Nhắc đến đặc sản Thanh Hóa, nhiều người nghĩ ngay đến nem chua ngon nổi tiếng xứ này mà không biết rằng nơi đây còn rất nhiều món đặc sản ngon không kém, thậm chí còn gây “thương nhớ” cho không ít người như món cháo lươn.
Lần nào cũng vậy, hễ có dịp đi công tác qua Thanh Hóa là thế nào tôi cũng phải tìm cách ăn bát cháo lươn cho bằng được. Nếu ở Hà Nội tìm quán bún phở dễ thế nào, thì tìm quán cháo lươn ở Thanh Hóa cũng dễ như thế!
Không như cháo ở Hà Nội được nấu từ gạo tẻ có thêm chút gạo nếp cho đặc sánh. Cháo lươn Thanh Hóa được nấu từ gạo lật, loại gạo chỉ được xay xát để loại bỏ vỏ trấu. Gạo được để nguyên hạt nấu chín tới rồi mới thêm ít nước hàng, nước tiết lươn, nên có màu nâu nhạt. Khi có khách ăn cháo, người bán hàng mới múc cháo đã nấu chín sẵn rồi thêm thịt lươn đã xào kỹ với gia vị, thêm rau răm thái nhỏ và bưng ra cho khách.
Quán cháo nằm trong sân rộng, nhưng lúc nào cũng kín khách
Không ít người lần đầu ăn món này đều có cảm giác hơi kỳ lạ với món cháo lươn Thanh Hóa. Bát cháo nhìn loãng. Hạt gạo nằm dưới đáy bát dường như chẳng liên quan gì đến phần nước cháo màu nâu nhạt ở trên với thịt lươn và rau răm. Nhưng khi ăn rồi mới cảm nhận hết độ đậm đà và hương vị của món cháo dân dã mà ngon có tiếng này. Hạt gạo nấu chín tới không sánh mà rời rạc. Khi ăn cùng thịt lươn thái sợi nhỏ xào kỹ săn chắc, càng nhai càng thấy vị bùi béo, nhìn tưởng khó ăn mà lại dễ ăn đến không ngờ.
Nhìn bát cháo lươn khá bắt mắt
Điều khiến món cháo lươn Thanh Hóa ngon hơn, đặc biệt hơn có lẽ không chỉ do cách chế biến mà còn vì cách ăn rất riêng. Tùy khẩu vị của mỗi người ăn đậm hay nhạt, cay hay không mà cho thêm ít gia vị hay chút ớt chưng, ớt quả. Những có một thành phần không thể thiếu làm cho món cháo thêm ấn tượng và tăng mùi vị chính là hành khô.
Bát hành khô đã được bóc vỏ và làm sạch.
Hành khô không phải được chưng chín vàng mà là ăn sống. Trên bàn của quán cháo lươn lúc nào cũng có sẵn bát hành khô đã được bóc vỏ làm sạch. Trong khi chờ cháo bưng ra, thực khách sẽ tự dùng dao (có sẵn trên bàn) thái hành khô thành những lát mỏng, nhiều hay ít tùy sở thích của từng người. Hành sẽ được cho vào bát cháo, đảo đều lẫn cùng gạo, thịt lươn rồi mới bắt đầu ăn. Vì thế, không ít người vừa ăn cháo, vừa chảy nước mắt, không phải vì cháo quá nóng mà vì thái hành khô làm cay mắt. Có lẽ thế mà món cháo lươn Thanh Hóa đã ngon lại càng thêm thú vị, khiến bao người trong đó có tôi, ăn rồi thành nghiện lúc nào không hay.
Song Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét