Vào dịp lễ, tết, cưới, hỏi, khách đến thăm bản… người Vân Kiều, Pa Kô ở xã A Túc (huyện Hướng Hóa) thường tập trung tại một địa điểm cùng nhau chế biến các món ăn ngon, nấu rượu nếp thơm lừng để ngày vui của họ diễn ra vui vẻ, ấm cúng hơn.
Thực đơn trong các dịp này, không thể thiếu món canh xi ắp (tiếng Vân Kiều gọi là xi ắp, tiếng Pa Kô gọi là xi ứp), bởi đây là món ăn chứa đựng nhiều ý nghĩa, thể hiện sự ấm no, đoàn kết vượt lên trên mọi khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số miền tây Quảng Trị.
Mừng vụ lúa đông xuân 2017 bội thu, hôm ấy người dân 2 thôn Húc và Pa Lu ở xã A Túc chọn ngôi nhà sàn của một người có uy tín thôn Húc gặp mặt.
Dịp này, chúng tôi thật may mắn được chung vui với bà con nơi đây, cùng họ chuẩn bị, thưởng thức các món ăn truyền thống, uống rượu nếp bản thơm lừng, du dương theo những điệu nhạc của tiếng đàn ta lư, điệu múa cồng chiêng… trong không khí thật vui vẻ, thân thiện. Bữa cơm ấm áp với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô có món canh xi ắp làm chúng tôi tò mò khi được nếm hương vị đặc trưng của nó.
Trong lúc hướng dẫn các chị em chuẩn bị thức ăn cho buổi lễ, bà Y Tam, người cao tuổi ở thôn Pa Lu nhiệt tình giới thiệu với khách món canh xi ắp. Bà Tam cho biết, canh xi ắp là món ăn được chế biến từ các nguyên liệu rất gần gũi với đời sống hằng ngày của người dân xã A Túc.
Để nấu một nồi canh cho khoảng 40 - 50 người ăn, trước hết cần chuẩn bị khoảng 2 loong gạo (loại gạo vừa thu hoạch xong), 4 quả đu đủ xanh, 3 quả bí đỏ (mỗi quả nặng khoảng 2kg), 1 bó đọt mây rừng nặng khoảng 2kg, 2-3 con gà bản hoặc 3kg thịt lợn, lòng lợn.
Ngoài ra, món canh này không thể thiếu lá và củ gừng, củ kiệu, hành lá, lá si la (loại lá rất thơm, có tác dụng phòng chống đau bụng, phải vào tận rừng sâu mới tìm thấy). Tất cả các nguyên liệu phải được rửa sạch, bỏ vỏ, để ráo nước rồi thái nhỏ… Trộn tất cả các loại nguyên liệu nói trên lại với nhau, sau đó cho gia vị như: Muối, bột ngọt, tiêu, ớt trái vào tiếp tục trộn đều, để khoảng 15 phút cho thấm, sau đó nấu chín.
Cũng theo bà Tam, có 2 cách để nấu canh xi ắp. Cách thứ nhất là nấu trong nồi nhôm. Với cách này, thường rơi vào các buổi lễ phục vụ số lượng người đông nên có thể chuẩn bị thêm nhiều nguyên liệu và chia làm nhiều nồi để nấu. Cách còn lại là nấu trong ống tre. Để nấu canh xi ắp bằng ống tre, dân bản cử vài thanh niên vào rừng chọn những cây tre non vừa, tuyệt đối không dùng tre đã già.
Nếu nấu trong ống tre già thì canh sẽ không ngon, tre già dễ bắt lửa, nhanh cháy. Ngược lại, ống tre non sẽ chậm bị cháy trên lửa. Khi nướng xong, chẻ ống tre chứa canh xi ắp bên trong sẽ có nhiều nước rất thơm, ngon hơn nướng bởi ống tre già. Quá trình nướng canh xi ắp, người nướng phải liên tục trở ống tre thật đều tay, cho đến khi ống tre có một màu vàng đậm thì lúc ấy canh chín tới.
Nhờ vậy, các nguyên liệu nằm trong ống tre đã chín nhưng không bị nát bấn như nấu trong nồi. Khi cho canh xi ắp ra tô, màu vàng của bí đỏ, màu trắng của đọt mây, màu xanh của lá gừng, lá hành hòa quyện vào nhau, đặc biệt mùi thơm của lá si la tỏa khắp nhà trông rất hấp dẫn.
Món canh xi ắp trông rất dân dã nhưng chứa nhiều chất dinh dưỡng từ gạo, thịt gà, thịt lợn, các loại rau, củ quả. Khi ăn, canh có vị ngọt bùi, hơi cay và mùi thơm rất riêng từ lá si la. Canh xi ắp kết hợp với cơm nếp than sẽ ăn ngon miệng hơn.
Hầu như người phụ nữ nào ở thôn Húc và Pa Lu đều biết nấu canh xi ắp. Đối với họ, món ăn này tượng trưng cho sự đoàn kết, sum vầy, hiếu khách, sự khéo léo của đôi bàn tay người nội trợ…
Do đó, bất cứ nhà nào có con gái, họ đều truyền lại kinh nghiệm nấu canh xi ắp cho con. Khi con gái đến tuổi trưởng thành về nhà chồng, trong các bữa cơm đầu tiên ra mắt gia đình, họ hàng bên chồng, họ trổ tài nấu ăn phục vụ mọi người. Riêng món canh xi ắp thì không thể thiếu trên mâm cơm dịp này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét