Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Miếu Gàn


Miếu Gàn có từ thế kỷ 18; bên trong thờ thần Bảo Ninh Vương. Xếp hạng: Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia (năm 1993). Địa chỉ: số 89 phố Linh Đường, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Toạ độ: 20°57’35"N 105°49’50"E; cách Hồ Gươm chừng 10km về hướng nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: đoạn giữa phố Linh Đường (bus 05, 12, 36, 37), hoặc đoạn đầu đường Ngọc Hồi (06, 08).
JPEG - 164 kb
Sân tiền tế miếu Gàn. Ảnh ©2014 NCCong

Lược sử

Miếu Gàn còn có tên là Xá Càn[1]. Sự tích miếu đi đôi với câu chuyện “Thần Chằm Lân Đàm” được chép trong sách “Lĩnh Nam chích quái”. Sử sách cho biết vùng này vốn có ngôi trường nổi tiếng của Chu Văn An. Truyền thuyết kể rằng khi ông đang dạy ở đây có một chàng trai cử chỉ ngôn ngữ khác người đến xin làm học trò. Thầy nhận lời, sau thấy anh ta học giỏi lại chăm chỉ bèn để tâm tìm hiểu. Một buổi sớm tinh mơ chợt bắt gặp chàng từ dưới nước đi lên, Chu Văn An đoán là thần.
Rồi bỗng nhiên gặp đại hạn, khắp nơi lập đàn cầu đảo mà không ứng nghiệm. Chu Văn An thương dân đành phải nhờ chàng. Lúc đầu anh thoái thác, sau quá nể thầy mới nhận lời giúp và nói thật rằng mình sẽ bị trời phạt. Chàng liền từ biệt và quả nhiên đêm đó mưa to. Ruộng đầy nước thì một tiếng sét nổ ầm, mưa tạnh ngay. Sáng ra dân vớt được xác một con thuồng luồng nổi lên ở Đầm Mực. Chu Văn An nghĩ rằng chàng đã hy sinh nên đau xót cùng dân làm lễ an táng trọng thể rồi lập đền thờ.
JPEG - 167.3 kb
Cổng phụ miếu Gàn. Ảnh ©2014 NCCong
Từ khi có ngôi Miếu Gàn, các triều đại phong kiến liên tiếp đều phong thượng đẳng phúc thần cho Bảo Ninh Vương và ban đạo sắc để làng thờ làm thành hoàng.
Ngày 11-9-1993 Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng miếu Gàn là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Nhờ lần trùng tu mới đây, những công trình cũ mới cùng các cây cối um tùm đã làm nên một thắng cảnh ở ngay cạnh công viên Linh Đàm. Giao thông qua hai ngả đều thuận tiện: cuối phố Linh Đường là khu đô thị mới với nhiều tuyến xe bus, còn đầu phố thì có bến xe Nước Ngầm và quốc lộ QL1A.

Toàn cảnh miếu Gàn. Panorama ©2014 NCCong
JPEG - 188 kb
Tam quan miếu Gàn. Ảnh ©2014 NCCong

Kiến trúc

Miếu Gàn được xây từ thế kỷ 18 trên một khu đất rộng rãi, cao ráo ở phía nam hồ Linh Đàm; đến cuối thế kỷ 20 còn nằm giữa cánh đồng thôn Bằng Liệt, thuộc xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì. Trải qua nhiều lần trùng tu, di tích hiện nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Mặt miếu nhìn về hướng đông-bắc nhưng cổng mới xây thì mở ra phố Linh Đường. Tam quan gồm ba cửa đều có mái lợp ngói ta với các đầu đao cong vút.
Sau tam quan có chiếc cầu ngắn bắc qua lạch nước nhỏ và dẫn du khách vào một sân gạch rộng. Bên trái sân có một nhà bia, xa hơn là nhà sắc 3 gian có cổng phụ cũng mở ra phố Linh Đường. Miếu Gàn nằm ngay phía trước sân nhưng sườn quay ra tam quan, còn mặt hướng về hồ Linh Đàm. Miếu cách ly với ao sen và đồng ruộng bởi một bức bình phong với 4 trụ biểu, khoảng giữa là sân gạch nhỏ hơn, có hai cây muỗm cổ thụ che mát. Phía bên trái miếu còn có một sân nhỏ và khu thờ phụ mới xây.
JPEG - 137.3 kb
Mặt bên miếu Gàn. Ảnh ©2014 NCCong
Toà tiền tế rộng 3 gian 2 dĩ, được kết nối với toà thiêu hương và hậu cung theo hình chữ “Công”. Nhà lợp ngói ta, ở hai đầu hồi đắp nổi hình mặt hổ phù. Phía trước là hệ thống các cửa bức bàn bằng gỗ. Sát hai bên đầu hồi về phía trước là hai cột trụ biểu xây gạch cao to có hình hai con nghê đắp nổi trên đỉnh hướng mặt vào nhau. Bộ khung nhà tiền tế có kết cấu vững chắc và các cốn được chạm trổ công phu. Hai cốn phía ngoài chạm nổi hình long, li, quy, phượng và hình vân mây. Hai cốn bên trong chạm nổi hình đầu rồng. Ngoài ra, trên 4 đầu dư của hai vì kèo gian giữa được chạm thủng kết hợp với chạm lộng thành hình đầu rồng. Đầu rồng có miệng há to, ngậm viên ngọc tròn, râu xoắn, mắt lồi, bờm uốn thành hình đao mác. Tất cả những hình chạm khắc gỗ nhà tiền tế là những tác phẩm nghệ thuật đẹp mang phong cách nghệ thuật dân gian thế kỉ 18-19.

Sân miếu Gàn. Panorama ©2014 NCCong
JPEG - 168.6 kb
Hồ sen bên miếu Gàn. Ảnh ©2014 NCCong

Lưu ý

Miếu tuy không thật lớn nhưng bên trong có nhiều mảng chạm khắc đẹp mang dấu ấn của nghệ thuật các thời Lê-Nguyễn. Ngoài ra hiện còn giữ được một bộ sưu tập cổ vật quý gồm hương án từ thế kỷ 18, khám thờ bằng gỗ chạm lộng sơn son thếp vàng, bộ long ngai bài vị, 2 bát hương bằng đá, 5 bức hoành phi, 10 câu đối bằng gỗ... từ thế kỷ 19.
Trong miếu có đôi câu đối ca ngợi thần Bảo Ninh Vương và Chu Văn An:
Nghiên tự đằng vân thánh vực hé niên xưng đế tử
Đàm do lưu mặc, thần công thiên cổ thụ sư môn

Dịch nghĩa:
Mây từ nghiên bút bay lên, đất thánh ngàn năm, con vua xuất hiện
Đầm còn mực lan chảy, công thần muôn thuở, thầy dạy lừng danh.
JPEG - 241.9 kb
Bên trong miếu Gàn. Ảnh ©2014 NCCong
Một trong những di vật có giá trị nhất ở miếu Gàn là tấm bia đá có tên “Thanh Bằng thịnh sự bi” (Bia ghi việc tốt của Bằng Liệt) dựng ngày 18 tháng 2 năm Cảnh Hưng 45 (1748). Nội dung tấm bia có thể tóm tắt như sau: "các vị trong hội tư văn lễ giáp văn huyện... cùng toàn thể quan chức trong hội tư văn xã Bằng Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín từng nghe vị tiên hiền ở bản xã họ Bùi tự Quốc Khái, thi Đình khoa Ất Tị thời Lý Anh Tông. Đỗ ba người, ông là người thứ hai, làm quan đến Đô Ngự sử, hiện mộ còn ở ruộng chùa xứ Trong Đồng, dân làng còn được thừa hưởng tiếng thơm mà vẫn ngưỡng vọng như Thái Sơn, Bắc Đẩu. Bởi lẽ đó mà hội tư văn mua một khu đất ở xứ Ngõ Vĩnh Phúc xây một ngôi từ chỉ để mãi mãi làm nơi thờ cúng vào Trung Xuân (tháng Hai) và Trung Thu (tháng Tám)".

Di tích lân cận

Bản đồ trực tuyến


Chú thích

[1] Theo một số nghiên cứu thì Gàn chính là Kan hay Ikan. Trong tiếng nói của người Chăm ở miền Nam Trung Bộ nước ta và tiếng Mã Lai, Kan hay Ikan có nghĩa là cá. Yếu tố Mã Lai in rất đậm nét trong văn hoá Đông Sơn (thời kì các vua Hùng) cách đây hơn 2000 năm. Tên Xá Càn là hai từ ghép ra đời muộn hơn. Chữ Xá trong tiếng Hán có nghĩa là khách, quán, ở nhà. Còn chữ Càn cũng như chữ Gàn trong tiếng Việt cổ có nghĩa là cá. Như vậy có thể cho rằng Miếu Gàn có gốc tích từ khoảng đầu công nguyên, khi dân nơi đây chưa chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc và còn theo tín ngưỡng thờ thuỷ thần.

Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét