Lược sử
Đền Ngọc Liên được xây vào khoảng thế kỷ thứ 19 tại thôn Liên Đường, thuộc tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Cổng đền hiện nay đối diện khách sạn Công Đoàn, mang số 23 phố Trần Bình Trọng, thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Diện tích ngày nay còn lại không nhiều, bao gồm đền Hạ và đền Thượng. Đền Hạ thờ hai bà mẹ của đức Thánh Tản là mẹ nuôi Ma thị Cao Sơn thần nữ và mẹ đẻ Thái Vĩ Đại Thánh tôn thần. Ngoài ra, tại đây còn phối thờ nhiều vị khác có liên quan đến tín ngưỡng Đạo Mẫu của dân gian Việt Nam.
Sân đền Hạ. Panorama ©NCCong 2016
Đền Thượng thờ đức Tản Viên sơn thánh, tức vị thần núi Ba Vì đứng đầu trong hệ thống thần linh "Tứ Bất Tử" của Việt Nam. Theo truyền thuyết, đó chính là chàng Sơn Tinh đã thắng Thủy Tinh trong cuộc đua cầu hôn Mỵ Nương con gái của Hùng Vương thứ 18, về sau lại khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán. Ngài còn được xem như vị Tổ đầu tiên trong các Tổ Bách nghệ, có công dạy dân ta làm ra lửa, săn bắn, kéo vó, trồng lúa, dệt lụa, luyện võ.
Kiến trúc
Đền Ngọc Liên đã trải qua một lần dựng lại vào năm 1948 và hai lần trùng tu lớn vào các năm 1994, 2000. Nhìn chung đến nay, khu di tích này vẫn giữ được khá nguyên vẹn phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Cổng đền nhìn về dãy núi Ba Vì ở hướng tây, xây kiểu tam quan đơn giản với các câu đối chữ Hán đắp nổi trên 4 trụ biểu. Bên trái sân đền Hạ có lối dẫn vào sân đền Thượng ở phía sau. Tất cả đều có cổ thụ che bóng.
Đền Hạ gồm tòa tiền tế 3 gian kết nối với hậu đường cũng 3 gian thành hình “chữ Nhị”. Gian bên tả của hiên nhà tiền tế có bài trí ban thờ một pho tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Tại chính điện có ban thờ hai bà mẹ của đức Thánh Tản và các vị thần liên quan đến tín ngưỡng của dân gian Việt Nam.
Thềm rồng dẫn lên đền Thượng rất cao, hai bên chiếu nghỉ có lầu nhỏ thờ Mẫu. Tòa tiền tế gồm 3 gian cửa gỗ bức bàn và quay hướng đông, kết nối với hậu đường 3 gian thành hình “chữ Nhị”, bên trong thờ Tản Viên sơn thánh. Tại đầu hồi bên hữu còn có một lầu nhỏ nữa với pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bé xíu đứng giữa 3 tấm bia đá gắn vào tường.
Lưu ý
Đền Ngọc Liên hiện nay lưu giữ được 5 tấm bia đá chép các sự việc như trùng tu, công đức, gửi hậu dưới các triều vua thời Nguyễn. Bia sớm nhất dựng năm Tự Đức (1869), bia muộn nhất mang niên hiệu Bảo Đại thứ 9 (1934). Lại có một tượng chó thờ bằng đá, một chuông đồng đề "Mạnh Liên tự chung" đúc năm Thành Thái thứ 12 (1900) và một quả chuông khác đề "Thánh Mẫu từ chung" ghi niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919).
Ngoài ra, trong khu di tích còn có một hệ thống tượng tròn đặc sắc bao gồm 11 pho và các di vật bằng gỗ chạm như: hương án, cửa võng, hoành phi, cuốn thư, khám thờ... được trang trí với những đề tài rồng chầu mặt trời, hoa chanh, cánh sen, hoa dây, vân mây đan xen, điển hình cho phong cách nghệ thuật của các thế kỷ 19-20.
Ngày 14 tháng 8 năm 2007 tại đền Ngọc Liên đã long trọng diễn ra lễ đón nhận và gắn biển Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật do UBND thành phố Hà Nội công nhận.
Bản đồ trực tuyến
Di tích lân cận
- Chùa Quán Sứ: số 73 phố Quán Sứ.
- Chùa Quang Hoa: số 31 phố Trần Bình Trọng.
- Chùa Thiên Phúc: số 94 phố Hai Bà Trưng.
- Chùa Tiên Tích: số 110 phố Lê Duẩn.
- Chùa Vũ Thạch: số 13 phố Bà Triệu.
- Đình Vũ Thạch: số 13 phố Bà Triệu.
Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét