Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đình và đền Nhân Nội


Thứ Ba 18, Tháng Mười Một 2014
  • delicious
  • googleplus
  • google
  • linkedin
  • live
  • reddit
Đình Nhân Nội ở số nhà 33 phố Bát Đàn, thờ Bạch Mã đại vương; còn đền Nhân Nội ở số 84 phố Hàng Bồ, thờ công chúa Lân Ngọc. Đình và đền xa nhau chừng trăm bước, đều thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Toạ độ: 21°02’01"N 105°50’49"E; cách Hồ Gươm hơn 600m về hướng tây-bắc. Điểm dừng xe bus gần nhất: đoạn giữa phố Phùng Hưng (bus 01, 18, 23) hoặc Hàng Cân (31).
Đình và đền Nhân Nội ở trên đất của thôn Nhân Nội xưa; vào đầu thế kỷ 19 thôn này đô thị hóa và có tên nôm là Hàng Nồi, thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, phía đông thành Hà Nội.
JPEG - 60.2 kb
Mặt tiền đình Nhân Nội. Ảnh ©2012 NCCong

Đình Nhân Nội

Đình Nhân Nội được khởi dựng từ bao giờ vẫn là câu hỏi mà hiện nay chưa có tư liệu nào để trả lời chính xác. Trong đình thờ Bạch Mã đại vương, một vị thần thượng cổ và đứng đầu hệ thống “Tứ trấn Thăng Long”. Hiện nay đình nằm ở góc phố Bát Đàn—Hàng Điếu, rất gần đền Hỏa Thần ở nhà số 30 phố Hàng Điếu.
Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, các đồ thờ bị thất lạc, ngôi đình từng được dùng làm trụ sở của đội Tự vệ phố, sau đó làm nhà mẫu giáo của phường. Năm 1993, đình được tu sửa lại khang trang, thờ thêm tượng Phật và tượng Mẫu, biểu hiện sự dung hoà tôn giáo của người Việt.
JPEG - 131.7 kb
Cửa đình Nhân Nội. Ảnh ©2014 NCCong
Đình Nhân Nội gồm hai nếp nhà tiền tế và hậu cung được xây song song thành hình chữ “Nhị”. Cổng đình do diện tích nhỏ nên cũng là cửa ra vào nhà tiền tế. Phía ngoài cổng xây các trụ đắp câu đối, đỉnh trụ đắp hình con nghê, chính giữa đắp hình cuốn thư, trong có 4 chữ Hán “Nhân Nội Linh Từ”. Sau lại đắp thêm tên đình viết nhỏ hơn bằng chữ Quốc ngữ ở ngay phía trên cánh cổng giữa.
Tiền tế được làm theo kiểu một gian mái dốc, đổ bê tông, trên mái đắp giả ngói ống, nền lát gạch đá hoa. Trong nhà đặt hương án và đồ bát bửu. Hậu cung cũng được làm một gian mái vòm đổ bê tông dán ngói ống. Bên trong xây bệ thờ đặt tượng Phật, ngai thờ bài vị của thần Bạch Mã, hai bên là tượng Mẫu…
Ngã phố Bát Đàn—Bát Sứ. Panorama ©2014 NCCong
Hiện nay đình Nhân Nội lưu giữ được một số di vật đáng quý như: 17 đạo sắc phong cho thần Bạch Mã. Sắc phong sớm nhất ghi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (năm 1710) và muộn nhất là Duy Tân thứ 3 (1909). Bên cạnh đó lại có long ngai bài vị thờ Bạch Mã đại vương được tạo tác vào cuối triều Nguyễn, với những nét chạm đẹp và thanh thoát. Đây là những di vật có giá trị về sử liệu và nghệ thuật.
JPEG - 153.3 kb
Trong đình Nhân Nội. Ảnh ©2015 NCCong
Trong đình còn có một bộ vũ khí cổ và các hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng. Bình đồng, lư hương đồng và các tượng Phật hầu hết đều mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ 20. Sự nhóm họp các pho tượng trong một thể tổng hợp giữa Thần và Phật phản ánh quan niệm “tam giáo đồng nguyên” của nhiều người Việt thời trước.
Lễ hội đình Nhân Nội diễn ra hàng năm vào ngày 13 tháng 2 và 13 tháng 8 âm lịch nhân dịp kỷ niệm ngày sinh và ngày hoá của thần Bạch Mã.

Đền Nhân Nội

Đền Nhân Nội thờ công chúa Lân Ngọc. Theo tư liệu dân gian thì ngôi đền đã tồn tại ít nhất từ đầu triều Nguyễn. Năm 1952, đền được sửa chữa, thay 4 cột gỗ, sửa mái tiền đường và tu bổ phần hậu cung, thờ thêm tượng Mẫu. Sau đó có thời kỳ đền được sử dụng làm lớp học cho trường PTCS Lê Văn Tám. Năm 1993, hậu cung được trùng tu với khung bê tông. Năm 1997, tiền đường và trung đường được tu bổ lại theo lối kiến trúc như ta thấy hiện nay.
JPEG - 150.7 kb
Cổng và hành lang đền Nhân Nội. Ảnh ©2013 NCCong
Cổng đền được xây trụ nhỏ, thân trụ đắp câu đối, bên trên là mái đắp giả ngói ống. Trên cổng đắp nổi 3 chữ Hán “Nhân Nội Từ”; cánh cổng bên dưới làm bằng gỗ. Tòa đền chính xây theo kiểu chữ “Tam”, gồm có 3 nếp nhà xếp song song: tiền đường, trung đường và hậu cung. Tiền đường có 3 gian với 2 vì kèo gỗ làm kiểu quá giang trụ trốn, mái nhà lợp ngói tây.
Trung đường làm bán mái đổ bê tông, trên dán ngói vẩy rồng. Chính giữa xây bệ đặt khám thờ Đức Đại vương, hai bên là khám nhỏ thờ ông Hoàng Bảy và Hoàng Mười. Phía trước ban thờ Đức Đại vương có một ngai nhỏ, có lẽ để thờ công chúa Lân Ngọc. Còn ở hai bên bức tường hồi đặt các ban thờ Cô, thờ Cậu.
Trước cổng đền Nhân Nội. Panorama ©2012 NCCong
Hậu cung rộng 3 gian, mái cao vượt, khung giằng bê tông. Nếp nhà này được nối với trung đường bằng 2 cửa ra vào, đại tự một bên ghi “Sơn Trang Động”, một bên ghi “Thánh Mẫu Cung”. Hậu cung có hai án gian, ở giữa đặt khám lớn, trong thờ tượng Mẫu Liễu Hạnh. Gian bên phải đắp động Sơn Trang, trong thờ Bà chúa Thượng Ngàn, bên trái đặt hai khám thờ Ngũ vị tôn ông và Tứ phủ chầu bà. Tất cả các khám thờ, nhang án đều được chạm trổ tinh xảo và sơn son thiếp vàng. Như vậy hiện nay ở đây ngoài việc thờ công chúa Lân Ngọc còn thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian.
Đền Nhân Nội còn lưu giữ một số bảo vật như 6 đạo sắc phong thần, sắc sớm nhất ghi niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846), muộn nhất là Duy Tân thứ 3 (1909). Bên cạnh đó còn có ngai thờ, khám thờ mang phong cách nghệ thuật các thế kỷ 19 và 20 với những nét chạm đẹp, tinh tế.

Di tích lân cận

Bản đồ trực tuyến


Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét