Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) là đô thị du lịch nổi tiếng ở Việt Nam, nằm trên cao nguyên Lâm Viên ở độ cao 1.500 m so với mặt nước biển. Đà Lạt rộng hơn 393 km2, được công nhận là đô thị loại 1 năm 2009.
Thời Pháp thuộc, thành phố có tên Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem có nghĩa là cho những người này niềm vui, cho những người khác sự mát mẻ. Đà Lạt được du khách đặt cho nhiều tên gọi hoa mỹ như thành phố hoa, thành phố tình yêu, thành phố mùa xuân, thành phố sương mù.
Thời Pháp thuộc, Đà Lạt có hơn 1.300 biệt thự với kiến trúc đa dạng, nhiều nhất là kiến trúc phía bắc nước Pháp nên được ví là "tiểu Paris".
Một góc thành phố Đà Lạt. Ảnh: Báo Lâm Đồng
|
Nhiều du khách thích thú vì thành phố không có đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến đường. Người Đạt Lạt cho rằng những con đường dốc ngược xuôi, uốn lượn, nếu dừng chờ đèn đỏ ở lưng chừng dốc sẽ không thuận lợi.
Ở những ngã tư, ngã năm lớn của thành phố, người tham gia giao thông chạy theo những vòng xoay, thay vì sử dụng hệ thống đèn tín hiệu
Trước năm 1893, cao nguyên Lang Biang là nơi cư trú của các tộc người Thượng. Người Việt đầu tiên có ý định khám phá vùng rừng núi Nam Trung Bộ là Nguyễn Thông, nhưng do nhiều lý do nên tới cuối đời ông vẫn không thực hiện được ý định của mình.
Ngày 3/8/1891, bác sĩ Alexandre Yersin thực hiện chuyến thám hiểm với ý định tìm đường núi từ Nha Trang vào Sài Gòn, nhưng chuyến đi này bất thành. Sau đó, Yersin thực hiện cuộc thám hiểm từ Nha Trang, băng qua vùng cao nguyên Đăk Lăk để đến Stung Treng, nằm bên bờ sông Me Kong (thuộc địa phận Campuchia).
Một khách sạn ở Đà Lạt đầu thế kỳ 20. Ảnh: Tư liệu Báo Lâm Đồng
|
Tháng 1/1893, Yersin nhận nhiệm vụ từ toàn quyền Jean Marie Antoine de Lanessan, khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên sâu vào vùng người Thượng và kết thúc ở một địa điểm thuận lợi trên bờ biển Trung Kỳ.
Ba tháng sau đó, ông đã thực hiện 3 chuyến đi quan trọng. Và 15h30 ngày 21/6/1893, Yersin đã phát hiện ra cao nguyên Lang Biang, trong nhật ký hành trình, ông ghi vắn tắt 3h30: grand plateau dénudé mamelonné (3h30: cao nguyên lớn trơ trụi, gò đồi nhấp nhô).
Toàn quyền Paul Doumer viết một bức thư hỏi ý kiến Yersin với nhu cầu tìm một vùng đất có khí hậu ôn hòa, gần giống với châu Âu để xây dựng khu nghỉ mát, trạm điều dưỡng cho người Pháp. Yersin đã trả lời là cao nguyên Lang Biang.
Tháng 3/1899, Yersin cùng Doumer đi lên cao nguyên Lang Biang. Chuyến đi này có ý nghĩa quyết định về việc thành lập một trạm điều dưỡng ở đây.
Cuối năm đó, Doumer ký nghị định thành lập ở Trung Kỳ tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai), hai trạm hành chính được thiết lập tại Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Biang. Đây có thể được xem là văn kiện chính thức thành lập trạm điều dưỡng trên cao nguyên Lang Biang, tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này.
Tên của Yersin được đặt cho một trường đại học ở thành phố Đà Lạt.
Lâm Đồng có 2 thành phố trực thuộc
Lâm Đồng thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, phía đông bắc giáp với tỉnh Khánh Hòa, phía đông giáp Ninh Thuận, phía tây giáp Đăk Nông, phía tây nam giáp Đồng Nai và Bình Phước, phía nam và đông nam giáp Bình Thuận, phía bắc giáp Đăk Lăk.
Lâm Đồng nằm ở độ cao trung bình từ 800-1.000 m so với mặt nước biển. Với diện tích tự nhiên 9.765 km2, Lâm Đồng nằm trên ba cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông suối lớn.
Hiện, tỉnh có 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và 10 huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông.
Thành phố Bảo Lộc. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Lâm Đồng có diện tích trồng chè lớn nhất nước.
Lâm Đồng có hơn 22.000 hecta chè và sản lượng hàng năm khoảng 230.000 tấn, chiếm 27% diện tích và 30% sản lượng chè của cả nước. Nhiều năm qua, Lâm Đồng luôn là một trong những địa phương có diện tích trồng chè lớn nhất nước.
Ngoài ra, Lâm Đồng có khoảng 255.400 hecta đất có khả năng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 200.000 hecta đất bazan tập trung ở cao nguyên Bảo Lộc - Di Linh, thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày. Lâm Đồng có các nông sản, hoa màu mang giá trị kinh tế cao, như cà phê, rau, hoa
Festival hoa Đà Lạt
Festival hoa Đà Lạt là sự kiện lễ hội được tổ chức hai năm một lần vào tháng 12 tại thành phố này và một số địa phương khác ở Lâm Đồng.
Festival hoa là dịp để tỉnh trưng bày, triển lãm các loại rau, hoa, cây cảnh của địa phương cũng như từ nhiều vùng miền trong cả nước và một số quốc gia. Mục đích của Festival là thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho thành phố.
Sự kiện mang tầm quốc gia này còn là hoạt động tôn vinh giá trị của hoa và nghề trồng hoa, kêu gọi đầu tư vào ngành trồng hoa Đà Lạt.
Festival hoa Đà Lạt lần đầu được tổ chức năm 2005 trong 9 ngày với chủ đề Đà Lạt - Điểm hẹn muôn sắc hoa. Năm 2017, UBND Lâm Đồng thống nhất tổ chức Festival hoa Đà Lạt lần thứ 7 có lồng ghép các hoạt động về văn hóa trà tại thành phố Bảo Lộc để tạo thành lễ hội chung với chủ đề Đà Lạt - Sắc hoa ngày mới.
Hồ Xuân Hương
Hồ Xuân Hương nằm giữa thành phố Đà Lạt, có chu vi 5.000 m, rộng 25 hecta với hình dạng trăng lưỡi liềm. Mặt hồ phẳng lặng như tấm gương soi bóng những tán tùng già cỗi, những hàng liễu rũ thướt tha. Xung quanh hồ có rừng thông và các bãi cỏ, vườn hoa. Đây là điểm dạo bộ hoặc xe ngựa ưa thích của du khách khi đến tham quan thành phố Đà Lạt.
Năm 1919, từ sáng kiến của viên công sứ Cunhac, kỹ sư công chánh Labbé đã ngăn dòng suối làm thành hồ. Đến năm 1923, người Pháp lại xây thêm một đập nữa ở phía dưới tạo thành hai hồ.
Do ảnh hưởng của cơn bão tháng 3/1932, cả hai đập đều bị vỡ. Mãi đến năm 1934-1935, một đập lớn bằng đá mới được xây dựng phía dưới hai đập cũ tạo thành một hồ lớn - người Pháp gọi là Grand Lac.
Hồ được mang tên Xuân Hương từ năm 1953 như muốn làm sống mãi hình ảnh lãng mạn của nữ sĩ thơ Nôm nổi tiếng Hồ Xuân Hương.
Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất thành phố
Nhà thờ chính tòa Ðà Lạt, tên chính thức là nhà thờ chính tòa Thánh Nicôla Bari, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại. Người dân hay gọi là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh tháp chuông có hình con gà lớn.
Nhà thờ Con gà được thiết kế theo kiểu mẫu của các nhà thờ Công giáo Rôma ở châu Âu, tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Roman.
Mặt bằng nhà thờ theo hình chữ thập (giống thánh giá) dài 65 m, rộng 14 m, tháp chuông cao 47 m. Với độ cao đó, từ tháp chuông của nhà thờ có thể nhìn thấy mọi nơi của thành phố. Cửa chính của nhà thờ hướng về núi Lang Biang.
Vào dịp lễ Giáng sinh hàng năm, nơi đây thu hút rất nhiều người cả trong và ngoài đạo đến dự lễ tham quan. Ở Đà Lạt còn rất nhiều nhà thờ nhỏ hơn trong đó Domaine de Marie (Lãnh địa Đức Bà) và nhà thờ Cam Ly mang những nét đặc trưng riêng.
Mạnh Tùng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét