Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Cung đường ngược vọng cảnh Bái Tử Long

TTCT - Để ngắm vịnh Bái Tử Long, chúng tôi thử một lộ trình ngược, ngao du theo tỉnh lộ 334 xuyên qua các đảo ở huyện Vân Đồn, Quảng Ninh thay vì đi thuyền. Hàng trăm hòn đảo xanh nhấp nhô, núi rừng xanh thẳm, cung đường còn đưa chúng tôi đến những điểm dừng chân thú vị.

Cung đường ngược vọng cảnh Bái Tử Long
Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm hướng ra vịnh Bái Tử Long - Ảnh: Hải Dương
Xưa và nay
Từ Cửa Suốt, P.Cửa Ông, TP Cẩm Phả, chúng tôi tạm biệt đất liền đến huyện đảo Vân Đồn. Án ngữ trên lạch biển Cửa Ông là đảo Cặp Tiên gồm hai hòn đảo nhỏ, đúng với cái tên “cặp”. Đứng trên cầu Vân Đồn 1, mọi người sẽ được ngắm bức tranh phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ pha lẫn vẻ lãng mạn bình yên.
Chiều về, hàng trăm chiếc thuyền, sà lan lặng lẽ neo đậu xung quanh đảo. Ven đảo nhỏ là những khu dân cư trù phú với nhiều mái nhà cao tầng san sát nhau. Nhấp nhô trên đỉnh đồi là mái trường, trạm y tế, nhà công vụ của xã Đông Xá (huyện Vân Đồn).
Cung đường ngược vọng cảnh Bái Tử Long
Cầu Vân Đồn bắc qua lạch biển Cửa Ông.
Trông về phía xa xa, dưới những áng mây chiều là các hòn đảo xanh của vịnh Bái Tử Long nổi trên mặt nước mênh mông. Vào những ngày trời trong, đứng trên đỉnh đồi, chúng ta có thể nhìn thấy đảo Tây Hoi và xa hơn nữa là đảo Trà Bản.
Theo người dân địa phương, quần thể đền ở đây gắn với truyền thuyết về Thượng Đằng Phúc Thần Ông - tức ông lão cai quản biển. Chuyện kể rằng một hôm ông đi tuần biển, tự nhiên trời mưa to, gió lớn, sấm sét nổi lên đùng đùng.
Đúng lúc đó thấy có phiến đá lớn nổi trên mặt biển, ông liền trèo lên đó ngồi. Sóng nổi cuồn cuộn, mặt nước dâng lên cao nhưng phiến đá vẫn nổi trên mặt nước, chở che ông.
Khi trời yên biển lặng, dân chúng không thấy ông đâu nữa, mà trên phiến đá chỉ có một cái mũ, họ lập đền thờ từ đó. Vậy nên nơi đây được gọi là lạch Cửa Ông.
Cung đường ngược vọng cảnh Bái Tử Long
Cầu Vân Đồn bắc qua lạch biển Cửa Ông.
Từ đảo Cặp Tiên qua cầu Vân Đồn 2 và 3, chúng ta sẽ đặt chân lên đảo Cái Bầu. Đây là hòn đảo lớn nhất của huyện đảo Vân Đồn, nơi có thị trấn Cái Rồng.
Cứ nghĩ cung đường 334 đi men theo bờ biển xuyên qua đảo Cái Bầu dài khoảng 30km với nhiều trải nghiệm thú vị chờ đợi, chúng tôi lại vô cùng phấn khích. Đoạn đầu tiên, đường vắng lặng, thỉnh thoảng chỉ có đôi chiếc xe chở khách du lịch chạy vèo qua.
Cung đường ngược vọng cảnh Bái Tử Long
Mua bán hải sản trên cảng Cái Rồng -Ảnh: Hải Dương
Dân cư ở xã Đông Xá khá thưa thớt, vài mái nhà nép mình bên vách núi, thỉnh thoảng mới có nhà cao tầng của một khu khách sạn, nhà nghỉ. Những cơn gió biển thổi vù vù khi xe lướt qua đoạn đường sát mép nước. Hơi mát của biển thổi bay những giọt mồ hôi của kẻ đi đường trong cái oi nóng đầu thu.
Sau khi uống một ly nước mía ở bưu điện ngã ba thị trấn Cái Rồng, chúng tôi bắt đầu rẽ vào đường Lý Anh Tông để chạy ra cảng. Năm 1149, vua Lý Anh Tông đã lập trang Vân Đồn và lập ra thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt.
Nhưng phải đến thời Trần, thương cảng Vân Đồn mới vào thời kỳ thịnh vượng, lớn nhất Đại Việt. Tất cả giao thương của tàu buôn giữa Đại Việt và Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Mã Lai... thời đó đều đi và cập cảng Vân Đồn.
Cung đường ngược vọng cảnh Bái Tử Long
Thuyền bè neo đậu trên cảng Cái Rồng
Dấu tích của thương cảng xưa dần mờ cùng năm tháng. Hôm nay, một khu cảng Cái Rồng hiện đại, sầm uất đã thay thế.
Dừng chân trò chuyện với anh Nguyễn Văn Lâm, lái xe ôm ở đây, chúng tôi được biết mỗi sáng ở cảng đều có chợ hải sản họp. Đây là chợ hải sản thuộc loại lớn nhất tỉnh Quảng Ninh.
Hàng nghìn tàu thuyền lớn nhỏ của ngư dân sáng sáng cập cảng với những mẻ tôm, cua, cá... tươi ngon, sau đó chúng được mang đi khắp nơi.
Cảng Cái Rồng hôm nay với một khu nhà chờ sang trọng, phòng máy lạnh cùng một lúc có thể tiếp đón hàng trăm lượt khách du lịch. Ở đây còn có một cầu cảng dài hàng trăm mét để thuyền cột mỏ neo và vận chuyển hàng hóa lên xuống tàu.
Cung đường ngược vọng cảnh Bái Tử Long
Bản đồ cung đường 33 dài hơn 30km vong cảnh Bái Tử Long.
Điểm ngắm cảnh 
tuyệt vời nhất
Sau một buổi lạc vào thị trấn và cảng Cái Rồng ồn ào, tấp nập, chúng tôi trở lại cung đường 334 với vẻ hoang vắng vốn có.
Các thôn của xã Hạ Long, Vân Đồn nằm sát mép biển hầu hết thưa bóng nhà dân, thay vào đó là những biển nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ, khách sạn, resort mọc lên như nấm nối tiếp nhau. Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp một bãi tắm hoang sơ, trong lành.
Khi nắng sớm vừa lên, sau một đêm ngủ ngon lành bên bờ biển, loáng thoáng vài du khách bắt đầu ra tắm biển.
Khu du lịch biển Việt Mỹ với bãi tắm số 1, số 2, số 3... là một lựa chọn mới cho những du khách muốn ngâm mình dưới làn nước xanh biếc, trong không gian bình yên. Bãi cát trắng mịn chạy dài dưới hàng cây phi lao mọc ra sát mép nước. Mọi người sẽ có những phút giây đáng nhớ khi nằm phơi mình trên cát đón ánh nắng bình minh.
Cung đường ngược vọng cảnh Bái Tử Long
Sự trù phú của cư dân trên đảo Cặp Tiên.
Nối tiếp những bãi tắm tự nhiên và khu du lịch biển Việt Mỹ là khu du lịch Bãi Dài Vân Đồn. Bãi Dài chạy dọc bờ biển hơn 2km với rất nhiều bãi tắm đẹp, các điểm nghỉ dưỡng lý thú. Chúng tôi “phi” xe theo con đường nhỏ xuống bờ biển thì bắt gặp ngay cây cầu bêtông vượt biển dài hơn 100m.
Phía cuối cây cầu là một gian chòi nhỏ, trên có mái tròn như hình chiếc nón. Những buổi hoàng hôn buông xuống hay ánh bình minh đón ngày mới lên, cây cầu trở thành điểm ngắm cảnh không gì tuyệt vời hơn.
Bờ biển ở Bãi Dài thoai thoải với làn nước trong xanh, có khi nhìn được tận đáy. Mọi người để chân trần cùng nhau lang thang trên bờ cát trắng, nghe tiếng sóng vỗ rì rào, xa xa là bức tranh sơn thủy Bái Tử Long hiện hữu.
Cung đường ngược vọng cảnh Bái Tử Long
Bãi tắm trong khu du lịch biển Việt Mỹ hoang sơ, thanh bình. -Ảnh: Hải Dương
Đi được một đoạn, chúng tôi vô cùng thích thú khi bắt gặp một cây cầu gỗ dài khoảng 80m, uốn cong trên bãi cát chạy ra sát mép nước. Cây cầu này được ghép từ những mảnh gỗ với cột cọc chôn xuống bãi cát.
Cầu có chỗ còn lan can, có chỗ đã mất do nhiều đợt thủy triều nước dâng nhấn chìm, phá hủy các thanh gỗ. Đây là điểm hẹn hò ưa thích của các bạn trẻ, còn những đôi uyên ương thường tìm tới chụp hình cưới.
Chiều đến ở Bãi Dài còn diễn ra nhiều hoạt động du lịch thể thao hấp dẫn như bóng chuyền bãi biển, chèo thuyền kayak, lái môtô nước, dù lượn, hát karaoke tập thể...
Cung đường ngược vọng cảnh Bái Tử Long
Thuyền bè neo đậu trên cảng Cái Rồng
Chúng tôi bắt đầu chinh phục các hàng bậc thang để lên đền thờ Trần Khánh Dư. Sau hơn 400 bậc thang giữa rừng cây lá um tùm, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân tới trước cửa đền.
Ngôi đền mới được xây dựng cách đây 12 năm, thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, một danh tướng tài giỏi thời Trần. Đền nằm dựa lưng vào nhánh núi cánh cung Đông Triều kéo dài (có đỉnh Vạn Hoa cao 397m), mặt đền quay ra vịnh Bái Tử Long.
Đền có gác chuông, tượng Phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát và gian chính điện cùng hai cây đa cổ thụ bên cạnh. Đây là điểm ngắm vịnh Bái Tử Long tuyệt vời nhất trên cung đường 334.
Cung đường ngược vọng cảnh Bái Tử Long
Đền Cặp Tiên bên bờ biển.-Ảnh: Hải Dương
Ở đây chúng ta có thể thu vào tầm mắt vùng biển vịnh Bái Tử Long với những hòn đảo xanh nhô lên mặt nước. Hình ảnh cây cầu bêtông vượt biển giờ đây chỉ còn nhỏ xíu chạy dài trên mặt nước.
Nhìn sang bên trái là khu bãi tắm hoang sơ cùng rừng phi lao rậm rạp, phía bên phải là khách sạn sang trọng với các phòng đều hướng góc nhìn ra biển.
Từ đền thờ Trần Khánh Dư đi tiếp hơn 2km, chúng tôi tới thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (hay quen gọi chùa Cái Bầu).
Thiền viện nằm bên sườn núi, mặt hướng ra vịnh Bái Tử Long. Sau khi leo hơn 100 bậc qua nhiều cổng, điện, mọi người sẽ tới được Đại Hùng Bảo Điện, đây là khu vực quan trọng nhất của thiền viện.
Đứng trên lầu Di Lặc, gác chuông, gác trống, chúng tôi đã được thỏa mắt ngắm nhìn vịnh Bái Tử Long. Những con thuyền nhỏ xíu, xa tít đang lướt trên mặt biển mênh mông, bao đảo trập trùng xanh thẳm làm nao lòng lữ khách.
Điểm xuyết vào đó là những mũi cong mép mái của thiền viện càng làm bức tranh phong cảnh thêm quyến rũ.
Cung đường ngược vọng cảnh Bái Tử Long
Lầu Di Lặc, một trong những điểm ngắm vịnh biển ở Thiền Viện
Nhìn sang bên trái thiền viện là đập tràn Cái Bầu với khu đảo xanh ngút ngàn. Giữa mảng rừng xanh nhô lên một ngôi nhà mái đỏ tươi như để tạo cho cảnh vật có thêm sức sống.
Từ thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, đường 334 đưa chúng tôi qua cầu Cái Bầu tới xã Vạn Yên. Cung đường ngắm cảnh Bái Tử Long kết thúc ở vùng biển giáp ranh giữa ba huyện Đầm Hà, Tiên Yên và Vân Đồn.
HẢI DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét