Để nối bờ với đảo, Nguyễn Siêu cho làm cầu và đặt tên là Thê Húc (giọt ánh sáng đậu lại). Cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng. Cổng ra vào có câu đối “Kiều dẫn trường hồng thê đảo ngạn” (cầu gỗ như chiếc cầu vồng đưa lên đảo).
Đốt cầu vì căm thù quân Pháp
Sau khi Pháp hạ thành Hà Nội năm 1882, đền Ngọc Sơn trở thành nơi ở của một viên quan tư trong quân đội viễn chinh Pháp. Trước cảnh ngang trái ấy, cuối đông năm 1887, một thanh niên tên là Nguyễn Văn Minh (còn gọi là Hai Minh) chờ lính gác đi ngủ đã nhét những miếng giẻ thấm dầu vào khe các tấm ván rồi đốt. Nhưng do sơ suất để lộ chuyện nên có kẻ báo quân Pháp và mấy ngày sau Hai Minh bị bắt. Vì mới 17 tuổi nên Hai Minh không bị kết án tử hình, nhưng phải ngồi tù, rồi sau đó bị chỉ huy quân Pháp ở Bắc kỳ đưa vào nhóm tải đạn, tải lương phục vụ cho lính Pháp đánh chiếm các tỉnh miền núi phía bắc.
Mùa đông năm 1888, Hai Minh bị đày lên Thái Nguyên theo cuộc hành quân của lính viễn chinh Pháp đánh vào chợ Chu. Lợi dụng lính canh mệt mỏi ngủ quên, Hai Minh bỏ trốn. Tuy nhiên, do không thông thạo địa hình rừng núi nên anh bị lính Pháp bắt lại và phải chịu án tử. Năm đó, Hai Minh tròn 18 tuổi.
Sau đó, cầu được chính quyền thành phố cho sửa chữa, lát ván dọc theo cầu.
Văn thân trốn dưới gầm cầu
Từ năm 1904 - 1906, Hà Nội xảy ra nạn dịch hạch. Phu người Hoa được nhà thầu người Pháp mộ ở Quảng Châu đưa sang làm đường sắt Vân Nam khi qua Hà Nội đã gieo rắc bệnh dịch này. Chính quyền thành phố đã đưa những người Việt mắc dịch bệnh vào trong Văn Miếu để cách ly, đồng thời cho tẩy uế và đốt hết giường, tủ, màn, chiếu của những gia đình có người bị bệnh.
Phẫn nộ trước hành động của chính quyền, mấy trăm văn thân Hà Nội họp nhau trong đền Ngọc Sơn bàn bạc làm đơn khiếu kiện đốc lý ra tòa. Khi các văn thân đang họp thì cảnh sát vây quanh hồ và chặn trên bờ. Không còn đường nào thoát, các văn thân đành phải lội xuống hồ nấp dưới gầm cầu. Cảnh sát không bắt người nhưng cho thu hết giày dép, sau đó mang bán.
Cầu bị sập
Phong tục của người Hà Nội xưa là sau giao thừa thường vào đình, đền lễ và xin lộc. Lộc là những cành lá non do nhà đền chuẩn bị sẵn. Nếu hết thì xin mấy nén hương về thắp. Cũng theo tục lệ sáng mồng một tết thì lại đi lễ đền và chùa. Tết Nhâm Thìn 1952, người dân đi lễ đền Ngọc Sơn quá đông, vì không chỉ có người Hà Nội mà dân các tỉnh chạy về Hà Nội trốn chiến sự đang diễn ra ở các tỉnh Bắc kỳ, khiến cầu Thê Húc bị sập.
Nguyên nhân là từ lâu cầu không được chính quyền tu bổ nên gỗ bị mục và lại phải chịu tải quá lớn. Rất may năm đó, nước hồ Gươm cạn nên trẻ con, người già rơi xuống không ai bị chết đuối.
Ai thiết kế cầu Thê Húc mới ?
Cách đây mấy năm, có tờ báo đăng bài kèm ảnh cụ Phạm Ngọc Lan (1902 - 1964) chụp trên công trình xây dựng cầu Thê Húc năm 1953 và cho rằng cụ là người thiết kế cầu Thê Húc. Đầu tháng 9.2012, con trai cụ Lan là ông Phạm Bích Ngọc và một người cháu của cụ đã có ý kiến khi một tờ báo viết người thiết kế cầu là kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm...
Chuyện là sau khi cầu bị sập, thị trưởng Hà Nội lúc đó là Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới. Để có thiết kế đẹp, ông Thẩm Hoàng Tín tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu và trong hơn ba chục mẫu của các kiến trúc sư cả Pháp lẫn Việt tham gia, thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm (1908 - 1999) được lựa chọn. Vẫn giữ lại dáng cong cầu vồng xưa, nhưng Nguyễn Ngọc Diệm thiết kế cong hơn để cầu khỏe hơn, đồng thời cũng làm cầu nổi hơn. Cầu giữ nguyên hàng cọc tròn nhưng các đầu trụ được vuốt nhọn như gợi nhớ lại chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng. Dầm ngang và dầm dọc đúc bằng bê tông, tuy nhiên mặt và thành cầu ông thiết kế bằng gỗ.
Vì không có tài liệu nào nói về công việc của cụ ở công trình xây dựng cầu Thê Húc nên trong khi các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm tư liệu và bước đầu chỉ có thể nhận định: Có thể cụ Lan là người chỉ đạo thi công, giám sát thi công hay quản lý công trình xây dựng cầu Thê Húc.
Nguyễn Ngọc Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét