Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Đình Ngọc Trục


  • delicious
  • googleplus
  • google
  • linkedin
  • live
  • reddit
Đình Ngọc Trục thờ 4 mẹ con vị nữ tướng Ả Lã Nàng Đê của Hai Bà Trưng và công thần Đào Trục của Lê Hoàn. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (1992). Địa chỉ: thôn Ngọc Trục, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Toạ độ: 20°59’32"N 105°46’20"E; cách Hồ Gươm khoảng 12km về hướng tây-nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: phố Đại Mỗ (bus 57).

Lược sử

Làng Ngọc Trục phía tây-bắc giáp Xóm Đình (Đại Mỗ), phía đông-bắc giáp sông Nhuệ, phía đông-nam giáp đường Tố Hữu, phía tây-nam giáp đường Đại Mỗ. Ngày nay dân chuyên về trồng đào Tết và làm ruộng. Trước kia họ có nghề nông kết hợp với đan bồ, đan cót, vì thế tên làng còn được gọi là Dộc Bồ. Theo sổ Địa bạ đời vua Gia Long thì diện tích đất canh tác năm 1805 đo được 320 mẫu điền.
Về sau chia thành hai thôn độc lập, gồm Dộc Cả (tên chữ là Thượng Thư, đầu thời Nguyễn đổi thành Thượng Văn) và Dộc Bé (tên chữ Trung Văn). Năm 1928, cả hai làng Dộc có 1675 dân, trai đinh chia thành bốn giáp, cùng nằm trong xã Ngọc Trục, họ Bạch là họ lớn nhất. Bước sang thế kỷ 21, xã này bị đô thị hóa dần dần. Năm 2014 Ngọc Trục thuộc về phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.
Cổng đình làng Ngọc Trục. Panorama ©2015 NCCong
Đình làng Ngọc Trục thờ 5 vị thành hoàng, bao gồm 4 mẹ con nữ tướng Ả Lã Nàng Đê của Hai Bà Trưng và danh thần Đào Trục có công lớn giúp vua Lê Hoàn đánh thắng quân nhà Tống sang xâm lược nước Đại Việt. Ngày 31-01-1992 đình và chùa Đại Phúc trong làng đã được Bộ Văn hóa—Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Kiến trúc và di vật

Đình Ngọc Trục tọa lạc trên mảnh đất cao ở gần cổng phía bắc làng cũ. Mặt đình quay hướng đông-bắc nhìn ra sông Nhuệ. Sau bức bình phong đắp cuốn thư trên tường bao của một ao vuông nhỏ là cổng đình xây kiểu trụ biểu, hai bên có cổng gạch. Du khách bước vào một sân nhỏ sẽ thấy giữa 2 nhà giải vũ là tòa phương đình xây chồng diềm 2 tầng 8 mái 4 cột, các đầu đao cong thanh thoát rất đẹp. Đáng tiếc trong khuôn viên đã bị lấn chiếm đến sát đình thì cổ thụ cũng không còn và nhà dân mọc lên lô nhô xung quanh.
Tòa đại bái gồm 3 gian 2 dĩ, đầu hồi bít đốc, kết nối với hậu cung 4 gian theo hình chữ “Đinh”. Trong đình vẫn lưu giữ được một đạo sắc năm Cảnh Trị thứ 8 (1670), theo đó vua Lê Huyền Tông phong thành hoàng làng là Ả Lã Nàng Đê (một vị nữ tướng thời Hai Bà Trưng) và 3 người con của bà. Các hiện vật và mảng chạm khắc còn lại mang niên đại nhà Lê Trung hưng và nhà Nguyễn, từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20.

Bản đồ trực tuyến

Di tích lân cận


Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét