Nhiều địa danh có từ "bà" ở Sài Gòn chưa hẳn để nhắc đến một phụ nữ cụ thể. Cùng tìm hiểu những điều lý thú về các địa danh này
Chợ Bà Chiểu. Ảnh tư liệu
Bà Chiểu chỉ vùng đất, ngôi chợ thuộc quận Bình Thạnh hiện nay.
Địa danh Bà Chiểu có từ đầu thế kỷ 19, chỉ vùng đất gồm các phường 1, 2, 14 quận Bình Thạnh hiện nay.
Nhà văn Sơn Nam cho rằng, Bà Chiểu là tên vùng đất xuất hiện thời vua Tự Đức. Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên. Bà Chiểu là "nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên".
Bà Chiểu còn là tên một trong những ngôi chợ lâu đời ở Sài Gòn. Sơ khai là chợ xổm, năm 1942, chợ được xây lên với diện tích gần 8.500 m2, nằm ở trung tâm quận Bình Thạnh. Năm 1987, chợ được nâng cấp. Đến nay, chợ có khoảng 800 hộ, kinh doanh khoảng 40 mặt hàng.
Theo tác giả Trần Nhật Vy trong cuốn Từ Bến Nghé đến Sài Gòn, trước đây chợ Bà Chiểu quay mặt ra một rạch nhỏ ăn từ kênh Nhiêu Lộc trở vào.
Nay, dấu tích vẫn còn đó nhưng một đoạn đã bị lấp. Sau này khi xây cất lại chợ, người ta mới chuyển mặt chợ ra đường Phan Đăng Lưu - Lê Quang Định.
Bà Điểm là một xã của huyện Hóc MônBà Điểm là một xã thuộc huyện Hóc Môn, nằm ở phía Tây Bắc TP HCM. Đây còn là tên gọi một ngôi chợ nằm ở xã này, thuộc khu 18 thôn Vườn Trầu, có từ thế kỷ 19.
Theo tác giả Trần Nhật Vy trong cuốn Từ Bến Nghé tới Sài Gòn, chợ Bà Điểm nằm đối diện nhà làng Tân Thới Nhứt (bị đập bỏ thời gian gần đây) và ven lộ từ Đức Hòa xuống. Đặc sản của chợ là trầu, cau, thuốc lá và nem.
Có nhiều giả thuyết về địa danh Bà Điểm. Vào năm 1868, đoàn người đi từ huyện Bố Chính (thuộc tỉnh Quảng Bình) vào vùng đất miền Nam khai phá, đến đây họ gặp người phụ nữ bán nước bên đường tên là Điểm nên dùng chính cái tên này để gọi vùng đất là Bà Điểm.
Một giả thuyết khác cho rằng, khi Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc ở vùng này, tại nhà bà lão tên Điểm nên thôn Tân Thới Nhứt (một trong 6 thôn đầu tiên của 18 thôn Vườn Trầu) nên nơi đây có tên là Bà Điểm.
Địa danh Bà Quẹo ở quận Tân BìnhĐịa danh Bà Quẹo có từ thế kỷ 19, chỉ khu vực gồm phường 13 và 14 của quận Tân Bình. Đây còn là tên chợ trên đường Trường Chinh đoạn gần ngã ba Âu Cơ, thuộc phường 14.
Chợ Bà Quẹo thành lập từ năm 1967, diện tích hơn 2.000 m2. Năm 1978, chợ được đổi tên thành Võ Thành Trang, là chợ đầu mối thu mua nông sản từ Củ Chi, Hóc Môn, Long An...
Theo học giả Vương Hồng Sển, tên này là do bị đọc chệch từ chữ Bờ Quẹo hoặc Bàu Quẹo.
Một giải thuyết khác, xưa ở chợ có một phụ nữ không chồng con, tay bị tật (người miền Nam gọi là vẹo hay quẹo tay) buôn bán lâu năm. Người trong vùng lấy đặc điểm này đặt tên chợ cho dễ nhớ, lâu dần cách gọi này thành tên chợ
Rạch Thị Nghè, trước đây còn được dân gian gọi là rạch Bà Nghè
Rạch Thị Nghè là tên gọi của đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy qua quận 1, TP HCM. Nối quận 1 và Bình Thạnh qua đoạn kênh này là cầu Thị Nghè.
Trước đây, cầu do bà Nguyễn Thị Khánh (con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân) xây để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc. Chồng bà chỉ là thư ký, không rõ đã đạt đỗ gì, nhưng đương thời gọi là ông Nghè (tức đã đỗ tiến sĩ) nên nhân dân gọi bà Khánh là bà Nghè.
Từ giữa thế kỷ 19, cầu được gọi tên Thị Nghè, đến năm 1970 được xây mới bằng xi măng cốt thép.
Trịnh Hoài Đức từng ghi chép về nhân vật này trong sách Gia Định thành thông chí: "Có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là khi đầu bà khai hoang đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại nên dân gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè".
Tên gọi Bà Hom ở Sài Gòn được nhiều nhà nghiên cứu cho là cách nói chệch của từ Bàu Hom
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Lê Trung Hoa, dạng gốc của địa danh Bà Hom có thể là Bàu Hom (bàu ngâm hom tre).
Nó tương tự các địa danh Bà Bèo (dòng kênh nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ), Bà Hói (rạch ở xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP HCM), Bà Môn (rạch ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP HCM) có dạng gốc là Bàu Bèo, Bàu Hói, Bàu Môn. Do các tên gọi gốc này đều là hai âm tiết có vần tròn môi nên người ta dị hóa cho dễ phát âm.
Trước đây, khu vực chợ Bà Hom (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) có một cái ao bèo nhưng sau đó được lấp đi.
Sau này có chợ tự phát ở đây cũng như một ngôi chợ mới được xây lên cũng đặt tên Bà Hom theo vùng này. Ngôi chợ đã được xây mới sau năm 2012.
Mạnh Tùng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét