Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1225 dưới sự sắp xếp của Trần Thủ Độ, nữ vương triều Lý là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, mở ra một triều đại mới - triều đại nhà Trần. Trần Cảnh lên ngôi vua lấy hiệu là Thái Tông.
Trần Thái Tông là con thứ của Trần Thừa, mẹ họ Lê, quê ở làng Tức Mặc, nay là phường Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định. Theo quy hoạch năm 2008, tỉnh Nam Định thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Vùng đất có diện tích 1.669 km2 này tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven biển. Nam Định tiếp giáp các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình.
Từ năm 1239 vua Trần Thái Tông cho xây hành cung ở quê hương Tức Mặc để lúc thư nhàn về thăm. Đến năm 1262, Thái Thượng hoàng Trần Thái Tông tới hành cung ở Tức Mặc, ban yến tiệc cho dân và thăng làng lên thành phủ Thiên Trường, dựng tiếp cung Trùng Quang để các vua đã nhường ngôi về ở và dựng thêm một cung riêng cho các vua đương triều mỗi khi về thăm Thái Thượng hoàng nghỉ tại đó.
Hơn bảy trăm năm trôi qua, cung điện cũ đã không còn. Khu di tích đền Trần ngày nay gồm ba công trình kiến trúc chính được xây dựng trên nền cung điện cũ là đền Thiên Trường (hay đền Thượng); đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trong đó, đền Thiên Trường đặt bài vị thờ 14 vua Trần; đền Cố Trạch thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và gia quyến; đền Trùng Hoa có tượng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần, bài vị thờ hội đồng các quan.
Hàng năm tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - chùa Phổ Minh có hai kỳ lễ hội là lễ Khai ấn đầu xuân (15 tháng giêng âm lịch) và lễ hội tháng Tám (ngày 15-20 tháng 8 âm lịch) để tưởng nhớ công lao các vua Trần và anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Cả hai kỳ lễ, lễ hội đều mang tính chất vùng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Lễ khai ấn đền Trần
Lễ khai ấn đền Trần hàng năm diễn ra giữa đêm 14, rạng sáng 15 tháng giêng âm lịch, tại Khu di tích đền Trần phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Sau những ngày nghỉ Tết, bắt đầu từ rằm tháng giêng triều đình trở lại làm việc bình thường.
Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, lễ Khai ấn có từ năm 1239, mục đích là Triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên Mông, lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.
Trải bao thế kỷ, ấn cũ với dòng chữ khắc "Triều Trần chi bảo" không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng tới thăm khu cung điện xưa của nhà Trần đã cho khắc lại ấn mới với dòng chữ "Trần triều điển cố", dưới thêm câu "Tích phúc vô cương". "Và từ đây, lễ khai ấn vào giờ tý ngày rằm tháng giêng (từ 11h đêm 14 đến 1h sáng 15 tháng giêng) là tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ trời, đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Đây cũng là tín hiệu nhắc nhở kết thúc những ngày nghỉ Tết để thực sự bắt tay vào công việc", website của Bộ Văn hóa viết.
Thời các vua Trần, trong lễ khai ấn, nhà vua sẽ ban ấn cho quan quân. Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu tôn giáo, ấn này để mọi nhà hưởng lộc tích phúc, lao động hăng say, tưởng nhớ công ơn tổ tiên trong ngày làm việc đầu năm. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, ý nghĩa của ấn đền Trần đã biến tướng thành lễ cầu thăng quan tiến chức. Thời khắc khai ấn, hàng nghìn người chen lấn giẫm đạp, thả tiền, cướp cành lộc... bất chấp lực lượng cảnh sát được bố trí dày đặc đảm bảo an ninh cho lễ hội.
Chợ Viềng mỗi năm chỉ có một phiên
Chợ Viềng ở huyện Vụ Bản (Nam Định) mỗi năm chỉ có một phiên vào ngày 8 tháng giêng âm lịch. Chợ là điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật và cũng là nơi đón chuyến xuất hành đầu xuân của khách thập phương về "mua may bán rủi".
Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như hội chợ tại các tỉnh, thành phố lớn khác. Sản phẩm được đem ra giao thương chủ yếu là cây trồng, vật nuôi, từ cây lấy gỗ, cây hoa, cây cảnh, thậm chí cây cà, chanh, ớt. Các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông cũng được mang ra mua bán.
Người ta có thể tìm mua ở phiên chợ này từ cái cày cái cuốc đến vận dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh, hay những thực phẩm cần thiết cho cuộc sống con người như gạo, thịt, quần áo, giày dép… Du khách còn có thể tìm thấy những bộ tế khí, lư hương bằng đồng, cùng trăm nghìn thứ vật dụng linh tinh khác.
Ở chợ Viềng có tục người bán không nói thách, người mua không mặc cả. Dường như sự mua bán tại đây còn mang một ý thức tâm linh, rằng chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó dù rất nhỏ thì người bán - kẻ mua đều gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Nam Định trước đây có một nhà máy công nghiệp lớn nhất Đông Dương
Nhà máy dệt Nam Định từng lớn nhất Đông Dương, vốn là cơ sở nghiên cứu tơ lụa do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan lập ra. Năm 1898, Toàn quyền Paul Doumer cho phép lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước có sáu lò đặt tại thành phố. Năm 1900, một số tư bản Pháp trong Công ty bông - vải - sợi Bắc Kỳ cùng với thương nhân Trung Quốc tham gia sản xuất, kinh doanh.
Từ năm 1954, Nhà máy dệt Nam Định được Nhà nước Việt Nam tiếp quản. Kể từ đó, nhà máy được giao nhiệm vụ sản xuất lụa đen phục vụ cho thị trường miền Bắc. Sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết vì cung vẫn thấp hơn cầu. Không chỉ là xương sống về kinh tế, nhà máy dệt còn gắn bó với đời sống tinh thần, tình cảm của người dân Nam Định.
Năm 2016, nhà máy cũ được phá dỡ để nhường chỗ cho khu liên hợp dệt may hiện đại hơn.
Hai địa danh của tỉnh Nam Định được in trên đống tiền 100 đồng và 2000 đồng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Hình ảnh tháp Phổ Minh.
|
Tháp Phổ Minh nằm trong chùa Phổ Minh - di tích quốc gia đặc biệt, thuộc phường Lộc Vượng (Nam Định). Tháp được xây dựng từ năm 1305 dưới thời Trần, hiện là công trình kiến trúc còn bảo tồn khá nguyên vẹn của triều đại này. Tháp cao hơn 19 m, đỉnh là một khối đá hình bông sen, gồm nhiều tầng.
Đỉnh búp sen có 5 lớp cánh sen ngửa, chụm vào nhau, trong đó lớp cánh sen cuối cùng có viền kép, phần đỉnh búp sen kết thúc 14 tầng của tháp. Công trình nổi tiếng này của Nam Định đã được in hình trong tờ tiền 100 đồng của Việt Nam.
Hình ảnh nhà máy dệt Nam Định trên tờ tiền 2.000 đồng.
|
THPT chuyên Lê Hồng Phong là trường công lập của tỉnh Nam Định, tiền thân là trường Thành Chung Nam Định, ra đời theo nghị định năm 1920 của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Theo nghị định, năm học đầu nhà trường được mở một lớp, tuyển học trò các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nm, Ninh Bình.
Các năm học tiếp theo, quy mô trường Thành Chung mở rộng, số lượng học sinh tăng lên. Hiệu trưởng trường là người Pháp, giáo viên gồm cả người Việt và Pháp. Trong số người thầy Việt Nam dạy tại đây, có nhiều tên tuổi nổi tiếng như: nhà văn Hoàng Ngọc Phách, tác giả tiểu thuyết Tố Tâm; nhà nghiên cứu văn hóa giáo dục Dương Quảng Hàm...
Năm học 1946-1947, trường đổi tên thành trường trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến; đến năm 1959 được mang tên trường cấp III Lê Hồng Phong.
Suốt chiều dài lịch sử học sinh trường Thành Chung xưa và THPT chuyên Lê Hồng Phong ngày nay nổi tiếng bởi truyền thống học giỏi, yêu nước. Ngôi trường Nam Định đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, nhiều người trong đó đã đảm nhiệm những cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước. Nguyên Tổng bí thư Trường Chinh, nguyên Bộ trưởng Nội vụ Mai Chí Thọ, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thạch Cơ, nhà văn Thép Mới... đều là học sinh của ngôi trường này.
Từ năm 1995 đến nay, nhiều thế hệ học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong đã đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế. Nổi bật nhất gần đây là Đinh Thị Hương Thảo (19 tuổi) - cô gái "vàng" của Vật lý Việt Nam - người đạt hai huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2015, 2016. Tháng 4 vừa qua, em giành học bổng 1,6 tỷ đồng một năm từ Viện Công nghệ hàng đầu thế giới MIT (Mỹ).
Ngoài THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhiều ngôi trường khác của tỉnh này cũng có truyền thống học tập tốt. Bằng chứng là nhiều năm qua, Nam Định luôn thuộc tốp đầu cả nước về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT. Kỳ thi THPT quốc gia 2017, tỉnh tiếp tục dẫn đầu về điểm thi trung bình.
Nem nắm được chế biến từ thịt, bì lợn thái mỏng, trộn với thính gạo và các gia vị. Sợi nem Giao Thủy được thái mỏng bằng tay, không dùng máy như nhiều nơi, nên sợi mềm mà vẫn giòn và thấm gia vị. Khi ăn nem gói trong lá sung, lá đinh lăng, chấm với nước mắm Sa Châu (huyện Xuân Thủy) thì dậy lên hương vị đặc trưng, béo ngậy và ngọt.
Nem nắm Nam Định.
Bánh nhãn, bánh gai, kẹo dồi, kẹo sùi châu, phở bò... cũng là những đặc sản nổi tiếng của Nam Định.
Nem nắm được chế biến từ thịt, bì lợn thái mỏng, trộn với thính gạo và các gia vị. Sợi nem Giao Thủy được thái mỏng bằng tay, không dùng máy như nhiều nơi, nên sợi mềm mà vẫn giòn và thấm gia vị. Khi ăn nem gói trong lá sung, lá đinh lăng, chấm với nước mắm Sa Châu (huyện Xuân Thủy) thì dậy lên hương vị đặc trưng, béo ngậy và ngọt.
Nem nắm Nam Định.
|
Bánh nhãn, bánh gai, kẹo dồi, kẹo sùi châu, phở bò... cũng là những đặc sản nổi tiếng của Nam Định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét