Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Tìm hiểu tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam

Hơn 130 năm trước, Sài Gòn có tuyến đường ray với tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên ở Việt Nam, đánh dấu sự ra đời ngành đường sắt.

tim-hieu-tuyen-duong-sat-dau-tien-cua-viet-nam
Trạm xe lửa đầu tiên tại Sài Gòn năm 1881.
Sài Gòn - Mỹ Tho được xem là tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam cũng như khu vực Đông Dương, được xây dựng từ năm 1881 nhằm khai thác vùng đất giàu có ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuyến đường sắt này dài hơn 70 km và tổng kinh phí gần 12 triệu Francs. Mọi vật liệu xây dựng tuyến đường được chở từ Pháp sang. Công trường được tổ chức quy mô, khẩn trương, huy động 11.000 lao động và có mặt nhiều sĩ quan công binh cùng nhiều kỹ sư từ Pháp sang.
chinh-xac-dap-an-la-duong-sat-sai-gon-my-tho
Một chuyến tàu chờ đợi để khởi hành vào ngày 20/7/1885, ngày mở đầu của tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho. Ảnh: Maison Asie-Pacifique (MAP).
Ngày 20/7/1885 chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông đến ga cuối cùng tại trung tâm thành phố Mỹ Tho, đánh dấu sự ra đời của ngành đường sắt Việt Nam.
Đây cũng là tuyến đường sắt thứ hai được người Pháp xây dựng ở nước ngoài, sau tuyến đường sắt dài khoảng 13 km đầu tiên đặt tại Pondichéry, khu vực thương điếm của Pháp tại Ấn Độ (tháng 12/1879).
Theo tác giả Nguyễn Đức Hiệp trong cuốn Sài Gòn - Chợ Lớn, ký ức con người và đô thị, đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho có các trạm Sài Gòn, Chợ Lớn, Phú Lâm, Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Bình An, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Lương Phú, Trung Lương và Mỹ Tho. Trưởng các trạm ga xe lửa là người Pháp và người Việt.
Theo tác giả Nguyễn Đức Hiệp, trong nhiều năm hoạt động cho đến cuối thế kỷ 20, từ Sài Gòn đi Mỹ Tho mỗi ngày có ba chuyến xe lửa, gồm 6h30, 8h30 và 9h15. Từ Mỹ Tho lên Sài Gòn cũng có ba chuyến, sớm nhất khoảng 5h và hai chuyến 9h, 16h20.
Như vậy tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho có 6 tàu hỏa hoạt động mỗi ngày, giá mỗi chuyến là 4 đồng Đông Dương (piastre, tương đương 2,75 Francs) với toa hạng nhất và 3 đồng với toa hạng hai.
dung-moi-ngay-tuyen-xe-lua-co-ba-chuyen-tu-sai-gon-di-my-tho
Tàu lửa tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho phải được đưa lên phà qua sông lúc 2 cây cầu sắt Tân An và Bến Lức chưa xây xong. Ảnh tư liệu
Xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho ngày ấy sử dụng đầu kéo là máy hơi nước. Nó chạy nhanh hay chậm tùy vào "hơi" của nồi súp de. Khi lên dốc qua cầu, nếu nồi súp de không đủ mạnh thì xe chạy không nổi, bị tuột lên tuột xuống.
Đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho đem lại lợi nhuận rất lớn cho công ty đầu tư xây dựng là SGTVC của Pháp.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ý muốn ban đầu của Pháp là xây tuyến đường sắt đến Vĩnh Long, sau đó nối tiếp đến Phnom Penh (Campuchia). Song, do cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của họ gặp khó khăn nên kế hoạch chỉ xây đến Mỹ Tho.
Rất nhiều người từ học trò, doanh nhân, điền chủ... lên Sài Gòn đô hội học hành, tìm việc, làm ăn đã đi lại thường xuyên trên tuyến xe lửa này. Nó để lại nhiều kỷ niệm với người Nam Bộ, gợi nhớ những ngày đầu tiên từ tỉnh lên Sài Gòn.
dung-tuyen-xe-lua-sai-gon-my-tho-ngung-chay-nam-1958
Tàu lửa Sài Gòn - Mỹ Tho ngừng hoạt động sau hơn 70  năm gắn bó người dân Nam bộ. Ảnh tư liệu
Đến thập kỷ 50 của thế kỷ 20, xe hơi phát triển cùng hệ thống đường bộ Sài Gòn - Mỹ Tho được đầu tư gần như xa lộ nên người ta chuyển sang đi đường bộ. Có những ngày cả đoàn tàu chỉ vài chục người. Năm 1958, tuyến đường sắt này bị chính quyền Sài Gòn cũ cho ngưng chạy.
Không lâu sau khi đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho được thiết lập và đi vào hoạt động, đã có những nhà đầu tư đề nghị thiết lập tuyến đường sắt đô thị tramway đi phía bắc và vùng Đông Nam Bộ.
Theo tài liệu do tác giả Nguyễn Đức Hiệp sưu tầm, tờ Saigon Republicain ngày 24/11/1888 có đăng dự án về đường tramway Sài Gòn - Gò Vấp "mấy đường chạy từ Sài Gòn qua đường Catinat, dọc theo đường route Nationale và tiếp tục đến đường đi Gò Vấp".
Không lâu sau đó, ngày 23/3/1889, tờ báo này cho biết có nhiều cổ đông Pháp, Việt, Hoa bỏ vốn vào công ty đang được thiết lập và điều hành đường Sài Gòn - Gò Vấp.
Một năm sau, chính quyền ra nghị định thiết lập tuyến đường xe lửa từ Sài Gòn đến Gò Vấp, giao cho công ty Hỏa xa Đông Dương - Chemin de fer de l'Indochine (CFI) đặc quyền thiết lập và thương mại trong 20 năm.
Đường Sài Gòn - Đa Kao - Gia Định hoạt động từ năm 1895 và có tuyến đến Gò Vấp năm 1897. Năm 1904, đường Sài Gòn - Gò Vấp nới thêm đến Hóc Môn một đoạn dài 13 km; đến năm 1908 thì đường ray 0,6 m được thay bằng đường ray 1m. Bốn năm sau đó, tuyến này được nối thêm đoạn từ Gò Vấp đến Lái Thiêu.
Năm 1957, tuyến này bị cho ngưng hoạt động và thay thế bằng hệ thống xe buýt.
Theo tác giả Nguyễn Đức Hiệp, cuối thế kỷ 19 đến thập niên 1950 của thế kỷ 20 là thời kỳ hoàng kim của xe lửa.
Ga Sài Gòn trước kia nằm ngay trung tâm, gần chợ Bến Thành ngày nay. Từ cuối thập niên 1900 đến 1950, người Sài Gòn di chuyển trong Sài Gòn, Chợ Lớn và ra ngoại ô như Thị Nghè, Gò Vấp chủ yếu bằng đường xe lửa hơi nước và xe điện tramway theo các tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn, Sài Gòn - Gò Vấp - Hóc Môn - Lái Thiêu.
Từ năm 1945 đến 1975, trừ đường Sài Gòn - Biên Hòa, hệ thống cơ sở hạ tầng và hoạt động hỏa xa ở Sài Gòn cũng như miền Nam bị bỏ rơi, không còn giá trị thương mại do sự tàn phá của chiến tranh.
Sau năm 1975, ga Sài Gòn được phá dỡ và dời ra quận 3. Khu vực ga Sài Gòn ngày xưa nay là khách sạn New World và khu công viên 23/9.
dung-toa-nha-nay-hien-la-tru-so-cong-ty-van-tai-duong-sat-sai-gon
Tòa nhà bán vé và hành chính của công ty Hỏa xa Đông Dương (CFI) nay là trụ sở của công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng
Vết tích duy nhất còn lại về thời đại hỏa xa ở Sài Gòn là tòa nhà Bureau du Chemin de fer của công ty Hỏa xa Đông Dương (CFI), hiện là trụ sở của công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, nằm ở góc đường Hàm Nghi - Lê Lợi (quận 1, TP HCM).
Toàn quyền Paul Doumer tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế Đông Dương, đặc biệt chú ý đến hệ thống đường xe lửa từ Bắc kỳ, Trung kỳ đến Nam kỳ.
Ở Nam kỳ, đường xe lửa Sài Gòn - Nha Trang (Khánh Hòa) được công ty CFI khởi công xây dựng năm 1901. Đến năm 1908, đường xe lửa dài 89 km đi từ Sài Gòn đến Bảo Chánh, từ đây nối thêm đến Phan Thiết, Phan Rang và Nha Trang băng qua các khu rừng.
Đầu năm 1910, đoạn đường dài 55 km nối sông Dinh đến Mường Mán và Phan Thiết được khai trương. Đoạn từ Phan Thiết đến Phan Rang, Bang Hoi và Nha Trang dài 228 km được xúc tiến xây và dự định hoàn thành đoạn Phan Rang - Nha Trang vào cuối năm 1911, Phan Thiết - Phan Rang và nhánh Phan Rang - Xóm Gòn (38 km) năm 1914.
Đến năm 1913, đường xe lửa Sài Gòn - Nha Trang đã thông suốt.
Mạnh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét