Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Vĩnh Phúc có trung tâm đầu tiên có chức năng cứu hộ gấu mang tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam

Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam thuộc Tổ chức động vật châu Á, nằm ở thung lũng Chắt Dậu tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là trung tâm đầu tiên có chức năng cứu hộ gấu mang tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam, được thiết kế đủ điều kiện chăm sóc trọn đời cho khoảng 200 cá thể gấu. Hiện, có hơn 100 cá thể gấu được chăm sóc ở trung tâm, phần lớn là gấu ngựa, ngoài ra còn có một số cá thể gấu chó.
sai-trung-tam-cuu-ho-gau-o-vinh-phuc
Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đang chăm sóc cho hơn 100 cá thể gấu. Ảnh: Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam
Trung tâm nằm trên diện tích 12 ha, trong đó có gần 30.000 m2 không gian bán hoang dã ngoài trời được thiết kế và trang bị nhằm khuyến khích các hành vi tự nhiên của gấu. Trung tâm có 5 khu nhà gấu đôi trong đó mỗi nhà có hai dãy buồng ở cho gấu có cửa mở ra khu bán hoang dã ngoài trời với bể bơi, cây xanh và các cấu trúc để giúp gấu phục hồi bản năng.
Ngoài ra, trung tâm còn có hai nhà gấu không có khu bán hoang dã, khu chăm sóc gấu đặc biệt, khu cách ly tạm thời có mái che cho các cá thể gấu mới được cứu hộ về, khu nhà gấu con và bệnh viện thú y.
Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam ở Vĩnh Phúc là nơi giáo dục cộng đồng về các vấn đề bảo tồn và chăm sóc sức khỏe cho loài gấu, từ quá trình tiến hóa, sinh thái cho đến thực trạng hiện nay của gấu trong môi trường hoang dã. Công tác nâng cao và phổ biến kiến thức, nhận thức về những mặt trái của nạn buôn bán mật gấu sẽ giúp công chúng quan tâm nhiều hơn đến việc không nên sử dụng mật gấu, từ đó giảm nhu cầu tiêu thụ trong tương lai.

Vĩnh Phúc thuộc đồng bằng sông Hồng

Vĩnh Phúc là một trong 10 tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, phía bắc giáp Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía tây giáp Phú Thọ, phía nam và phía đông giáp Hà Nội. Đây là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của thủ đô, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng sông Hồng.
sai-vinh-phuc-thuoc-dong-bang-song-hong
Bản đồ hành chính tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc
Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1950, trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên, năm 1968 sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Sau đó, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập vào năm 1997.
Diện tích tự nhiên của tỉnh là 1.231 km2, bao gồm các dạng địa hình đồng bằng, đồi, núi thấp và trung bình. Tỉnh được chia làm chín đơn vị hành chính trong đó có một thành phố, một thị xã và bảy huyện với dân số hơn một triệu người (theo số liệu nắm 2013).

Vĩnh Sơn nổi tiếng với làng nuôi rắn truyền thống

Vĩnh Sơn nằm ở trung tâm huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) có nghề truyền thống là nuôi rắn. Theo các cụ cao niên trong xã, Vĩnh Sơn còn có tên gọi là Sơn Tang (hay còn gọi là Hai Nước). Trước đây, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập dựa vào sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Vào lúc rảnh rỗi, người dân thường đi bắt rắn hoang về bán kiếm thêm thu nhập.
Từ việc săn bắt rắn, lâu ngày, người dân đã tích cóp được kinh nghiệm để xây bể rộng nhốt và nuôi rắn kiếm lời. Cứ thế, kinh nghiệm từ đời trước được truyền lại cho đời sau, kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cũng được cải tiến dần.
Theo báo Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Sơn có gần 800 hộ nuôi rắn, chiếm gần 70% tổng số hộ dân, trong đó chủ yếu nuôi rắn hổ mang sinh sản. Trung bình một năm sản lượng thương phẩm xuất bán ước đạt 100 tấn, sản lượng trứng khoảng 400 nghìn quả. Tổng thu nhập từ chăn nuôi rắn khoảng 20-30 tỷ đồng/năm.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, những sản phẩm từ rắn của Vĩnh Sơn không những nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang một số nước phương Tây, Đông Á, Đông Nam Á. Tại hội chợ quốc tế Giảng Võ năm 1981-1982, sản phẩm rắn Vĩnh Sơn đã được ban tổ chức trao huy chương bạc

Vĩnh Phúc có lễ hội chọi trâu Hải Lựu

Hải Lựu, một xã nhỏ thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, là nơi diễn ra lễ hội chọi trâu được cho là cổ xưa nhất Việt Nam.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, tương truyền lễ hội có từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Lúc này, nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia phải lui quân về vùng Hải Lựu để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ. Trâu sau khi chọi được giết để khao quân.
Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu tôn vinh thờ làm Thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu từ đó. Nhân dân trong vùng lưu truyền câu ca "Dù ai đi đâu, ở đâu/ Tháng giêng mười bảy chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng giiêng mười bảy nhớ về chọi trâu".
Nét văn hoá độc đáo của chọi trâu Hải Lựu là “ông trâu” được các tập thể cùng tham gia nuôi dưỡng, huấn luyện (mỗi tập thể thường là các xóm, thôn hoặc họ tộc...). Trước đây, hội chỉ diễn ra trong ngày 17 tháng giêng âm lịch. Từ năm 1947, do chiến tranh chống Pháp và nhiều lý do khác, lễ hội chọi trâu không được tổ chức. Sau 45 năm gián đoạn, năm 2002, lễ hội được khôi phục và ngày càng thu hút đông người tham gia nên được kéo dài làm hai ngày 16-17.
Nhân vật lịch sử quê Vĩnh Phúc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái chống Pháp
Nguyễn Thái Học sinh năm 1902 ở làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). 
Giống như nhiều thanh niên học thức khác cùng thế hệ, Nguyễn Thái Học đã sớm có tinh thần yêu nước, nhạy cảm với thời cuộc nên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường (năm 1925 và 1926), ông đã hai lần gửi thư tới toàn quyền Vareune và nhà cầm quyền Pháp đề nghị cải cách ở Việt Nam nhưng đều không được trả lời.
Nguyễn Thái Học nhận ra rằng muốn cứu nước chỉ có con đường vũ trang khởi nghĩa lật đổ chế độ thực dân Pháp và chế độ phong kiến. Ông cùng nhóm Nam Đồng thư xã do Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài và Nhượng Tống thành lập, đã chuẩn bị lập nên một tổ chức yêu nước bí mật.  
[Caption]
Chân dung Nguyễn Thái Học.
Sau thời gian chuẩn bị, ngày 25/12/1927, Việt Nam Quốc dân Đảng với nòng cốt là nhóm Nam Đồng thư xã ra đời, Nguyễn Thái Học được bầu làm Chủ tịch Đảng.
Đứng trước sự đàn áp gắt gao của thực dân Pháp, Nguyễn Thái Học cùng một số đồng chí đã triệu tập Đại hội Đảng và quyết định tổng khởi nghĩa vào đêm mùng chín, rạng sáng mùng 10/2/1930, đúng vào ngày mùng một Tết Canh Ngọ.
Thế nhưng, kế hoạch nổ súng không thống nhất ở các địa phương khiến cuộc khởi nghĩa bị dập tắt nhanh chóng và đi đến hoàn toàn thất bại. Dù được triển khai ở nhiều địa phương, lịch sử vẫn gọi đây là khởi nghĩa Yên Bái.
Ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị bắt ở ấp Cổ Vịt (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương). Ông bị giam ở nhà ngục Hỏa Lò (Hà Nội) rồi được áp giải lên Yên Bái và bị tuyên án tử hình sau đó 10 ngày. Ngày 17/6/1930, bản án được thi hành. Trước khi hy sinh, ông hô vang "Việt Nam vạn tuế".
Ngày nay, nhiều con đường, trường học được đặt theo tên của Nguyễn Thái Học.

Dương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét