Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đình Khương Thượng

Đình làng Khương Thượng thờ thần Quy Động. Xếp hạng: Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia (năm 1990). Địa chỉ: số 165 phố Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Toạ độ: 21°00’12"N 105°49’29"E; cách Hồ Gươm chừng 5,5km về hướng nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: đoạn cuối các phố Trường Chinh (bus 16, 19, 24), Tây Sơn (01, 02, 09, 18, 21, 26, 44, 51), Tôn Thất Tùng (12), hoặc đoạn giữa phố Chùa Bộc (12, 18, 23, 26, 35, 44, 51).

Bản đồ trực tuyến

JPEG - 95.2 kb
Cổng đình Khương Thượng. Ảnh ©2013 NCCong

Giới thiệu

Đình Khương Thượng toạ lạc trước một hồ nhỏ xây kè đá, con đường làng cũ đi ngang qua giữa bức bình phong lớn ven hồ và cổng đình (mới) nay đã trở thành phố. Cổng tam quan cũ đứng ngay cạnh góc phía nam của hồ, chỉ cách cầu ao chừng vài chục bước về bên tay trái.
JPEG - 118.8 kb
Cổng làng Khương Thượng. Ảnh ©2013 NCCong
Du khách muốn thăm đình nếu đi từ phía phố Trường Chinh rồi rẽ vào phố Khương Thượng thì thuận tiện hơn là đi từ phố Tây Sơn hoặc phố Chùa Bộc, vì đoạn đường cũ này vừa gần vừa thẳng. Xe con chui qua được cổng chính, trên có đắp nổi 4 chữ Hán “Khương Thượng đình môn”. Tuy nhiên con phố khá chật hẹp và có hàng quán thậm chí còn lấn chiếm hết cả bên tả môn của tam quan cũ.
JPEG - 67 kb
Mặt đình Khương Thượng. Ảnh ©2013 NCCong
Con hồ bán nguyệt rộng 3.600m2 cùng nhiều cây cổ thụ ở cả trong lẫn ngoài sân tạo nên một không gian xanh hài hòa và tĩnh lặng ngay giữa khu dân cư thị thành đông đúc. Từ lâu nơi đây đã trở thành khu vực vui chơi, thể thao của thanh thiếu niên và nghỉ ngơi, đánh cờ, tập dưỡng sinh của người cao tuổi.
Đình thờ một vị thiên thần có công phù hộ công cuộc mở mang làng Khương Thượng, sau được vua phong tước hiệu Phổ hoá Hoằng tĩnh Chiêu cảm Đại vương, dân gọi là thần Quy Động (gò Rùa). Theo truyền thuyết, thủa ban đầu những người khai phá đất hoang bị ốm đau nhiều, một đêm trên gò Rùa thấy phát hào quang sáng rực, bèn lập miếu thờ, dân làng được yên ổn thịnh vượng từ đấy.
Đình xây từ lúc nào không ai rõ, tuy muộn nhất cũng phải vào khoảng nửa đầu thế kỷ 17, khi làng Khương Thượng nhận bức sắc phong thành hoàng của vua Lê Thần Tông. Văn bia cho biết năm 1772 đình đã được trùng tu to đẹp. Thời Pháp thuộc, tổng diện tích đình từng là 9.500m2. Đình mới đây lại được trùng tu và xây thêm đài liệt sĩ, nhưng kiến trúc chung vẫn giữ gần như nguyên vẹn.

Đình Khương Thượng. Panorama ©2013 NCCong
JPEG - 34.1 kb
Một bia cổ ở đình Khương Thượng. Ảnh ©2013 NCCong

Kiến trúc

Từ tây sang đông, đình có các hạng mục công trình truyền thống rất quen thuộc ở vùng đồng bằng sông Hồng như: bình phong, nghi môn, sân đình, tháp bia, giải vũ, phương đình, đại bái, hậu cung... Sân lát gạch vuông, nhiều khoảng rộng được tán cây che mát. Đình có diện tích đất rộng tới 6.900m2, đủ cho hàng nghìn người dự lễ hội.
JPEG - 105.6 kb
Sân đình Khương Thượng. Ảnh ©2013 NCCong
Hai tháp bia nhỏ nằm gần giữa sân làm tôn lên vẻ đẹp của các cổ thụ in bóng và toà phương đình khá lớn đứng ở sau. Phương đình như một sân khấu nhỏ xây chính giữa khuôn viên, hai bên cách ra một không gian thông thoáng dành cho những khán giả ở phía trước hai dãy nhà tả hữu vu rộng 5 gian. Trải đều sức nặng vào 16 cây cột là 2 tầng mái phương đình lợp ngói ta với các đầu đao uốn cong nổi bật trên nền trời xanh và toà đại đình.
Toà đại đình rộng 7 gian 2 chái và sâu tới 31m, những cột to đều làm bằng gỗ lim, gỗ táu. Các đầu dư cốn nối xà bẩy được chạm khắc rồng, phượng tứ hình theo các phong cách nghệ thuật thời Lê, Nguyễn. Ba gian giữa là trung đình, nơi thờ cúng tế tự, có đủ án thư, cửa võng, hoành phi, câu đối, binh khí thếp vàng và cột sơn son. Những gian hai bên với các hàng cột mộc là nơi cất giữ đạo cụ phục vụ lễ lạt và hội họp, ăn uống của các bậc trưởng lão thuộc hai giáp Bắc, Đoài. Hậu cung rộng 3 gian, bên góc trái cuối sân hậu là lò thiêu hương.
JPEG - 91.2 kb
Phương đình Khương Thượng. Ảnh ©2013 NCCong

Lưu ý

Trong đình Khương Thượng đang lưu giữ 20 sắc phong của các triều vua, bao gồm 12 sắc phong thời Lê, 2 thời Tây Sơn, 6 thời Nguyễn. Sắc cổ nhất được phong từ năm 1642 bởi Lê Thần Tông, sắc cuối cùng do Khải Định phong năm 1924. Trước kia, đình từng có 9 bức hoành phi và 36 đôi câu đối chữ Hán. Hiện nay chỉ còn lại 4 hoành phi cổ và đã phục hồi được 15 đôi câu đối.
JPEG - 70.5 kb
Trung đình Khương Thượng. Ảnh ©2013 NCCong
Đôi câu đối ở mặt sau cổng đình nêu cao vị thế của làng và thành hoàng:
Tự Hồng Lạc dĩ lai ấp vu Khương Quy Động Long Biên sơn hà củng cố
Trung thiên địa tịnh lập đẳng nhi thượng loan bằng phượng vũ nhật nguyệt quang hoa

Nghĩa là:
Từ đời Hồng Lạc đến nay mở mang Khương ấp, Quy Động Long Biên non sông bền vững
Giữa cõi đất trời đều đứng trên bậc Thượng đẳng, loan bay phượng múa nhật nguyệt sáng tươi.
JPEG - 75.2 kb
Chuông trống trong đình Khương Thượng. Ảnh ©2013 NCCong
Một đôi câu đối khác cũng viết những lời ca ngợi:
Thiên tác cao sơn Quy Động Kỳ Sơn linh thắng địa
Thần thai đa phúc Long Biên Khương Thượng thái bình dân

Đông Tỉnh lạm dịch:
Trời tạo núi cao, Kỳ Sơn Quy Động đất thiêng đẹp
Thần ban nhiều phúc, Khương Thượng Long Biên dân bình yên.
JPEG - 82.1 kb
Hậu đình Khương Thượng. Ảnh ©2013 NCCong
Hội đình Khương Thượng được tiến hành hằng năm vào ngày 12 tháng 2 âm lịch, tổ chức vui chơi ca hát và tưởng niệm sự kiện xuất hiện hào quang trên gò Động Rùa xưa kia. Dân làng hiện nay vẫn giữ được nhiều truyền thống cũ. Lễ nghi thường bao gồm các tiết mục: lễ khai mạc, lễ dâng hương, lễ viếng liệt sĩ, lễ tế cáo yết Thành hoàng. Từng dòng họ hoặc gia đình tiêu biểu được mời tham gia tế lễ và nêu cao thành tựu của mình. Làng cũng cho lập các gian trưởng lão, quán thư pháp, văn tải đạo, mời biểu diễn văn nghệ trong đình và hát quan họ trên hồ.

Di tích lân cận


Bài và ảnh: Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét