Sông Đà còn được gọi là sông Bờ hay Đà Giang, là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ dãy núi Ngụy Bảo thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Đà với lãnh thổ Việt Nam ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Tại điểm này, người dân tộc Thái thường gọi sông Đà là Nậm Tè.
Sông Đà dài 910 km, bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy vào lãnh thổ Việt Nam từ tỉnh Lai Châu. Ảnh: Wikiwand
|
Sông Đà dài 910 km, có diện tích lưu vực lên tới 52.900 km2, đoạn chảy trên lãnh thổ Việt Nam dài 543 km. Sông Đà chảy từ Lai Châu qua các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ. Nó được biết đến là một trong những dòng sông năng lượng lớn nhất Việt Nam với hàng loạt hệ thống thủy điện lớn như Lai Châu, Sơn La hay Hòa Bình.
Ở Trung Quốc, sông có tên là Lý Tiên Giang, do hai nhánh Bả Biên Giang và A Mặc Giang hợp thành. Trong một số tiếng châu Âu, sông Đà được dịch là sông Đen.
Tùy bút Sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân
Tùy bút Sông Đà là kết quả chuyến đi thực tế năm 1958 của nhà văn Nguyễn Tuân, gồm 15 bài tùy bút và một bài thơ phác thảo. Nội dung chủ yếu là ca ngợi cảnh vật và con người Tây Bắc, đặc biệt nhà văn đã khám phá "chất vàng mười" đã qua thử lửa của vùng đất này.
Tùy bút Sông Đà tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám: uyên bác, tài hoa, tìm cái đẹp từ cuộc sống hiện tại của nhân dân lao động.
Tác phẩm nổi tiếng nhất trong tập tùy bút Sông Đà là Người lái đò sông Đà. Qua tác phẩm này, mọi người có thể thấy rõ dòng sông Tây Bắc ở hai phương diện đối lập nhau. Đó là một dòng sông dữ dội, hiểm trở, từng gây nhiều tai họa cho con người nhưng đồng thời cũng mang vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình.
Mở đầu thiên tùy bút, Nguyễn Tuân đã đặc tả một số con thác vô cùng "độc dữ, nham hiểm" trên sông Đà giống như "kẻ thù số một của con người"; cảnh "đá bờ sông dựng vách thành", "có chỗ vách đá thành chẹt lấy lòng sông Đà như một cái yết hầu"; cảnh "dài hàng chục cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gầm ghè suốt năm"; hay cảnh những trận địa đá với nhiều cửa sinh, cửa tử, luồng chết, luồng sống ngay ở giữa sông.
Tuy nhiên, không phải lúc nào sông Đà cũng hung dữ như vậy. Cũng có lúc, sông Đà như bức tranh thủy mặc làm vương vấn lòng người. Nguyễn Tuân miêu tả từ máy bay nhìn xuống, "con sông tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai".
Gợi cảm từ hình dáng, sông Đà còn rất trữ tình về màu sắc. Mùa xuân, dòng sông xanh ngọc bích, khác với "màu xanh canh hến" của sông Lô, sông Gâm. Mùa thu, dòng sông "lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa". Dưới ngòi bút nghệ thuật của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên với "bờ sông hoang dại như bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích xưa" với đàn hươu "ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương...".
Hai đặc điểm dữ dội, hiểm trở và thơ mộng, trữ tình của sông Đà tưởng chừng đối lập nhau nhưng lại rất hài hòa, thống nhất. Dưới góc nhìn say mê với tất cả cảm xúc, tình yêu thiên nhiên đất nước và lòng ngưỡng mộ, trân trọng của Nguyễn Tuân, sông Đà được nhìn nhận như một con người có tính cách cụ thể, sinh động.
Lai Châu tiếp giáp với 4 tỉnh
Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 450 km về phía Đông Nam. Ngoài 265,095 km đường biên giới với Trung Quốc, Lai Châu tiếp giáp với 4 tỉnh trong nước là Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La.
Bản đồ hành chính tỉnh Lai Châu.
|
Địa hình Lai Châu được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có nhiều đỉnh núi cao như đỉnh Pu Sa Leng cao 3.096 m. Núi đồi cao và dốc, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp. Phía Đông là dãy núi Hoàng Liên Sơn, phía Tây là dãy núi Sông Mã, giữa hai dãy núi là phần đất thuộc vùng thấp tương đối rộng lớn thuộc lưu vực sông Đà với cao nguyên đá vôi dài 400 km chạy suốt từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Quan Sơn, Quan Hóa (Thanh Hóa).
Bên cạnh đó, Lai Châu có nhiều cao nguyên, sông suối, sông có nhiều thác ghềnh, dòng chảy lưu lượng lớn nên tiềm năng thủy điện rất lớn.
Lai Châu là nơi sinh sống của 20 dân tộc
Theo Cổng thông tin điện tử Lai Châu, dân số toàn tỉnh tính đến hết năm 2011 là 403,2 nghìn.
Lai Châu là nơi sinh sống của 20 dân tộc. Trong đó, dân tộc Thái chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 34%, Mông chiếm 22,3%, Kinh chiếm 19,94%, Dao chiếm 13,41%...
Sự đa dạng dân tộc sinh sống giúp Lai Châu có sự pha trộn văn hóa phong phú với nhiều món ăn đặc sản và các lễ hội độc đáo. Ví dụ, người Thái ở Mường So, Phong Thổ có lễ hội Nàng Han được tổ chức vào rằm tháng hai âm lịch hàng năm để tạ ơn Nàng Han và các vị tướng có công đánh đuổi giặc phương Bắc, giữ yên đất Mường.
Người Mông ở Nậm Loỏng, thị xã Lai Châu có lễ hội Gàu tào cha vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm để cảm ơn thần thánh, biểu đạt khát vọng ấm no hạnh phúc và cầu nguyện năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, thể hiện tấm lòng của con cháu nhớ về cội nguồn.
Đèo Văn Long:vua Thái ở Lai Châu giàu có nhất vùng một thời
Đèo Văn Long là con thứ hai của chúa Đèo Văn Trị (có tài liệu ghi Đèo Văn Trì), người Thái Trắng, quê ở bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ông nắm quyền cai quản 12 xứ Thái ở nơi đây.
Đèo Văn Trị, bố của Đèo Văn Long là đồng minh của Thống đốc Pháp Auguste Pavie. Ông mở đường cho quân Pháp tiến vào vùng Mường Thanh. Sự kiện này đánh dấu cuộc xâm lăng lần thứ nhất của quân Pháp vào thung lũng Điện Biên.
Để bảo đảm sự trung thành lâu dài của Đèo Văn Trị, người Pháp đã trao cho ông quyền cai trị cha truyền con nối tại 12 xứ Thái, không những thế còn nâng lên vị trí vua Thái. Năm 1908, Đèo Văn Trị qua đời, cơ nghiệp giao cho con cả là Đèo Văn Kháng. Năm 1927, ông Kháng ốm chết, em trai là Đèo Văn Long thay anh lên nắm quyền hành.
Được sự hỗ trợ của Pháp, Đèo Văn Long ra sức vơ vét của cải, buôn bán thuốc phiện, lâm thổ sản, hàng hóa, tổ chức những đoàn thuyền lớn lấy sông Đà làm tuyến giao thông chính giao thương với vùng đồng bằng sông Hồng và trở thành người giàu có nhất vùng.
Cuối năm 1953, quân Việt Minh bắt đầu chiến dịch giải phóng Lai Châu, mở đầu cho cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954. Khi quân đánh thẳng vào thị trấn Lai Châu, Đèo Văn Long chỉ kịp mang theo gia quyến chạy theo quân Pháp về Hà Nội và không còn cơ hội trở lại mảnh đất cũ.
Ngày nay, tại xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) vẫn còn khu phế tích dinh thự của vua Thái Đèo Văn Long, ghi dấu một thời thống khổ của nhân dân Tây Bắc. Một phần lớn dinh thự này đã chìm sâu xuống lòng sông Đà.
Pa pỉnh tộp là món ăn đặc sản của vùng Tây Bắc
Từ xa xưa, người Thái thường định cư ở thung lũng, ven con sông, con suối nên cá là nguồn thực phẩm đặc biệt quan trọng. Tục ngữ Thái có câu được dịch nghĩa là "Gà tơ tần đem đến không bằng cá Pỉnh Tộp đem cho".
Món pa pỉnh tộp của người Thái ở Lai Châu. Ảnh: H.V
|
Pa pỉnh tộp có nghĩa là cá gập nướng, món ăn nổi tiếng của người Thái ở Lai Châu nói riêng và ở Tây Bắc nói chung, có cách làm cầu kỳ ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Để có món pa pỉnh tộp ngon, người Thái thường sử dụng cá chép tươi, còn nguyên con để nướng.
Cá sẽ được sát qua chút muối cùng bột ớt khô để khử mùi tanh và chắc thịt. Gia vị là các loài rau thơm được băm nhỏ, trộn lẫn với nhau để sát đều lên mình và nhồi vào bụng cá.
Người Thái sẽ gấp đôi con cá theo chiều ngang, kẹp vỉ hoặc que nướng và nướng đều trên than hoa. Suốt quá trình nướng, những gia vị được tẩm ướp sẽ thấm dần giúp món ăn vừa nhanh chín, vừa có hương vị thơm ngon đậm đà hơn.
Ngoài pa pỉnh tộp, Lai Châu cũng có nhiều đặc sản đặc trưng như thịt lợn cắp nách, rêu đá hay khâu nhục...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét