Emdep.vn - Trong những ngày thu nắng đẹp ngập tràn, hãy sắp xếp lịch trình để ghé thăm Phó Bảng, vùng đất được mệnh danh là nàng thiếu phụ ngủ quên ở cao nguyên đá Hà Giang.
Được mệnh danh là "nàng thiếu phụ ngủ quên giữa núi rừng", thị trấn Phố Bảng dường như ít được biết đến hơn so với thị trấn Đồng Văn, Hà Giang. Tuy nhiên, chính vì vậy mà nơi đây vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của người dân vùng cao suốt bao đời nay.
Phó Bảng nằm sâu trong núi, sát với biên giới Việt – Trung
Trên con đường ngoằn ngoèo từ thành phố Hà Giang lên với cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều người thường nhắm đến đích của mình là điểm cực Bắc Lũng Cú, hoặc xuôi xuống thị trấn Đồng Văn mà quên mất một ngã rẽ với biển báo nhỏ chỉ hướng. Tấm biển ghi chữ Phó Bảng cũng khiêm tốn hệt như thị trấn này.
Trước đây, Phó Bảng vốn được nhiều người biết đến như một nơi buôn bán sầm uất cần sa và ma túy. Những gánh hàng lậu ngược xuôi trên biên giới và xuống miền đồng bằng đã ghi tên Phó Bảng vào danh sách “điểm nóng”. Nhưng giờ đây tất cả chỉ còn lại một Phố Bảng bình yên trong sương gió biên thùy.
Những đứa trẻ đang chơi đùa trước cửa nhà
Thị trấn nhỏ xíu, đi bộ chừng vài mươi phút là trọn vòng, chừng vài chục nóc nhà với phần lớn là người Mông và người Hoa cùng chung. Những căn nhà ở đây mang đậm dấu ấn Trung Hoa với mái ngói âm dương, câu đối và những biểu tượng Hán như đèn lồng đỏ, chữ viết...
Ngôi nhà đặc trưng nét văn hóa Trung Hoa tại Phó Bảng
Người dân ở đây sau khi không còn buôn bán thuốc phiện thì chuyển sang trồng hoa hồng và ngô. Đây cũng là nét văn hóa của bà con miền núi khi treo những bắp ngô lên cột nhà của mình, tạo nên khung cảnh độc đáo cho thị trấn miền biên viễn xa xôi ở địa đầu Tổ quốc.
Vách tường đã phai màu theo thời gian
Chính bởi cảnh vật ban đầu đơn sơ như thế nên cuộc sống nơi đây giản dị, nhịp sống không ồn ào, náo nhiệt. Tuy còn khó khăn nhưng người dân vẫn thong thả, hài lòng với cuộc sống. Cả tuần chỉ có một phiên họp chợ duy nhất, cho nên các hoạt động giao thương và tư tưởng “thị trường” không tác động đến vùng đất này.
Vẻ bình yên của Phó Bảng
Thế nhưng không phải vì thế mà vùng đất này chẳng có gì để khám phá và trải nghiệm. Phó Bảng là một thị trấn cổ tích với những vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng. Những cánh đồng hoa hồng đỏ rực, hoa cải vàng, hoa ban trắng và hoa đào bung nở khi trời đất vào xuân. Tất cả tạo nên một bức tranh núi rừng tuyệt đẹp. Không gian nơi đây có lẽ lúc nào cũng sặc sỡ như thế!
Mùa xuân hoa đào bung nở giữa núi trời Hà Giang
Thu sang, Phó Bảng khoác lên mình vẻ đẹp bàng bạc nhuộm cả không gian. Thế nên trong hành trình tìm về miền đá, bên cạnh việc đi tìm màu hồng tam giác mạch, hãy nhớ dừng chân ghé vào Phó Bảng để cảm nhận thật trọn vẹn sự yên bình, trong trẻo của thị trấn nhỏ.
Nụ cười Phó Bảng
Nhiều thị trấn, làng mạc của miền núi đang chuyển mình mạnh mẽ với các hoạt động thương mại, du lịch. Hàng ngày có biết bao du khách đổ về thưởng ngoạn, ngắm cảnh. Những nơi ấy ít nhiều đã để lạc mất sự yên ả, thanh bình ngày nào. Tuy nhiên, Phó Bảng không hề đổi thay, vẫn cứ “ngủ quên”, giản dị, là nơi cho bạn những khoảng thời gian thư giãn, những giây phút tuyệt vời với núi rừng để buông bỏ mọi lo toan, phiền muội.
Huy Tùng
Yêu Hà Giang không chỉ bởi miền đá mà còn vì lòng người hồn nhiên đến lạ
Emdep.vn - Mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang ám ảnh tôi không chỉ bởi miền cao nguyên đá xám trập trùng mà còn bởi những ánh mắt trẻ thơ trong veo hay tấm lòng hồn hậu của người dân nơi đây.
Hà Giang đã không còn là cái tên xa lạ với du khách trong và ngoài nước. Đặt chân đến vùng đất biên cương này, ai cũng có chút cảm giác choáng ngợp trước sự hùng vĩ của Mã Pí Lèng, thổn thức trước những con đèo hiểm trở thử thách lòng người. Nhưng không chỉ vậy, ở Hà Giang còn có sự ấm áp, sự luyến lưu với những ánh mắt chân thành, những bộ quần áo sặc sỡ sắc màu trên miền cao nguyên đá. Sự chân chất, mộc mạc của đồng bào dân tộc nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc, cứ không tên vậy thôi, mà như ngọn gió mát lành len lỏi vào từng ngóc ngách tưới mát tâm hồn ta một cách diệu kỳ.
Những ngôi nhà đơn sơ, thưa thớt nằm trên các sườn đồi, bao bọc xung quanh chỉ toàn đá là đá
Ẩn giấu đằng sau những bạt ngàn núi đá tai mèo sừng sững tưởng chừng như lạnh lẽo là những nụ cười ấm áp, là sự đáng yêu, là tình yêu tràn nhựa sống của đồng bào nơi đây.
Em bé Sủng Là – "my supermodel – chẳng cần phải nói gì, thấy máy ảnh là tạo dáng. Rồi cứ thế đi cùng quanh bản, mãi đến khi phải rời đi vẫn quyến luyến theo sau. Yêu ơi là yêu.
Dù còn rất ít tuổi nhưng những em bé lưng đeo gùi, ra rẫy ra nương cùng làm với bố mẹ không phải là hiếm gặp, chỉ cần dừng chân một chút thôi là ta có thể bắt gặp hình ảnh rất đỗi thân thuộc ở vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Do địa hình hiểm trở, khó khăn trong di chuyển nên phần lớn công việc nương rẫy vẫn phải sử dụng sức người là chủ yếu, không có sự can thiệp của máy móc hiện đại. Như người phụ nữ này, đang dùng cuốc để đào đất gieo hạt, cho một mùa vụ mới.
Một em bé theo cha mẹ lên nương, đang tự ngồi chơi để cha mẹ làm việc.
Những người phụ nữ tần tảo, sau một ngày làm việc vất vả vẫn cố gắng gùi thêm một bó ngô khô về làm nguyên liệu đốt. Vì là miền đá nên củi khô ở đây rất hiếm và ngô khô được tận dụng làm củi đun.
Cây ngô sau khi thu hoạch bắp thì thân được phơi ngoài nương, sau khi khô được thu gom lại về, dựng quanh nhà dùng dần.
Và với những em bé quanh năm gắn bó với cao nguyên đá, thì niềm vui đơn giản…
...đến từ một que kem được đổi từ một miếng vật liệu sắt hay nhựa.
Tôi yêu vô cùng những bộ váy áo rực rỡ sắc màu của đồng bào dân tộc nơi đây, dẫu còn rất nhiều khó khăn nhưng những nụ cười hồn hậu, tinh thần lạc quan tưới mát tâm hồn tôi. Ở một nơi rất xa, không khói bụi thành phố, những con người chưa từng thân thiết mà sao quá đỗi gần gũi và ấm áp lạ thường. Không lời hoa mỹ, không những lời nói mát lòng mát dạ chỉ là ánh mắt trìu mến thôi mà đủ khiến cho trái tim tôi xao xuyến, nhẹ bẫng đi những lo âu thường nhật . Bỗng nhiên, cảm thấy những khó khăn mà hằng ngày bản thân buột miệng hay than vãn chẳng là gì cả.
Đến lúc phải chia tay nhìn ánh mặt trời trườn về phía núi, những khói lam chiều bắt đầu lên, những đoàn người cùng nhau về nhà sau một ngày lên nương mà lòng tôi thấy yêu mến và thân thương đến lạ.
Thông tin thêm du lịch Hà Giang
- Hà Giang đi mùa nào cũng đẹp, mùa nào cũng có hương sắc riêng của mình, vẫn là một Hà Giang nguyên sơ.
- Lịch trình tham khảo : Hà Giang - Bắc Sơn - Quản Bạ - Yên Minh - Phố Cáo -Sủng Là( Nhà của Pao) - Dinh họ Vương - Cột cờ Lũng Cú - Phố Cổ - Mã Pí Lèng - Mèo Vạc - Lùng Tám - Bắc Sơn - Hà Giang.
- Có thể đi xe máy và ô tô lên Hà Giang. Nếu đi ô tô khách thì lên xe ở Bến xe Mỹ Đình và nên đi vào khoảng 20 giờ tối để sáng sớm hôm sau đã có mặt ở Hà Giang.
- Ở Hà Giang dịch vụ cho thuê xe máy rất nhiều và họ rất chuyên nghiệp, giá thuê từ 170.000-200.000đ/ ngày. Bạn nói với nhà xe địa chỉ xuống, họ sẽ mang xe tới tận nơi cho bạn.
- Nên đi Hà Giang 3 ngày để có nhiều thời gian khám phá tại các điểm dừng chân, nếu không hãy sắp xếp một chuyến đi 2 đêm 3 ngày.
- Hệ thống nhà nghỉ, homestay ở Hà Giang khá nhiều, những mùa cao điểm bạn nên đặt trước để tránh hết phòng. Nếu đi 3 ngày bạn có thể chọn ở Sủng Là chỗ nhà của Pao, Khu phố cổ hoặc bạn có thể ở Mèo Vạc. Có rất nhiều sự lựa chọn, căn cứ theo lịch trình của bạn thôi.
- Đi Hà Giang – cao nguyên đá Đồng Văn cứ theo đường thẳng chứ không vòng vèo, không khó để tìm đường, nhưng là đường đồi núi, đi đường cần để ý và tay lái phải vững mới nên cầm lái.
- Đi Hà Giang ăn gì: Bánh cuốn phố cổ, cháo ấu tẩu, xôi ngũ sắc, bánh tam giác mạch, bánh ngô, cơm rang Mèo Vạc...
Lương Hồ
Điệp trùng núi non Xín Cái trên cao nguyên đá Hà Giang
Emdep.vn - Hành trình khám phá Xín Cái khi đến với Hà Giang là cung đường khó quên với mỗi người khi có dịp đến với mảnh đất nghèo trên cao nguyên đá
Đường lên Hà Giang, thú thực tôi không hứng thú nhiều với những khu rừng tràn ngập tam giác mạch, tôi không nhiều cảm giác với những thung lũng hoa được xếp chữ cầu kỳ. Chặng đường từ Hà Giang lên Đồng Văn, cũng giống như những lần khác, mải miết đi và đi, lâu lắm mới dừng chân cho đỡ mỏi và check in vài tấm ảnh hành trình. Có những khoảnh khắc, tự nhiên trong lòng thấy trống rỗng, nhớ da diết 1 mùa cúc dại bên đường. Hà Giang bây giờ chỉ có tam giác mạch và sắc đá lạnh lan giữa sắc tím hồng.
Đường Hạnh Phúc, thung lũng gió lộng.
Buổi tối ở Đồng Văn, đông như Sa Pa ngày tuyết rơi lã chã, nhốn nháo như Mù Căng Chải mùa lúa chín vàng. Ngẩn ngơ giữa dòng người trên phố cổ, tôi không muốn chen chân trong quán café đậm sắc đất trình tường. Tôi nép mình trong góc tối của quán café mở vội giữa khu chợ, gọi 1 tách cacao nóng, ngắm người lại qua...
Sáng hôm sau, dậy muộn, gói ghém lại cảm xúc, hẹn với 1 anh bạn đi “thám hiểm” Xín Cái. Thực lòng lúc đó tôi chỉ muốn tìm 1 nơi thanh tĩnh để trốn cái không khí ồn ào ở nơi phố cổ, đâu ai ngờ hành trình này lại có nhiều ý nghĩa đến thế…
Đường lên Xín Cái
Từ Đồng Văn ngược lên Mèo Vạc, từ ngã ba Pả Vi đi sâu vào 40km, chúng tôi chênh vênh trên con đường đi lên Xín Cái. Đi rồi mới biết, 160km đường Hà Giang – Đồng Văn không là gì so với quãng đường từ Pả Vi lên đây. 2 tai ù đặc, 2 mắt nhòe hoen vì gió, tim đập thình thịch vì những cú xóc nảy bất chợt trên đường đá, vì những khúc cua tay áo đầy bất ngờ. Nhìn lên trên, vách núi thăm thẳm, nhìn xuống dưới, vực sâu ngút ngàn. Từ độ cao này mới thấy đỉnh Mã Pì Lèng chỉ như 1 chấm nhỏ trong bức phác họa thiên nhiên kỳ vĩ, dòng Nho Quế uốn éo như sợi dây thừng.
Con đường tôi đi qua chỉ như sợi chỉ tơ giăng mắc giữa thành núi. Sợ. Lên cao quá rồi. Tay cảm giác đã như chạm mây rồi, nhưng không muốn xuống. Bởi, quang cảnh thay đổi kỳ ảo quá, tôi muốn đi hết chặng đường để xem tầm mắt mình mở rộng đến đâu.
Qua tấm kính đi đường bụi bặm, tôi thấy cảnh vật như chảy xuôi trước mắt. Thoắt cái, nương ngô dưới thung lũng xanh mướt, thoắt cái, cỏ may cháy vàng rực 2 bên đường. Chớp mắt, suối đổ dài trắng xóa triền núi, mở mắt, đã thấy đồi hoa dại tím đến ngẩn ngơ. Không khí nơi đây thay đổi cũng thật thất thường: qua sườn dốc, nắng rải vàng như đổ mật, quẹo qua 1 khúc cua tay áo đã thấy sương mây giăng kín mịt mù, xuống dốc trời lấm tấm mưa, lên tới đỉnh dốc đã thấy trời quang đãng...
Khung cảnh bình dị mà nên thơ ở Xín Cái.
Thứ duy nhất không thay đổi đó là đá. Đá lớn xếp chồng đá bé, màu xám lô nhô khắp 4 miền, đá cao nguyên, đá từ thưở hồng hoang lập địa, từ nghìn đời nay vẫn thế. Tự nhiên thấy lòng dâng lên 1 niềm thành kính đến lạ, bội phục sự sắp đặt của thiên nhiên, nghiêng mình trước sự kỳ vĩ của thế giới đá. Thật là 1 hành trình quá nhiều xúc cảm, và mãn nhãn đến tột cùng...!
Đào nở sớm gần đồn biên phòng Săm Pun ở Xín Cái.
Những thung lũng bạt ngàn hoa tam giác mạch ở xã Thượng Phùng.
Nghỉ chân ở Làng Vần Chỉ, mua cho bọn trẻ con vài cái kẹo, tấm bánh, tự tặng mình 1 chiếc khăn thổ cẩm đủ màu, chúng tôi lại tiếp tục hành trình. Mục tiêu là trek các cột mốc biên giới và thăm đồn Biên phòng Săm Pun… Ngôn ngữ không đủ dài rộng để miêu tả hết cảm xúc của người con lần đầu đặt chân đến mốc biên cương xa xôi, nhưng hãy tin: Tôi, 28 tuổi, đã đi qua nhiều thương nhớ, đã ấn tượng bởi nhiều vùng đất, địa danh… nhưng chưa bao giờ tôi thấy phiêu linh đến thế, chưa lúc nào cảm xúc yêu Tổ quốc quê hương thiết tha đến thế này…
Check-in những cột mốc biên giới là điều thú vị không thể bỏ qua khi tới Xín Cái.
Sau này, khi nói về Hà Giang, về Xín Cái tôi sẽ nói say mê như thể đó là người mà tôi yêu nhất trong đời. Đúng vậy, không phải người tình đầu tiên - nhưng là người tôi yêu nhất trong đời!
Thùy Linh
Hành trình khó khăn chinh phục đỉnh Chiêu Liêu Thi tuyệt đẹp ở Hà Giang
Emdep.vn - Hành trình chinh phục đỉnh Chiêu Liêu Thi đẹp ma mị, nguyên sơ, thuần khiết sẽ là một trải nghiệm khó quên cho những bạn trẻ mê xê dịch
Đỉnh Chiêu Liêu Thi (tên khác: Chiêu Lầu Thi, Kiêu Liều Ti) là một hệ thống núi thuộc dãy Tây Côn Lĩnh, phía Tây tỉnh Hà Giang. Núi Chiêu Liêu Thi nằm trên địa phận xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, đồng thời có vị trí giáp ranh với xã Ngán Chiên và xã Thu Tà của huyện Xín Mần.
Những cung đường chinh phục Chiêu Liêu Thi không dành cho phượt thủ yếu tim.
Với độ cao 2.402 m so với mực nước biển, hành trình chinh phục đỉnh Chiêu Liêu Thi còn khó khăn hơn Fanxipan và Tây Côn Lĩnh rất nhiều. Bởi lẽ, đây là một cung đường còn nguyên sơ, vô cùng khó khăn trắc trở, chưa hình thành các dịch vụ du lịch. Chiêu Liêu Thi được mệnh danh là một cung đường không dành cho những phượt thủ "yếu tim".
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, muốn đi Chiêu Liêu Thi, bạn có thể xuất phát từ ngã 3 Hoàng Su Phì thuộc xã Tân Quang, huyện Bắc Quang (cách thành phố Hà Giang 45km) - Nam Sơn – Hồ Thầu – đi thêm 5km là đến chân núi Chiêu Liêu Thi. Nếu dư dả thời gian, bạn có thể đi cung: Bắc Quang – Quang Bình – Nà Chì – Thác Tiên Đèo Gió – Nấm Dẩn – Cốc Rế - Thu Tà – Ngán Chiên – Hồ Thầu. Với cung đường này bạn có thể tranh thủ chiêm ngưỡng kỳ quan ruộng bậc thang đẹp bậc nhất Việt Nam, tham quan bãi đá cổ Nấm Dẩn, thưởng lãm vẻ đẹp hùng tráng của Thác Tiên, Đèo Gió, ngắm khu rừng trúc đẹp như trong phim “Thập diện mai phục”.
Hành trình chinh phục Chiêu Liêu Thi trắc trở nhưng cũng có những cung đường đẹp như mơ.
Đến với Chiêu Lầu Thi, bạn phải đi qua con đường đất đá chênh vênh, được bà con dân tộc trong vùng xẻ núi xây dựng. Mùa nắng bụi tung mù mịt, mùa mưa nước chảy thành dòng. Đất đá thượng nguồn trôi xuống vùng trũng tạo thành các “ổ voi”, “ổ trâu” vô cùng khó đi. Chưa kể có những đoạn lầy lội xe đi qua ngập đến ngang thân, người dân phải tự kê đá, chặt cây xếp thành đường. Với cung đường 100% offroad này, các tay lái phải vô cùng lưu ý, không nên chạy độc hành, phải chuẩn bị chu đáo xăng xe, đồ ăn, áo mưa, áo ấm. Đây là cơ hội để các bạn vận dụng các kỹ năng sinh tồn và là hành trình để thử sức tay lái. Các phượt thủ vẫn kháo nhau rằng, con đường này, nếu 7 giờ đồng hồ mà chinh phục được 30km, thì hãy coi đó là sự thành công.
Trên hành trình chinh phục “cô gái đẹp tên Thi”, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác đi trong miên man đá núi sương rừng, sẽ được ngắm rất nhiều kỳ quan của tạo hóa: những cánh rừng già nguyên sinh, những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi, những cây chè Shan tuyết cổ thụ, hàng hoa sở ngạo nghễ và rất nhiều loài “kỳ trân dị thảo” khoe sắc khoe hương.
Khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, tráng lệ là món quà vô giá mà bạn thu được trong hành trình.
Nếu dừng chân vào ban đêm, bạn có thể ngắm bầu trời sao bay bạt ngàn, sáng sớm, ngắm biển mây kì vĩ, giữa trưa ngắm cầu vồng lưng chừng trời mây. Và cảm xúc sẽ vỡ òa khi bạn đặt chân lên đỉnh Chiêu Liêu Thi, đứng trên đỉnh núi ngàn năm mây phủ, phóng tầm mắt nhìn hạ giới từ nóc nhà kì bí bậc nhất Việt Nam, bạn sẽ thấy bao nhiêu mệt mỏi trong hành trình như tan biến.
Trước khung cảnh đẹp như chốn bồng lai thu vào tầm mắt, bạn sẽ quên đi mọi mệt mỏi trong hành trình.
Chinh phục được "cô gái đẹp" hoang dại rất khó, nhưng để đổi lấy một nụ cười của nàng, bao nhiêu công sức bỏ ra cũng là đáng giá, phải không?
Thùy Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét