Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Địa danh Pha Luông trong bài thơ Tây Tiến

Địa danh trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng  thuộc  tỉnh miền núi phía Bắc Sơn La, có nhiều điểm du lịch nổi tiếng.

Núi Pha Luông, hay còn gọi là Bờ Lung (tiếng Thái là núi lớn), cao gần 2.000 m ở khu vực biên giới Việt - Lào, thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Từ ngàn đời nay, Pha Luông luôn in đậm trong tâm trí mỗi người dân ở Mộc Châu với đỉnh núi sừng sững thâm u, những ngôi nhà vách gỗ, mái lợp tranh ẩn hiện trong sương mù lưng núi. Địa danh này đã được nhà thơ - người lính - Quang Dũng nhắc đến trong tác phẩm nổi tiếng Tây Tiến: 
"Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi".
chinh-xac-pha-luong-trong-bai-tho-tay-tien-thuoc-tinh-son-la
Đỉnh Pha Luông. Ảnh: blogdulich
Tây Tiến là đơn vị quân đội được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào chống thực dân Pháp. Chiến sĩ trong đoàn quân này phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên như nhà thơ Quang Dũng. Họ chiến đấu trên khắp các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền Tây Thanh Hóa và Sầm Nưa (Lào). Trong hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành, "đoàn binh không mọc tóc" Tây Tiến vẫn lạc quan, chiến đấu dũng cảm.
Cuối năm 1948, Quang Dũng phải rời xa binh đoàn Tây Tiến chuyển sang đơn vị khác. Nhớ Tây Tiến, ông đã viết bài thơ cùng tên, sau này đổi tên là Tây Tiến.
Theo cổng thông tin điện tử, Sơn La là tỉnh miền núi cao nằm ở phía tây bắc Việt Nam, có 250 km đường biên giới với Lào và giáp nhiều tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa. Sơn La có một thành phố cùng tên và 11 huyện, diện tích tự nhiên hơn 14.000 km2, dân số hơn một triệu người. 
Địa hình tỉnh Sơn La chủ yếu là đồi núi và cao nguyên, bị chia cắt sâu thành những vùng đất có đặc trưng sinh thái riêng. Tỉnh có hai cao nguyên là Mộc Châu và Nà Sản.
Mộc Châu có độ cao trung bình 1.050 m so với mực nước biển, mang đặc trưng của khí hậu cận ôn đới, đất đai màu mỡ phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển cây chè, cây ăn quả và chăn nuôi bò sữa.
Cao nguyên Nà Sản có độ cao trung bình 800 m, chạy dài theo trục quốc lộ 6, đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển cây mía, cà phê, dâu tằm, xoài, nhãn, dứa…

Dân tộc Thái chiếm 54% dân số tỉnh Sơn La

Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc cùng chung sống, trong đó người Thái chiếm đông nhất với 54%, Kinh 18%, Mông 12%, Mường 8,4%, Dao 2,5%, còn lại là các dân tộc Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng, La Ha, Lào, Tày và Hoa.
Người Thái ở Sơn La gồm các nhóm Tay Đăm (Thái đen) và Tay Khao (Thái trắng). Họ nói tiếng Thái, trang phục của nam là âu phục, vải thổ cẩm, phụ nữ mặc áo cóm, váy, khăn piêu và trang sức truyền thống. 
Người Thái ở nhà sàn, mỗi bản có 40-60 nóc nhà kề nhau. Bản của người Thái thường ở vùng thấp, gần nguồn nước, gắn với sản xuất ruộng nước. Sản phẩm nổi tiếng của người Thái là vải thổ cẩm, với hoa văn độc đáo, màu sắc rực rỡ, bền đẹp.

Sông Đà và sông Mã đều chảy qua Sơn La

Tỉnh Sơn La có 2 hệ thống sông chính là sông Đà và sông Mã cùng 35 con suối lớn, hàng trăm suối nhỏ với nhiều thác ghềnh. Tài nguyên nước mặt của toàn tỉnh hàng năm vào khoảng 19 tỷ m3, chủ yếu từ nguồn nước mưa tích trữ vào hai hệ thống sông chính. 
Sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đoạn chảy qua Sơn La dài 250 km. Trên đoạn sông này, Việt Nam đã xây dựng một thủy điện Sơn La, là công trình trọng điểm quốc gia, do Quốc hội giám sát. Công trình góp phần cung cấp nguồn điện năng để phát triển kinh tế - xã hội, chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc Bộ. 
Sông Mã bắt nguồn từ tỉnh Điện Biên, đoạn chảy qua Sơn La dài 93 km, có diện tích lưu vực 3.978 km2, mang lại nguồn cung cấp nước lớn cho địa phương.
Đồi chè trên cao nguyên Mộc Châu có hình trái tim
Cao nguyên Mộc Châu thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Nơi đây có khí hậu cận ôn đới đặc trưng, đất đai màu mỡ phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển cây chè, cây ăn quả như mận, đào và chăn nuôi bò sữa.
Những cánh đồng mận bát ngát hoa trắng, lấp ló phía dưới là những nếp nhà sàn của đồng bào H'Mông hay những đồi chè xanh tươi được bao quanh bởi núi non trùng điệp... cũng là điểm thu hút du khách đến với Mộc Châu.
chinh-xac-doi-che-moc-chau-co-hinh-trai-tim
Đồi chè được trồng theo hình trái tim. Ảnh: Blogdulich.
Và ai khi đặt chân lên đồi chè của cao nguyên này cũng thích thú khi thấy được cắt tỉa thành lớp lớp hình trái tim. Nhiều bạn trẻ và các đôi uyên ương đã chọn đây là điểm chụp hình lý tưởng. 

Nậm pịa là đặc sản của tỉnh Sơn La

Nếu như người H'Mông có món thắng cố được coi là đặc trưng thì người Thái có món nậm pịa. Vì vậy đến Sơn La, bạn không nên bỏ qua món đặc sản này.
Nậm pịa được làm từ ruột non của con trâu, bò, dê. Người ta đem tuốt hết phần ruột bên trong, dùng vải bông sạch lọc nước lấy từ ruột non sau đó đập gừng, xả, mắc khén, ớt, lá chanh băm thêm một ít thịt bạc nhạc, tiết tươi, đuôi, dạ dày, cuống tim... của bò hay dê cho vào nồi đun sôi khoảng 5 phút tạo thành món ăn sền sệt.
Nậm pịa thường được ăn với thịt bò hoặc dê luộc. Khi chấm những miếng thịt luộc vào bát nậm pịa sẽ cảm nhận được hương vị của các loại gia vị lan tỏa. Ai ăn lần đầu sẽ thấy có vị đăng đắng nơi cổ họng, nhưng sau lại có vị ngọt, thơm. 

Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét