Lược sử
Đền Voi Phục Thụy Khuê thờ hoàng tử Linh Lang [1], hiện tọa lạc tại số 251 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Thời Lê nơi này thuộc phường Thụy Chương, đến thời Nguyễn kiêng tên huý vua Thiệu Trị mới đổi là Thụy Khuê, thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận cũ. Tại đây đã tìm thấy những viên gạch vồ và một tấm bia đá được dựng năm Vĩnh Tộ thứ ba (1621).
Tương truyền đền từng có tượng voi quỳ, nhưng nay hai bên cổng chỉ còn 2 con voi đá nhỏ ở tư thế đứng. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vùng Thụy Khuê thời Lý từng có cung điện Thụy Chương, khoảng cuối triều Hồ thì bị tháo dỡ để lấy vật liệu đưa về Tây Đô. Dân địa phương đã xây dựng đền thờ thánh Linh Lang trên nền cung cũ, cổng đền hướng về tường ngoài thành Thăng Long ở mạn tây.
Năm 1608 và 1618, triều Lê hai lần tổ chức lễ cầu mưa đều được linh ứng; nhân đó cho lập biển “Hạ mã”. Khi dân làng đào giếng đã tìm được đôi voi đá nguyên khối, bèn xây bệ trước đền và đặt tượng lên thờ. Từ đó gọi là đền Voi Phục Thụy Chương để phân biệt với đền Voi Phục Thủ Lệ. Năm 1860, Án Sát Sứ Hà Nội là Tiến sỹ Nguyễn Hầu, tự Như Cát, đã thuyết phục kỳ mục sở tại đổi hướng đền sang mạn bắc.
Giữa cổng đền Voi Phục Thụy Khuê. Panorama ©2016 NCCong
Ngày 22-1-1986 đền Voi Phục Thụy Khuê đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia. Ngày nay, trong khuôn viên đền có 9 cây muỗm 700 năm tuổi được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là Cây Di sản Việt Nam, cây to nhất có chu vi 5,2m và cao 29m, cây nhỏ nhất chu vi 2,9m và cao 17m.
Kiến trúc
Ngày 30-3-2011, UBND quận Tây Hồ đã khởi công Dự án tu bổ, tôn tạo ngôi đền, nói chung giữ được dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn. Cổng đền Voi Phục Thụy Khuê quay hướng bắc ra phố Thụy Khuê, có đôi voi đá đứng gác. Đó là một nếp nhà ba gian đơn giản với 3 bộ cửa gỗ, ngưỡng cao, sát hai bên hồi có đắp hai tượng hộ pháp.
Qua cổng thì đến sân đền, hai bên có tượng đôi ngựa hồng bạch khá lớn đặt trong 2 căn nhà một gian lắp cửa kính. Nhà tiền tế 3 gian 2 dĩ, kết nối theo hình chuôi vồ với hậu cung 3 gian và cung cấm cũng 3 gian. Gian chính giữa nhà tiền tế treo bức đại tự “Vạn cổ anh linh”. Bên tả đền mới xây một dãy nhà 5 gian cửa bức bàn, cách một cái sân. Đối xứng bên hữu cũng có dãy nhà như thế và một sân khác giáp với đền Thụy Ứng thờ Mẫu.
Trong đền Voi Phục Thụy Khuê hiện còn lưu giữ được một bộ nghi trượng thờ trong hậu cung, nhìn còn mới nguyên nhưng trên thân đã được dán ký hiệu đánh dấu niên đại từ thời Hậu Lê (do hội Di sản văn hóa dân gian Hà Nội thẩm định). Ngoài ra có 6 bia đá và long ngai, bài vị, cửa võng, bát bửu, kiệu, hoành phi, câu đối. Các mảng chạm khắc cũ trong đền cũng mang phong cách nghệ thuật trang trí của thời Hậu Lê. Ngoài hiên chỗ bậc tam cấp còn có các rồng đá được chế tác với những nét hoa văn cách điệu.
Hội đền Thụy Khuê
Hội đền được tổ chức nhằm tưởng niệm Linh Lang đại vương và 6 vị bộ tướng, cứ 5 năm mới làm đại lễ một lần, hàng năm chỉ mở hội lệ. Thời gian diễn ra từ mồng 10 đến 12 tháng Hai âm lịch, chính hội là ngày mồng 10. Trong dịp đó có lễ rước kết chạ với dân Thủ Lệ rất độc đáo [2].
Các bô lão giải thích: Thánh mất ngày 10 tháng Hai, nhà vua biết tin truyền lập bài vị để thờ, phong ngài là Linh Lang đại vương, sắc phong cho hai làng Thụy Chương và Thủ Lệ thờ làm thành hoàng. Đền thờ lập ngay tại nơi ngài mất, ngày 12 nhà vua thân hành đến tế. Khi ấy dân Thủ Lệ xin bài vị về thờ không được bèn lội qua sông Tô Lịch lấy trộm. Hai làng vì thế mà xô xát, sau khi biết rõ thì kết chạ, Thụy Chương làm anh.
Hàng năm đến ngày 10, dân Thụy Chương sang Thủ Lệ làm lễ. Ở Thủ Lệ, các bô lão phải đảm đương việc “dọn trưởng”. Đường rước từ Thụy Chương sang Thủ Lệ khá xa, phải nghỉ ở miếu Trắng (sau bị phá để mở đường quốc lộ đi Sơn Tây). Ngày 12, đám rước đi ngược chiều từ đền Thủ Lệ sang đây, cũng trải qua các bước như rước từ ban đầu. Tới Thụy Chương, đám rước tập kết ở đình Trên (nay đã bị phá), chỉnh trang rồi mới vào đền làm lễ.
Ngày nay, trong đền vẫn còn đôi câu đối:
Đông cung nhất dạ long đằng do truyền thắng tích
Tây trấn thiên thu tượng phục vĩnh ngật thần từ
Dịch nghĩa là:
Hoàng tử một đêm cưỡi rồng bay, còn đây truyền thắng tích
Trấn Tây nghìn năm có Voi Phục, muôn thủa vững đền thờ.
Đông cung nhất dạ long đằng do truyền thắng tích
Tây trấn thiên thu tượng phục vĩnh ngật thần từ
Dịch nghĩa là:
Hoàng tử một đêm cưỡi rồng bay, còn đây truyền thắng tích
Trấn Tây nghìn năm có Voi Phục, muôn thủa vững đền thờ.
Bản đồ trực tuyến
Di tích lân cận
- Chùa Bà Đanh: số 199b phố Thụy Khuê.
- Chùa Mật Dụng: số 442 phố Thụy Khuê.
- Chùa Sải (Tĩnh Lâu Tự): số 147 phố Trích Sài.
- Đền Đồng Cổ: số 353 phố Thụy Khuê.
- Đình An Thọ: số 528 phố Thụy Khuê.
- Đình Đông Xã: ngõ 444 Thụy Khuê.
- Đình Hồ Khẩu: ngõ 328 Thụy Khuê.
Chú thích
[1] Nguyễn Thế Long (Đình và đền Hà Nội, Nxb Văn hóa—Thông tin 1998) ghi rõ là hoàng tử Uy Linh Lang đời Trần. Còn Thần phả trong đền viết là đức thánh Linh Lang con vua Lý Thánh Tông, sự tích chi tiết có ở bài Đền Linh Lang (Voi Phục) và ở [2].
[2] Sách “Lễ hội Thăng Long”, Lê Trung Vũ (cb), NXB Hà Nội, 2001.
[2] Sách “Lễ hội Thăng Long”, Lê Trung Vũ (cb), NXB Hà Nội, 2001.
Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong
Vẻ uy nghiêm hiếm có của trấn Tây thành Thăng Long xưa
Kinhtedothi - Đền Voi Phục tọa lạc trên phố Kim Mã, cạnh công viên Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội), là một trong “tứ trấn” – trấn Tây của Thăng Long xưa sở hữu vẻ đẹp uy nghiêm, hiếm có.
Đền Voi Phục được dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065) đời Lý Thánh Tông ở góc phía Tây Nam thành Thăng Long cũ, thờ Linh Lang Đại vương - thần Linh Lang. Do vậy, ngoài cái tên đền Voi Phục, đền còn có tên gọi khác là đền Linh Lang.
Có nhiều truyền thuyết kể về thần Linh Lang. Theo sử sách ghi lại, thần Linh Lang là hoàng tử nhà Lý - Hoằng Chân, con vua Lý Thánh Tông, đã giúp vua cha chống quân xâm lược Tống bên bờ sông Như Nguyệt (sông Cầu) và đã hy sinh tại đó.
Thần tích kể rằng, thần Linh Lang (con rồng) là do Bà Hoàng phi họ Nguyễn (vợ Vua Lý Thánh Tông) sinh ra. Khi quân Tống sang xâm lược bờ cõi nước ta, lúc đó Linh Lang đã lớn, có đủ sức khỏe, chàng xin vua cha ban quân và hai thớt voi để đi đánh giặc. Khi voi đến, Linh Lang bắt voi quỳ xuống, voi liền quỳ xuống rồi đưa chàng và các tướng sỹ ra trận. Trong một lần giáp chiến với quân giặc trên phòng tuyến sông Cầu, Linh Lang đã hy sinh.
Để ghi nhớ công lao của hoàng tử, Đức vua Lý Thánh Tông đã sắc phong cho Hoàng tử là Linh Lang Đại vương và cho xây dựng đền thờ và cho tạc hai con voi đá nằm phủ phục trước cửa đền, sau này, dân chúng cầu đảo gọi luôn là đền Voi Phục.
Hàng năm, để tưởng nhớ thần Linh Lang, cứ đến ngày 9, 10 và 11/2 âm lịch, Nhân dân ở đây tổ chức lễ hội đền Voi phục. Đây là hội rước lớn với cờ quạt, chiêng trống, lọng, tàn, tán nối nhau thành hàng dài cùng phường bát âm và đội sênh tiền rất nhộn nhịp.
Đền Linh Lang tọa lạc trên một gò đất bằng phẳng và rộng rãi. Tam quan ngoại và nội quay hướng Đông Nam. Chính điện nhìn về hướng Đông, phía hồ Thủ Lệ làm. Hai bên con ngõ rộng dài lát gạch to dẫn vào đền còn giữ được nhiều cây cổ thụ.
Trước sân tiền tế có nhiều bậc đá khá cao dẫn xuống một cái giếng hình bán nguyệt. Phía đó có con đường nho nhỏ men theo bờ hồ cũng được lát gạch, dẫn tới một cây cầu dài và cong bắc sang vườn thú của công viên Thủ Lệ.
Mặt bằng các công trình thờ phụng được sắp xếp theo kiểu “nội công ngoại quốc” khá hoành tráng. Tiền đường ba gian hai dĩ, chính điện bày lỗ bộ, bên tả đặt trống đại, bên hữu treo chuông đồng, hai đầu hiên có xây áp vào hai mái nhỏ che cặp ngựa tế hồng, bạch. Tòa thiêu hương có cửa gỗ mở cả bốn phía thoáng, trong bày long ngai, bài vị thần. Hậu cung thượng điện gồm ba gian, có các ban thờ với một số pho tượng bằng gỗ và đồng.
Mái đền chính được đắp lưỡng long trên nóc, bốn phía có các đầu đao cong vút mang hình rồng, phượng, lân, hổ. Hai bên nội điện có sân rộng và các nhà tả hữu vu bảy gian kéo xuống gần hậu đường ở phía sau.
Hậu đường 5 gian, cũng cửa bức bàn với kèo cột toàn bằng gỗ lim, trước hiên có đôi tượng linh vật bằng đá. Đây là nơi thờ bà mẹ của thần Linh Lang và Tam tòa Thánh Mẫu.
Trong đền có hai pho tượng đồng và một hòn đá to có vết lõm, tương truyền là nơi Linh Lang nằm gối đầu lên rồi hoá thành con giao long. Đáng chú ý rằng hầu hết các pho tượng đá từ thềm tam quan cho đến thềm hậu đường đều thể hiện hình con sấu trước và trong khi hóa rồng.
Đầu năm 1994, nhân dân Thủ Lệ đã quyên góp đúc lại quả chuông cao 93cm, đường kính miệng 70cm, thân chia 4 múi, có đúc nổi dòng chữ Hán "Tây trấn thượng đẳng". Ngoài ra đền còn còn có 9 cây muỗm đại cổ thụ nằm ngay trước sân đền, ước đã hơn 700 năm tuổi.
Đền Linh Lang sở hữu nhiều hoành phi và câu đối bằng chữ Hán, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, nội dung chủ yếu ca ngợi công đức và sự thiêng liêng của các thánh thần.
Công trình được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngay từ đợt đầu vào ngày 28/4/1962.
Đền Voi Phục uy nghiêm ở ven hồ, ngày nào cũng có đông khách tới thăm, thật xứng danh là một trong những địa chỉ tâm linh và thắng cảnh hàng đầu của Thủ đô Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét