Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đình Đông Thành


Chủ Nhật 16, Tháng Mười Một 2014
  • delicious
  • googleplus
  • google
  • linkedin
  • live
  • reddit
Đình Đông Thành là ngôi đình của làng Đông Thành cũ. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa thành phố (năm 2014). Địa chỉ: số 7 phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tọa độ: 21°02’07"N 105°50’52"E, cách Hồ Gươm chừng 600m về hướng tây-bắc. Điểm dừng xe bus gần nhất: đoạn giữa phố Phùng Hưng (bus 01, 18, 23) hoặc đoạn cuối phố Hàng Lược (31).
JPEG - 151.5 kb
Tam quan đình Đông Thành sau trùng tu. Ảnh ©2014 NCCong

Lược sử

Xưa kia nơi đây vốn là ngôi đình chung của hai thôn Đông Thành và Đông Thành Thị. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn khi chép về các chợ cổ của Hà Nội có nói đến chợ Đông Thành (về sau chợ chuyển lên phường Đồng Xuân, gọi là chợ Đồng Xuân). Do có chợ nên tên thôn là Đông Thành Thị. Đến đời Minh Mạng (1820—1840), hai thôn Đông Thành và Đông Thành Thị sáp nhập thành làng Đông Thành ở phía trước cửa Đông Môn của tòa thành mới xây lại theo kiểu Vauban.
JPEG - 138.6 kb
Tượng Trấn Vũ và Hộ pháp trong đình Đông Thành. Ảnh ©2014 NCCong
Bản hương ước sửa lại năm Giáp Thân 1944 cho biết đình được xây dựng từ lâu đời, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Hai bên tam quan có cặp bia đá với dòng chữ “Đông Thành bi kí” ghi niên hiệu Minh Mạng, nói về những người cúng tiến, như thế ngôi đình đã tồn tại chừng 200 năm. Ngoài ra còn có 8 tấm bia khác, bao gồm “Trùng tu Đình Vũ bi kí” dựng năm Canh Tuất 1850 và “Đông Thành thị thôn bi lục” dựng năm Thành Thái 17 (1906) do người trong thôn cúng tiến.
Văn bia ghi niên hiệu Duy Tân 4 (1910), do ông Đỗ Ích (tú tài làng Đông Ngạc) soạn, cho biết: "Việc thờ tự miếu Tôn Thánh của thôn thị Đông Thành, truy nguyên ra kể từ khi bản thôn thờ miếu Tôn Thánh, được tắm gội ơn quang, đội ơn che chở, tính đến nay đã trăm năm. Trong thời gian ấy, miếu trùng tu nhiều lần, có ghi khắc bia đầy đủ. Đền miếu huy hoàng, lâu đài sừng sững thật trang nghiêm và linh thiêng".
JPEG - 145 kb
Sân đình Đông Thành sau trùng tu. ©2014 NCCong
Ngày 19-12-1946, trung đội tự vệ chiến đấu khu Đông Thành đã đóng ở ngôi đình này để chống cự quân Pháp từ Cửa Đông thành Hà Nội đánh ra. Trong tuần đầu tiên của cuộc kháng chiến, cụ Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Chính phủ Hồ Chí Minh, nhà ở số 32 phố Bát Sứ, bị kẹt lại trong vòng vây của địch. Các chiến sĩ tự vệ khu Đông Thành đã đưa cụ Tố và một số người dân ra ngoài an toàn. Sau đó đình là một trong những trạm cứu thương, trung chuyển thương binh của Liên khu I. Lúc ấy, nhà máy nước bị phá, không có nước dùng, các chiến sĩ đã đào giếng cạnh hậu cung. Giếng đó nay trở thành một di tích kháng chiến ở Hà Nội.
Tam quan đình Đông Thành trước khi trùng tu. Panorama ©2012 NCCong

Kiến trúc

Đình Đông Thành sau đó do chiến tranh phá hủy nên dần dần bị lấn chiếm, chỉ còn nguyên vẹn mỗi tam quan và hậu cung. Năm 2013, UBND quận Hoàn Kiếm quyết định chi 52 tỷ đồng để di chuyển trụ sở "Đội quản lý thị trường số 2" cùng 12 hộ dân dời khỏi khu vực di tích và tiến hành xây lại.
JPEG - 133.2 kb
Đình Đông Thành nhìn từ hữu vu. Ảnh ©2014 NCCong
Sáng 9-10-2014, đình Đông Thành đã được UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức khánh thành, đón bằng “Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố” và gắn biển “Công trình chào mừng 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô”. Riêng công trình xây dựng đã được dành 21 tỷ đồng để trùng tu các hạng mục kiến trúc, sân vườn và mở cửa hậu ra số 4 phố Hàng Bút. Theo nhà đầu tư, đình được khôi phục như kiến trúc gốc, riêng những đồ thờ và nội thất mới thì đều do dân cúng tiến.
Đình hiện nay có mặt bằng hình chữ “Công”, bao gồm: nghi môn, bái đường, thiêu hương, hậu cung; tất cả nằm trong một khuôn viên có diện tích gần 460m2. Mái đình lợp ngói ta, hai bên xây trụ cao, trên đắp hình con nghê. Góc sân bên trái tòa bái đường 3 gian 2 dĩ có đôi bia đá gắn vào tường. Bên phải vẫn còn một cây đa cổ thụ.
JPEG - 136.2 kb
Chính điện đình Đông Thành. ©2014 NCCong

Lưu ý

Ngoài các bia đá, trong đình có pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở hậu cung. Tượng bằng gỗ sơn, bên ngoài khoác áo, chiều cao 1,5m, bề rộng 0,8m; tạc vị thần ngồi oai nghiêm trên ngai rồng, mắt mở to, đầu trần, chân đất, tóc xoã sau lưng. Tay phải thần chống kiếm Tam thái thất tinh có rắn quấn quanh, mũi kiếm đặt trên lưng rùa. Tay trái giơ lên ngang ngực, ngón trỏ và ngón út chỉ thẳng lên trời làm phép kiểu “an uỷ ấn”. Ngón cái và ngón giữa tạo thành ấn quyết kiểu “vô thủy vô chung”. Kiểu ngồi niệm chú như thế Đạo giáo gọi là “giả toạ”, làm ta nhớ đến pho tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh.
JPEG - 166.2 kb
Ban thờ Tam Bảo và Thánh Tổ trong đình Đông Thành. Ảnh ©2014 NCCong
Đình làng Đông Thành vẫn giữ được 9 đạo sắc phong thần của các vua Nguyễn từ đời Thiệu Trị nguyên niên (1841) đến Khải Định thứ 9 (1925). Trong đình cũng có nhiều cổ vật như hoành phi, câu đối, ngai rồng, bài vị, nhang án, cửa võng; tất cả đều được sơn son thiếp vàng lộng lẫy.
Một trong những câu đối tại nơi đây ca ngợi công lao của thần Trấn Vũ như sau:
Nhất thốc Long Thành lưu miếu vũ
Thiên thu quy kiếm yểm gian tà

Tạm dịch là:
Một tổ Long Thành lưu miếu vũ
Ngàn năm rùa kiếm trấn gian tà
JPEG - 144 kb
Tượng Hộ pháp và Thổ thần trong đình Đông Thành. Ảnh ©2014 NCCong
Ngoài ra, trong đình còn có nhiều đồ thờ cúng khác như: mâm bồng, lọ hoa, cây nến lớn, bình thiên hương, choé có nắp thời Nguyễn, bốn ngai thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng, tượng Thổ thần, hai tượng Hộ pháp, một tượng Phật Thích Ca, hai pho tượng thị nữ đứng chầu. Mỗi năm, đình có hai kì lễ chính vào các ngày mồng 2, 3, 4 tháng Ba và mồng 8, 9, 10 tháng Chín âm lịch, gọi là lễ tế Xuân Thu nhị kì.

Di tích lân cận

Bản đồ trực tuyến


Đông Tỉnh

Tập hồ sơ

  • Thiết kế trùng tu đình Đông Thành. Ảnh ©2013 NCCong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét