Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đình Đại Áng


Thứ Tư 18, Tháng Ba 2015
  • delicious
  • googleplus
  • google
  • linkedin
  • live
  • reddit
Đình làng Đại Áng tên chữ là Đại Đản, trong thờ Tản Viên Tam thánh và Bố Cái Đại vương Phùng Hưng. Xếp hạng: Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia (1991). Địa chỉ: xóm Đại Đình, thôn Đại Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tọa độ: 20°54’16"N 105°49’31"E, cách Hồ Gươm chừng 17km về hướng nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: bến cuối tuyến CV Nghĩa Đô—Đại Áng (bus 12).

Bản đồ trực tuyến

Giới thiệu

JPEG - 156.4 kb
Cổng làng Đại Áng ©2015 NCCong
Đình Đại Áng là ngôi đình của thôn Đại Đản, bên trong thờ 3 vị thần Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh và phối thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng[1]. Sự tích của các vị thần hoàng này đã được chép nhiều nên không nhắc lại nữa. Ngôi đình tọa lạc ở địa phận xóm Đại Đình, thôn Đại Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
JPEG - 140.1 kb
Mặt sau cổng làng Đại Áng ©2015 NCCong
Xã Đại Áng nằm ở khoảng giữa dòng sông Nhuệ và quốc lộ QL1A; xưa kia thuộc trấn Sơn Nam Thượng; sau sáp nhập về thành phố Hà Nội, giao thông trở nên thuận tiện nhờ có tuyến xe bus chạy đến tận công viên Nghĩa Đô. Ranh giới xã như sau: phía đông giáp xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) và xã Nhị Khê (huyện Thường Tín), phía tây giáp xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) và xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), phía nam giáp xã Khánh Hà, phía bắc giáp các xã Vĩnh Quỳnh và Ngọc Hồi (3 xã cuối cũng thuộc huyện Thanh Trì).
Đình và chùa Đại Áng. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 141.2 kb
Cổng đình Đại Áng ©2015 NCCong
Xã Đại Áng bao gồm 4 thôn: Đại Áng, Nguyệt Áng, Vĩnh Trung, Vĩnh Thịnh. Thôn Đại Áng ngày nay có đông dân cư, được chia thành các xóm Đại Đình, Quyết Tâm và Chiến Thắng. Từ bến đỗ cuối cùng của tuyến xe bus số 12, du khách xuôi đường nhựa về hướng nam khoảng 500m qua ngã ba thứ hai sẽ nhìn thấy một chiếc cổng làng ở bên tay phải; rẽ vào cổng đi tiếp theo đường bê tông chừng 500m nữa thì đến đình.

Kiến trúc

Vị trí của đình Đại Áng rất đẹp: mặt quay hướng tây-nam về một cái hồ hình chữ nhật, nước trong sạch sẽ, bên tả là nhà sắc, bên hữu là tam quan ngoại và giếng ngọc của ngôi chùa Thiên Phúc Tự. Ngày nay con đường làng được lát bê-tông khá rộng dẫn du khách đi qua trụ sở thôn tới nhà sắc, đình và chùa, nếu rẽ trái thì sẽ đến nhà văn hóa thôn là một tòa nhà khá to ở bên kia hồ.
JPEG - 148 kb
Sân đình Đại Áng ©2015 NCCong
Năm 2001 đình được dân làng trùng tu khá khang trang. Từ ngoài vào trong gồm có các hạng mục: bình phong, nghi môn, tiền tế, thiêu hương, hậu cung. Tòa tiền tế rộng 5 gian 2 chái. Bộ vì kèo được làm theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ và bẩy hiên”. Các đầu ở hai gian giữa chạm lộng và chạm thủng hình đầu rồng. Tòa đại đình là một phương đình kiểu “chồng diêm”, mái trên các bờ dải đắp nổi hình rồng. Hậu cung có kết cấu khá đặc biệt với gian ngoài cùng là vì kèo quá giang kiểu “vỏ cua”, đây là nơi linh thiêng để đặt long ngai và bài vị của các vị thần hoàng.
Đình và chùa Đại Áng. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 118.5 kb
Hông đình Đại Áng ©2015 NCCong

Lưu ý

Theo TS Nguyễn Thế Long, đình Đại Áng có bố cục khác với nhiều ngôi đình ở miền Bắc và lại mang ảnh hưởng của kiến trúc cố đô Huế (như vì vỏ cua) với những mảng chạm khắc đẹp và tinh tế. Trong đình còn lưu giữ được ba đôi câu đối khảm trai, một cuốn thư thiếp vàng, hai bộ bát bửu, hai long sàng, hai cửa võng, 4 cỗ kiệu và một long đình.
JPEG - 139.1 kb
Trong đình Đại Áng ©2015 NCCong
Năm 1789 cánh quân Tây Sơn do Đô đốc Bảo chỉ huy đã trú tại khu vực đình Đại Áng trước khi tiến đánh các đồn giặc Thanh và góp phần giải phóng thành Thăng Long. Theo bác Dân, một cựu chiến binh của địa phương, thì hồi ấy nhân dịp Tết Kỷ Dậu bà con sở tại đã gói bánh chưng, bánh dày cho các nghĩa sĩ ăn và mang theo. Từ đó hai thứ bánh này trở thành lễ vật có mặt trong hội đình làng.
Đình Đại Áng và chùa Thiên Phúc Tự ngày 02-10-1991 đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là cụm Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

Chú thích

[1] Phùng Hưng tên chữ Hán 馮興, năm sinh không rõ, mất năm 791 hoặc 802. Ông là thủ lĩnh lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa lớn chống lại sự thống trị của nhà Đường ở Việt Nam dưới thời Bắc thuộc.

Bài và ảnh: NCC Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét