Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đền Thụy Hương


Đền Thụy Hương có lẽ muộn nhất cũng được xây vào khoảng đầu thế kỷ 17, thờ các Thánh Tam Giang. Xếp hạng: Di tích Lịch sử—Văn hóa quốc gia (năm 1990). Địa chỉ: làng Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Tọa độ: 21°14’54"N 105°47’10"E; cách Hồ Gươm hơn 28km về hướng bắc. Điểm dừng xe bus gần nhất: Trạm soát vé trên đường Võ Văn Kiệt đi Nội Bài (bus 07, 56, 58).
Du khách có thể lên bus 07 từ Bến xe Cầu Giấy hoặc bus 56, 58 từ Bến xe Nam Thăng Long và xuống ở Trạm soát vé trên đường cao tốc Võ Văn Kiệt chạy về hướng sân bay Nội Bài. Sau đó rẽ vào con đường bê tông của làng Thụy Hương và đi sang phía đông gần 1km thì sẽ nhìn thấy cây đa to của ngôi đền ở ngay ven bờ bắc Ngũ Huyền Khê tức sông Cà Lồ.

Lược sử

Làng Thụy Hương có nguồn gốc rất xa xưa. Dưới thời vua Lý Nam Đế (544—548) gọi là làng Gia Hạ, lúc đầu ở tại Đồng Nẻ, về sau chuyển về sát sông Cà Lồ. Năm 557, thời Triệu Việt Vương, làng Gia Hạ đổi tên thành Hương Gia. Đến năm 1916, thời Nguyễn, làng đông dân nên chia đôi thành Hương Gia và Thụy Hương, thuộc về tỉnh Bắc Ninh. Ngày 20/6/1949, Thụy Hương thuộc xã Phú Cường, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú. Ngày 05/5/1977, huyện Kim Anh hợp nhất với huyện Đa Phúc thành huyện Sóc Sơn. Ngày 29/12/1978 huyện Sóc Sơn chuyển về TP Hà Nội.
Trước cổng đền Thụy Hương. Panorama (c)2017 NCCong
Đền Thụy Hương thờ 4 anh em Trương, Hống, Trương Hat, Trương Lừng, Trương Lầy cùng bà em Đạm Nương có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương. 3 ông anh đầu được vua Triệu Việt Vương phong tướng, sau khi mất họ đã được nhân dân tôn làm Thánh Tam Giang và thờ phụng ở nhiếu làng xã dọc theo con sông Cà Lồ.
Đền được khởi dựng dưới thời Mạc hoặc Lê Trung hưng, đạo sắc phong sớm nhất hiện còn lưu giữ trong đền có ghi niên đại Phúc Thái thứ 5 (năm 1647). Dân sở tại cho biết trước kia đền nằm ở gần đường trục của làng, sau gặp nhiều chuyện không hay nên mới phải lùi khoảng 50m về vị trí bây giờ.
Ngày 05/3/1990, ngôi đền đã được Bộ Văn hoá — Thông tin xếp hạng và công nhận là Di tích Lịch sử—Văn hóa quốc gia.

Kiến trúc

Đền Thụy Hương xây trên một khoảnh đất rộng ven sông, xung quanh có tường bao. Đền đã được trùng tu nhiều lần, nay mang dáng dấp phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Năm 1928 nhà trung đường, nhà cầu và hậu cung đã được sửa chữa. Năm 1940 sửa nhà tiền đường. Gần đây lại sửa toàn bộ và mở thêm 1 cổng phụ vào bãi đỗ xe.
Mặt đền nhìn về hướng nam sang khu biệt thự Quang Minh ở bên kia sông Cà Lồ, lưng đền quay ra đường làng. Cạnh cổng đền có một cây đa lông khá to đã được xếp hạng là "Cây di sản Việt Nam". Trong khuôn viên của di tích hiện nay còn giữ được gần đầy đủ các công trình kiến trúc, sát bức tường bên phải lại mới có thêm một nhà giải vũ với bia ghi tên những người đóng góp công đức tu sửa đền.
Từ đường xóm đi vào qua cổng đền ta sẽ thấy một sân gạch rộng, bên trái là tòa nhà tiền đường 7 gian, xây kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai. Ngôi đền có mặt bằng nền với bố cục “Tiền chữ Nhất, hậu chữ Công”. Nhà trung đường (toà đại bái) gồm 5 gian 2 chái, nhà cầu và hậu cung đều rộng 3 gian. Bên trong đền còn giữ được một số mảng chạm khắc và di vật in đậm phong cách nghệ thuật hồi thế kỷ 17, 18.

Bản đồ trực tuyến

Di tích lân cận


Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét