Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đình Kim Liên, đền Cao Sơn


  • delicious
  • googleplus
  • google
  • linkedin
  • live
  • reddit
Đình và đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (năm 1990). Địa chỉ: 148 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Toạ độ: 21°0’37"N 105°50’17"E, cách Hồ Gươm khoảng 4km về hướng tây-nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: ngã phố Xã Đàn—Phạm Ngọc Thạch (21, 25, 26, 28, 35, 44, 51) hoặc ngã phố Lê Duẩn—Hồ Ba Mẫu (03, 32, 41).
JPEG - 68 kb
Lễ hội Giáp Ngọ đình Kim Liên. Ảnh ©2014 NCCong

Lược sử

Đền thờ thần Cao Sơn được xây dựng năm 1509. Sau này, dân làng đã lập thêm cổng tam quan ở phía trước cổng đền và bổ sung các nếp nhà mới, tạo thành một ngôi đình làng. Cổng đình và cửa chính điện đều hướng về phía tây-nam, xưa kia trông ra một con đầm ở cạnh ô Kim Hoa (tức ô Đồng Lầm) và đường cái quan vào Nam.
JPEG - 108.3 kb
Bia cổ ở đình Kim Liên. Ảnh ©2014 NCCong
Với lịch sử như thế, khu đình Kim Liên gồm hai phần chính tách nhau khá rõ. Phía trước có một cổng trụ biểu và hai dãy giải vũ 3 gian bên sân đình. Phía sau là đền thờ nằm trên gò đất. Từ sân đình lên cửa chính điện có thềm chín bậc với đôi sấu đá được làm từ thời Lê trung hưng, nối hai bộ phận kiến trúc nói trên.
JPEG - 81.2 kb
Hoa văn sấu đá bên thềm đền Cao Sơn
Trước kia đình có một cổ thụ to, đứng từ phía chùa Bộc nhìn qua cánh đồng còn thấy ngọn cây. Đáng tiếc đến cuối thế kỷ 20 thì cây đã mất. Đầm và cổng đình cũ cũng không còn do việc mở thêm phố Xã Đàn.
Đền Cao Sơn vốn là trấn phía nam trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa. So với ba trấn kia (các đền Quán Thánh, Bạch Mã, Voi Phục) thì đền Kim Liên 500 tuổi là “trẻ” nhất. Tương truyền thần Cao Sơn là Lạc tướng Vũ Lâm, con Lạc Long Quân và Âu Cơ[1].
Sân đình Kim Liên. Panorama ©2011 Thang Bui
JPEG - 131.3 kb
Chính điện đền Cao Sơn. Ảnh ©2014 NCCong

Kiến trúc

Chính điện gồm Nghi môn, Đại bái và Hậu cung. Nghi môn rộng 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Bốn bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, cột trốn. Các bộ phận kiến trúc và chi tiết trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
JPEG - 91.3 kb
Trước đình Kim Liên. Ảnh ©2013 NCCong
Nhà đại bái rộng 5 gian, được thành phố cho tôn tạo năm 2000. Đình lại được sửa sang, tu bổ lớn trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long—Hà Nội. Người ta đã xây hồ bán nguyệt nhỏ bên cạnh cái giếng to và đắp một bức bình phong trước tam quan mới làm theo kiểu cổng chùa Láng.
Hậu cung đình Kim Liên gồm 3 gian dọc, mái lợp ngói ta, bên trong xây vòm cuốn, đều có bệ gạch cao. Gian ngoài cùng đặt hương án. Gian thứ hai đặt 2 long ngai và các đồ tế khí. Gian cuối cùng thờ Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng laf Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (con gái vua Lê) và Huệ Minh công chúa.
Sân đền Cao Sơn. Panorama ©2011 Thang Bui
JPEG - 58.7 kb
Xà gỗ chạm của đền Cao Sơn

Lưu ý

Bên phải Nghi môn có một tấm bia đá cao 2,34m, rộng 1,57m, dầy 0,22m, là di vật quý giá nhất của đền Cao Sơn. Văn bia cũ bị mờ nên được khắc lại vào năm Nhâm Thìn đời Cảnh Hưng (1772), hiện nay rễ cây bám quanh có thể làm hại. Trên bia khắc bài tựa “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510, nói về công lao của thần Cao Sơn.[2]
JPEG - 130.6 kb
Chi tiết văn bia đền Cao Sơn
Đình Kim Liên còn lưu giữ 39 đạo sắc phong cho Cao Sơn Đại Vương, trong đó có 26 đạo thời Lê Trung Hưng và 13 đạo thời nhà Nguyễn, sớm nhất là sắc phong mang niên hiệu Vĩnh Tộ thứ hai (1620). Ngoài Cao Sơn Đại Vương, về sau trong đình Kim Liên còn thờ Tam Phủ, thờ Mẫu, thờ Hồ Chí Minh..
JPEG - 82.8 kb
Sắp lễ trước đền Cao Sơn. Ảnh ©2014 NCCong
Lễ hội đình làng Kim Liên được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm, cùng dịp với lễ hội ở đình làng Trung Tự ngay bên cạnh. Năm 1990 đình và đền đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Di tích lân cận

Bản đồ trực tuyến

Chú thích

[1] Đền thờ chính ở huyện Phụng Hóa, nay là Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
[2] Nội dung bia cho biết: Khi vua Lê Tương Dực dẹp Lê Uy Mục, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ cùng đem quân đi. Đến địa phận huyện Phụng Hoá thì thấy giữa cảnh núi rừng rậm rạp có ngôi đền cổ ghi bốn chữ "Cao Sơn đại vương". Rất lấy làm lạ, vua quan bèn khẩn cầu thần phù trợ. Quả nhiên sau mười ngày đã thành công. Vì thế, vua Lê Tương Dực cho sửa sang ngôi đền ở Phụng Hóa. Sau nhớ ơn thần đã ngầm giúp dẹp loạn ngoại thích nên năm 1509 vua cho xây dựng một đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa, Đông Đô thời bấy giờ.

Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét