Lược sử
Đình, miếu Tế Xuyên còn gọi là Ninh Xuyên theo tên làng xưa, lại có tên “Kinh Bắc hành cung”. Thời Nguyễn, xã Đình Xuyên nằm trong tổng Hạ Dương, huyện Đông Ngàn, thuộc về phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Đến năm 1961 theo quyết định của Chính phủ VNDCCH, xã Đình Xuyên cùng các xã Yên Thường, Phù Đổng, Ninh Hiệp, Trung Mầu vốn thuộc hai huyện Từ Sơn, Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) mới đổi về huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Đình và miếu Tế Xuyên đều thờ Đỗ Trung, một người Chàm có công đánh giặc Chà Hòa nên được vua Trần phong ở đất Vũ Ninh. Thấy vùng ven sông Đuống màu mỡ, ông bèn di dân sang khai khẩn, lại cho xây dinh lũy để bảo vệ. Sau khi mất, ông được dân tôn làm thành hoàng và lập điện thờ ngay trên nền hành cung cũ.
Sách Ngọc phả đại vương công thần triều vua Trần Dụ Tông do tiến sĩ Nguyễn Bính[1] biên soạn cũng cho biết Đỗ Trung là một vị vua Chàm trở thành nội thần nhà Trần và được phép xây dựng hành cung ở Tế Xuyên. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Đỗ Trung là người Chàm duy nhất được tôn làm thành hoàng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Sân đình Tế Xuyên. Panorama ©2014 ©NCCong
Kiến trúc
Đình Tế Xuyên được xây theo kiểu “nội Công ngoại Quốc”; mặt nhìn ra xa về một hồ nước, hơi chếch theo hướng đông-nam. Các công trình lớn gồm có tòa tiền tế, đại đình, hậu cung và nhà cầu nối đại đình với tả hữu mạc ở hai bên hậu cung. Toàn bộ khuôn viên lại có tường bao quanh với sân gạch rất rộng và tạo thành một không gian khép kín nhưng thoáng đãng.
Tòa tiền tế rộng 5 gian, xây 1 tầng 4 mái, bốn phía để trống đón gió. Trên mái nhà, các bờ dải đều đắp hình rồng, nghê. Bên trong tiền tế, phần gỗ được trang trí phong phú với những mảng chạm vân mây, cây lá, các đầu dư chạm rồng và các cốn chạm tứ linh, tứ quý.
Đại đình có quy mô lớn hơn, các cây cột gỗ lim rất to. Lớp nhà ngang kiểu 4 mái với đao cong, bờ nóc đắp rồng chầu mặt trời, hai bên đầu hồi đắp hổ phù. Kết cấu vì kèo theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ”, mái phân “thượng tứ hạ ngũ”. Bên trong chia thành 5 gian, trước đây có sàn gỗ nay đã mất. Các bộ phận kiến trúc đều được chạm nổi hoa văn rồng, mây trau chuốt, mang phong cách nghệ thuật thời cuối Lê đầu Nguyễn.
Miếu Tế Xuyên được xây trên một khu đất cao trước ngôi chùa làng. Quy mô miếu nhỏ hơn đình, bao gồm nhà tiền tế, đại bái và hậu cung. Tiền tế 5 gian xây bít đốc tay ngai, vì kèo cũng kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ”. Các con rường, xà kẻ đều bào trơn, bào xoi. Đại bái xây kiểu chồng diêm, kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ. Hậu cung 3 gian cũng có 2 tầng mái, gian giữa đặt sàn gỗ cao làm nơi thờ cúng.
Lưu ý
Ngày 23-6-1992 Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình, miếu (và chùa) Tế Xuyên là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Trong đình và miếu có một số cổ vật quý như bia đá, chuông đồng, hương án, kiệu bát cống, hoành phi và câu đối. Riêng chùa còn lưu giữ được hương án, cây hương và bia đá từ thời cuối Lê, Tây Sơn và đầu Nguyễn.
Di tích lân cận
- Chùa Kiến Sơ: xã Phù Đổng.
- Chùa Nành: xã Ninh Hiệp.
- Đền Gióng: xã Phù Đổng.
- Đình và miếu Công Đình: xã Đình Xuyên.
Bản đồ trực tuyến
Chú thích
[1] Tiến sĩ Nguyễn Bính dưới triều vua Trần Hiến Tông từng giữ chức “Nho học huấn đạo giáo quan Quốc Tử Giám”.
Đông Tỉnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét