Bản đồ trực tuyến
Lược sử
Truyền thuyết và sử sách cho biết Nguyên Xá là vùng có dân tụ cư lâu đời. Tại đây vào thập kỷ 1970, các nhà khảo cổ học đã phát hiện và khai quật di tích Ngoạ Long—một trong số ít những di tích ở khu vực Hà Nội thuộc nền văn hoá Phùng Nguyên có niên đại cách nay khoảng 4000 năm. Với vị trí ở cửa ngõ phía tây kinh thành Thăng Long trong thời phong kiến, Nguyên Xá là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng. Thôn cũng từng được triều đình ban tặng 4 chữ “Thuần phong mỹ tục”, một minh chứng về truyền thống lịch sử và văn hóa ổn định của cộng đồng...
Vị thần được thờ trong miếu gọi theo sắc phong là “Đương Cảnh thành hoàng Giám thệ vương Đồng Cổ sơn thần”. Truyền thuyết dân gian cho biết: vào thời xưa, các tráng sĩ Đan Nê (Yên Định, Thanh Hoá) trên đường ra Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) tụ nghĩa dưới cờ của Hai Bà Trưng đã mang theo bài vị thành hoàng của địa phương mình tức thần núi Đồng Cổ. Khi qua Nguyên Xá thấy có không gian uy nghiêm, trang trọng, họ đã lập miếu thờ bái vọng.
Đầu thời Lý, vua Lý Thái Tổ trên đường kinh lý tới địa phận Phương Canh (gần ngã tư Canh bây giờ), voi bỗng bị cắm ngà xuống đất không thể đi được. Vua cho xem xét xung quanh, tới thôn Nguyên Xá gặp ngôi miếu Đồng Cổ bèn vào chiêm bái, voi lại khỏe. Kể từ đó, vua thường lui tới miếu này.
Truyền thuyết còn kể: Một đêm thần Đồng Cổ báo mộng cho Lý Thái Tông về âm mưu nổi loạn của Tam vương (Đông Chinh, Dực Thánh, Vũ Đức). Vua tỉnh giấc liền triệu đại thần Lê Phụng Hiểu đến bàn gấp. Hiểu dẫn quân xông thẳng tới cửa Quảng Phúc giết chết Vũ Đức, dẹp yên được nội loạn.
Sau đó vua hạ chiếu phong thần làm “Thiên hạ minh chủ thần”, lại gia phong tước vương và quyết định việc triều đình hàng năm cử hành lễ thề trong miếu. Quần thần từ cửa Đông tiến vào quì trước thần vị, làm lễ sát huyết rồi thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh chu diệt”.
Sân miếu Đồng Cổ. Panorama ©2014 NCCong
Lý Thái Tông cho khắc bài thơ xưng danh thần báo mộng và ban cho đôi câu đối ghi lại công tích của thần Đồng Cổ:
Các kỳ đức dĩ tôn thần Đồng Cổ chí kim truyền hiển tích
Đại phi hoá chi vị thánh Đan Nê tự cổ bá linh thanh.
Các kỳ đức dĩ tôn thần Đồng Cổ chí kim truyền hiển tích
Đại phi hoá chi vị thánh Đan Nê tự cổ bá linh thanh.
Vua còn xuống chiếu cấp tiền ruộng, sai dân sửa sang miếu để tổ chức hội “Minh thệ”. Có lẽ đây là hội thề đầu tiên mang tính chất Quốc lễ. Trong Minh thệ ghi rõ: ...trước đây, trải qua ba họ Ngô, Đinh, Lê chưa rõ chính thống, kỷ cương, loạn thần tặc tử cùng đua nhau làm điều thoán nghịch, chưa hết lòng trung. Bây giờ suy tôn thần vương làm chư minh, mọi người đều sợ thần linh thiêng biết trước lòng người chính hay tà, nên chẳng dám manh tâm ăn ở hai lòng.
Lại có thuyết cho rằng: khi Lý Thái Tông còn là Thái Tử được cha sai đem quân đi đánh Chiêm Thành, vào canh ba mộng thấy một bậc dị nhân mặc giáp cầm gươm, xưng là thần núi Đồng Cổ, sẵn lòng giúp đỡ. Thái Tử mừng rỡ làm theo lời dặn, quả nhiên thắng lợi. Lên ngôi vua Thái Tông định chọn đất ở trong kinh để lập miếu thờ, nhưng chưa quyết định xong, vị thần đó lại báo mộng chỉ chỗ xây dựng. Vua nghe theo bèn cho xây miếu ở bên phải kinh thành, chỗ chùa Từ Ân.
Trong các thời kỳ lịch sử sau đó, ngôi miếu vẫn là chốn linh thiêng, vị thần núi Đồng Cổ được trọng vọng tôn thờ, thể hiện qua hơn 40 đạo sắc phong và đặc biệt là đã in đậm trong tâm thức dân gian.
Vào năm 1908, nhà yêu nước Lương Văn Can đã chọn ngôi miếu làm một phân hiệu của trường Đông Kinh nghĩa thục để giảng bài giác ngộ tinh thần phục hưng. Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đây là điểm tập kết của đoàn cảm tử quân Hà Nội trước khi tiến về Việt Bắc.
Kiến trúc
Miếu Đồng Cổ được xây ở đầu làng Nguyên Xá trên thế đất quy xà với gò cao ở giữa, xung quanh có dòng nước uốn lượn. Di tích nay còn lại mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Tam quan xây kiểu tứ trụ nhìn ra hướng đông-nam, bên phải là đường quốc lộ QL32 chạy thẳng về trung tâm thủ đô Hà Nội.
Sau tam quan là tượng đôi voi quỳ chân trước, cùng rập đầu ở hai bên bức bình phong đắp cuốn thư. Có hai chiếc cầu cong nho nhỏ bắc qua ao sen, dẫn vào một sân gạch khá rộng. Toà tiền tế gồm 5 gian lớn, thềm đá cao 5 bậc. Hậu cung kết nối với toà tiền tế thành hình chữ “Đinh”. Nhờ lần trùng tu mới đây, những công trình đó cùng cả khu vườn và các nhà khác đã làm nên một cụm di tích khang trang.
Lưu ý
Ngày 21-1-1989 miếu Đồng Cổ ở Nguyên Xá được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Hiện còn có hai di tích lớn khác thờ thần Đồng Cổ ở Đan Nê (Thanh Hóa) và Yên Thái (Bưởi). Linh hồn của mỗi di tích đều là hội thề Đồng Cổ, từng có thời trở thành một sinh hoạt văn hoá và tín ngưỡng quan trọng của cả quan lẫn dân. Về sự tích các miếu thờ thần Đồng Cổ đã có nhiều ghi chép trong sách “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên, “Lĩnh nam chích quái” của Trần Thế Pháp, “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên...
Trong chương trình nghiên cứu khoa học kỷ niệm 1000 năm Thăng Long–Hà Nội vào cuối năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá Hà Nội đã tiến hành điều tra, khai quật di tích miếu Đồng Cổ. Các nhà khảo cổ học đã bước đầu xác định phạm vi phân bố di tích, lý giải tính chất và niên đại các lớp kiến trúc/văn hoá, quá trình tồn tại cũng như các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng thờ thần Đồng Cổ.
Trong khi tiến hành khai quật 9 hố thám sát (với tổng diện tích khoảng 150m2 và tập trung chủ yếu ở gò đất phía bắc sau miếu), tại độ sâu từ 1m đến 1,8m đã tìm thấy dấu tích các lớp kiến trúc, văn hoá, mộ táng thuộc giai đoạn Đông Sơn—Hán, thời Trần, thời Lê... Qua diễn biến địa tầng cùng hệ thống di tích, di vật trong các hố thám sát và khai quật, có thể nhận thấy miếu nằm ở vùng đất có lịch sử lâu đời. Có đồi, gò cao lại ở gần sông Nhuệ và các phụ lưu, khu vực này đã sớm trở thành địa bàn tụ cư của con người.
Các nội dung lịch sử ghi chép trong sử sách và truyền thuyết dân gian được thể hiện khá rõ trong các hố đào. Đặc biệt đã tìm thấy đồ gốm thời Lý và các dấu vết phản ánh sinh hoạt và đống phế liệu cũng chứng minh sự hiện diện của công trình kiến trúc thời Trần ở nơi đây, mặc dù chưa tìm thấy nền, móng do diện tích hố khai quật bị khống chế bởi kiến trúc hiện tồn.
Di tích thời Lê tại các hố đào với sự tập trung các loại hình vật liệu kiến trúc, nhất là số lượng các mảnh ngói lợp đã cho thấy sự tồn tại của ngôi miếu. Đặc biệt, đã tìm thấy các lò nung vật liệu phục vụ cho việc xây miếu, phản ánh phần nào qui mô to lớn của công trình; còn nền, móng vẫn chưa tìm thấy. Di tích thời Nguyễn tại đây được nhận diện rõ hơn với các dấu vết móng ở phía đông và tây.
Trong số hiện vật thì các ngôi mộ đất (giai đoạn Đông Sơn–Hán), mộ lon (thời Trần), mộ vò (thời Lê)... và phế tích lò nung vật liệu thời Lê đều còn khá nguyên vẹn. Lò nung này có cấu trúc khá đặc biệt, hiếm thấy, nên được di dời về Bảo tàng Hà Nội, nơi có điều kiện bảo quản và phục dựng để trưng bày.
Di tích lân cận
- Chùa Đình Quán (Bà Bông Tự): thôn Đình Quán, phường Phú Diễn.
- Chùa Văn Trì (Bồ Đề Tự): thôn Văn Trì, phường Minh Khai.
- Đình Kiều Nhị: thôn Kiều Mai, phường Phúc Diễn.
- Đình Văn Trì: thôn Văn Trì, phường Minh Khai.
Bài và ảnh: Đông Tỉnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét