Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Thung lũng Mai Châu được nhà thơ Quang Dũng nhắc tới trong bài thơ Tây Tiến

Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Địa danh Mai Châu được nhiều người nhớ đến khi xuất hiện trong bài thơ nổi tiếng Tây Tiến của Quang Dũng. Tuy nhiên, không ít người biết đây là một trong 10 huyện của tỉnh miền núi phía Bắc - Hòa Bình. Tỉnh có diện tích hơn 4.600 km2, dân số trên 832.000, tiếp giáp các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Nội.
Nằm giữa núi non trùng điệp, huyện lỵ Mai Châu là thung lũng xinh đẹp với những thửa ruộng vàng óng trải dài, bao quanh là nếp nhà sàn của người dân tộc Thái. Gạo nếp nương nơi đây nổi tiếng dẻo thơm. Những dịp lễ Tết, ngày hội của đồng bào dân tộc không thể thiếu món xôi nếp nương
Tỉnh Hòa Bình có con sông Đà nổi tiếng  đã đi vào trong thơ văn
Sông Đà còn được gọi là sông Bờ hay Đà Giang, là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ dãy núi Ngụy Bảo thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy vào Việt Nam qua các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và nhập vào sông Hồng ở Phú Thọ. Sông dài 910 km, đoạn chảy trên lãnh thổ Việt Nam là 543 km. Ở địa phận tỉnh Hòa Bình, đây là con sông lớn nhất.
Sông Đà đã đi vào thơ ca Việt Nam, nổi tiếng nhất là tùy bút cùng tên của tác giả Nguyễn Tuân. Trong đó, ông miêu tả con sông mang vẻ đẹp nên thơ màu nước "xanh ngọc bích", "tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình mà đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai…". Bên cạnh đó, sông Đà còn mang vẻ hùng vĩ, hung tợn với những con thác "độc dữ, nham nhiểm", "đá bờ sông dựng vách thành", "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gầm ghè suốt năm"...
Ngoài sông Đà, Hòa Bình còn có sông Bưởi, sông Lạng, sông Bùi... cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân

Dân tộc Mường chiếm đa số dân cư tỉnh Hòa Bình

Theo Cổng thông tin điện tử Hòa Bình, năm 2009 tỉnh này có hơn 832.000 người, gồm 15 dân tộc, đông nhất là người Mường với 60% tổng số dân toàn tỉnh. Họ sống xen kẽ với người Kinh và các dân tộc khác.
Dân tộc đứng thứ hai về số lượng dân cư ở Hòa Bình là người Kinh với 27,7%. Các dân tộc Thái, Tày, Dao, H’Mông chiếm 2-4%, sống chủ yếu ở các huyện miền núi như Mai Châu, Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi...

Nhà máy thủy điện Hòa Bình lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á

Nhà máy thủy điện Hòa Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), trên dòng sông Đà hùng vĩ. Đây là thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Nhà máy do Liên Xô (nay là Liên bang Nga) giúp Việt Nam xây dựng, vận hành. Công trình được khánh thành vào năm 1994, sau 15 năm xây dựng, sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 MW, gồm 8 tổ máy, sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ KWh. 
Ngoài việc phát điện, nhà máy còn có chức năng ngăn lũ cho sông Hồng, cung cấp nước tưới tiêu và cải thiện giao thông đường thủy.
Thủy điện sông Đà và sự giúp đỡ của Liên Xô trong công cuộc xây dựng, được nhà thơ Quang Huy ghi lại trong tác phẩm Tiếng đàn Balalaika trên sông Đà
...Trên sông Đà
Một đêm trăng chơi vơi
Tôi đã nghe tiếng đàn Ba-la-lai-ca như thế
Một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ
Ngón tay đan trên những sợi dây đồng.
Lúc ấy
Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông
Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ
Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ
Chỉ còn tiếng đàn ngân nga
Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà.
Ngày mai
Chiếc đập lớn nối liền hai khối núi
Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên
Sông Đà gửi ánh sáng đi muôn ngả
Từ công trình thủy điện lớn đầu tiên...

 Thung Nai của Hòa Bình được ví như 'vịnh Hạ Long trên cạn'

Nằm cách Hà Nội hơn 100 km và cách trung tâm thành phố Hòa Bình hơn 20 km, Thung Nai (huyện Cao Phong) là điểm du lịch yêu thích của nhiều bạn trẻ.
Nơi đây mang vẻ đẹp bình yên của xã lòng hồ được đồi núi bao quanh. Những đảo nổi giữa dòng nước trong xanh của Đà giang khiến Thung Nai được ví von như "vịnh Hạ Long trên cạn". 
Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đi thuyền đến Thung Nai là hình ảnh cối xay gió nổi bật trên một đảo nhỏ. Khách có thể ngắm nhìn dòng nước hồ xanh mát dưới đảo cối xay gió, đến thăm động thác Bờ, suối Trạch hay đi thuyền tới chợ nổi và thưởng thức món cá nướng sông Đà ngon ngậy khi đến với Thung Nai.
Kim Bôi cũng là địa danh nghỉ dưỡng được nhiều người yêu thích bởi có những suối nước khoáng nóng tốt cho sức khỏe.

Thịt lợn muối chua là đặc sản của Hòa Bình

Thịt lợn muối chua là món ăn không thể thiếu của người Mường ở Hòa Bình trong những dịp lễ tết, hội hè, cưới hỏi và tiếp đãi khách quý đến chơi nhà. Món ăn này được làm từ thịt ba chỉ của những con lợn choai, thả rông dài ngày. Sau khi thái miếng, thịt được ướp với muối, thính gạo, riềng khô giã nhỏ, rồi trộn với rượu nếp cái, men lá rừng sao cho thật ngấm.
Thịt được để trong chiếc bồ lót lá chuối để ủ thịt chua. Cứ một lớp gạo rang giã dập trộn muối, lại đến một lớp thịt ướp nguyên liệu ở trên cho đến khi đầy bồ, rồi nén lại đem gác lên bếp củi đun ủ 1-2 tuần.
Điểm khác biệt của món đặc sản này là ngoài vị chua lên men tự nhiên, vị thơm ngọt của thính và thịt, còn có vị bùi ngậy của bì. Thịt chua còn được ăn kèm với lá mít, trầu không tạo nên vị chua ngọt hòa lẫn vị mặn, ăn rất lạ miệng.
Ngoài ra, thịt muối chua, măng đắng, cơm lam, rau rừng đồ... cũng là những món ăn đặc trưng của Hòa Bình nói chung và người Mường ở đây nói riêng.

Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét