo vệ và xây dựng đất nước.
kham pha tran bac thang long xua
Điêu khắc rồng trang trí bờ nóc nhà tiền đế.
Qua sân bái rộng – nơi sắp xếp đội ngũ chuẩn bị cho nghi thức lễ đền – là đến cửa bái đường. Ở bậc tam cấp trước bái đường có hai lư hương lớn. Tiếp đến là bàn để chuẩn bị đồ tế lễ.
Ngoài hiên bái đường, bên trái đắp nổi tượng cọp xuống núi, bên phải đắp nổi tượng cá hóa rồng. Ngoài ra, ở bên phải có bảng giới thiệu lịch sử tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ.
kham pha tran bac thang long xua
Chiếc khánh bằng đồng (chiều 1,10 x 1,25m) đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ hai vẫn còn được lưu giữ ở đền Quán Thánh.
Trước kia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được làm bằng gỗ, đến năm 1677 được đúc lại bằng đồng đen. Tượng cao 3,07m, chu vi 8m, nặng 4 tấn. Tượng thần được đặt ở hậu cung.
Tượng có khuôn mặt vuông, râu dài, tóc xõa, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng một con rùa. Tượng Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo duy nhất tại Việt Nam, khẳng định nghệ thuật đúc đồng và tạc tượng của người Hà Nội cách đây hơn ba thế kỷ.
kham pha tran bac thang long xua
Cổng tam quan đền Quán Thánh được trang trí cầu kỳ.
Tại nhà bái đường còn một pho tượng nhỏ hơn, cũng bằng đồng đen, nhiều người cho rằng đây là tượng ông Trùm Trọng, người thợ cả đã chỉ huy việc đúc pho tượng Trấn Vũ. Tượng này do các học trò của ông đúc để ghi nhớ công ơn của thầy.
Ngoài ra, trong đền còn có chiếc khánh bằng đồng được đúc vào thời chúa Trịnh (thế kỷ 17 – 18) do đô đốc Lê Văn Ngữ quyên tiền để đúc thành. Chiếc khánh có chiều ngang 1,25m, chiều cao 1,1m.
kham pha tran bac thang long xua
Cổng tam quan đền Quán Thánh chụp từ phía trong.">Cổng tam quan đền Quán Thánh chụp từ phía trong.
Ngoài nghệ thuật đúc đồng, đền Quán Thánh còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc trên cửa, cột, xà và hơn 60 bài thơ hoành phi câu đối viết bằng chữ Hán. Tác giả của các bài thơ này là những người đạt khoa bảng cao như: Thám hoa, Bảng nhãn, Bố chánh, Đốc học,… trong đó có cả thơ của vua Minh Mạng.
Trên các bộ phận kiến trúc bằng gỗ của ngôi đền, các đề tài như tứ linh, dơi, cá, tùng, trúc, cúc, mai, lẵng hoa, bầu rượu, thanh gươm, cảnh sinh hoạt của trần gian và thượng giới... được chạm khắc một cách tinh xảo, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.
kham pha tran bac thang long xua
Đền Quán thánh được coi là một quần thể kiến trúc đẹp của Thủ đô Hà Nội hôm nay.
Cũng như đền đình Kim Liên, đền Quán Thánh là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay.
Đền Quán Thánh là một di tích có giá trị về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và điêu khắc, nằm bên bờ Hồ Tây cùng với tiếng chuông Trấn Vũ đã hòa nhịp vào thiên nhiên, góp phần tô điểm cho cảnh đẹp cổ kính, thơ mộng của vùng du lịch Hồ Tây – Hà Nội.
Theo Hồ Hạ/ kinhtedothi.vn

Huyền thoại đền Quán Thánh

Nhà văn Uông Triều
ANTD.VN - Nếu chọn một ngôi đền nổi tiếng nhất khu vực nội thành Hà Nội thì có lẽ không nơi nào vượt được Quán Thánh. Đền có lịch sử lâu đời, là một trong “Thăng Long tứ trấn” của đất kinh kỳ xưa, lại sở hữu pho tượng đồng thuộc dạng kiệt tác của nghề đúc đồng làng Ngũ Xã.
ảnh 1Pho tượng thánh Trấn Vũ đền Quán Thánh được đúc năm 1677 
Tượng thánh Trấn Vũ: Báu vật nước Việt
Theo truyền thuyết thì quán Trấn Vũ (tên nguyên thủy của đền Quán Thánh) có từ lâu đời, trước cả khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Khi định đô ở Thăng Long, Vua Lý Thái Tổ đã phong cho vị thần chủ ngôi đền là Huyền Thiên Trấn Vũ coi giữ mặt Bắc của kinh thành. Và hiếm có ngôi đền nào lại được sự quan tâm đặc biệt của các vị vua chúa nước Việt như vậy. Sau sự tôn phong của Vua Lý Thái Tổ, đến đời Vua Lý Thánh Tông, năm 1012, miếu thờ thần Trấn Vũ lại được xây mới. Đến thời Lê sơ, năm 1474 Vua Lê Thánh Tông lại mở mang, tôn tạo thêm một lần nữa.
Nhưng có lẽ sự mộ đạo mạnh mẽ nhất với vị thần chủ của ngôi đền là vào thời chúa Trịnh Tạc. Vốn dĩ vị thần chủ của ngôi đền đã có tượng bằng gỗ nhưng khi ấy chúa Trịnh Tạc đã quyết cho đúc tượng mới bằng đồng để xứng đáng với vị thế của thần và từ đó kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng cổ truyền ra đời.
Nước Việt đã từng có nhiều kiệt tác bằng đồng như trong danh sách “An nam tứ khí” từ thời Lý nhưng đáng tiếc do thời gian và chiến tranh, những báu vật này đều bị phá hủy.  Pho tượng thánh Trấn Vũ đền Quán Thánh đúc năm 1677 may mắn giữ lại được và có lẽ không có pho tượng đồng nào cùng niên đại lớn và đẹp bằng pho tượng đồng này.
Pho tượng bây giờ được coi là sản phẩm đặc sắc của nghề đúc đồng truyền thống, được suy tôn là báu vật nước Việt khắc họa một vị thần mặc áo đạo sĩ, đầu để trần. Một tay thần bắt quyết trừ ma với một ngón tay trỏ lên trời, một tay thần cầm thanh kiếm chống lên lưng một con rùa, thân kiếm có một con rắn bò quanh.
Tượng toát lên vẻ uy nghi, đầy sức mạnh nhưng rất tinh tế ở các đường nét, có thần hồn và mang dáng vẻ riêng biệt. Sở dĩ tượng cầm thanh kiếm chống lên lưng rùa và tay kiếm có rắn quấn quanh vì Trấn Vũ là một vị thần nổi tiếng của Đạo giáo có tài bắt quyết trừ ma, nhất là trong việc hàng phục rùa và rắn khi chúng trở thành loài yêu quái.
Tượng là sản phẩm của nghề đúc đồng Ngũ Xã và tương truyền người đúc pho tượng lừng danh này là Trùm Trọng. Tượng Trấn Vũ bằng đồng thau, sau được hun khói đen làm cho tượng càng huyền bí, kỳ vĩ.
ảnh 2
Đền Quán Thánh xưa và nayảnh 3
Lưu dấu bậc vua chúa ở ngôi đền cổ
Sự hâm mộ đối với pho tượng không chỉ ở dân chúng mà các bậc vua chúa cũng tỏ lòng kính nể. Năm 1842, Vua Thiệu Trị khi Bắc tuần đã vào thăm đền và đặc biệt, vua và các hoàng tử đã cúng tiền vàng và cho đúc thành một  vòng vàng đeo vào cổ tay thần.
Chiếc vòng vàng của Vua Thiệu Trị và các hoàng tử cung tiến tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đâu? Rất tiếc theo thời gian và chiến tranh, chiếc vòng ấy đã không còn, nếu chiếc vòng vàng ấy còn, có lẽ pho tượng sẽ nổi danh hơn nữa. Vì rằng chiến tranh loạn lạc, đã có lúc đền Quán Thánh đã bị người nước ngoài xâm chiếm, cụ thể quân Pháp khi tham gia đánh thành Hà Nội đã từng có lúc ở trong đền.
Lại thêm một chi tiết thú vị nữa về ngôi đền này. Cũng vào thời Nguyễn, khi Vua Minh Mạng vào thăm đền, năm 1824, ông đã cho đục bỏ tấm bia (xóa chữ) được dựng năm 1677 - thời điểm đúc tượng. Tại sao Vua Minh Mạng lại cho xóa chữ tấm bia thời chúa Trịnh? Ông làm thế vì căm ghét và muốn xóa mọi dấu vết của họ Trịnh. Nhưng đó là một mâu thuẫn vì tượng thần Trấn Vũ do chính chúa Trịnh Tạc tâm huyết cho đúc thì Minh Mạng không dám đụng đến và thậm chí hậu duệ của ông là Vua Thiệu Trị sau còn cung tiến vòng vàng.
Câu chuyện đời sau đục bỏ văn bia của đời trước và thậm chí tượng của thời này được đun chảy để đúc thành tượng của thời khác là chuyện không hiếm gặp. Điều ấy cho thấy lịch sử luôn vận động biến chuyển và luôn có những thăng trầm khó đoán định.
Thêm một chi tiết nữa về lần viếng thăm đền Quán Thánh của Vua Thiệu Trị. Ông đã cho đúc một biển đồng cho khắc bài thơ của chính mình để trong đền và bây giờ tấm biển đồng ấy vẫn còn, cũng là những hiện vật khá hiếm thấy, lưu dấu bậc vua chúa ở ngôi đền cổ.
Truyền thuyết thần báo mộng
Ngoài pho tượng bằng đồng nổi tiếng thì đền Quán Thánh còn có những đồ vật bằng đồng rất lớn khác. Đền có một chiếc khánh đồng thời Tây Sơn do một vị đô đốc cung tiến, những hiện vật được cúng tiến sau này cũng rất đáng kể. Đó đôi đèn bằng đồng chạm trổ rất cầu kỳ, cùng với vạc đồng, lư hương đồng… làm thành một “bộ sưu tập đồng” rất tinh xảo và có giá trị.
Nhưng đền Quán Thánh không chỉ nổi tiếng với những hiện vật bằng đồng. Nó còn có cả một huyền thoại riêng để tạo sự linh thiêng. Đền vốn là quán đạo xưa kia của Đạo giáo và là nơi các sĩ tử thường vào xin thơ giáng và cầu mộng cho việc thi cử được suôn sẻ, thành đạt.
Thậm chí những chuyện mộng gặp thần ở nơi đây đã được ghi trong một quyển sách có tên “Trấn Vũ thần mộng ký”. Và giấc mộng nổi tiếng nhất trong sách này có lẽ là truyền thuyết thần báo mộng chỉ đường cho Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn vào Lam Sơn tụ nghĩa dưới lá cờ của Lê Lợi và sau này cả hai người đều trở thành những vị khai quốc công thần lớn của triều Lê.
Đền Quán Thánh còn có một pho tượng gây nhiều tranh cãi. Đó là một pho tượng bằng đá trắng tạc một người đàn ông trùm khăn. Nhiều người cho rằng đó là tượng Trùm Trọng, người trực tiếp đúc tượng Trấn Vũ. Ý kiến khác  cho rằng đó là tượng thần Thổ Kỳ chuyên cai quản về long mạch. Gần đây, lại có ý kiến cho là tượng quận công Vũ Công Chấn, “tổng công trình sư” xây dựng đền Quán Thánh và đúc tượng Trấn Vũ…
Dù người được đúc tượng là ai thì pho tượng đá cũng được coi là một mẫu mực của nghệ thuật điêu khắc đá, có nhiều nét gần gũi với người thực và chính sự mơ hồ về lai lịch pho tượng này càng tạo thêm nét huyền bí và hấp dẫn cho ngôi đền nổi tiếng bậc nhất này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét