Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Chùa Thanh Am


Chùa Thanh Am tên chữ là Đông Linh Tự, được xây dựng vào khoảng cuối thời Mạc rồi đại trùng tu vào thời Lê trung hưng, thời Nguyễn và gần đây. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (năm 1990). Địa chỉ: 76 phố Thanh Am, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội. Toạ độ: 21°04’26"N 105°54’05"E, cách Hồ Gươm hơn 8km về hướng đông-bắc. Điểm dừng xe bus gần nhất: đầu Cầu Đuống (bus 10, 15, 17, 43, 54, 59) và cạnh ngã tư Ngô Gia Tự - Đặng Vũ Hỷ - Nguyễn Cao Luyện (10, 43, 54, 98).

Lược sử

Dưới thời Pháp thuộc, xã Thanh Am thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Tên nôm của Thanh Am là Đuống, tên con sông chở đầy phù sa chảy qua đây. Từ năm 1961, Thanh Am trở thành một thôn của xã Thượng Thanh, huyện Gia Lâm; đến năm 2004 thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Chùa Thanh Am tên chữ là Đông Linh Tự, nằm ngay sát đình Thanh Am và làm nên một quần thể di tích gắn liền với tên tuổi của "Trạng Trình" Nguyễn Bỉnh Khiêm 阮 秉 謙 (1491—1585). Khi làm quan tại triều đình nhà Mạc, ngài đã đưa con cháu cùng một số dân từ quê hương Trung Am (huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương) tới định cư ở đây, nhân đó lập thành một làng mới và đặt tên là Hoa Am. Đến năm 1841 vì kiêng tên mẹ của vua Thiệu Trị nên Hoa Am đổi là Thanh Am.
Trải qua 4 thế kỷ đến nay chùa Thanh Am đã được sửa chữa và tôn tạo nhiều lần. Ngày 09-01-1990 Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng chùa (và đình) Thanh Am là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Kiến trúc

Năm 2002 nhà chùa hưng công một đợt đại trùng tu và ngày 20 tháng 4 âm lịch năm Quý Mùi (2003) đã xây xong các công trình chủ yếu, sau đó ngày 15 tháng 11 cùng năm thì hoàn thành nốt nhà Tổ. Dáng dấp chùa chính hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn.
Tam quan mở theo hướng đông-nam ra mặt phố Thanh Am, sử dụng kết cấu bê tông, cửa giữa được xây với 2 tầng 8 mái cong. Sau tam quan là một sân nhỏ dẫn đến ngôi tháp chuông khá to, cao 5 tầng. Tháp có mặt cắt hình vuông, kết cấu bê tông, tổng cộng gồm 20 mái che với tượng linh vật cũng gắn trên các đầu đao như ở tam quan.
Bên phải tam quan có một cổng ngách dẫn thẳng tới chùa chính. Tòa tam bảo nhìn qua tháp chuông về hướng tây-nam là nơi đất Phật. Tiền đường 3 gian 2 dĩ, xây 2 tầng 4 mái phẳng, có cổ diềm lấy sáng và tường hồi bít đốc với 2 trụ biểu đắp câu đối.
Nhà Tổ và nhà Mẫu ở phía sau và bên hông hậu cung. Khuôn viên chùa khá rộng và đang có một công trình đồ sộ cao tầng mọc lên ở góc giáp đình làng.

Di vật

Hiện nay trong chùa Thanh Am có một số đồ cổ quý hiếm và hệ thống đầy đủ tượng Phật giáo Bắc tông, in đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ 19. Ngoài ra còn lưu giữ được tấm bia hậu mang niên hiệu Gia Long thứ hai (1803) và nhiều tư liệu Hán-Nôm như văn bia, hoành phi, câu đối...
Đặc biệt có quả chuông đồng được đúc dưới thời Tây Sơn, ghi niên hiệu Cảnh Thịnh thứ nhất (1793). Chuông có đường kính 57cm, chu vi 157cm, chiều cao 82cm, nếu kể cả phần quai và chóp treo trên cùng thì thành 120cm. Quai chuông mang hình con bồ lao, được coi là một trong 9 loài linh vật thuộc "đàn con của rồng".

Bản đồ trực tuyến

Di tích lân cận


Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét