Cảm xúc thật khó diễn tả khi đặt chân lên mỏm đất nhìn rõ ngã ba sông - nơi sông Hồng chảy vào đất Việt.
Thật lạ, ở chỗ hòa vào nhau ấy, dường như sông lại hiền hòa, làm người ta muốn hay không cũng phải sống chậm lại, ngẫm nghĩ và cảm nhận về cuộc sống của người dân vùng biên, của những chiến sĩ biên phòng.
Điểm hẹn của chúng tôi là thôn Lũng Pô I, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đường từ thành phố Lào Cai đến xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) ngoằn nghoèo và có những đoạn vẫn là đường đất khiến xe lắc lư, khiến người cầm lái, dù là ôtô hay xe máy cũng phải cứng tay hơn. Cung đường này khá đẹp khi đi thẳng hướng Bản Vược - Trịnh Tường bởi chạy dọc sông Hồng. Nhìn bên kia là Trung Quốc. Những người bạn trẻ chúng tôi gặp trên đường đã đi ôtô từ Hà Nội lên Lào Cai rồi thuê xe máy đến Lũng Pô. Đích mà cả chúng tôi và các bạn trẻ đến là Cột cờ Lũng Pô (thôn Lũng Pô I, huyện Bát Xát).
Đi đến cột mốc 92, người bạn đồng hành kể rằng, Lũng Pô là tên 1 con suối của huyện Bát Xát, chia đường phân thủy hai nước Việt - Trung. Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt. Đứng từ đây đã nhìn rõ được ngã 3 sông, 1 dòng đậm, 1 dòng nhạt cùng hòa vào nhau. Bình - một bạn trẻ mới tốt nghiệp Đại học, đi phượt Lũng Pô - chia sẻ: Đường lên đây không khó đi như những vùng núi khác nhưng cũng chưa nhiều người biết đến nơi này, vì vậy, em và các bạn quyết tâm đến tận nơi, không chỉ để nhìn nơi 2 dòng chảy chập vào 1
mà còn để được lên cột cờ Lũng Pô ngắm toàn cảnh vùng biên.
mà còn để được lên cột cờ Lũng Pô ngắm toàn cảnh vùng biên.
Cột cờ Lũng Pô mà Bình và các bạn “nhất định phải đến”, mới được khánh thành cuối năm 2017. Bước qua những bậc thang xoáy trôn ốc khá cao, sẽ có những cánh cửa mở ra cả 1 vùng trời bao la, khi ấy, tầm mắt được bao quanh với những dãy núi xanh rì. Ngước nhìn lá cờ Tổ quốc bay phần phật trong gió, không ai bảo, tất cả chúng tôi đều lặng đi. Bởi, nơi đây đã có những chiến sĩ biên phòng ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc. Giờ, từng phút, các anh vẫn ngày đêm thầm lặng bảo vệ đường biên, mốc giới của đất nước.
Cột cờ Lũng Pô sẽ không chỉ là công trình khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia mà còn là nơi mỗi người con đất Việt nhớ về những lịch sử, trân trọng quá khứ để thêm yêu mảnh đất hình chữ S. Tổng chiều cao cột cờ là 41m, trong đó, phần thân là 31,43m. Những đồng nghiệp ở Lào Cai bảo, con số này rất đặc biệt, vì chiều cao của đỉnh Fansipan có chiều cao 3.143m (so với mặt nước biển). Diện tích 25m2 của lá cờ treo trên cột cờ Lũng Pô tượng trưng cho 25 dân tộc anh em sinh sống ở Lào Cai…
Sau chuyến đi, tình cờ, chúng tôi gặp lại Bình và 5 người bạn trong nhóm ở thành phố Lào Cai. Bình bảo, “mục tiêu đứng trên cột cờ Lũng Pô ngắm vùng biên ải đã hoàn tất. Giờ, bọn em cứ nghe đi nghe lại bài hát Gửi em ở cuối sông Hồng vì có câu “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét