Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Những địa danh có nguồn gốc động vật ở Nam Bộ

Là vùng đất hoang vu, được khẩn hoang từ vài trăm năm trở lại đây, Nam Bộ có hàng trăm địa danh mang tên các loài chim, thú.

nhung-dia-danh-co-nguon-goc-dong-vat-o-nam-bo
Huyện Tri Tôn, tỉnh Anh Giang. Ảnh: flickr.com
Nguồn gốc địa danh Tri Tôn ở tỉnh An Giang
Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), vùng đất này xưa kia thuộc Tầm Phong Long (phiên âm từ chữ  Kongpong Luông trong tiếng Khơ me, gồm từ Vĩnh Long, Sa Đéc lên tận Châu Đốc).
Trước năm 1832, vùng đất Tri Tôn thuộc địa phận của trấn Tây Thành. Đến năm 1839, Tri Tôn thuộc huyện Hà Dương (phủ Tĩnh Biên, tỉnh Hà Tiên). Năm 1842, vua Thiệu Trị sáp nhập phủ Tĩnh Biên, huyện Hà Dương về tỉnh An Giang. Đến năm 1844, Tri Tôn trở về Hà Tiên như trước.
Năm 1850, huyện Hà Dương kiêm nhiếp huyện Hà Âm, thuộc về phủ Tuy Biên (tỉnh An Giang), huyện lỵ đặt tại thôn An Thạnh (thuộc thị trấn Tịnh Biên ngày nay), có 4 tổng với 40 xã, thôn. Kể từ đó, vùng đất Tri Tôn thuộc về tỉnh An Giang.
Địa danh Tri Tôn được xuất phát từ ngôi chùa Khơ me là Xà Tón (Xvayton). Theo lời kể dân gian, ngày xưa nơi đây ít người sinh sống, trên những ngọn cây cao có rất nhiều khỉ thường xuống đất níu kéo người.
Khi xây chùa, người dân đã đặt là Xvayton (đọc là Xà Tón với "Xvay" nghĩa là con khỉ; "Ton" là đeo, níu kéo). Xà Tón bị người dân nói chệch là Tri Tôn.
Địa danh  gốc Khơ me ở Nam Bộ chỉ con rùa
Cần Đước là tên một huyện nằm ở phía đông nam tỉnh Long An, thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đây là huyện ven biển, được sông Vàm Cỏ bao bọc.
Năm 1698, đất Cần Đước thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định, rồi trấn Phiên An (1808). Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Cần Đước thuộc huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định.
Năm 1867, Cần Đước là huyện của phủ Phước Lộc, tỉnh Gia Định. Sau đó phủ Phước Lộc sáp nhập vào tỉnh Chợ Lớn.
Theo PGS.TS Lê Trung Hoa trong nghiên cứu Địa danh - những tấm bia lịch sử - văn hoá của đất nước, số lượng từ chỉ cầm thú trong ngôn ngữ dân tộc thiểu số trở thành yếu tố của địa danh ở Nam Bộ khá phong phú. Có thể kể đến là Cần Đước (rùa), Cần Thay (giống rùa quý), Cần Thơ (cá sặt rằn)...
Cần Đước gốc Khơ me là Andơk có nghĩa là "con rùa".
Địa danh Gò Công có nghĩa 'gò có nhiều chim đậu'
Gò Công có nghĩa là "gò có nhiều chim công đậu", nên ngày xưa được dịch ra chữ Hán là "Khổng Tước khâu". Trong sách Đại Nam Thực Lục, địa danh Gò Công được ghi là Khổng Tước nguyện hoặc Lôi Lạp.
Gò Công là tỉnh cũ ở Tây Nam Bộ, được thành lập năm 1900, tồn tại vào thời Pháp thuộc và bị giải thể vào cuối năm 1956.
Sau đó tỉnh Gò Công tái lập vào năm 1963. Tháng 2/1976, tỉnh Gò Công hợp nhất với tỉnh Mỹ Tho và thành phố Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang.
Hiện, địa bàn tỉnh Gò Công cũ tương ứng với thị xã Gò Công và các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang).
Địa danh Đầm Dơi có nghĩa là 'xứ đầm lầy có nhiều dơi đậu' 
Đầm Dơi là huyện ven biển, cách trung tâm tỉnh Cà Mau khoảng 30 km về hướng đông nam, phía bắc giáp thành phố Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu, phía nam giáp huyện Ngọc Hiển, phía tây giáp huyện Cái Nước, phía đông giáp biển Đông. Huyện này rộng 82.288 hecta, dân số gần 200.000.
dung-dam-doi-la-mot-huyen-o-ca-mau
Huyện Đầm Dơi. Ảnh: Báo Cà Mau
Địa danh Đầm Dơi xuất hiện sớm theo cách gọi dân gian là "xứ đầm lầy có nhiều dơi đậu". Vùng đất này xưa kia vốn là đầm lầy hoang sơ, cây cối rậm rạp, thích hợp cho loài dơi trú ngụ. Ngoài ra, vùng còn có các loài chim, cò với nhiều sân chim tự nhiên.
Ở Nam Bộ, đầm là nơi bị ngập trũng quanh năm, thường là những vùng tương đối rộng lớn, đón nước từ nhiều sông rạch đổ ra, mùa mưa nước ngập sâu, mùa nắng nước cạn hơn. Tên gọi Đầm Dơi đã xuất hiện trong địa bạ triều Nguyễn năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17) là "xứ Đầm Dơi".
Địa danh Đồng Na, là tên một tỉnh ở Đông Nam Bộ, được dân gian cho là cánh đồng có nhiều con nai.
Về mặt hành chính, Đồng Nai chính thức trở thành tên gọi đơn vị tỉnh từ năm 1976. Từ đó đến nay, tỉnh Đồng Nai trải qua nhiều lần thay đổi địa giới nhưng tên gọi vẫn giữ nguyên.
Theo một số sử sách xưa, danh xưng Đồng Nai được dùng để chỉ một vùng đất. Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết: "Đất Đồng Nai từ cửa biển Cần Giờ, Soi Rạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu... toàn là rừng rậm hàng mấy vạn dặm".
Năm 1747, địa danh Đồng Nai cũng xuất hiện với tự dạng là Doũ-nai. Sau đó, địa danh này xuất hiện vừa bằng chữ Nôm, vừa bằng chữ quốc ngữ vào năm 1772 trong Từ điển An Nam - La Tinh của Pigneau de Béhaine.
Về ngữ nghĩa, các tác giả đều hiểu địa danh Đồng Nai là cánh đồng có những con nai. Génibrel trong Từ điển Việt - Pháp (1898) ghi rõ La plaine aux cerfs nghĩa là cánh đồng nai.
Hiện có nhiều cách giải thích về địa danh này, song giả thiết trên được nhiều người đồng tình. Cấu trúc gồm từ chỉ địa hình và tên thú như Đồng Nai rất phổ biến, đặc biệt là ở Nam Bộ như rạch Bến Trâu, Gò Công, Hố Bò, cầu Rạch Đỉa, ấp Bàu Trăn. Yếu tố nai hay hươu xuất hiện cũng khá nhiều ở nhiều địa danh như Hố Nai, Đồng Hươu (Biên Hoà), rạch Nai, ấp Bàu Nai, sông Mũi Nai, Hóc Hươu (TP HCM).
Càng Long là tên một huyện của tỉnh Trà Vinh. Địa danh này có nguồn gốc từ tên gọi của con ong
Huyện Càng Long nằm ở phía Bắc tỉnh Trà Vinh, đồng thời là cửa ngõ của tỉnh này. Huyện rộng hơn 30.000 hecta, dân số hơn 170.000, trong đó dân tộc Khơ me chiếm 5,6%.
Theo nhiều tài liệu xưa, Càng Long gốc Khơ me là An Loong, nghĩa là con ong bầu. Ở đây có lẽ do ngữ âm gần giống nhau nên người ta đã mượn Càng Long thay An Loong.
Ngoài ra, ở các tỉnh Nam Bộ còn nhiều địa danh là đường phố, con rạch, cù lao có nguồn gốc từ tên con vật. Có thể kể đến Ba Khía, được đặt tên đường phố ở Cao Lãnh, Đồng Tháp (một loại còng vỏ tím, nhỏ con); Bưng Trích ở Sóc Trăng (gốc Khơ me là Bâng Trích, nghĩa là bưng chim trích); rạch Cá Lóc ở Vĩnh Long...

Mạnh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét