Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Chùa Tam Huyền

Chùa Tam Huyền còn gọi là Sùng Phúc Tự, tương truyền có từ thời Lý và gắn với câu chuyện về Từ Vinh, cha của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Xếp hạng: Di tích kiến trúc - nghệ thuật. Địa chỉ: số 248 phố Thượng Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Toạ độ: 20°59’47"N 105°48’54"E (Google nhầm); cách Hồ Gươm chừng 7km về hướng tây-nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: cạnh ngã phố Khương Đình - Thượng Đình (bus 05), hoặc đầu phố Nguyễn Trãi (01, 02, 19, 21, 27).

Bản đồ trực tuyến

Lược sử

Theo thư tịch cổ, chùa Tam Huyền được xây dựng từ xa xưa vào đầu thời Lý và gắn với truyền thuyết về một nhân vật lịch sử đương đại là ngài Tăng quan Đô án Từ Vinh, cha của Từ Đạo Hạnh (徐道行, 1072-1116) vị thiền sư trụ trì chùa Thầy và chùa Láng.
Theo sách “Hà Nội Danh lam Cổ tự” (Nxb Văn hóa & Thông tin, Hà Nội 2003), tác giả Thích Bảo Nghiêm cho biết trong sách Thiền Uyển tập anh đã viết: "Cha sư là [Từ] Vinh dùng tà thuật làm mất lòng Diên Thành Hầu (con vua Lý Thánh Tông). Hầu nhờ pháp sư Đại Điên dùng pháp thuật đánh chết [Vinh], ném xác xuống sông Tô Lịch”.
Các bô lão sở tại kể lại rằng xác Từ Vinh bị chặt làm 3 khúc: đầu, thân và hai chân. Khúc đầu trôi dạt vào địa phận thôn Nhân Mục Cựu (Mọc Cựu), hai chân lạc vào thôn Kim Giang (Lủ Cầu), còn khúc thân thì trôi đến thôn Pháp Vân (Kẻ Vân) nên nhân gian có câu: "Mọc Cựu thờ đầu, Lủ Cầu thờ chân, Pháp Vân thờ khúc giữa”.
Thôn Mọc Cựu là nơi có lăng ngài Từ Vinh, còn gọi là am Hoàng Long, nay nằm trong khu vực chùa Tam Huyền. Thiền sư Tính Truyền, đệ tử cùa thiền sư Lân Giác (người lập ra chùa Liên Phái) và thế hệ các thiền sư Hải Thư, Tịch Tính, Từ Nhẫn đã kế tục trụ trì chùa này. Tiếp theo vào gần cuối thế kỷ 20, ni trưởng Thích Đàm Quang về trụ trì đã tổ chức trùng tu chùa.
Chùa Tam Huyền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật vào năm 1996. Hội chùa được tổ chức hàng năm vào ngày 6 tháng Ba âm lịch, sớm hơn một ngày trước hội chùa Thầy và chùa Láng. Trong dịp hội này có lễ rước kiệu ngài Từ Vinh và thi thổi xôi, vật tay, chọi gà...

Kiến trúc

Chùa Tam Huyền từng được tu sửa tôn tạo nhiều lần, có những đợt tiêu biểu như các năm Quý Sửu niên hiệu Hoằng Định 14 (1613) và năm Canh Tý niên hiệu Cảnh Hưng 41 (1780). Đầu thế kỷ 20, chùa lại bị đổ nát hư hại nặng nên đã được trùng tu lớn vào năm Đinh Mùi niên hiệu Duy Tân thứ 2 (1907), do đó di tích chủ yếu mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn.
Dáng dấp chùa Tam Huyền hiện nay định hình từ lần xây dựng lại vào thập kỷ 1990 và từ lần tu sửa mới đây với kết cấu chính được làm từ bê tông. Tam quan đồ sộ mở sát mặt phố, nhìn về hướng đông-nam ra sông Tô Lịch. Sau cổng là một sân gạch dẫn thẳng tới giảng đường, bên trái sân là nhà khách và bên phải là cầu thang lên gác. Chùa chính ngự ở tầng trên, gồm tòa tiền đường 5 gian 8 mái, kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ, trên nóc có 3 chữ Hán “Tam Huyền Tự”.
Chùa Tam Huyền. Panorama ©2016 NCCong

Lưu ý

Chùa Tam Huyền vẫn giữ được vài di vật cổ như 2 tấm bia ghi việc trùng tu đời Hoằng Định (1613) và đời Cảnh Hưng (1780), bên cạnh một số câu đối tạc bằng đá cùng bộ ngưỡng cửa đá từ đời Lê Trung hưng... Ngoài hệ thống tượng Phật giáo khá đầy đủ, trong chùa cũng có nhiều hoành phi, câu đối, cửa võng chạm trổ tinh tế và mang tính nghệ thuật cao. Đặc biệt còn có am thờ và lăng mộ của ngài Từ Vinh ở trong khu vực chùa.

Di tích lân cận

Ngoài ra, trong ngõ 342 Khương Đình hiện nay còn có một di tích quốc gia khác là ngôi mộ của danh nhân Đặng Trần Côn (1715?-1751), người làng Mọc Hạ Đình, tác giả trường ca “Chinh phụ ngâm khúc”.

Bài và ảnh: Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét