Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Tỉnh Bắc Kạn có hồ Ba Bể là hồ kiến tạo đẹp và lớn nhất Việt Nam

Đây còn là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, được hình thành cách đây hơn 200 triệu năm từ một vùng đá vôi.

ho-tu-nhien-nao-lon-nhat-viet-nam
Hồ Ba Bể là địa danh nổi tiếng nằm trong vườn quốc gia Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn. Đây là một trong những hồ kiến tạo đẹp và lớn nhất Việt Nam. Ba Bể còn thuộc tốp 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới.
Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn, diện tích mặt hồ Ba Bể khoảng 500 ha, là nơi hợp lưu của ba con sông Ta Han, Nam Cương và Cho Leng. Hồ có ba nhánh thông nhau nên gọi là Ba Bể.
Được hình thành cách đây hơn 200 triệu năm từ một vùng đá vôi bị sụt xuống do nước chảy ngầm đã đục rỗng lòng khối núi, giá trị lớn nhất của Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo, giá trị địa chất địa mạo và đa dạng sinh học. 
Hồ Ba Bể đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996, xếp hạng là di tích danh thắng quốc gia đặc biệt năm 2012. 
Bắc Kạn có suối đãi vàng
Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh.
Vẻ đẹp của hồ nước tự nhiên tọa lạc giữa những dãy núi đá vôi rộng lớn, mang đậm nét hoang sơ, thơ mộng đã đi vào ca dao bao đời nay. Ba Bể chính là điểm du lịch không thể thiếu khi tới thăm tỉnh miền núi phía Bắc này.
Hồ tự nhiên lớn thứ 2 Việt Nam là hồ Lăk của tỉnh Đăk Lăk. Hồ Tơ Nưng (Gia Lai) và hồ Tây (Hà Nội) cũng thuộc loại lớn ở Việt Nam.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Bắc

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ (thuộc Trung du và miền núi phía Bắc), giáp 4 tỉnh Cao Bằng; Lạng Sơn; Thái Nguyên Tuyên Quang.
Diện tích đất tự nhiên của Bắc Kạn là 485.941 ha. Dân số hiện nay là trên 308.300, gồm 7 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa, Sán Chay, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. 
Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính, gồm: thành phố Bắc Kạn và 7 huyện Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn, Pác Nặm.

Bắc Kạn có 2 cánh cung núi chạy qua là Ngân Sơn và sông Gâm

Bắc Kạn có địa hình núi cao, cao hơn các tỉnh xung quanh và bị chi phối bởi các mạch núi cánh cung kéo dài từ Bắc đến Nam ở hai phía Tây và Đông của tỉnh.
Trong đó, cánh cung Ngân Sơn nối liền một dải chạy suốt từ Nặm Quét (Cao Bằng) dịch theo phía Đông tỉnh Bắc Kạn đến Lang Hít (phía Bắc tỉnh Thái Nguyên) uốn thành hình cánh cung rõ rệt. Đây là cánh cung đóng vai trò quan trọng trong địa hình của tỉnh, đồng thời là ranh giới khí hậu quan trọng. Dãy núi này có nhiều đỉnh núi cao như đỉnh Cốc Xô cao 1.131 m, đỉnh Phia Khau cao 1.061 m…
Cánh cung sông Gâm kéo dài dọc theo phía Tây của tỉnh Bắc Kạn. Cấu tạo chủ yếu là đá phiến thạch anh, đá vôi, có lớp dài là đá kết tinh rất cổ. Khu vực này có nhiều đỉnh núi cao thấp khác nhau, trong đó có đỉnh Phja Boóc cao 1.502 m và nhiều đỉnh cao trên 1.000 m.
Xen giữa hai cánh cung là nếp lõm thuộc hệ thống thung lũng các con sông. Mạng lưới sông ngòi của tỉnh này tương đối phong phú, nhưng đa số là nhánh thượng nguồn với đặc điểm chung là ngắn, dốc, thủy chế thất thường. Bắc Kạn là "đầu nguồn" ở Việt Nam của 5 con sông lớn vùng Đông Bắc là sông Lô, sông Gâm, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Cầu.

Hội chọi bò là nét đặc trưng của Bắc Kạn

Trong nhiều lễ hội của người dân Bắc Kạn, luôn có màn chọi bò, nổi tiếng nhất là ở hội xuân Ba Bể - lễ hội lớn nhất trong năm của tỉnh miền núi phía Bắc này. Lễ hội diễn ra trong ngày 9-11 tháng giêng, hội chọi bò thường vào ngày mùng 10.
Theo trang thông tin điện tử Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, chọi bò được tổ chức vào năm 1997 ở huyện Ba Bể và được duy trì hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống của người H'Mông. Mục đích của hội thi là thể hiện tình yêu thương, sự công phu và nghệ thuật chăm sóc bò của người chủ.
Để được tham gia thi đấu, bò chọi phải qua tuyển chọn từ các bản làng của người H'Mông. Những chú bò mộng khỏe, sừng nhọn, tai to, vó cao… sẽ được chọn. Khác với chọi trâu trước khi thi đấu được chăm sóc cẩn thận thì bò chọi vẫn phải đi cày bừa.
Sáng sớm ngày diễn ra hội thi, các chú bò mộng được chủ dắt ra một đấu trường bằng phẳng, phủ đầy cỏ non. Hình thức thi đấu vòng tròn, con nào thắng nhiều đối thủ sẽ giành giải nhất. Trong một trận đấu, con nào bỏ chạy sẽ bị xử thua. Các "đấu sĩ bò" tham gia giải đấu, dù giành được vị trí nào, sau đó đều được nuôi dưỡng để phục vụ việc đồng áng, nương rẫy

Tôm chua là đặc sản của Bắc Kạn

Tôm chua và cá nướng Ba Bể, miến dong Na Rì, chuối hột rừng, thịt lợn gác bếp, bánh ngải, rau dớn... là những món ăn không thể bỏ qua khi đến với Bắc Kạn.
Cá hồ nướng ở Ba Bể là món ăn khoái khẩu của nhiều du khách bởi mùi không tanh, tuy bé bằng ngón tay nhưng hương vị lại thơm nồng hấp dẫn, có thể ăn cả thịt, xương lẫn đầu. Sau khi rửa sạch, cá được mổ sơ để vứt bỏ mật và ruột, sau đó dùng thanh tre kẹp chặt, nướng trên than củi chừng 15 phút, chờ chuyển sang màu vàng ruộm là có thể dùng được.
Tôm chua thường được ăn với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kèm đĩa khế chua, chuối xanh, đinh lăng… Nhấm nháp món này cùng chén rượu ngô cay giữa khung cảnh nên thơ của Ba Bể, bạn sẽ có cảm giác lâng lâng êm ái, thấm thía vị béo chua chua của thịt, cảm nhận phần tỏi ớt cay cay cùng mùi thơm riềng...
Món ăn được bán khá nhiều ở các bản Bó Lù, Pác Ngòi… Ngoài tôm, các loại tép hay cá nhỏ được bắt tươi ở hồ, ăn không hết, người dân cũng muối vào lọ, để ăn dần.

Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét