Lược sử
Theo tấm bia dựng năm Minh Mạng 21 (1840) và văn bia “Bản tự chân chuyên bi kí” khắc năm 1845 thì đình Tân Khai được xây trên khu đất hoang phía đông tòa thành cũ thời Lê vào năm 1822, cùng với thời điểm dựng chùa Thái Cam ngay bên cạnh. Đó cũng là năm thành lập thôn Tân Khai, thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Sau đó, đình được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, lớn nhất là vào năm 1851. Thời trước, dân địa phương còn gọi là đình Rổ Rá vì trước cổng đình thường bày bán đồ tre đan.
Cũng giống như trong nhiều ngôi đình khác ở Hà Nội, thành hoàng làng Tân Khai là thần Tô Lịch, thần Bạch Mã và thần Thiết Lâm. Ba vị này đã có công giúp vua Lý Công Uẩn xây dựng Thăng Long và trở thành các thần bảo hộ cho kinh đô. Sự tích của các ngài đã được lưu trong sách chính sử, dã sử và truyền thuyết dân gian, có thể tóm tắt như sau:
Vị đứng đầu phải kể đến là thần Tô Lịch, được hình thành trong bối cảnh khởi dựng thành Đại La xưa kia và được các triều vua sau phong là “Bảo Quốc, Trấn Linh, Định Bang Quốc Đô Thành hoàng Đại Vương”. Ngài là vị thành hoàng đầu tiên ở nước ta được hai viên quan đô hộ nhà Đường là Lý Nguyên Gia và Cao Biền phong theo đúng tiêu chuẩn Bắc phương là vị thần bảo vệ thành luỹ, do nghĩa chữ “Thành” là cái thành, “Hoàng” là cái hào khô bao quanh thành.
Theo sách “Việt điện u linh tập” của Lý Tế Xuyên thì thần Tô Lịch làm quan huyện lệnh ở Long Độ (Long Đỗ). Họ Tô đã nhiều đời ở đất Long Đỗ, dựng nhà ben bờ con sông nhỏ, nhà tuy không giàu nhưng biết lấy đạo hiếu làm đầu. Thời Tấn, ngài đã được khen là người có hiếu và được vua ban sắc cho đặt tên Tô Lịch làm tên làng.
Ngã phố Hàng Gà—Hàng Vải. Panorama ©2014 NCCong
Vào đời Đường Mục Tông, quan đô hộ là Lý Nguyên Gia xây dựng phủ lỵ Đại La trên nền nhà cũ của Tô Lịch, thần đã ứng mộng về nói với Nguyên Gia rằng: “Tôi được uỷ cho làm thành hoàng ở đây. Nếu sứ quân biết giáo hoá cư dân trong thành, hết lòng tận trung thì mới đáng là chức mục thú, xứng với trách nhiệm của người làm quan tốt…” Nguyên Gia nghe theo và năm 823, ông cho xây dựng đền, thờ Tô Lịch làm thành hoàng.
Mùa hè năm 866, Cao Biền (821-887) chiếm Đại La từ tay quân Nam Chiếu, muốn mở rộng thành. Y nghe nói thần rất linh dị, bèn sắm lễ vật dâng tế và tôn Tô Lịch làm “Đô phả Thành hoàng Thần Quân”. Cũng có thuyết cho rằng Tô Lịch là thuỷ thần sông Tô Lịch, tự xưng tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh chống đối với Cao Biền. Biền yểm bùa nhưng không thành, sau đó y phải phong Tô Lịch làm Đô Thành hoàng.
Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra đây lại phong cho Tô Lịch làm “Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại Vương”. Thời Trần phong thêm các mỹ tự “Bảo Quốc, Hiển Linh, Định Bang”.
Vị thần thứ hai được thờ tại đình Tân Khai là thần Bạch Mã, hiệu là “Long Đỗ Thần Quân Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương”. Long Đỗ, tức “Rốn Rồng”, cũng được gọi là núi Nùng. Tương truyền, núi có khe thông sâu xuống dưới đất, tiếp nhận khí thiêng sông núi. Thần được thờ chính ở đền Bạch Mã (số 76 Hàng Buồm).
Tương truyền vào thế kỷ 9, Cao Biền xây thành Đại La, khi ra ngoài cửa đông thấy một người hiện trong đám mây ngũ sắc. Vốn là đạo sĩ, Biền có ý muốn trấn áp. Đêm đó, Biền nằm mộng thấy người đã gặp xưng là Long Đỗ. Biền dùng bùa yểm bằng đồng chôn xuống đất, bùa liền bị sét đánh tan. Biền cả sợ liền lập đền thờ.
Năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long xây dựng kinh thành gặp nhiều khó khăn, nhiều lần thành đắp lên rồi lại đổ. Vua cho người cầu đảo ở đền thờ thần Long Đỗ, thì thấy một con ngựa trắng từ đền chạy ra một vòng quanh thành. Vua cứ theo vết chân ngựa rồi xây thành. Vua xuống chiếu phong Long Đỗ làm Thành hoàng cho dân Thăng Long thờ, tước phong “Quảng Lợi Bạch Mã Tối Linh Thượng Đẳng Thần”.
Các triều vua sau đều phong tặng thần Long Đỗ. Thời Trần, năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) rồi năm Hưng Long thứ 21 (1314) gia phong mỹ tự “Thánh Hựu Phu Ứng Đại Vương”.
Cổng chùa và đình Tân Khai. Panorama ©2014 NCCong
Vị thứ ba được thờ trong đình Tân Khai—thần Thiết Lâm (thần rừng lim)—tương truyền là một vị thần của vùng Hồ Tây. Tuy chi tiết về ngài hiện nay không có tài liệu nào ghi chép, song có thể thấy việc thờ ngài có lẽ bắt nguồn từ tín ngưỡng của người Việt cổ xưa tôn sùng các lực lượng thiên nhiên (như thần cây đa, thần cây gạo…). Đây là một hiện tượng phổ biến của cư dân Việt nói riêng và cư dân Ấn Độ, Đông Nam Á nói chung, để cầu mong sự bình yên hạnh phúc.
Ba thành hoàng thờ trong đình Tân Khai đều là những vị thần có gốc gác và gắn với Thăng Long từ buổi đầu khởi dựng kinh đô. Tiểu sử của các ngài thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước và hùng khí của quê hương. Thần Tô Lịch cũng như thần Long Đỗ đều từng bị Cao Biền yểm trấn nhưng không thành, chính Biền cũng đã phải thú nhận: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ”.
Kiến trúc
Đình Tân Khai trước đây được xây trên một mảnh đất nhỏ, áp lưng vào chùa Thái Cam. Nay nhà tiền tế đã mất, đình chỉ còn hậu cung xây kiểu chữ Công, rộng ba gian hai chái, mặt quay về hướng nam. Sân đình nằm dưới tán lá một cây bồ đề to, cửa đình có đôi con nghê đứng chầu. Đình xây đầu hồi bít đốc, 2 tầng 4 mái, trên bờ nóc đắp hình lưỡng long triều nhật.
Đình Tân Khai hiện nay chung cổng ra vào với chùa Thái Cam. Cổng này xây kiểu nhà cầu 4 trụ mái bằng, trên đắp cuốn thư đề 4 chữ Hán “Tân Khai Linh Từ”, nhìn chếch ra ngã tư Hàng Vải—Hàng Gà. Trải qua thời gian hai thế kỷ, đất đình chùa bị lấn chiếm một phần và các công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm 2015, cổng vào cụm di tích này đã được trùng tu.
Lưu ý
Trong đình hiện còn các câu đối nói lên sự uy phong của các vị thần, thí dụ:
“Đan giá tự thiên lai thành quách dĩ tiền khai Lý đế
Nhất thanh tòng địa phận sơn hà y cựu tiếu Cao vương”
Tạm dịch:
“Ngự xuống từ trên trời, thành quách mở ra trước Công Uẩn
Một tiếng vang dậy đất, sơn hà như cũ nhạo Cao Biền”
“Đan giá tự thiên lai thành quách dĩ tiền khai Lý đế
Nhất thanh tòng địa phận sơn hà y cựu tiếu Cao vương”
Tạm dịch:
“Ngự xuống từ trên trời, thành quách mở ra trước Công Uẩn
Một tiếng vang dậy đất, sơn hà như cũ nhạo Cao Biền”
Hay:
“Kim giản đằng không vượng khí quang hàn Nùng Lĩnh nguyệt
Đồng phù định toái linh thanh trường tháp Nhị Giang phong”
Tạm dịch:
“Từ trên cao không, vượng khí tỏa sáng như trăng núi Nùng
Cùng trợ giúp đời, tiếng thiêng dài theo gió sông Nhị”
“Kim giản đằng không vượng khí quang hàn Nùng Lĩnh nguyệt
Đồng phù định toái linh thanh trường tháp Nhị Giang phong”
Tạm dịch:
“Từ trên cao không, vượng khí tỏa sáng như trăng núi Nùng
Cùng trợ giúp đời, tiếng thiêng dài theo gió sông Nhị”
Đình Tân Khai tuy ra đời vào đầu thế kỷ 19, song trong tâm thức của người dân Hà Nội thì thần Tô Lịch, Bạch Mã, Thiết Lâm vẫn là những vị thành hoàng tối thượng, phải được thờ cúng muôn đời để bảo vệ cho đất Thăng Long. Đình (cùng chùa Thái Cam) đã được Bộ Văn hoá Thông tin ra quyết định ngày 09-01-1990 xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Pháp Bảo Tạng: số 44 phố Hàng Cót.
- Chùa Thái Cam: số 16c phố Hàng Gà.
- Đình Đông Thành: số 7 phố Hàng Vải.
- Đình Nhân Nội: số 33 phố Bát Đàn.
Bản đồ trực tuyến
Đông Tỉnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét