"Thứ nhất Kinh Kỳ/ Thứ nhì Phố Hiến" là câu ca khẳng định vị trí thương cảng lớn nhất Đàng Ngoài trong quá khứ của Phố Hiến.
Phố Hiến trải rộng khoảng 5 km2, nằm trên phường Lam Sơn và Hồng Châu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Là trung tâm của trấn Sơn Nam (vùng đất phía nam kinh thành Thăng Long), Phố Hiến xưa mang diện mạo của một đô thị kinh tế, bao gồm một bến cảng sông; tập hợp chợ; khu phường phố; và hai thương điếm (hiệu buôn) của người Hà Lan và Anh.
Theo Cổng thông tin điện tử Hưng Yên, vào thế kỷ 16-17, tư bản phương Tây theo đường biển mở rộng thị trường sang phương Đông. Thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan đến Việt Nam ngày càng nhiều. Chúa Trịnh chủ trương ngăn cấm việc ra vào tự do của ngoại kiều ở kinh đô.
Năm 1663, Trịnh Tạc đã ra lệnh khu biệt người Hoa không cho ở lẫn với người Việt Nam. Năm 1717 Trịnh Cương quy định những người Hoa mới sang bằng đường thủy thì cư trú ở Lai Triều (thành phố Hưng Yên ngày nay). Vô hình chung các chúa Trịnh đã tạo điều kiện cho người nước ngoài cư trú ngày càng đông ở Phố Hiến. Trước đó các thương nhân nước ngoài đến buôn bán tại Việt Nam hầu hết chỉ dừng lại ở bến đảo Vân Đồn ngoài biển, rất xa Thăng Long.
"Vào thời điểm này phố Hiến là nơi dừng lại của tất cả thuyền bè nước ngoài từ bốn phương đến buôn bán ở Đàng Ngoài", An Nam ký du của Phan Đình Khuê, viết năm 1688.
Người Hà Lan buôn bán chủ yếu trao đổi bạc lấy tơ sống hoặc tơ đã dệt, quế, sa nhân để đưa sang Nhật Bản. Thương điếm của họ xây dựng giống như một khu quân sự, có hào bao quanh, có lính bảo vệ, ngay sát bến thuyền nhưng lại xa khu phố dân cư. Họ có lực lượng lao công phục vụ, không dùng người địa phương.
Thương điếm của người Anh tồn tại được 25 năm. Hàng nhập khẩu có đủ loại, trong đó có một số hàng xa xỉ phẩm cho vua chúa, vũ khí là vật liệu chế thuốc súng, đồng, vàng, bạc, thuốc bắc, đồ sứ và hàng dệt Trung Quốc. Hàng xuất khẩu gồm một số sản phẩm tự nhiên, chủ yếu là hương liệu, tơ sống, hàng dệt bằng tơ, đồ gốm sứ, đồ gỗ sơn, nhiều nhất là tơ tằm. Hàng nhập khẩu được chuyển lên Thăng Long và tỏa đi các nơi.
Những hình ảnh buôn bán tấp nập khẳng định Phố Hiến là thương cảng lớn nhất của Đàng Ngoài. Phố Hiến được ví là "Tiểu Tràng An" thời bấy giờ. Đến nay, dân gian vẫn truyền tai nhau câu nói "Thứ nhất Kinh Kỳ/ Thứ nhì Phố Hiến" để chỉ sự sầm uất của thương cảng này
Bức tranh mô phỏng một góc Phố Hiến xưa. Ảnh: P.A.P
Phố Hiến suy thoái do tình hình chính trị - kinh tế trong và ngoài nước thay đổi
Sau thời kỳ phồn thịnh, Phố Hiến bước vào quá trình suy thoái. Thế kỷ 18, tình hình chính trị khu vực và hệ thống kinh tế thương mại biển Đông có nhiều chuyển biến. Trung Quốc bãi bỏ lệnh hải cấm, mở ra thị trường đông đúc. Nhật Bản chuyển sang chiến lược xuất khẩu bạc, vàng, tơ lụa. Các tuyến buôn bán đường biển trực tiếp trở nên thông thoáng hơn, không cần qua khâu trung gian.
Trong hoàn cảnh đó, ngoại thương Việt Nam và ở Phố Hiến nói riêng đã giảm thiểu đáng kể. Các thương điếm phương Tây ở Phố Hiến và Kẻ Chợ lần lượt đóng cửa, tàu buôn phương Tây hầu như rút khỏi vùng Đàng Ngoài. Phố Hiến vắng hẳn khách buôn nước ngoài.
Mặt khác, do sự bồi lở của sông Hồng, Phố Hiến ngày càng cách xa dòng sông. Năm 1726, chính quyền Lê - Trịnh đã chuyển dời trấn lỵ Sơn Nam sang bên hữu ngạn sông Hồng thuộc huyện Duy Tiên. Năm 1741, trấn Sơn Nam được tách thành Sơn Nam thượng và hạ, trọng tâm chính trị đã chuyển xuống mạn Vị Hoàng (Nam Định).
Cũng trong thế kỷ 18, nhiều biến động xã hội - chính trị đã diễn ra tại địa bàn Phố Hiến. Năm 1730, đê Mạn Trù vỡ, dân của nhiều vùng ở Sơn Nam trở nên nghèo đói, phải tha phương cầu thực. Tiếp đến, nhiều cuộc khởi nghĩa đã tàn phá vùng này, làm cho tiềm lực kinh tế của Phố Hiến kiệt quệ.
Thế kỷ 19, dưới triều Nguyễn, kinh đô chuyển vào Huế, một làn sóng thương nhân Trung Hoa nhập cư vào Hà Nội, một số gia đình Hoa kiều trước kia từ Kẻ Chợ di cư đến Phố Hiến nay quay ngược trở về Hà Nội, phần nào cũng làm cho Phố Hiến trở nên vắng đi.
Vai trò là một đô thị kinh tế, thương cảng quốc tế của Phố Hiến ngày nào giờ đây không còn nữa. Năm 1831, với cuộc cải cách của vua Minh Mạng, tỉnh Hưng Yên được thành lập trên địa bàn Phố Hiến cũ, mang nhiều chức năng quân sự, nhưng đã mất đi hoàn toàn vai trò kinh tế của một trạm hải quan, lúc này đã được chuyển qua bến Ninh Hải (Hải Phòng).
Hưng Yên từng hợp nhất với Hải Dương
Ngày 26/1/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hải Dương.
Hải Hưng là tỉnh lớn, nằm ở trung tâm châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, chiếm 21,7% tổng diện tích đồng bằng Bắc Bộ với số dân hơn 1,6 triệu. Nằm giáp Hà Nội và Hải Phòng, Hải Hưng khi đó có vị trí trọng yếu về kinh tế, đặc biệt trong nông nghiệp.
Năm 1996, Hải Hưng được tách làm hai tỉnh là Hưng Yên và Hải Dương. Tỉnh Hưng Yên gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện. Đến nay, Hưng Yên có 10 huyện, thành phố. Trong đó, thành phố Hưng Yên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh
.
Hưng Yên không có cả biển, rừng và núi
Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Về địa giới hành chính, Hưng Yên giáp với các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam và thành phố Hà Nội.
Tổng diện tích tự nhiên của Hưng Yên là 923,09 km2, chiếm 6,02% diện tích đồng bằng Bắc Bộ. Đây là một trong hai tỉnh Bắc Bộ có địa hình hoàn toàn đồng bằng, không có rừng núi và cũng không giáp biển. Độ cao đất đai gần như đồng đều.
Tên tuổi Hoàng Hoa Thám, nhân vật lịch sử nổi tiếng quê Hưng Yên, gắn liền với cuộc khởi nghĩa Yên Thế
Theo Cổng thông tin điện tử Hưng Yên, Hoàng Hoa Thám tên thật là Trương Văn Nghĩa, sinh năm 1845 tại làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Năm 1885, Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa ở Yên Thế dưới sự chỉ huy của Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) và trở thành tướng tài. Khi Đề Nắm mất, Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế, tiếp tục hoạt động, lập căn cứ ở Yên Thế, nổi tiếng với biệt danh "Hùm xám Yên Thế".
Trong gần 30 năm lãnh đạo, Hoàng Hoa Thám đã tổ chức đánh nhiều trận. Ông có tài dùng binh, thu phục được nhiều tướng giỏi, mưu lược, khiến giặc Pháp lo sợ. Giặc nhiều lần chiêu hàng nhưng không khuất phục được ông.
Biết chưa thể dập tắt được cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Pháp chấp nhận giảng hòa hai lần vào năm 1894 và 1897. Bên ngoài, Hoàng Hoa Thám giả vờ đồng ý nhưng bên trong, ông cho lập đồn điền, xây dựng cơ sở, liên hệ với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, mở rộng địa bàn hoạt động.
Trong hơn 10 năm tiếp theo, Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân liên tục chiến đấu, gây tổn thất nặng nề cho Pháp và tay sai. Sau, Pháp huy động lực lượng lớn, dốc sức tấn công. Hoàng Hoa Thám vừa tổ chức đánh trả, vừa rút lui khỏi Yên Thế. Nghĩa quân bị tổn thất nặng nề.
Khởi nghĩa Yên Thế kết thúc vào năm 1913 và Hoàng Hoa Thám cũng hy sinh năm đó. Tại làng Dị Chế, quê hương của Hoàng Hoa Thám, dòng họ Trương đã đặt bàn thờ ông.
Hưng Yên là quê hương họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân
Họa sĩ Tô Ngọc Vân sinh ngày 15/12/1908 trong gia đình nghèo tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1931. Từ đó, ông cộng tác với nhiều tờ báo như Phong Hóa, Ngày Nay hay Thanh Nghị.
Ngay sau khi ra trường, Tô Ngọc Vân đã có tác phẩm xuất sắc, được giải thưởng cao ở Pháp. Từ năm 1935 đến 1939, ông dạy học ở trường trung học Phnôm Pênh, sau đó về dạy ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến năm 1945 và vẫn sáng tác. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, phụ trách trường Mỹ thuật Việt Bắc. Thời gian này, ông vẽ rất nhiều ký họa.
Tô Ngọc Vân được đánh giá là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam, là họa sĩ nằm trong "bộ tứ" của hội họa Việt Nam "nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn" (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn). Thông qua kỹ thuật, ông đã cố gắng diễn tả được vẻ đẹp của người Việt Nam đương thời mà tiêu biểu là chân dung thiếu nữ.
Họa sĩ Tô Ngọc Vân hy sinh ở vùng sát chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Ông để lại cho đời khối lượng tác phẩm đồ sộ với trên 150 tranh và ký họa. Một số tác phẩm nổi tiếng của Tô Ngọc Vân là Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ bên hoa sen, Hai thiếu nữ và em bé, Thiếu phụ ngồi bên tranh tam đa, Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ phủ, Nghỉ đêm bên đường, Hai chiến sĩ...
Nhãn là đặc sản của Hưng Yên
Dù ai buôn Bắc, bán Đông/ Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên là câu ca nhiều người vẫn truyền tai nhau về đặc sản nhãn Hưng Yên.
Theo báo Hưng Yên, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000 ha nhãn, trồng tập trung nhiều ở thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ và Kim Động. Nhãn Hưng Yên có vị ngon đặc biệt, nổi bật nhất là nhãn lồng Phố Hiến - vua của loài nhãn. Lê Quý Đôn từng mô tả về loại nhãn này: "Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho".
Nhãn Hưng Yên đã được xuất khẩu sang Mỹ từ năm 2015. Ngoài nhãn lồng, Hưng Yên còn nổi tiếng với nhãn đường phèn hay nhãn nước. Sản phẩm mật ong hoa nhãn Hưng Yên với màu vàng óng, đặc sánh, thơm mùi hoa nhãn cũng ngày càng được ưa chuộng.
Ngoài những đặc sản từ nhãn, Hưng Yên còn sở hữu rất nhiều đặc sản như tương Bần, gà Đông Tảo...
|
Phố Hiến ở đâu, hiện nay còn gì?
Xưa người ta thường nói: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” nhưng nay Phố Hiến (Hưng Yên) lại chẳng đứng sau đất Kinh Kỳ. Tất cả chỉ còn trong ký ức của một thời “vang bóng".
Phố Hiến nằm ở trung tâm thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, nối liền với Hà Nam, Thái Bình. Từ thủ đô Hà Nội xuôi quốc lộ 5, rẽ vào đường 39A, qua những cánh đồng ngô, rặng nhãn ngút ngàn, qua hồ sen ngan ngát hương ta về với Phố Hiến, nơi chứa đựng những tinh hoa văn hóa tự ngàn đời. |
Phố Hiến xưa được coi là "tiểu Tràng An", nơi kẻ chợ tấp nập, phồn hoa. Là thương cảng lớn của miền Bắc, Phố Hiến dễ dàng là nơi tiếp nhận những nền văn hóa khác nhau. |
Trải qua thăng trầm của lịch sử, Phố Hiến vẫn còn đây, nhưng sự sầm uất trong ký ức đã không còn, giá trị bền vững với thời gian là văn hóa. Những công trình cổ, những pho tượng Phật nghìn năm,... |
Kiến trúc đình, chùa là điển hình rõ nét nhất cho một nền văn hóa vàng son của đất Việt. |
Những nét chạm trổ hình vân tại Đền Mẫu, Chùa Chuông, Đình Hiến... là sự minh chứng rõ nét nhất cho cái nôi văn hóa đất thương cảng. |
Cách trang trí họa tiết cổ kính tại Chùa Chuông. |
Những tấm bia đá, phù điêu,... tại Đền Mẫu. |
Mái đình vút cong thanh thanh một góc trời tại Đình Hiến. |
Chỉ một con phố ngắn khoảng1 km, Phố Hiến vẫn lưu giữ được những công trình cổ kính, hiên ngang giữa đất trời như Đình Hiến, Đền Hiến, Chùa Linh Ứng, Đông Đô Quảng Hội... |
Không gian thanh tịnh tại Đình Hiến vẫn "thi gan cùng tuế nguyệt". |
Với những công trình văn hóa từ nghìn đời, Hưng Yên nói chung, Phố Hiến nói riêng dần trở thành địa điểm du lịch tâm linh trọng điểm của cả nước. |
Dẫu thời gian có tàn nhẫn, Phố Hiến có bị lãng quên sau ánh hào quang của quá khứ, nhưng giá trị văn hóa vẫn còn đó, vẫn đọng lại trong lòng những người con Hưng Yên và những người mong tìm về với cội nguồn văn hóa. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét