Giới thiệu
Nếu du khách đi đường thủy từ bến Phúc Tân (cạnh cầu Chương Dương), lộ trình sẽ rất thú vị vì còn có thể ghé thăm nhiều di tích khác ven hai bờ sông Hồng. Sau khi thuyền qua bãi Cát Vân Sơn rồi đến chân cầu Thăng Long, những cột nghi môn và kè chắn sóng của đình Chèm ở bờ bên trái rất dễ nhận ra từ xa. Du khách cập bến và leo dốc lên đê thì sẽ thấy dưới tán cây đa to có một bức cuốn thư lớn tạc bằng đá ghi tóm tắt lịch sử của ngôi đình.
Nếu ít thời gian thì phải chọn đường bộ, du khách từ bến xe bus 31 còn cần đi tiếp về hướng tây theo đường đê Đông Ngạc khoảng 400m. Tới đó sẽ thấy trên mặt kè bê tông ở bên tay phải một tấm bia kiêu hãnh đề “Đình Chèm - Di tích lịch sử đã được xếp hạng đệ nhất”. Và cách đó chưa đầy trăm bước đang ẩn mình những mái đình cong cong thấp thoáng dưới bóng nhiều cổ thụ um tùm trên một diện tích khá rộng rãi.
Chèm[1] là tên nôm của ngôi làng có tên chữ Thụy Điềm, sau đổi là Thụy Hương, rồi Thụy Phương. Làng xưa thuộc địa phận phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, sở hữu một trong những ngôi đình cổ nhất nước ta. Công trình kiến trúc không đồ sộ nhưng có nghệ thuật chạm khắc độc đáo. Đây cũng là nơi diễn ra một lễ hội truyền thống nổi tiếng từ nhiều thế kỷ của người dân ba làng: làng Hoàng, làng Mạc và làng Chèm.
Thần tích
Đình thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng tức Lý Thân, sinh vào thời Hùng Duệ Vương, mất vào thời Thục An Dương Vương. Tương truyền, thuở nhỏ Lý Thân là một cậu bé cực kỳ khôi ngô, lớn lên lại có tầm vóc cao lớn lạ thường, văn giỏi, võ tài, tính tình hiếu nghĩa, cương trực. Thời bấy giờ, giặc bốn phương thường đến quấy nhiễu, vua Hùng cầu người tài đức ra cứu nước. Lý Thân được quan dân tiến cử, sau đó dẹp tan giặc, lập nhiều công lớn.
Sân đình Chèm. Panorama ©2013 NCCong
Rồi nước Văn Lang lại bị quân nhà Tần xâm lược, Lý Thân hợp sức với Thục Phán cùng chống cự hàng chục năm trời mới thắng giặc. Thục Phán lên thay Hùng Duệ Vương, lấy hiệu là An Dương Vương. Lúc bấy giờ biên cương nhà Tần thường bị Hung Nô quấy phá. Tần Thủy Hoàng sai đắp Vạn Lý Trường Thành mà cũng không ngăn nổi bèn gửi sứ giả đến Cổ Loa cầu An Dương Vương cho mượn tướng tài.
Để tạo mối bang giao giữa hai nước, vua Thục bèn cử Lý Thân sang giúp. Tần Thủy Hoàng phong ông chức Hiệu úy, lĩnh 10 vạn quân lên ải bắc. Lý Thân thắng nhiều trận được phong đến tước Phụ Tín Hầu và gả công chúa. Vua Tần ngỏ ý giữ Lý Thân lâu dài nhưng ông kiên quyết từ chối và xin đem vợ con trở lại quê hương. Cuối cùng vua phải đồng ý và cho làm tượng ông với đầu, tay cử động được để trấn oai Hung Nô. Nghe nói do đó mà Ông Trọng trở thành một từ tiếng Hán chỉ những pho tượng Ông khổng lồ.
Kiến trúc và di vật
Tương truyền, khi mất Lý Thân được An Dương Vương phong tước Đại Vương. Để tưởng nhớ công đức của ông, dân làng đã lập đền thờ. Theo sách Việt điện u linh tập cũng như thần phả của làng Chèm thì đình có từ thế kỷ 7. Như vậy ngôi đền có lẽ đã được xây cách đây hơn 2000 năm, sau đó rất lâu mới mở rộng thành đình.
Từ đó đến nay, đình đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa lớn và mở rộng. Theo văn bia tại đình và dòng chữ Hán ghi trên thượng lương thì tòa Hậu cung được xây dựng năm Long Đức thứ 3 (1631) rồi trùng tu năm Quang Trung thứ 5 (1792) và năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793); còn tòa Đại bái được sửa chữa năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797)...
Nằm ngoài đê sông Hồng nên đình Chèm thường xuyên bị lũ lụt đe dọa. Kỳ tích của năm 1902 là đình đã được kiệu lên cao thêm 2,4 mét chỉ bằng các dụng cụ của nhà nông như: đinh bừa, quang gánh... Hiệp thợ do ông Vương Văn Địch ở làng Diễn (Văn Trì) dẫn dắt đã hoàn thành công việc sau một năm trời. Cả một ngôi đình nặng hàng trăm tấn toàn bằng gỗ quý với hệ thống cột kèo giằng nhau chặt chẽ đã được "kiệu" lên ngang với mặt đê.
Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc; bên ngoài có sân gạch và tường dài bao quanh. Cổng tam quan nhìn ra sông Hồng với 4 cột trụ cao và 2 cột cờ đứng gần bức tường chắn gió bắc. Cạnh tam quan có 2 cửa phụ, phía sau là sân chính với hai nhà bia và các cây cảnh. Trước nhà tiền tế có một phương đình, cột cũng để gạch trần như nhà bia.
Trong đình hiện chỉ còn giữ được những bức chạm khắc gỗ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18. Riêng hai pho tượng vợ chồng Lý Thân bằng gỗ sơn son thếp vàng được tạc muộn hơn vào năm 1888. Gian trong cùng của hậu cung là nơi đặt hai pho tượng này. Tượng Thượng Đẳng Thiên Vương cao 2 trượng và tượng Hoàng phi Bạch Tỉnh Cung cao hơn 1,8 trượng. Ngoài ra còn có chiếc lư hương bằng đồng và nhiều cổ vật khác rất quý hiếm...
Lễ hội
Hội Chèm diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng 5 âm lịch, ngày 15 là chính hội. Hầu hết các nghi thức quan trọng đều được tổ chức tại đình Chèm. Quan viên và nhân dân đến dự rất đông bởi vì đây kỳ thực là lễ hội của một cụm làng ven sông Hồng. Ngoài làng Chèm còn có các làng Liên Mạc, Hoàng Xá cùng tham gia với tư cách là hai làng kết chạ làm em.
Đáng xem nhất có lẽ là lễ rước nước. Sáng ngày 15, theo lệ cũ ba con thuyền rồng của ba làng sẽ bơi ra giữa sông Hồng để múc nước trong đổ vào chĩnh rồi quay thuyền ba vòng trước khi trở về bờ. Sau đó dân làng rước nước vào đình. Đây là dấu vết tín ngưỡng thờ cúng của nông dân Bắc Bộ thời cổ vốn lấy nước làm nguồn sống chủ yếu.
Cuối lễ hội Chèm thường có cuộc thi thả chim. Những chú bồ câu lần lượt xổ lồng tung cánh bay lên trời cao hàng ngàn mét. Tiếng vỗ tay và reo hò vang lên khi bóng đàn chim hiện trên mặt thau nước của Ban giám khảo chỉ còn là những chấm nhỏ li ti quy tụ dần dần thành một vòng xoáy kỳ ảo...
Di tích lân cận
- Chùa Chèm: cuối đường Đông Ngạc.
- Chùa Vẽ: đoạn đầu đường Thụy Phương.
- Đình Đông Ngạc: đoạn đầu đường Đông Ngạc.
Bản đồ trực tuyến
Chú thích
[1] Có thuyết cho rằng phải viết “Trèm” vì “Trèm” trong tiếng Việt cổ phát âm như “T’lem”, viết bằng chữ Hán là “Từ Liêm”, nguồn gốc tạo nên tên huyện Từ Liêm sau này.
Đông Tỉnh
Đặc sắc lễ rước nước trong hội đình Chèm
Kinhtedothi - Không giống với các lễ hội khác thường được tổ chức vào mùa Xuân, hội Chèm (xã Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) diễn ra vào lúc trời nắng như đổ lửa, với cái nóng hừng hực giữa tháng 5 âm lịch. Tuy nhiên, hiếm thấy năm nào hội Chèm được tổ chức trong bầu không khí dịu mát như năm nay. Cũng chính vì thế, lễ hội đã thu hút đông đảo du khách gần xa về tham dự.
Lễ hội đình Chèm là một trong những hội lâu đời nhất của người dân Hà thành. Đình Chèm là nơi thờ Đức Ông Lý Ông Trọng cùng Đức Bà Bạch Tĩnh Cung và ông Sứ Nguyễn Văn Chất. Đức Thánh Lý Ông Trọng, người đã có công lớn với hai Triều đại Hùng Duệ Vương và An Dương Vương. Ông cũng là nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc, khi được cử đi sứ sang nước Tần và giúp vua Tần dẹp yên sự quấy nhiễu của quân Hung Nô.
Hội đình Chèm là một trong những lễ hội cổ, với nhiều nghi lễ đặc trưng cho các sinh hoạt văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng . Thông qua lễ hội, những bậc cao niên mong muốn truyền thụ cho lớp lớp con cháu hiểu sâu sắc hơn về dòng họ, truyền thống lịch sử, chiến công của cha ông, nhằm khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước cho cộng đồng.
Với những ý nghĩa quý báu đó, ngày 17/6/2016, lễ hội đình Chèm đã được Bộ VHTT&DL trao bằng công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu những hình ảnh tại lễ hội đình Chèm do NSNA An Khang thực hiện:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét