Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Tỉnh được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh

Ghềnh Đá Đĩa

Phú Yên là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Với bờ biển dài 189 km, Phú Yên được thiên nhiên ban tặng cảnh quan sinh thái phong phú, có nhiều vịnh, bãi, vũng, đầm phá, ghềnh mang vẻ đẹp hoang sơ. Địa danh nổi tiếng nhất là ghềnh Đá Đĩa (hay còn gọi gành Đá Đĩa) thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An.
Đá ở đây được dựng đứng theo từng cột liền khít nhau, đều tăm tắp. Các cột đá có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn giống như cái đĩa đựng thức ăn.
Trên thế giới, rất hiếm nơi có cấu trúc đá tương tự, ngoài ghềnh Đá Đĩa Phú Yên còn một số địa danh nổi tiếng khác như Giant’s Causeway ở Ireland, Los Órganos ở Tây Ban Nha và ghềnh đá đĩa ở hang động Fingal, Scotland.
Địa chí Phú Yên nêu rõ, theo nghiên cứu bước đầu của Đoàn địa chất 703, đá ở ghềnh Đá Đĩa là loại đá bazan, được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa vùng cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa) cách khoảng 30 km theo đường chim bay. Núi lửa này hoạt động gần 200 triệu năm trước, nham thạch phun từ miệng núi lửa ra sát biển, bất ngờ gặp nước biển lạnh nên lập tức đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lưu, tạo sự rạn nứt toàn bộ khối thạch khổng lồ. Đá bị nứt theo mạch dọc tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên ngang, đồng thời lại có những đường nứt ngang cắt các cột đá thành nhiều khúc.
Ghềnh Đá Đĩa rộng 50 m, trải dài hơn 2.000 m, có bãi cát trắng mịn hình lưỡi liềm dài khoảng 3 km. Không chỉ đến đây để tắm biển, nhiều du khách kết hợp chụp ảnh cưới.
Năm 1998, ghềnh Đá Đĩa được công nhận là thắng cảnh thiên nhiên cấp quốc gia.
sai-dap-an-la-phu-yen
Ghềnh Đá Đĩa ở Phú Yên là cảnh quan thiên nhiên hiếm có trên thế giới. Ảnh: Flickr

Đầm Ô Loan
Đầm Ô Loan nằm sát quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau, cách thành phố Tuy Hòa 22 km. Đây là địa danh gắn với phong trào Cần Vương, được xếp hạng là di tích danh thắng quốc gia năm 1996.
Theo Địa chí Phú Yên, đầm nước lợ gần như nằm trọn trong đất liền này rộng khoảng 1.200 ha, có hình dáng con phượng đang xòe cánh khi nhìn từ đèo Quán Cau. Còn trên bản đồ, Ô Loan lại giống con thiên nga đang thong thả bay. 
Phía tây đầm là những quả đồi nhỏ nằm san sát nhau. Phía đông đầm là mả Cao Biền - tướng lĩnh Trung Quốc triều Đường được dân gian cho rằng đã bị trời chôn ở vị trí này khi đang trên đường đi ếm hại nhân tài nước Nam. Giữa đầm có hai tảng đá lớn chồng lên nhau gọi là hòn Chồng.
Đầm Ô Loan là nguồn cảm hứng của nhiều thi sĩ. Trong đó, bài thơ của Xuân Diệu mở ra trước mắt người đọc phong cảnh hữu tình:
Đầm Ô Loan, đầm Ô Loan.
Nước trời cùng với mây liên hoàn
Mặt đầm, đôi cánh chim loan mở
Khí mát lan bay sắc đẹp tràn
Cao thấp đồi quanh gấm dựng lên
Lục thêu cùng biếc với xanh lam
Sắn khoai sức tốt phây phây lượn
Mía bắp trông xa một sắc liền....
sai-dap-an-dung-la-dam-o-loan
Đầm Ô Loan có nhiều đặc sản nổi tiếng. Ảnh: Tuy Hòa Plus
Thời phong kiến, khi về Phú Yên, các quan lại thường thưởng thức đặc sản sò huyết ở đầm Ô Loan. Ngoài ra, hàu ở đây cũng được nhà thơ Tản Đà nổi tiếng sành ăn ngợi khen "Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu". Hàu được dùng để nấu cháo, nấu canh, xào, nhưng hấp dẫn nhất là món hàu tái hoặc hàu trộn với đậu phụng và cà chua. Ngoài ra, món ngon vật lạ ở Ô Loan còn có cua huỳnh đế, tôm rằn, tôm bạc, mực, sứa, rau câu, điệp...
Lễ hội cầu ngư ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch hàng năm thu hút hàng chục nghìn người từ khắp nơi về tham dự. 
Đèo núi  hiểm trở bậc nhất Việt Nam, là ranh giới của Phú Yên và Bình Định
Nằm trên quốc lộ 1A, đèo Cù Mông tuy ngắn nhưng là một trong những đèo núi hiểm trở nhất, từng lọt top 5 đèo núi nổi tiếng ở Việt Nam năm 2015. Đèo dài 7 km, đỉnh đèo cao 245 m, đường dốc và có nhiều khúc cua gấp, hai bên là núi cao.
Đèo Cù Mông chính là ranh giới hai nước Đại Việt và Chiêm Thành khi xưa. Đây cũng từng là con đường chính để qua lại giữa Bình Định và Phú Yên, khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu (quốc lộ 1D).
sai-dap-an-dung-la-deo-cu-mong
Đèo Cù Mông là ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên. Ảnh: dulichphuyen
Nhiều ý kiến cho rằng tên đèo Cù Mông xuất phát từ thế núi trải dài từ cao nguyên An Khê (Gia Lai) đổ ra biển, trông như con rồng phủ phục mà đầu là Xuân Lộc (Phú Yên) ra tới Ghềnh Ráng (Bình Định), đuôi níu giữ dãy Ngọc Linh. Chân đèo là nơi yên nghỉ của thi sĩ Hàn Mặc Tử, cũng là điểm tham quan nổi tiếng ở Quy Nhơn, Bình Định.

Theo Báo Phú Yên, tên cũ của ngọn đèo này là Cù Mãng, trong đó "Cù" là linh vật đầu lân, mình rồng còn "Mãng" là rắn thần. Khi mưa gió bão bùng, dân địa phương gọi là Cù dậy vì cả vùng đèo đầy sấm chớp, các ngọn cây cong oằn tựa như linh vật chuyển mình. Những đợt sóng tạt lên rìa đá lởm chởm gợi liên tưởng đến đầu rồng đang há mõm hút nước.
Ngoài ra, truyền thuyết còn kể rằng khi hạn hán, ông trời sai con cù mãng (rắn xanh) xuống đỉnh đèo để bắt beo thần và làm mưa cho vùng đất này. Do đó, cứ tháng 9, tháng 10 âm lịch, cả vùng Cù Mông nổi mưa gió, do cuộc huyết chiến giữa thần cù mãng và beo thần ngày xưa.
Đi dọc từ Bắc vào Nam, khi vượt qua đèo Cù Mông đến địa phận Phú Yên, du khách sẽ nhìn thấy đầm Cù Mông, tên gọi thân thuộc là vũng Mồi. Đầm là nơi trú ngụ của nhiều loài hải sản quý hiếm như cá ngựa, sò đá, đặc biệt đây là vùng nuôi tôm hùm thương phẩm lớn nhất tỉnh Phú Yên.
Vùng này còn nổi tiếng với món bánh nậm làm từ bột gạo xay nhuyễn, có nhân đậu xanh, thịt băm hoặc tôm, được gói trong lá chuối. Tương truyền, khi bị quân Tây Sơn truy sát, Nguyễn Ánh đã lẩn trốn ở đây. Trong thời điểm khó khăn và thiếu thốn, bà Phạm thị trong làng đã làm những chiếc bánh nậm cứu đói cho tàn quân, chỉ đường cho họ thoát khỏi sự truy bức. Về sau, khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh đã tìm đến tạ ơn ân nhân của mình

 Tên gọi Phú Yên có từ thế kỷ 17

Cổng thông tin điện tử Phú Yên cho biết lịch sử Phú Yên bắt đầu từ cuộc Nam chinh (khẩn hoang về phương nam) của vua Lê Thánh Tông năm 1471. Sau khi thống lĩnh 260.000 quân thủy bộ đi bình Chiêm, hạ được thành Thị Nại và Đồ Bàn, tiến vào đèo Cù Mông, vua lập nên ba phủ Thăng Hoa (nay là Quảng Nam), Tư Nghĩa (nay là Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn (nay là Bình Định). Phần đất từ Cù Mông đến đèo Cả (tức Phú Yên ngày nay) là vùng tranh chấp giữa người Đại Việt và người Chămpa.
Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng bổ Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan. Lương Văn Chánh đem quân đánh quân Chiêm Thành ở Tuy Hòa (Thành Hồ), chiêu tập lưu dân vùng Thuận Quảng vào khẩn hoang, lập ấp từ Cù Mông đến Đèo Cả.
Năm 1611, trước sự quấy phá của Chiêm Thành, Nguyễn Hoàng cử chủ sự Văn Phong đánh vào, chiếm đất, đặt thành phủ Phú Yên, lập hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Cũng từ thời điểm này, chính quyền Đàng Trong mới thực sự cai quản và khai khẩn vùng đất này với quy mô lớn.
Từ những chứng cứ lịch sử trên, các nhà nghiên cứu thống nhất lấy mốc lịch sử 1961 là năm ra đời của Phú Yên với tư cách đơn vị hành chính.
Năm 2011, người dân Phú Yên tổ chức lễ kỷ niệm lớn, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phát hành bộ tem đặc biệt "Kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611-2011)". Mẫu tem có hình ảnh ghềnh Đá Đĩa, núi Đá Bia và đền thờ Lương Văn Chánh.

Phú Yên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện

Phủ Yên phía bắc giáp tỉnh Bình Định, phía nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía tây giáp tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk, phía đông giáp biển Đông.
sai-tinh-phu-yen-co-9-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen
Bản đồ tỉnh Phú Yên.
Tỉnh có 9 đơn vị hành chính gồm các huyện Đồng Xuân, Đông Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa.
Dân số Phú Yên tính đến năm 2011 là 871.940. Tỷ lệ lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 59,2%; khu vực công nghiệp - xây dựng là 16,4%; khu vực dịch vụ là 24,4%.
*Huyện là đơn vị hành chính địa phương cấp hai, sau tỉnh, thành phố thuộc trung ương. Thuật ngữ "cấp huyện" được dùng để chỉ toàn bộ cấp hành chính địa phương thứ hai, bao gồm cả thành phố trực thuộc tỉnh, quận, huyện, và thị xã.

Thùy Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét