Lược sử
Đền Dầm có tên chữ Xâm Dương Linh Từ, theo địa danh của thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Xa hơn khoảng 3km về hướng nam, tại xã Hồng Vân còn có đền Xâm Thị cũng thờ Mẫu Thoải. Hai ngôi đền đó cùng gắn với sự tích Thánh Mẫu Đệ Tam hiển linh phù trợ vua tôi nhà Trần đánh thắng quân Nguyên.
Đền Dầm tương truyền có từ thời Trần và từng được các vua ban sắc phong rất nhiều: thời Trần 7 đạo, thời Lê 13, thời Nguyễn 8. Tổng cộng 28 đạo sắc như vậy là ngang với Phủ Dày, nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh. Đáng tiếc trong đền hiện nay chỉ còn giữ được 6 đạo, trong đó sắc sớm nhất mang niên hiệu Đức Long thứ 5 (1633) của vua Lê Thần Tông và muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924).
Sân đền Dầm. Panorama (c) NCCong 2017
Lễ hội đền Dầm được dân làng tổ chức hàng năm từ ngày 5 đến 7 tháng Hai âm lịch để tưởng niệm Thủy Cung Thánh Mẫu. Trong hội có lễ rước nước và những tiết mục như múa rồng, múa sư tử, thi kéo chữ, đánh cờ người, hát quan họ, chọi gà.
Kiến trúc
Đền Dầm tọa lạc tại khu đất bãi ngoài con đê hữu ngạn sông Hồng. Xưa kia, nước thường dâng ngập sân đền vào mùa lụt, cho nên thềm được tôn cao 5 bậc. Cổng đền gồm 6 trụ biểu và hai bức tường phù điêu long mã trên mái có đắp hình rồng. Du khách đi qua cổng thấy ngay một khu vườn nhỏ làm bình phong. Sân đền rất rộng, bên hữu là lầu Cô hình bát giác ở trên hồ sen, bên tả là lầu Cậu xây 2 tầng 8 mái và dựa lưng vào một hồ khác.
Tiền đường 5 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc, hai bên đầu hiên có dựng bia đá và đắp nổi trên tường cặp tượng ngựa và tượng hộ pháp. Hậu cung xây kiểu chồng diêm. Bên hữu tiền đường là nếp nhà nhỏ 3 gian thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo rồi đến cây đa cổ thụ và khu dịch vụ. Bên tả có nếp nhà nhỏ 3 gian với động Sơn Trang, cách khoảng 50m là đền Mẫu Cửu với chùa Công Minh kề nhau.
Bản đồ trực tuyến
Từ trung tâm Hà Nội bạn có thể lên xe bus 48 và xuống ở bến cuối Vạn Phúc rồi đi bộ theo đê Hữu Hồng về hướng nam khoảng 500m thì rẽ trái vào đền Dầm qua chùa Công Minh và đền Mẫu Cửu. Hoặc bạn lên xe bus 08 và xuống ở Đông Mỹ rồi lấy xe ôm đi tiếp về hướng đông-nam khoảng 3km thì sẽ thấy cổng đền dưới chân đê.
Bạn cũng có thể sử dụng một trong các dịch vụ du lịch Sông Hồng tại số 42 Chương Dương Độ để đi cả một ngày bằng tàu thuỷ và đến thăm 4 địa chỉ văn hóa đặc sắc: đền Dầm, đền Đại Lộ, đền Chử Đồng Tử, làng cổ Bát Tràng.
Di tích lân cận
- Chùa Hưng Long (Minh Long Tự): thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì.
- Chùa Thọ Am (Bất Nhiễm Tự): thôn Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì.
- Chùa Tự Khoát (Hưng Phúc Tự): thôn Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì.
- Đền Đại Lộ: thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.
- Đền Thánh Phê rô Lê Tùy: Sở Hạ, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.
Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong
Đền Dầm: Ngôi đền có Thần tích linh thiêng
Thần phả Đền Dầm
Theo thần phả tại Đền Dầm, vào thời vua Trần Thái Tông trị vì đất nước năm 1225, trên thiên đình có nàng tiên nữ thứ 3 đến chầu Thượng Đế, chẳng may làm vỡ chén ngọc. Trăm quan nghị tội, giáng xuống thủy cung làm con gái Long Vương, gả cho Đô Đốc Côn Bằng đại tướng quân Kinh Xuyên làm vợ lẽ.
Vợ cả Kinh Xuyên tên là Thảo Mai thấy nàng tài sắc bèn đem lòng ghen ghét giả làm một bức thư tố cáo với Kinh Xuyên, vu nàng tư thông phản bội chồng. Kinh Xuyên giận dữ đẩy nàng xuống trần thế, mười năm sống ở núi Ngọc Hồ Kim Quy, làm bạn với chim muông, cầm thú, sinh sống bằng hoa trái qua ngày. Một hôm thấy gió lượn mặt hồ, mây đùn phía chân trời tưởng nhớ quê nhà, thương cha nhớ mẹ lòng buồn bã rối bời, nhân đó nàng ngâm một bài thơ, thơ rằng:
"Từ biệt Kinh Xuyên trải mấy thu
Trời xanh mây lượn nhớ quê nhà
Tiêu hao trần thế bao ngày tháng
Cố hương thủy cốc biết nao về..."
Tiếng ngâm chưa dứt mà dòng lệ chứa chan. Tựa vào gốc cây, tinh thần mê man lúc say lúc tỉnh. Lại nói, thời ấy có một người ở xã Ngọc Lạp, huyện Thanh Miện, phủ Hồng Châu, đạo Hải Dương, họ Liễu, tên Nghị là danh sĩ thời bấy giờ. Một hôm, Nghị cùng vài tên gia đồng chèo thuyền đến Ngọc hồ ngắm cảnh để hưởng thú vị ngư ông. Thuyền đến hồ Kim Quy thi bỗng nghe tiếng người ngâm thơ văng vẳng, lời lẽ thảm thê, trong lòng lấy làm lạ, bèn nói với bọn gia đồng đi theo rằng:
"Không biết thần tiên hay ma quỷ mà lại có lời lẽ thê thảm đến như vậy…". Ông bèn cho người dừng thuyền bên bờ quan sát, thấy người con gái tuổi độ 18, mi xanh như liễu rủ, má thắm tựa hoa đào. Dẫu là tiên nữ ở cung trăng, hay phi tần nơi thượng giới cũng không thể hơn được. Ông cười và bảo rằng:
Cốt cách trần thế mà dáng vẻ thần tiên. May mắn, nay gặp gỡ, nếu không phải là trăng rằm thì cũng là băng tuyết quy hòa nhập lại". Nhân đó ông mới hỏi về nguồn gốc, nguyên do. Người con gái ứa lệ và thưa rằng: "Thiếp vốn là con gái Hoàng đế long cung, là vợ lẽ của Kinh Xuyên, chẳng ngờ thiên sứ dáng họa vô cớ. Nay may gặp ngưởi tốt ở đây, dám xin người có kế sách gì cứu giải oan khiên, thiếp nguyện thề có sông núi, không quên ơn nghĩa...".
Ông lại hỏi: Dương gian thủy quốc cách biệt lấy gì mà nghe thấu được. Nàng nói: Thiếp có một cây châm vàng trao cho ngài cảm phiền đi đến cửa biển Đông Hải, hễ thấy cây Ngô Đồng thì gõ vào ba tiếng tất thảy thủy cung sẽ đều nghe biết”.
Lầu Cô
Nói xong nàng đưa một phong thư nói rõ sự việc rồi đưa thư và cây Trâm cho Liễu Nghị. Sau khi từ biệt người đẹp, Liễu Nghị gắng sức lên đường, qua bảy ngày đêm đến cửa biển Đông Hải bỗng thấy cây ngô đồng cổ thụ, ông làm đúng lời người con gái dặn, tay cầm kim thoa gõ vào gốc cây ngô đồng, bỗng thấy một con rắn trắng nổi lên khỏi mặt nước. Ông đem sự việc trên nói với rắn, rắn trắng rẽ nước đưa ông về thủy phủ.
Ông vào bái yết Long Vương, trình rõ sự việc và đem thư cùng trâm vàng cho Long Vương. Xem thư xong, Long Vương truyền rắn trắng đưa Liễu Nghị về lầu Nam dọn tiệc khoản đãi. Ngay hôm đó truyền sai con trai là Xích Lân và quân khu thủy tiến thẳng đến xứ Kim Quy đón công chúa về thủy phủ. Ngày mùng 9 tháng Giêng phong Liễu Nghị “con rể” Quốc Tể quận công và cho ở cùng thủy cung với công chúa. Đồng thời đẩy Kinh Xuyên và Thảo Mai lên núi ấy.
Lại nói từ khi công chúa về thủy quốc tất cả dân hai bên bờ sông đều mắc bệnh dịch. Nơi đó thời cổ là Trang Xâm Miện, xã Xâm Thị, huyện Thanh Đàm (nay là Xâm Dương, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội) khi ấy trong tháng vào nửa đêm, dân làng đều nghe thấy tiếng chó sủa liên hồi và mơ thấy một người con gái mình mặc áo trắng mang đai ngọc lưu ly cưỡi rồng vàng bay lên từ mặt nước nói giúp nước cứu dân rằng:
“Nay dân các ngươi gặp tai họa, ta đến đây để cứu giúp, sau này bình yên nhớ sẽ lập đền thờ, viết thần hiệu để thờ phụng ta thì sẽ được dân khang vật thịnh”. Trời sáng, các phu lão dân làng ai cũng nói cùng có giấc mộng như thế và bệnh tình dần dần tiêu tan hết. Từ đấy dân làng dựng một ngôi miếu thờ ngày đêm hương khói quốc cầu dân đảo đều rất linh ứng.
Sự tích về Thủy Tinh Ngọc Dung công chúa giúp Trần Nhân Tông đánh quân Nguyên Mông tại Đền Dầm và những sắc phong
Đến đời Trần Nhân Tông 1285 – 1293, thái tử nước Nguyễn là Thoát Hoan và Ô Mã Nhi Nguyễn Bá Linh đem 10 vạn hùng binh đến xâm lược nước ta. Đế vương bèn triệu Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, phong ngài làm đại nguyên soái cùng các tướng lĩnh cất quân đi dẹp giặc.
Bên trong đền
Khi ông qua bến sông làng Xâm Miện (khu Đền Dầm ngày nay) thì mặt trời đã khuất sau núi, ông bèn hạ lệnh cho quân lên bãi sông cắm trại nghỉ tạm, riêng ông nghỉ lại trên thuyền. Vào nửa đêm ông mơ thấy một người con gái mình mặc áo trắng mang đai ngọc lưu ly cưỡi rông vàng đến trước mặt ông nói rằng:
“Thiếp là con gái Hoàng đế ở long cung tên là Thủy Tinh Ngọc Dung công chúa, vâng lệnh hoàng thiên giúp nước dẹp giặc. Ngài hãy đem quân đi đánh giặc thiếp nguyện sẽ âm phù trợ giúp, sau này chớ quên công thiếp”.
Nghe vừa dứt lời, ông bừng tỉnh, mới biết là thần báo mộng. Sớm hôm sau, ông cất công đại chiến với giặc. Trong khi giao chiến, bỗng thấy gió bấc thổi về rất mạnh, nước sống cuộn sóng dữ dội, thuyền bè của giặc bị nhấn chìm tơi tả, ông thừa cơ tiến đánh. Quân giặc đại bại bắt sống được cả tướng giặc rồi thu quân chiến thắng trở về.
Ông không quên dâng biểu báo công và nêu rõ Thủy Tinh công chúa báo mộng. Vua nghe biết sự việc sai sứ giả về trang Xâm Miện vào (Miếu Xâm nay là Đền Dầm) bái tạ tặng sắc phong, chỉ phong là Thủy Tinh Ngọc Dung công chúa gia tặng.
Theo bảng thống kê lưu giữ ở Đền Dầm hiện có 6 Sắc phong qua các triều đại như sau: Năm 1633, vua Lê Thần Tông sắc phong, Đức long Ngũ niên, 1857 – 1880, vua Hoàng đế Tự Đức sắc phong Tự đức Thập niên, 1886 vua Kiến Giang Quận Công sắc phong, Đồng Khánh Nhị niên, 1909 vua Nguyễn Duy Tân sắc phong, Duy Tân Tam niên, 1924 vua Hoàng Thân Phụng Hóa sắc phong, Khải Định Cửu niên.
Ban thờ Chính Mẫu Đệ Tam Thoải Cung
Các sắc phong ghi trong thần phả gồm: Năm 1633 vua Lê Thần Tông, 1647 – 1649 vua Lê Chân Tông, 1650 – 1660 vua Lê Thần Tông, 1670 vua Lê Huyền Tông,1674 vua Lê Gia Tông, 1685 vua Lê Huy Tông, 1711 vua Lê Dụ Tông, 1730 vua Hôn Đức Tông, 1740 – 1767 – 1783 vua Lê Hiến Tông.
Đền Dầm thờ Mẫu Đệ Tam Thoải Cung, bên cạnh là Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên và Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn. Đây là Tam Tòa Thánh mẫu theo tâm thức của người Việt. Trong đền không những có miếu cô, miếu cậu mà người dân cũng không quên xây dựng một miếu thờ Hưng Đạo Vương ở nơi đây.
Lễ hội chính của Đền Dầm được tổ chức từ mùng 5 đến mùng 7 tháng 2 âm lịch, nhưng trên thực tế lễ hội kéo dài tới mười ngày tức từ mùng 1 đến hết ngày 10 tháng 2 hàng năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét