Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Chùa Thiên Phúc

Chùa Thiên Phúc còn gọi chùa Tây Cú, gọi theo tên thôn là chùa An Trung. Xếp hạng: Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia (1992). Địa chỉ: số 94 phố Hai Bà Trưng, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Toạ độ: 21°1’38"N 105°50’35"E, cách Hồ Gươm hơn 1km về hướng tây. Điểm dừng xe bus gần nhất: các phố Trần Phú (bus 18, 23), Tràng Thi (02, 09), Lê Duẩn (01, 32, 38, 40), Lý Thường Kiệt (49).

Bản đồ trực tuyến


Lược sử

Chùa Thiên Phúc tên chữ Thiên Phúc Tự, tên khác là An Trung Tự, một trong hai dấu vết còn sót lại của thôn An Trung, một ngôi làng Việt cổ ở phía nam kinh thành Thăng Long. Di tích thứ hai là đình An Trung, nay cũng thuộc phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Từ năm 1992, chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.
Năm thành lập chùa đến nay vẫn chưa ai biết đích xác. Tương truyền chùa và đền Lý triều Quốc sư cùng được đặt móng một ngày, tức là vào nửa đầu thế kỷ 11. Tư liệu lịch sử thì cho biết rằng chùa đã từng được bà Nguyễn Thị Bốn, vợ một người Pháp, tổ chức trùng tu lớn vào những năm 1920, cũng vì thế mà dân gian gọi là chùa Tây Cú. Các công trình chính đều mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn và được bảo toàn cho đến nay sau mấy lần tôn tạo.

Kiến trúc

Cổng chùa Thiên Phúc là một ngũ môn quan đồ sộ với 3 lầu kiểu 3 tầng 8 mái và 2 ngọn tháp lớn hai bên, trên gác treo chuông và chiêng trống, 5 cửa dưới mở ra phố Hai Bà Trưng ở hướng tây-nam. Mặt bằng của chùa gồm 3 tòa nhà đều xây 2 tầng và bố trí theo hình “chữ Môn” (門). Hai cổng phụ dẫn khách đến các điện thờ Bồ tát Quan Âm và Địa Tạng Vương ở cuối 2 tòa nhà hành lang.

Sau 3 cổng chính là sân gạch với hòn non bộ và các tháp nhỏ chắn trước cầu thang dẫn lên tòa tam bảo, nơi có hàng hiên nối Phật đường ở giữa với Tổ đường ở nhà bên tả. Từ hàng hiên nhà Tổ đi tiếp sẽ ra tháp lớn và gác tam quan ăn thông sang hàng hiên nhà bên hữu Phật đường. Nơi đây thì có điện thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo và điện thờ công chúa Liễu Hạnh, ngoài ra còn có điện thờ ông Hoàng Ba, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười và Động Sơn Trang thờ Mẫu Nhạc, người cai quản 36 cửa rừng theo tín ngưỡng dân gian.

Lưu ý

Ngày nay, trong chùa Thiên Phúc vẫn giữ được nhiều cổ vật có giá trị nghệ thuật cao, phong phú về nội dung thể loại, chất liệu, tiêu biểu là các pho tượng, phản ánh nghệ thuật điêu khắc dân gian nổi tiếng của thế kỷ 18-19. Nơi đây in đậm dấu ấn sùng kính đạo Phật, đồng thời đan xen tín ngưỡng truyền thống trong dân gian với văn hóa làng xã đặc trưng của nông thôn miền Bắc Việt Nam.
Thờ Mẫu và thờ Thánh là một hình thức tưởng niệm ghi ơn những người có công với nước, với dân. Truyền thống uống nước nhớ nguồn này cũng được gìn giữ tại chùa Thiên Phúc, dù rằng thôn An Trung từ hàng trăm năm nay đã đô thị hóa hoàn toàn. Ngôi chùa được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận và xếp hạng Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988.

Di tích lân cận


Bài và ảnh: Đông Tỉnh

Chùa Thiên Phúc: Nơi thờ Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thánh của dân tộc

Hà Huyền

Vanhien.vn – Chùa Thiên Phúc tọa lạc tại đường Hai Bà Trưng (Hà Nội). Chùa mang nét cổ kính, đặc biệt, ở đây không những thờ Phật, mà còn thờ Mẫu, thờ Thánh của dân tộc, những người có công với đất nước.
Ban Tam Bảo thờ Phật. Ảnh: Huyền.
Theo ghi chép tại chùa, Chùa Thiên Phúc, tên chữ là Thiên Phúc Tự, còn có tên là An Trung Tư, là một trong hai dấu vết duy nhất còn lại của một làng cổ phía Nam kinh thành Thăng Long – làng An Trung, một dấu vết khác còn lại đó là đình An Trung, gần khu vực cửa Nam (Hà Nội ngày nay).
Tình cảm, hòa bình, hướng thiện, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam nói chung và của dân làng Anh Trung nói riêng, dễ hòa đồng với với đạo lý từ bi – hỷ xả - khuyến thiện – trừng ác của đạo Phật, đó là thiện duyên để dân làng An Trung, kẻ góp của, người góp công xây dựng nên ngôi chùa làng mình.
Ban Đức Thánh Hiền. 
Di tích chùa Thiên Phúc bao gồm Chùa, Điện, Động  được cấu trúc theo hình chữ môn. Chùa thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và các đệ tử của Ngài. Điện thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Ở ban Tam Bảo có Ban Đức Thánh Hiền, Ban Đức Thánh Hộ, Ban Đức Chúa Ông. Ban Đức Thánh Hộ ở hai bên Tam Bảo. Ở gian bên phải tầng 2 có Ban Thờ Tổ. Ở gian bên trái có Ban Sơn Trang, Ban Ông Hoàng Mười, Ban Công Đồng Tứ Phủ, Ban Ông Hoàng Bảy, Ban Trần Triều, Ban Chầu Đệ Nhị, Tam Toà Thánh Mẫu, Ban Chầu Đệ Nhị. Ban Chầu Đệ Nhị nằm trong cùng bên trái Tam Toà Thánh Mẫu.
Ban Đức Thánh Hộ.
Ban Ông Hoàng Bảy bên Ban Trần Triều. Ban Ông Hoàng Mười bên Ban Sơn Trang. Dưới tầng 1 có Ban Thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, tay cẩm trích thượng, và còn có nơi thờ chủ tịch Hồ Chí Minh ở bên trái. Ở bên phải tầng 1 có Ban Quan Âm Bồ Tát.
Ban Thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Cảnh chùa trước đây thoáng rộng, cây cối hoa trái xum xuê. Trước sau cõi Phật, Thánh trang nghiêm. Ngày nay, trong chùa còn lại nhiều di tích, di vật có giá trị nghệ thuật cao, phong phú về nội dung, thể loại, chất liệu, tiêu biểu là các pho tượng, phản ánh nghệ thuật điêu khắc dân gian nổi tiếng của thế kỷ XVIII – XIX.
Ban Công Đồng Tứ Phủ.
Nơi đây in đậm dấu ấn sùng kính đạo Phật, đồng thời cũng là nơi giao hòa đan xen tín ngưỡng thờ Phật giáo (Ấn Độ), với tín ngưỡng văn hóa làng xã, văn hóa dân gian truyền thống Việt Nam. Thờ Mẫu, thờ Thánh là một hình thức tưởng niệm ghi ơn những người có công với dân với nước.
Ban Trần Triều.
Chùa Thiên Phúc đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa của dân tộc, đất nước, đã được nhà nước ghi nhận và xếp hạng tại quyết định số 1288 – VH/QĐ ngày 16/11/1988.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét