Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đền Linh Lang (Voi Phục)


Đền Voi Phục xây năm 1065 đời Lý Thánh Tông, thờ Linh Lang đại vương, được coi là Trấn tây Thăng Long. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (năm 1962). Địa chỉ: ngã phố Kim Mã—La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Tọa độ: 21°01’48"N 105°48’17"E; cách Hồ Gươm hơn 5km về hướng tây. Điểm dừng xe bus lân cận: các phố Kim Mã (bus 09, 13, 25, 27, 28, 32, 34, 38, 70) và La Thành (26, 49).

Bản đồ trực tuyến

Lược sử

JPEG - 175.3 kb
Tượng voi phục và ngõ vào đền Linh Lang. Ảnh ©2013 NCCong
Đền Voi Phục toạ lạc trên đất trại Thủ Lệ, một trong “Thập Tam Trại” được lập vào thời Lý. Tư liệu lịch sử cho thấy vị trí đền ổn định ít nhất cũng từ thời Nguyễn, tức là đã hai thế kỷ. Cổng cũ và tam quan mới đều nằm ngay cạnh hồ Thủ Lệ. Dân Hà Nội quen gọi là đền Voi Phục vì bên cổng nghi môn có hai mái vẩy che tượng đôi voi chầu phục.
JPEG - 179.7 kb
Cổng cũ và miếu Bạch Hổ đền Linh Lang. Ảnh ©2013 NCCong
Tương truyền ngôi đền được xây dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065) đời Lý Thánh Tông để thờ Linh Lang đại vương. Tượng đôi voi chầu và cổng nghi môn mở hướng đông-nam có thể hàm ý quy phục vương quốc Champa. Về sau đền được tôn là một trong “Thăng Long tứ trấn”, trấn phía tây kinh thành Thăng Long. Một số đình đền khác cũng có tượng voi phục hoặc cũng thờ Linh Lang, thành ra tên gọi đầy đủ để phân biệt là đền Linh Lang Thủ Lệ.
JPEG - 52.3 kb
Nghi môn đền Linh Lang. Ảnh: Hocquart 1884
Đền Linh Lang từng là nơi mai phục của đội quân Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc; sáng 21-12-1873 họ đổ ra diệt gọn một toán quân Pháp trên đường tiến ra ngoại ô, trong đó có viên chỉ huy Balny d’Avricour. Cùng ngày hôm đó, chủ tướng của chúng là thuyền trưởng Francis Garnier cũng bị quân Cờ Đen giết chết ở trước đình Giảng Võ cách đền không xa. Rồi 9 năm sau, vào ngày 19-5-1882, tư lệnh Pháp là quan năm thuyền trưởng Henri Rivière đã phải đền tội gần đấy tại Cầu Giấy và viên đại úy Berthe de Villers thì bị thương nặng.
Theo tấm ảnh do bác sĩ quân y Hocquart chụp năm 1884, cổng đền Linh Lang từ thời Nguyễn được làm theo kiểu nghi môn thanh thoát, bốn cột vươn cao đón khí thiêng vũ trụ, phù hợp với quang cảnh ven hồ cây cối rậm rạp. Những tấm ảnh của Võ An Ninh và bưu ảnh thời Pháp tiếp tục thể hiện rất rõ không gian u tịch, vắng lặng và cổ kính của khu đền Linh Lang rộng lớn dưới các tán lá cổ thụ.
Ngõ vào đền Linh Lang ven hồ Thủ Lệ. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 177.4 kb
Tam quan nội đền Linh Lang. Ảnh ©2013 NCCong
Năm 1947, khi giặc Pháp tái chiếm Hà Nội rồi đánh lên Sơn Tây thì đền Linh Lang bị đốt trụi. Đến năm 1953, cư dân trong vùng đã góp sức quyên tiền và xây dựng lại, song không được như cũ. Ngày 10-8-2000, UBND TP Hà Nội đầu tư khởi công tu sửa đền. Đợt tu bổ này tập trung chủ yếu vào nhà hữu mạc và hoàn chỉnh kiến trúc tổng thể cho khu di tích. Ngày 4-7-2009, khu đền một lần nữa được đầu tư tôn tạo nhân dịp chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long—Hà Nội.
JPEG - 157.9 kb
Khu trong của đền Linh Lang. Ảnh ©2013 NCCong

Kiến trúc

Đền Linh Lang được bài trí trên một gò đất bằng phẳng và rộng rãi với thế phong thủy rất quý. Tam quan nội là một nếp nhà ba gian mở cửa đón gió đông-nam và tạo không gian mát rượi. Chính điện nhìn về hướng đông, nơi mặt hồ Thủ Lệ làm thành một tấm gương tự nhiên khổng lồ phản chiếu ánh thiên quang xuyên qua các tán lá xanh vào mỗi buổi sáng.
JPEG - 148.7 kb
Trước tiền đường đền Linh Lang. Ảnh ©2013 NCCong
Hai bên con ngõ rộng dài lát gạch to dẫn vào đền còn giữ được nhiều cây cổ thụ. Trước sân tiền tế có nhiều bậc đá khá cao dẫn xuống một cái giếng hình bán nguyệt. Phía đó có con đường nho nhỏ men theo bờ hồ cũng được lát gạch, dẫn tới một cây cầu dài và cong bắc sang vườn thú của công viên Thủ Lệ. Hiện nay, ngoài tam quan ngoại và một số công trình phụ mới xây, phần còn lại có diện mạo đại thể vẫn như ngôi đền Linh Lang thời Nguyễn.
Mặt bằng các công trình thờ phụng được sắp xếp theo kiểu “nội Công ngoại Quốc” khá hoành tráng. Tiền đường ba gian hai dĩ, chính điện bày lỗ bộ, bên tả đặt trống đại, bên hữu treo chuông đồng, hai đầu hiên có xây áp vào hai mái nhỏ che cặp ngựa tế hồng, bạch. Tòa thiêu hương có cửa gỗ mở cả bốn phía thoáng, trong bày long ngai, bài vị thần. Hậu cung thượng điện gồm ba gian, có các ban thờ với một số pho tượng bằng gỗ và đồng.
Sân đền Linh Lang và hồ bán nguyệt. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 157.9 kb
Sân sau và hậu đường đền Linh Lang. Ảnh ©2013 NCCong
Mái đền chính được đắp lưỡng long trên nóc, bốn phía có các đầu đao cong vút mang hình rồng, phượng, lân, hổ. Hai bên nội điện có sân rộng và các nhà tả hữu vu bảy gian kéo xuống gần hậu đường ở phía sau. Hậu đường 5 gian, cũng cửa bức bàn với kèo cột toàn bằng gỗ lim, trước hiên có đôi tượng linh vật bằng đá. Đây là nơi thờ bà mẹ của thần Linh Lang và Tam tòa Thánh Mẫu.
JPEG - 83.2 kb
Cổng mới ngoài đền Linh Lang. Ảnh ©2013 NCCong
Trải qua biến thiên của lịch sử và những cuộc chiến đẫm máu, dĩ nhiên đền Linh Lang không thể giữ nguyên vẹn hình dáng từng có dưới các triều đại trước. Kể cả sau lần trùng tu cuối cùng, hai cổng vòm nhỏ bên cạnh nghi môn vẫn không được khôi phục. Ngược lại, mới đây người ta còn xây một tam quan ngoại nữa ở giáp mặt đường Kim Mã nhưng bắt chước kiểu dáng cổng chùa Láng (!?), may mà chưa đắp thêm tượng voi.

Truyền thuyết

Sự tích về thần Linh Lang có nhiều dị bản không giống nhau. Tương truyền Ngài là hoàng tử Hoằng Chân, con trai thứ 4 của vua Lý Thái Tông do một bà phi người làng Bồng Lai (Đan Phượng) sinh ra ở Trại Chợ, Thủ Lệ. Hoàng tử đã tham gia đánh quân Tống xâm lược trên phòng tuyến sông Cầu và hy sinh tại đó.
JPEG - 154.9 kb
Chính điện đền Linh Lang. Ảnh ©2015 NCCong
Thần phả thì kể rằng: Cảo Nương là một cung phi của vua Lý ra tắm ở Hồ Tây bị rồng cuốn lấy người, sau sinh ra hoàng tử trên mình có 28 vết vảy rồng và 7 hàng chấm sáng long lanh như ngọc trên ngực. Lớn lên Linh Lang xin đi cầm quân đánh thắng giặc Tống. Vua muốn nhường ngôi cho nhưng chàng từ chối, về ở Trại Chợ, sau bị bệnh từ trần, hóa thành rồng đen cuốn quanh phiến đá rồi trườn xuống Hồ Tây biến mất. Vua bèn cho lập đền thờ ở ngay nơi ở của hoàng tử.
Khu đền Linh Lang nhìn từ nhà tả vu. Panorama ©2015 NCCong

Lưu ý

JPEG - 147 kb
Hậu cung đền Linh Lang. Ảnh ©2015 NCCong
Trong đền có hai pho tượng đồng và một hòn đá to có vết lõm, tương truyền là nơi Linh Lang nằm gối đầu lên rồi hoá thành con giao long. Đáng chú ý rằng hầu hết các pho tượng đá từ thềm tam quan cho đến thềm hậu đường đều thể hiện hình con sấu trước và trong khi hóa rồng. Đầu năm 1994, nhân dân Thủ Lệ đã quyên góp đúc lại quả chuông cao 93cm, đường kính miệng 70cm, thân chia 4 múi, có đúc nổi dòng chữ Hán "Tây trấn thượng đẳng". Ngoài ra còn có 9 cây muỗm đại cổ thụ nằm ngay trước sân đền, ước đã hơn 700 năm tuổi.
JPEG - 147.2 kb
Tượng các Mẫu, hậu đường đền Voi Phục. Ảnh ©2015 NCCong
Lễ hội của đền Voi Phục được tổ chức hàng năm với sự tham gia của cả những địa phương bên cạnh làng Thủ Lệ như Thuỵ Khuê, Cống Vị, Ngọc Khánh, Liễu Giai, Vạn Phúc v.v. và xa hơn như Bồng Lai (Đan Phượng), Lệ Mật. Chính hội diễn ra vào ngày 9 và 10 tháng hai âm lịch, tùy từng năm có thể kéo dài từ 3 tới 10 ngày. Trong dịp này đáng kể nhất có lễ rước kiệu và một vài tục lệ truyền thống khác.
JPEG - 186.8 kb
Hậu đường đền Linh Lang. Ảnh ©2013 NCCong
Trong đền có nhiều hoành phi và câu đối bằng chữ Hán, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, nội dung chủ yếu ca ngợi công đức và sự thiêng liêng của các thánh thần. Đền Linh Lang Thủ Lệ được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngay từ đợt đầu vào ngày 28-4-1962. Đền ở ven hồ, hai bên lại là vườn thú và công viên Thủ Lệ, ngày nào cũng có đông khách tới thăm, thật xứng danh là một trong những địa chỉ tâm linh và thắng cảnh hàng đầu của thủ đô Hà Nội.

Di tích lân cận


Bài và ảnh: Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét