Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đền Chu Văn An


Đền Chu Văn An tương truyền có từ thế kỷ 15, là nơi thờ Chu Văn An, đại danh nho thời Trần. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (năm 1989). Địa chỉ: thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.Toạ độ: 20°57’49"N 105°49’4"E; cách Hồ Gươm hơn 11km về hướng tây-nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: cạnh cầu Quang, cuối đường Kim Giang (bus 37).

Lược sử

Chu Văn An (1292-1370) tên chữ là Linh Triệt, quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ngay từ hồi còn trẻ ông đã nổi tiếng là một người cương trực, trong sạch, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách. Sau khi đỗ Thái học sinh, ông không ra làm quan mà trở về làng mở trường dạy học.
Học trò nhiều nơi tìm đến theo học rất đông, trong số đó có nhiều người thi đỗ cao và làm quan to như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Nhờ đức độ và tài năng, ông được vua Trần Minh Tông (trị vì 1314-1329) vời ra kinh đô làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đến đời Trần Dụ Tông (trị vì 1341–1369), nhà vua hèn yếu lại chỉ lo ăn chơi nên cường thần thao túng, chính sự thối nát. Chu Văn An đã dâng “Thất trảm sớ” (sớ xin chém đầu 7 tên gian thần) nhưng vua không nghe.
Do vậy, ông kiên quyết từ quan về ẩn ở núi Phượng Hoàng, thuộc xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương; lấy hiệu Tiều Ẩn, mở trường dạy học và mất tại đây, để lại các tác phẩm: Tứ thư thuyết ước, Tiều Ẩn thi tập, Tiều Ẩn quốc ngữ thi tập, Y học yếu giải…. Sau đó, thấy ông khí tiết thanh cao, học vấn uyên thâm, xứng đáng là một nhà giáo tiêu biểu của quốc gia nên nhà vua mới là Trần Nghệ Tông (trị vì 1370–1372) đã cho dựng tượng thờ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Tương truyền sau khi Chu Văn An mất, nhân dân làng Thanh Liệt cũng dựng đền thờ và xin phong ông làm thần hoàng phù hộ quê nhà. Sang đến thời Lê Trung hưng, ngôi đền này trở thành Văn chỉ, nơi thờ chung tất cả các vị khoa bảng của làng Thanh Liệt. Theo văn bia “Tiên hiền bi ký” dựng năm Ất Dậu niên hiệu Cảnh Hưng (1765) thì ban đầu đền thờ Chu Văn An và con là Chu Tam Tỉnh, đỗ khoa Ngự thi năm Tân Hợi, cháu là Chu Đình Bảo, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484), rồi Lý Trần Thản, đỗ tiến sĩ năm Ất Sửu.

Kiến trúc

Đền Chu Văn An cũ vì chật hẹp nên đã được di chuyển đến vị trí hiện nay bên dòng Tô Lịch để xây lại vào năm Giáp Tý niên hiệu Tự Đức, trên một khoảnh đất rộng rãi hơn. Đền lúc ấy gồm một tòa nhà 3 gian lợp ngói nằm giữa hai dãy giải vũ, dân quen gọi là đình Nội. Dưới thời Pháp thuộc, ngôi đền được trùng tu vào năm Nhâm Dần (1892).
Mặt đền quay về hướng đông nhìn sang chùa Bằng bên kia sông, phía trước có tòa thủy đình trên ao bán nguyệt. Sau khi mở rộng con đường Kim Giang chỉ còn lại sân đình với bình phong đắp cuốn thư. Ngôi đền hiện nay gồm nhà tiền tế 3 gian 2 dĩ xây kiểu tường hồi bít đốc, kết nối với trung đường 3 gian và hậu cung thành hình chữ “Công”. Các bộ vì ở tiền tế làm theo kiểu vòm bán nguyệt, ở hậu cung làm theo kiểu “chồng giường, giá chiêng”, chạm khắc đề tài tứ linh và tứ quý.

Lưu ý

Trong đền hiện nay vẫn lưu giữ được một số di vật quý như hai bức y môn, cửa võng, bốn hoành phi, bốn đôi câu đối, lọ độc bình, một đỉnh đồng, năm sắc phong thần hoàng từ thời Lê - Nguyễn, một cuốn thần phả ghi tiểu sử Chu Văn An, sáu bia đá, một khám thờ… Tại hậu cung có một khám thờ lớn sơn son thiếp vàng, chạm khắc tinh xảo; pho tượng và bài vị Chu Văn An được đặt trang nghiêm ở chính giữa, hai bên phối thờ các vị đại khoa khác. Ngày 21-01-1989, ngôi đền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Bản đồ trực tuyến

Di tích lân cận

  • Chùa Bằng A: đường Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.
  • Chùa Quang Ân: thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.
  • Đền Phạm Tu: thôn Trung, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.
  • Miếu Gàn: số 89 phố Linh Đường, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét