Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Thành phố trực thuộc trung ương ít đơn vị hành chính nhất

Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương (gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ), Đà Nẵng có ít đơn vị hành chính nhất. Với diện tích 1.283,42 km2, thành phố có tám đơn vị hành chính, trong đó sáu quận nội thành là Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà; hai huyện là Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.
Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, Đà Nẵng giáp với Thừa Thiên Huế ở phía bắc, phía nam và phía tây giáp với Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông.
Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam với những chương trình cụ thể, như "Thành phố năm không" (không có hộ nghèo theo chuẩn thành phố, không có học sinh bỏ học ở cấp tiểu học và THCS, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của) và "Thành phố ba có" (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị).

Đà Nẵng tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng

Quảng Nam - Đà Nẵng là tỉnh cũ thuộc Trung Trung Bộ, và Đà Nẵng khi đó là thành phố duy nhất trực thuộc tỉnh này.
Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, sau khi xâm chiếm toàn bộ Việt Nam vào năm 1889, thực dân Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane, chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.
Đầu thế kỷ 20, Tourane được Pháp xây dựng trở thành đô thị theo kiểu Tây phương. Cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật sản xuất được đầu tư. Các ngành nghề sản xuất và kinh doanh được hình thành và phát triển. Cùng với Hải Phòng và Sài Gòn, Tourane trở thành trung tâm thương mại quan trọng của cả nước. Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại.
Tháng 3/1965, các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp. Năm 1967, Đà Nẵng được ấn định là thành phố trực thuộc trung ương và xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa cho vùng I và II chiến thuật.
Ngày 6/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 9 đã thông qua nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Về địa giới hành chính, thành phố Đà Nẵng mới bao gồm thành phố Đà Nẵng trước đây, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.
Cây cầu quay duy nhất còn hoạt động ở Việt Nam bắc qua sông Hàn 
Cầu sông Hàn được khởi công ngày 2/9/1998 và khánh thành ngày 29/3/2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, và là cầu quay duy nhất ở Việt Nam còn hoạt động hiện nay.
Những cái nhất của Đà Nẵng
 Những cái nhất của Đà Nẵng nhìn từ trên cao.
Cầu nối liền hai trục đường chính của thành phố là đường Lê Duẩn ở bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ Đông. Cầu dài 487,7 m, rộng 12,9 m, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 m, kết cấu dầm. Tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép.
Hàng ngày, vào khoảng 2h sáng, phần giữa của cây cầu quay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo dòng chảy của sông Hàn để mở đường cho tàu lớn đi qua. Khoảng 4h cầu sẽ quay trở lại như cũ.
Hai phương án còn lại, cầu Rồng được mệnh danh là "con rồng thép lớn nhất thế giới". Cầu được thiết kế phun nước và phun lửa vào các tối cuối tuần. Cầu Thuận Phước là cầu dây võng lớn nhất Việt Nam.

Mỹ Khê là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh

Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài gần 70 km, có nhiều bãi tắm đẹp. Trong đó, bãi biển Mỹ Khê được tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ Forbes bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
sai-my-khe-la-mot-trong-sau-bai-bien-quyen-ru-nhat-hanh-tinh
Bãi biển Mỹ Khê nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Đông
Mỹ Khê dài khoảng 900 m, đáp ứng đầy đủ tiêu chí bình chọn cơ bản của Forbes như: bãi biển thuận tiện về giao thông, bãi biển mở miễn phí cho du khách, có bờ cát dài và phẳng, ánh nắng và mức sóng phù hợp cho việc chơi các môn thể thao, có khả năng đảm bảo an toàn cho du khách, có các khu nghỉ dưỡng hạng sang, các biệt thự đạt tiêu chuẩn quốc tế...
Tờ Sunday Herald Sun của Australia cũng nhận xét Mỹ Khê là một trong số 10 bãi biển ở châu Á được yêu thích nhất thế giới.
Bán đảo Sơn Trà (Đà nẵng) nổi tiếng với quần thể linh trưởng  Voọc chà vá chân nâu
Bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc. Với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.
sai-dap-an-la-vooc-cha-va
Một chú voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà. Ảnh: Như Mai
Bán đảo có diện tích hơn 4.400 ha, dài 13 km với chu vi khoảng 60 km. Được che phủ bởi thảm thực vật thuộc kiểu rừng kín thường xanh vào mùa mưa nhiệt đới, Sơn Trà có gần 1.000 loài thực vật bậc cao và là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật, trong đó có 22 loài quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách Đỏ như mèo rừng, chồn bạc má... Nổi bật nhất là quần thể linh trưởng đặc hữu của Đông Dương - voọc chà vá chân nâu - với số lượng 300-400 con.
Voọc chà vá chân nâu là loài sinh vật chỉ thị môi trường và là nguồn gen quý hiếm. Sơn Trà đang ghi nhận quần thể chà vá chân nâu lớn nhất thế giới trong tự nhiên. Loài động vật này có nhiều màu sắc nhất (5 màu) trong các loài khỉ ăn lá. Chúng được Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là "nữ hoàng của các loài linh trưởng" chính nhờ vẻ đẹp khác thường.
Với những giá trị sinh học, Đà Nẵng đã chọn voọc chà vá chân nâu là hình ảnh nhận diện nhân sự kiện APEC 2017 diễn ra vào tháng 11 tới.
Dương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét