Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đền Mê Linh


Đền Mê Linh thờ Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (năm 2014). Địa chỉ: thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Toạ độ: 21°9’19"N 105°44’4"E, cách Hồ Gươm khoảng 27km về hướng tây-bắc. Từ Hà Nội có tuyến bus 35 chạy thẳng từ phố Trần Khánh Dư qua Tràng Tiền đến Mê Linh với điểm dừng cách đền 1,5km.
JPEG - 173.2 kb
Tam quan ngoại đền Hai Bà Trưng. Ảnh ©2015 NCCong

Lược sử

Tương truyền Trưng Trắc và Trưng Nhị sinh ngày mồng 1 tháng Tám năm Giáp Tuất (tức năm 14 đầu Công nguyên) tại làng Cổ Lôi[1] trong gia đình Lạc tướng huyện Mê Linh. Bà mẹ là Man Thiện, dòng dõi vua Hùng, quê làng Nam Nguyễn dưới chân núi Tản Viên bên kia sông Hồng[2]. Lớn lên, hai chị em sinh đôi có ý chí và bản lĩnh khác thường. Năm 19 tuổi, Trưng Trắc xe duyên với Thi Sách - con trai Lạc tướng huyện Chu Diên. Địa phận Mê Linh và Chu Diên giáp nhau, hai gia đình đều là Lạc tướng nên thế lực càng thêm lớn mạnh.
JPEG - 117.1 kb
Lời thề khắc đá trước tam quan nội. Ảnh ©2015 NCCong
Thời đó nước Âu Lạc bị xâm lược và Bắc thuộc đã 2 thế kỷ. Chính sách hà khắc của nhà Đông Hán bắt buộc Thi Sách tính kế nổi dậy. Việc thái thú Tô Định ngày mồng 10 tháng 11 âm lịch (năm 39) bắt giết ông đã làm tức nước vỡ bờ. Theo truyền thuyết thì Hai Bà khởi sự ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch tức khoảng tháng 2 năm 40 dương lịch, sách Tàu ghi là mùa xuân, tháng 2, niên hiệu Kiến Vũ thứ 16.... Trưng Trắc trước khi ra quân đã lập Đàn thề ở cửa sông Hát Môn. Về sau, lời nguyền của Bà được đúc thành 4 câu thơ:
Một xin rửa sạch thù nhà
Hai xin lấy lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba xin thỏa tấm lòng chồng
Bốn xin trọn vẹn sở công lênh này.

Tam quan đền Hai Bà. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 137.7 kb
Tam quan nội đền Hai Bà Trưng. Ảnh ©2015 NCCong
Cuộc khởi nghĩa nhận được sự ủng hộ của các Lạc tướng và cư dân đồng bằng sông Hồng rồi mau chóng lan ra khắp địa bàn nước Nam Việt và Âu Lạc cũ. Từ Hát Môn, Hai Bà dẫn quân phá Đô uý trị của giặc ở Hạ Lôi, rồi thốc xuống chiếm thành Cổ Loa, vượt sông Hoàng, sông Đuống, xuôi sông Dâu đánh trị sở Luy Lâu. Tô Định sợ không dám chống cự mà lẻn trốn về Nam Hải. Nghĩa quân từ Giao Chỉ bèn tiến vào Cửu Chân, Nhật Nam rồi quay lên bắc đánh Uất Lâm, Hợp Phố… chỉ trong vòng 2 tháng đã hạ được 65 huyện thành, giải phóng toàn bộ Lĩnh Nam, giành lại độc lập.
JPEG - 230 kb
Đền Hai Bà nhìn từ tam quan nội. Ảnh ©2015 NCCong
Mùa hè năm Canh Tý, Trưng Trắc lên ngôi Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh và miễn thuế liền 2 năm cho dân[3].
Mùa hè năm 42, vua Hán Quang Vũ phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, đem 2 vạn quân sang đánh nước ta. Hai Bà đã thắng trận đầu; sau thì mắc mưu địch ở Lãng Bạc, bị rơi vào vây hãm và thiệt hại nặng, phải lui về Cấm Khê. Ngày 6 tháng 3 Quý Mão (năm 43), Hai Bà gieo mình xuống sông Hát Môn để khỏi sa vào tay giặc. Các tướng còn lại vẫn anh dũng chống cự đến người cuối cùng. Sự nghiệp Hai Bà Trưng vang dội cả Trung Quốc, Phạm Diệp có chép trong sách Hậu Hán Thư (thế kỷ 5).

Sân đền Hai Bà Trưng. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 175.6 kb
Đền Hai Bà Trưng. Ảnh ©2015 NCCong
Khí phách Hai Bà Trưng lưu truyền từ đời này sang đời khác. 20 thế kỷ đã trôi đi nhưng cuộc khởi nghĩa đầu tiên vẫn khắc sâu trong lòng mỗi người dân nước Việt. Ở Mê Linh cũng như nhiều nơi trong cả nước đều có đền thờ, hàng năm nhân dân tổ chức lễ hội trang trọng để tưởng nhớ công đức của Hai Bà và các tướng lĩnh.
Tương truyền dưới triều Lý Anh Tông (1138-1175) có lần hạn hán to. Nhờ Hai Bà báo mộng nên vua làm lễ cầu đảo được mưa cho dân cày cấy, bèn truyền lập đền thờ ngay trên mảnh đất Hai Bà sinh ra và lớn lên. Chính tại đây Trưng Trắc đã đóng đô và xưng danh Nữ Vương đầu tiên của nước ta.
Vào khoảng năm 1943-1944, Tổng bí thư Đảng Cộng sản là Trường Chinh đã lấy đền Mê Linh làm một trong những nơi hội họp bí mật, chuẩn bị cho việc giành chính quyền. Sau này cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đã diễn ra thắng lợi ngày 19-8-1945.

Khu bên tả đền Hai Bà Trưng. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 129.3 kb
Bên hữu đền Hai Bà Trưng. Ảnh ©2015 NCCong

Kiến trúc

Đền Mê Linh được xây theo kiểu "nội đinh, ngoại thất", bên trong có trung điện và hậu cung, phía trước là tiền tế, cổng tam quan bên ngoài nhìn về hướng tây-nam. Trải qua 9 thế kỷ, đến nay đã có nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, với 4 lần được ghi chép rõ. Tương truyền, thời Hậu Lê có quan Thượng Láng trên đường về kinh, qua đền không xuống voi, Hai Bà liền bắt voi phủ phục. Sau đó vị quan đã cho sửa đền và xoay hướng tây bắc. Vì thế mà trong đền còn có một số đồ thờ làm từ thế kỷ 17.
JPEG - 168.3 kb
Bên tả đền Hai Bà Trưng. Ảnh ©2015 NCCong
Đời vua Tự Đức, ông Nguyễn An Liên người Hạ Lôi làm phủ uý An Lãng. Thấy dân tình không yên, ông bèn cùng bô lão xoay trả hướng đền như cũ và phá bỏ dãy nhà bên để mở rộng sân cho tiện việc tế rước. Cuối năm đó (Tân Tỵ 1881) có bão to làm đổ tam quan. Ông Bích người làng Hạ Lôi, do ủng hộ chiếu Cần Vương được Tôn Thất Thuyết mời vào kinh đô Huế. Khi trở ra ông lấy mẫu Ngọ Môn để xây lại tam quan và còn trùng tu cả tòa tiền tế. Năm 1934, tri phủ An Lãng giao chánh tổng đứng ra đốc xuất trùng tu trung điện, cho nên kiến trúc có thay đổi.
JPEG - 86.5 kb
Khám thờ Hai Bà Trưng. Ảnh ©2016 NCCong
Ngày 29-8-2002, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định số 3196/QĐ-UB phê duyệt dự án quy hoạch, tôn tạo tổng thể đền thờ Hai Bà Trưng, được Bộ Văn hoá và Thông tin chấp thuận. Trong giai đoạn 2002-2005 đã tu bổ, tôn tạo 3 toà đền chính; sơn son thếp bạc các cấu kiện gỗ của 3 toà và tu bổ toàn bộ nội thất. Dịch chuyển nhà tả mạc, hữu mạc để nới rộng không gian; cải tạo hồ bán nguyệt và sân trước tiền tế; xây dựng đền thờ cha mẹ của Hai Bà và của ông Thi Sách; đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà; khôi phục lại thành ống và hộp thư bí mật v.v… Trong giai đoạn 2005-2010 đã xây dựng các công trình phục vụ du khách và hệ thống đường giao thông liên quan.

Tam quan ngoại đền Hai Bà Trưng. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 171.6 kb
Đền thờ cha mẹ và chồng Bà Trưng. Ảnh ©2015 NCCong

Lưu ý

Hàng năm, tại khu di tích Mê Linh nhân dân mở hội tế Hai Bà Trưng từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng âm lịch. Ngày mồng 6 là chính hội.
Trong đền hiện lưu giữ được một số tác phẩm điêu khắc có giá trị nhiều mặt như đôi rồng đá ở thềm trung điện... Các bức cửa võng, khám thờ cùng các bộ kiệu rước đều được trang trí bằng chạm khắc trên gỗ rất đẹp và mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Những đề tài thường thấy là: long chầu nguyệt, phượng càn thư, hổ phù, long phượng tòng vân, cúc sen hoá rồng, hoa chanh, cúc dây….
Đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh có ý nghĩa lịch sử và tâm linh sâu sắc, năm 1980 đã được xếp hạng Di tích quốc gia và năm 2014 nâng thành Di tích quốc gia đặc biệt. Sau đợt đại trùng tu, ngôi đền có quy mô thuộc hàng đầu trong số các di tích của cả nước, xứng đáng với công lao vĩ đại của Hai Bà Trưng đối với dân tộc Việt.

Bản đồ trực tuyến


Chú thích

[1] Cổ Lôi tức Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thuộc TP Hà Nội bây giờ.
[2] Hiện vẫn còn Miếu Mèn thờ bà Man Thiện. Làng Nam Nguyễn xưa ở địa phận tổng Cam Giá, trấn Sơn Tây; nay thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Man Thiện còn là tên của một con đường chạy qua 2 phường Hiệp Phú và Tăng Nhơn Phú A, tại Quận 9, TP HCM.

JPEG - 322.2 kb
Ban thờ chồng và cha mẹ Bà Trưng. Ảnh ©2015 NCCong

[3] Thế kỷ 19, “Đại Nam quốc sử diễn ca” viết:
“Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
Ngàn tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành.
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
Ba thu gánh vác sơn hà,
Một là báo phục, hai là bá vương”.

Đông Tỉnh


Thăm đền Hai Bà Trưng đất Mê Linh


Từ ngàn xưa, chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai nhân vật luôn được người Việt tôn thờ. Ở nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và ngay ở nội thành Hà Nội cũng có đền thờ hai Bà. Tuy nhiên, quy mô nhất và lâu đời nhất phải kể đến đền thờ Trưng Vương trên vùng đất Mê Linh, trung tâm cuộc khởi nghĩa của hai nữ anh hùng. Vẻ đẹp và không khí trang nghiêm ở đây khiến những ai đã một lần thăm viếng sẽ nhớ mãi.
Đền tọa lạc trên một khu đất cao, thoáng đãng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trước đây). Công trình thường được người trong vùng gọi là đền Nhị vị Thánh tổ, được dựng trên nền nhà cũ cũng chính là quê hương của hai Bà. Truyền thuyết xưa kể lại rằng đền vốn nằm trên lưng con voi trắng quỳ chầu một hồ nước thiêng. Thế nên đến tận bây giờ trong khuôn viên vẫn còn vết tích như ao mắt voi, vòi voi và hồ ao bàng tức ao voi Bà Trưng (tương truyền bên ao này trước đây có cây bàng rất lớn, thủa bình sinh hai Bà thường cho voi tắm ở đây), cạnh đó là đường kéo quân của hai Bà xưa kia chạy vòng trước đền. Ngoài cùng là khu vực thành cổ gồm hai lớp, trong là thành, ngoài là quách, dân gian gọi là thành ống. Có người bảo đó là thành Chu Diên, có người lại nói rằng đó là tòa thành mà Hai Bà Trưng cho xây đắp để chống quân Mã Viện. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một tòa thành vuông vức được xây dựng công phu, to hơn thành Luy Lâu cùng thời và diện tích rộng ngang với thành Cổ Loa thời An Dương Vương trước đó.

Thăm đền Hai Bà Trưng đất Mê Linh
Một góc đền
Thăm đền Hai Bà Trưng đất Mê Linh
Lầu tả vu

Được xây dựng lần đầu dưới thời vua Lý Anh Tông (1150-1175), cho đến nay đã qua năm lần trùng tu và mở rộng, đền vẫn trông về hướng Tây Nam nhưng kiến trúc về cơ bản thì mang phong cách thời Nguyễn, kiểu “nội chữ đinh, ngoại chữ nhất”: Trong có trung điện, hậu cung, ngoài có tiền tế, ngoài cùng có tam quan. Tất cả nằm trong một khuôn viên rộng tới 4 – 5ha. Các tác phẩm điêu khắc đẹp của đền gồm có đôi rồng đá ở trước thềm tòa trung điện, các bức cửa võng, khám thờ đều bằng gỗ quý được chạm khắc theo các đề tài: Long triều nguyệt, phượng cầm thư, long phượng tòng vân, cúc sen hóa rồng, các loại hoa chanh, cúc, hổ phù… Ngoài ra là các bộ kiệu rước, hoành phi, câu đối thể hiện khí phách của hai Bà.

Thăm đền Hai Bà Trưng đất Mê Linh
Phong cảnh Mê Linh

Trước đây, vào mỗi mùa xuân, hội đền Trưng Vương luôn được người dân cả vùng Vĩnh Phúc mong đợi. Hội diễn ra trong bốn ngày đầu tháng Giêng: Mùng 5 lễ yết, mùng 6 kỷ niệm ngày hai Bà tế cờ khởi nghĩa, mùng 7 – ngày hai Bà đăng quang ban yến (hai ngày này tổ chức tế và rước). Làng Hạ Lôi, xã Mê Linh xưa có 36 giáp. Đến hội, mỗi giáp đều giã bánh giày (hoặc làm xôi nén), dâng thêm hai nồi gạo nếp cùng hai con lợn đen để làm lễ phẩm, sau đó làm lễ rước kiệu hai Bà và ông Thi Sách. Cuối cùng là các tiết mục trò chơi: đấu vật, kéo co, chơi đu, chọi gà, cờ tướng, kéo quân… tưng bừng náo nhiệt một vùng. Sang mồng 8 thì làng rã đám.

Thăm đền Hai Bà Trưng đất Mê Linh
Toàn cảnh đền hai Bà
Thăm đền Hai Bà Trưng đất Mê Linh
Suối nhỏ trong đền

Đất Mê Linh giờ đã đổi thay nhiều, song bước chân vào những ngôi đền cổ kính trong một ngày bình thường, du khách sẽ thấy lại được phần nào những nét đẹp và chiều sâu tâm linh của văn hóa Việt xưa.
Văn Thanh

Thăm đền Hai Bà Trưng đất Mê Linh

 Toàn cảnh đền hai Bà
Từ ngàn xưa, chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai nhân vật luôn được người Việt tôn thờ. Ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và ngay ở nội thành Hà Nội cũng có đền thờ hai Bà. Tuy nhiên, quy mô nhất và lâu đời nhất phải kể đến đền thờ Trưng Vương trên vùng đất Mê Linh, trung tâm cuộc khởi nghĩa của hai nữ anh hùng. Vẻ đẹp và không khí trang nghiêm ở đây khiến những ai đã một lần thăm viếng sẽ nhớ mãi.
Một góc đền
Đền tọa lạc trên một khu đất cao, thoáng đãng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trước đây). Công trình thường được người trong vùng gọi là đền Nhị vị Thánh tổ, được dựng trên nền nhà cũ cũng chính là quê hương của hai Bà. Truyền thuyết xưa kể lại rằng đền vốn nằm trên lưng con voi trắng quỳ chầu một hồ nước thiêng. Thế nên đến tận bây giờ trong khuôn viên vẫn còn vết tích như ao mắt voi, vòi voi và hồ ao bàng tức ao voi Bà Trưng (tương truyền bên ao này trước đây có cây bàng rất lớn, thủa bình sinh hai Bà thường cho voi tắm đây), cạnh đó là đường kéo quân của hai Bà xưa kia chạy vòng trước đền. Ngoài cùng là khu vực thành cổ gồm hai lớp, trong là thành, ngoài là quách, dân gian gọi là thành ống. Có người bảo đó là thành Chu Diên, có người lại nói rằng đó là tòa thành mà Hai Bà Trưng cho xây đắp để chống quân Mã Viện. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một tòa thành vuông vức được xây dựng công phu, to hơn thành Luy Lâu cùng thời và diện tích rộng ngang với thành Cổ Loa thời An Dương Vương trước đó.
Đội tượng binh
Được xây dựng lần đầu dưới thời vua Lý Anh Tông (1150 – 1175), cho đến nay đã qua năm lần trùng tu và mở rộng, đền vẫn trông về hướng Tây Nam nhưng kiến trúc về cơ bản thì mang phong cách thời Nguyễn, kiểu “nội chữ đinh, ngoại chữ nhất”: Trong có trung điện, hậu cung, ngoài có tiền tế, ngoài cùng có tam quan. Tất cả nằm trong một khuôn viên rộng tới 4 – 5 ha. Các tác phẩm điêu khắc đẹp của đền gồm có đôi rồng đá ở trước thềm tòa trung điện, các bức cửa võng, khám thờ đều bằng gỗ quý được chạm khắc theo các đề tài: Long triều nguyệt, phượng càm thư, long phượng tòng vân, cúc sen hóa rồng, các loại hoa chanh, cúc, hổ phù… Ngoài ra là các bộ kiệu rước, hoành phi, câu đối thể hiện khí phách của hai Bà .
Lầu tả vu
Trước đây, vào mỗi mùa xuân, hội đền Trưng Vương luôn được người dân cả vùng Vĩnh Phúc mong đợi. Hội diễn ra trong bốn ngày đầu tháng Giêng: Mùng 5 lễ yết, mùng 6 kỷ niệm ngày hai Bà tế cờ khởi nghĩa, mùng 7 – ngày Hai Bà đăng quang ban yến (hai ngày này tổ chức tế và rước). Làng Hạ Lôi, xã Mê Linh xưa có 36 giáp. Đến hội, mỗi giáp đều giã bánh giày (hoặc làm xôi nén), dâng thêm hai nồi gạo nếp cùng hai con lợn đen để làm lễ phẩm, sau đó làm lễ rước kiệu hai bà và ông Thi Sách. Cuối cùng là các tiết mục trò chơi: Đấu vật, kéo co, chơi đu, chọi gà, cờ tướng, kéo quân… tưng bừng náo nhiệt một vùng. Sang mồng 8 thì làng rã đám.
Suối nhỏ trong đền
Đất Mê Linh giờ đã đổi thay nhiều, song bước chân vào những ngôi đền cổ kính trong một ngày bình thường, du khách sẽ thấy lại được phần nào những nét đẹp và chiều sâu tâm linh của văn hóa Việt xưa.
Phong cảnh Mê Linh
Ảnh: Vũ Tuấn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét