Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đền Bà Chúa (Kẻ Noi)


Đền Bà Chúa thờ công chúa Túc Trinh, con gái vua Trần Thánh Tông. Xếp hạng: Di tích lịch sử, nghệ thuật quốc gia (năm 1993). Địa chỉ: thôn Viên, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Toạ độ: 21°04’08"N 105°46’43"E, cách Hồ Gươm 11km về hướng tây-bắc. Điểm dừng xe bus gần nhất: phố Cổ Nhuế (bus 14, 31).

Bản đồ trực tuyến

Lược sử

Tương truyền, sau chiến thắng quân Nguyên, ruộng đồng bị bỏ hoang nhiều do dân chúng phải chạy giặc. Lấy phát triển sản xuất nông nghiệp làm kế sách giúp dân ấm no và quốc gia hưng thịnh, vua Trần đã xuống chiếu cho các quan lại, vương hầu, kêu gọi tập hợp nhân dân khai khẩn đất hoang, mở rộng kinh thành Thăng Long.
Công chúa Túc Trinh, người con thứ tư của vua Trần Thánh Tông đã tự nguyện xin cha cho thực hiện chủ trương trên và được cha ưng thuận [1]. Bà rời lầu son gác tía ra ngoại thành, đem tiền bạc về vùng Kẻ Noi, một trong những địa danh cổ nhất ở đồng bằng Bắc Bộ. Bà cấp vốn cho dân nghèo dựng nhà, lập xóm, cùng đồng cam cộng khổ biến đồng cỏ dại thành ruộng lúa trù phú. Bà cũng đến cả làng An Hội để chỉ bảo cho dân cách khai hoang, cấy cầy, trồng trọt.
Vùng Kẻ Noi nhanh chóng trở nên trù phú. Tại đây, công chúa còn cho dựng chùa Anh Linh, ngày đêm chăm lo Phật đạo, giáo hóa chúng sinh. Để tưởng nhớ công ơn đó, dân xã Cổ Nhuế đã thờ Bà làm Hậu phật tại các chùa Anh Linh và Thiên Phúc.
Ngôi đền trong thôn Viên cũng là một nơi thờ Bà, có tên là Tối Linh Từ, dân quen gọi là đền (Bà) Chúa. Đền được xây từ thời Lê Trung hưng và đã qua trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Ngày 21-6-1993, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng ngôi đền và các chùa Anh Linh, Sùng Quang là cụm Di tích lịch sử, nghệ thuật quốc gia tại Cổ Nhuế.

Kiến trúc và di sản

Đền Bà Chúa có khuôn viên thoáng đãng với tường gạch bao kín xung quanh. Cổng chính được xây khá đơn giản, mặt nhìn về hướng đông-nam ra ngõ. Du khách bước qua tam quan sẽ thấy một sân trước rộng rãi, hai bên có hai dãy nhà giải vũ 5 gian. Ngôi đền ở phía sau, bên hữu có một cổ thụ dáng đẹp và rất cao.
Tòa tiền tế của ngôi đền gồm 5 gian xây kiểu “tường hồi bít đốc”. Bộ vì ở đây làm theo kiểu “giá chiêng kẻ chuyền, cốn nách kẻ ngồi”, trên các cấu kiện gỗ có chạm đôi nét hoa văn với phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Toà đại bái và hậu cung có kết cấu “hình chữ Đinh”.
Để mở rộng lòng nhà, hậu cung được làm theo kiểu “giá chiêng kép” trốn bớt cột. Nơi đây không có trang trí gì ngoài ở các đầu bẩy hiên. Bên trong điện có tượng thờ công chúa Túc Trinh và một số tượng hầu. Ngoài ra còn phải kể đến một tấm bia đá mang niên đại Minh Mạng thứ 17 (1836) ghi lại sự việc tu sửa đền.
Lễ giỗ Bà Chúa hàng năm được tổ chức tại đền trong 3 ngày từ 30 tháng 7 đến mùng 2 tháng 8 âm lịch, với sự tham gia đông đảo của cả nhân dân hai làng An Hội và Cổ Nhuế. Lệ làng phải tuân thủ gồm có: không rước tượng Bà Chúa đi xa, không đốt pháo từ ngày 25/7 đến 2/8 âm lịch, ngày giỗ thì làm cỗ chay, ăn chay. Nhân dịp này, ngoài việc tiến hành lễ mộc dục, rước kiệu, dâng hương, cúng tế, còn có biểu diễn văn nghệ và chơi các trò dân gian như đánh cờ người, chọi gà...

Di tích lân cận


Đông Tỉnh

[1Tài liệu khác lại ghi là công chúa Trần Khắc Hãn, con vua Trần Nhân Tông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét