Giới thiệu
Từ vành đai nội thành Hà Nội, có thể lên xe bus số 37 (tuyến Giáp Bát—Chương Mỹ), số 80 (Mỹ Đình—Kênh Đào) hoặc số 57 (Mỹ Đình II—KCN Phú Nghĩa) và xuống bến đỗ ở đầu thị trấn Chúc Sơn. Sau khi đi tiếp hơn trăm bước theo quốc lộ QL6 du khách sẽ nhìn thấy đỉnh tam quan cao vút của cổng làng Ninh Sơn, đây cũng là một trong các con đường dẫn đến chùa Trăm Gian.
Theo sử sách, ngày 5 và 7 tháng 11 năm 1426 đã diễn ra một loạt trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn nhằm chặn các cánh quân cứu viện của Vương Thông từ thành Đông Quan vượt sông Đáy (tức Ninh Giang) bủa lên vùng núi Tốt Động—Chúc Động[1]. Các tướng của vua Lê Lợi thừa thắng đã chuyển sang tổng tiến công, năm sau hạ thành Đông Quan và đuổi hết lũ giặc Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta.
Nguyễn Trãi viết:
Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm;
Tụy Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.
(Trích bản dịch “Bình Ngô đại cáo” của Ngô Tất Tố)
Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm;
Tụy Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.
(Trích bản dịch “Bình Ngô đại cáo” của Ngô Tất Tố)
Hôm nay tôi đến thăm Ninh Sơn, cổng làng mới xây đồ sộ, hai mặt trong ngoài tam quan đắp nổi 4 đôi câu đối ca ngợi quê hương. Sau cổng là một đoạn đường tốt và phần lớn hai bên vẫn còn có những mặt ao hồ nom khá sạch sẽ. Đi hết đoạn này mới vào đến khu vực dân cư đông đúc quần tụ dưới chân núi Phượng Hoàng.
Bụng lo lo từ lúc thấy khúc sông Đáy ở cầu Mai Lĩnh (phải chăng xưa là Ninh Kiều?) đã bị cạn và biến thành ruộng rau muống, nhưng đến Vực Ninh thì tôi vững dạ hơn. Dân làng cho biết đầm này chưa bao giờ hết nước và vẫn có những con cá rất to ẩn náu khôn ngoan dưới vực sâu, không dễ bắt được.
Toàn cảnh đình Ninh Sơn. Panorama NCCong©2014
Ninh Sơn trù phú nhờ vị thế ven quốc lộ và trực thuộc thị trấn Chúc Sơn của huyện Chương Mỹ. Dân làng trước kia ngoài nghề nông còn làm nghề cá, nay lại có thêm các xưởng mộc và cơ khí, v.v.. Bên cạnh những ngôi nhà lợp tôn với cột chống sét cao lô nhô và hàng rào sắt nhọn hoắt, vẫn thấp thoáng nhiều mái ngói ta dưới bóng tre, nhãn, mít... sau bức tường xây bằng gạch hoặc đá ong.
Đường làng Ninh Sơn nay đã được lát bê tông, ô-tô chạy qua dễ dàng. Đi thẳng là lên núi. Rẽ sang phải hơn 100m kể từ chỗ ngã ba đầu làng, du khách sẽ thấy một ngôi đình với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi nằm ở phía tây-bắc đầm Vực Ninh. Nếu đi tiếp sẽ đến danh thắng chùa Trầm, cách đó khoảng 2km.
Cụ thủ từ cho biết đình Ninh cùng với đình Chèm (ở Cổ Nhuế, cách đây 20km) đều thờ chung Lý Ông Trọng làm thành hoàng. Theo cổ sử, Ngài là một võ tướng kỳ tài người Việt thời trước công nguyên. Danh tiếng và bức tượng khổng lồ của Ông Trọng sau khi khuất bóng đã vượt qua biên ải đế quốc Tần để tiếp tục thay Ngài trấn giữ vùng thảo nguyên Mông Cổ mênh mông tại phương Bắc xa xôi.
Kiến trúc
Đình được làm theo kiểu hình chuôi vồ truyền thống. Tiền đường rộng ba gian hai chái, mặt trước gắn 3 tấm bia. Trên chính điện có bức hoành phi cổ chạm nổi 4 chữ Hán đại tự nay đã bị tróc sơn thếp vàng. Dọc các cột cái treo ba đôi câu đối, tất cả đều bằng gỗ. Hậu cung khoá kín, bên trong cất bộ bát cống vào loại quý hiếm nhất, có từ thế kỷ 17, hàng năm đến dịp hội làng mới được phép lấy ra để rửa bụi và chuẩn bị cho lễ rước kiệu.
Nền đình cao, sân trên được lát gạch to, phía trước mới đặt một đôi rồng đá bên bậc thềm. Sân dưới khá rộng, có thể chơi bóng chuyền và bóng đá mini. Địa thế của đình rất đẹp, cổng nghi môn nhìn ra Vực Ninh qua mặt con đường chạy ven đầm. Bên tay phải, ngoài nghi môn là bến tắm cũ, nay trẻ con thường đến bơi và câu cá. Bên trái cũng mới xây một thuỷ đình hình lục giác với hai chiếc cầu đá như đôi tay dang rộng ôm lấy bờ đầm.
Làng Ninh Sơn còn có một cảnh đẹp khác là chùa Cao, tên chữ Linh Thông Tự, nằm giữa đỉnh núi Phượng Hoàng, cách ngôi đình này khoảng 300m. Trong dịp lễ hội mừng xuân diễn ra hàng năm, dân chúng thường đứng dọc đường từ sân đình lên đỉnh núi để xem các cỗ kiệu quay, kiệu chạy, kiệu bay.
Di tích lân cận
- Chùa Cao (Linh Thông Tự): núi Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn.
- Chùa Trăm Gian: thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương.
- Chùa Trầm: thôn Long Châu, xã Phụng Châu.
- Đình So: làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai.
Bản đồ trực tuyến
Chú thích
[1] Động: chữ Hán chỉ vùng núi, viết chữ “Sơn” trên chữ “Đồng”, phiên âm theo từ điển Thiều Chửu là “Đỗng”.
Đông Tỉnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét