Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Hà Tĩnh và di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc là địa danh lịch sử gắn liền với sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong ở độ tuổi mười tám, đôi mươi.

nga-ba-dong-loc-thuoc-tinh-nao
Di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là di tích lịch sử quốc gia gắn liền với sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ.
Từ năm 1964 đến 1972, quốc lộ 1A qua địa bàn Hà Tĩnh bị đánh phá và chia cắt hoàn toàn. Mọi thông thương từ miền Bắc vào miền Nam đều phải đi qua con đường 15A, trong đó ngã ba Đồng Lộc là địa điểm quan trọng trên con đường này, được ví như yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương với tiền tuyến.
sai-nga-ba-dong-loc-thuoc-tinh-ha-tinh
10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh tư liệu
Xác định được vị trí chiến lược của ngã ba Đồng Lộc, quân Mỹ tập trung nhiều máy bay thả bom xuống địa điểm này, ác liệt nhất là vào năm 1968. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi một m2 đất phải gánh chịu trên ba quả bom, mặt đất biến dạng, hố bom chồng lên hố bom, không bóng cây nào có thể mọc nổi.
Chiến trường ngã ba Đồng Lộc lúc bấy giờ có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ đánh trả máy bay địch, cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom... Nhiều người trong số họ đã ngã xuống, trong đó phải kể đến sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong thuộc tiểu đội 4, đại đội 552, tổng đội 55.
Trưa 24/7/1968, vẫn như mọi ngày, 10 chị ra làm nhiệm vụ sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải. Đến 16h30, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống "tọa độ chết" Đồng Lộc, một quả bom đã nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị đang tránh bom, làm sập hầm. 10 chị ở độ tuổi 17-24 hy sinh.
Sau trận bom, đồng đội đào bới tìm được thi thể của 9 người. Đến ngày thứ ba, người còn lại là chị Hồ Thị Cúc mới được tìm ra trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là chiếc cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu do phải bới đất để tìm đường.
Ngày nay, ngã ba Đồng Lộc trở thành khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và được đầu tư ngày một khang trang. Tại đây, nhiều công trình tưởng nhớ 10 nữ thanh niên xung phong được xây dựng như cụm tượng đài, khu mộ, nhà bia...
Hà Tĩnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía bắc giáp Nghệ An, phía nam giáp Quảng Bình, phía tây giáp Lào và phía đông giáp biển Đông với bờ biển dài 137 km. 
dung-ha-tinh-thuoc-bac-trung-bo
Bản đồ hành chính tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh chụp màn hình
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh, Hà Tĩnh rộng 6.055,6 km2, được chia làm 13 đơn vị hành chính trong đó có một thành phố, hai thị xã và 10 huyện.
Hà Tĩnh có địa hình đa dạng với đủ các vùng đồi núi, trung du, đồng bằng và biển. Đồng bằng có diện tích nhỏ bị chia cắt bởi các dãy núi và sông suối. Tỉnh có 14 con sông lớn nhỏ và nhiều hồ nước.
Hồ Kẻ Gỗ 
Kẻ Gỗ là hồ chứa nước nhân tạo thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là công trình thủy nông trọng yếu của tỉnh Hà Tĩnh và cũng là một trong những hồ đập lớn nhất Việt Nam.
sai-ho-ke-go-thuoc-ha-tinh
Hồ Kẻ Gỗ là công trình thủy nông trọng yếu của Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng
Hồ có sức chứa 345 triệu m3, nước theo các tuyến kênh chính có chiều dài 250 km, tưới cho hơn 21.000 ha đất canh tác các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh, góp phần chống lũ quét, chống xói mòn cho vùng hạ du.
Hồ Kẻ Gỗ được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/1976 với sự tham gia của hàng nghìn thanh niên. Đến ngày 3/2/1979, hồ làm lễ mở nước đợt đầu trong niềm vui của nhân dân Hà Tĩnh. 
Quá trình xây hồ Kẻ Gỗ và những con người tham gia vào công cuộc xây hồ đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ca ngợi qua bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ với những câu hát mở đầu "Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn /Mà đời không ngại đào mấy con kênh/ Ðắp hồ xây đập, ta đưa dòng nước ngọt/ Để dòng mương nhỏ tắm mát quanh năm/ Ruộng đồng ta thoả mơ uớc bao ngàn năm ...".
Từ khi xây dựng tới nay, hồ Kẻ Gỗ đã trải qua hai lần sửa chữa, vào năm 1990 và 2006. Tỉnh Hà Tĩnh đang xúc tiến lập các dự án để xây dựng hồ Kẻ Gỗ thành khu du lịch sinh thái tổng hợp
Núi Hồng Lĩnh  từng được xếp vào 21 danh thắng nổi tiếng nước Nam
Núi Hồng Lĩnh (còn được gọi là núi Ngàn Hống, Rú Hống hay Hống) ở Hà Tĩnh từng được xếp vào 21 danh thắng nổi tiếng nước Nam, được vua Minh Mạng chọn là hình tượng tiêu biểu của Hà Tĩnh và cho khắc vào Anh đỉnh (một trong Cửu đỉnh) năm 1836.
Mạch núi Hồng Lĩnh chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với hơn 60 đỉnh nhô cao từ mấy chục mét tới cao nhất là 676 mét, có nhiều khe suối chảy từ trong núi.
Trên núi Hồng Lĩnh có chùa Hương Tích, một danh lam cổ tự. Theo Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), chùa được xây dựng vào đời Trần, tương truyền là nơi công chúa Diệu Thiện (con gái thứ ba của vua Trang Vương nước Sở) tu hành và đắc đạo. Sau khi bị hỏa hoạn năm 1885, cảnh trí và kiến trúc chùa không còn nguyên vẹn.
Hàng năm, hàng trăm nghìn du khách tới chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh để lễ Phật và trẩy hội.
 "Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa"
Đèo Ngang nằm trên quốc lộ 1A, vắt qua dãy núi Hoành Sơn, thuộc dãy Trường Sơn chạy ngang ra biển Đông. Đèo dài 6 km, đỉnh cao 256 m. Phần phía bắc thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh; phần phía nam thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Vào thế kỷ hai đến thế kỷ 10, đèo Ngang thuộc ranh giới giữa Đại Việt và nước Chiêm.
Nhà địa lý học Lê Bá Thảo viết trong cuốn Thiên nhiên Việt Nam: "Con đường đi lên đèo chạy ngoằn nghoèo từ sườn đồi này đến sườn đồi khác và khi lên đến đỉnh đèo, không ai có thể kìm được sự kiêu hãnh của mình khi nhìn thấy biển Đông trước mặt. Ở tít ngoài xa, mũi Ròn (Dòn) rồi mũi Vũng Chùa và hàng loạt đảo nhỏ khác đứng lô nhô trên sóng che bóng trắng một con tàu biển và buồm của các thuyền câu...".
Đèo Ngang đã đi vào nhiều ca dao, huyền thoại. Nhiều tác giả như vua Thiệu Trị, Nguyễn Thiếp, Cao Bá Quát... đã lưu dấu tại đèo Ngang và có những tuyệt phẩm ở đây. Đặc biệt, Bà Huyện Thanh Quan có bài thơ Qua đèo Ngang nổi tiếng:
"Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời non nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta".
Cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần Vương


Phan Đình Phùng, hiệu là Châu Phong, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học ở làng Đông Thái, huyện La Sơn (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh.
Phan Đình Phùng đỗ Đình nguyên năm 1877 và được bổ làm tri huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình), sau về Huế giữ chức ngự sử. Tính ông cương trực, khảng khái, nhiều lần tố cáo những vụ việc khuất tất. Năm 1883, do bất đồng quan điểm với Tôn Thất Thuyết về việc phế vua Dục Đức, lập vua Hiệp Hòa, Phan Đình Phùng bị cắt chức, đuổi về quê nhà.
sai-nguoi-lanh-dao-khoi-nghia-huong-khe-la-phan-dinh-phung
Chân dung Phan Đình Phùng. Ảnh tư liệu
Năm 1885, vua Hàm Nghi mưu việc kháng Pháp không thành nên phải chạy ra Tân Sở (Quảng Trị). Phan Đình Phùng bỏ qua nỗi hiềm khích riêng, cùng Tôn Thất Thuyết chống Pháp. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông đứng lên chiêu tập lực lượng ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để chống ngoại xâm.
Lúc này, Phan Đình Phùng lãnh đạo nghĩa quân xây dựng căn cứ tại Hương Sơn và Hương Khê (Hà Tĩnh). Theo giúp ông có nhiều trí thức và võ tướng. Suốt 10 năm (1885-1896), nghĩa quân do Phan Đình Phùng lãnh đạo đã lập được những chiến công lớn.
Thấy không thể dùng sức mạnh quân sự để tiêu diệt được cuộc khởi nghĩa, người Pháp dùng mọi cách để mua chuộc Phan Đình Phùng nhưng ông một lòng cự tuyệt.
Trong một trận giao tranh, Phan Đình Phùng bị thương nặng rồi hy sinh vào ngày 28/12/1895. Khởi nghĩa Hương Khê cũng thất bại ngay sau đó. Tuy nhiên, đây vẫn được đánh giá là đỉnh cao, tiêu biểu nhất cho phong trào Cần Vương với quy mô rộng lớn, tổ chức tương đối chặt chẽ và gây cho Pháp nhiều tổn thất nặng nề.


Dương Tâm














Ngã ba Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc, thuộc xã Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh.
Trong những năm chiến tranh, ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam.
Từ năm 1964 đến năm 1972, nơi đây bị đánh phá liên tục và năm 1968 là ác liệt nhất. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Ngã ba Đồng Lộc phải chịu đựng gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây gánh trên 3 quả bom khiến mặt đất bị biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại.
Ngã ba Đồng Lộc nổ tung lên, tưởng như không có một bóng cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi. Vậy nhưng, ngày đêm trên đoạn đường này vẫn có hàng nghìn người làm nhiệm vụ thông suốt giao thông, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam.


Hố bom chồng lên hố bom

Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc lúc bấy giờ có nhiều lực lượng như: Bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích…, thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người.
50 năm trước, ông Nguyễn Trinh (hiện 84 tuổi, trú xã Đồng Lộc) tham gia lực lượng pháo binh tại địa phương. Ông nhớ lại: Đó là những năm tháng máy bay thả bom như mưa. 
"Chiều 27/4/1967, bom rơi vào trường Tiểu học khiến 15 em tử vong, nhiều em khác bị thương, trong đó có con trai út của tôi", ông Trinh nói và cho hay, mẹ ông cũng mất trong một lần chạy bom.

Ông Nguyễn Trinh.
Trưa ngày 24/7/1968, một ngày như mọi ngày, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, ra đường làm nhiệm vụ.
Đến 16h, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom đã nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị đang tránh bom, làm sập hầm và tất cả 10 chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Người trẻ tuổi nhất là 17 tuổi, ba người chị lớn tuổi nhất cùng 24 tuổi

Nhà bia tưởng niệm những người dân đã hy sinh tại Đồng Lộc.
Ngày nay, Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Ngã ba Đồng Lộc được xây khang trang để tưởng niệm hàng nghìn chiến sỹ và người dân đã ngã xuống để giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam.
Nhiều công trình kiến trúc đặc biệt được xây dựng nơi đây, như: Khu mộ 10 cô gái thanh niên xung phong, sa bàn chiến đấu, nhà bảo tàng, tháp chuông Đồng Lộc, cụm tượng đài... 
Chiến tranh lùi xa, cuộc sống mới với cung đường giao thông hiện đại, cây xanh mọc lên đã hồi sinh tọa độ chết năm xưa. "Thời gian có thể khiến cho người ta quên đi bao nhiêu ngã ba trong cuộc đời, nhưng tôi nghĩ rằng khó có ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã ba Đồng Lộc với những câu chuyện cảm động nơi đây", ông Nguyễn Trinh chia sẻ.

Phim tư liệu Đồng Lộc
Trích phim tư liệu Tiếng chuông Đồng Lộc.
thời gian có thể khiến cho người ta quên đi bao nhiêu ngã ba trong cuộc đời, nhưng khó có ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã ba Đồng Lộc
Ông Nguyễn Trinh

Chuyện kể từ hai cây bồ kết

Tại phần mộ của 10 nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, có hai cây bồ kết mọc lên xanh tốt, cao lớn hơn nhiều so với những cây thông, hay cây vú sữa bên cạnh. Trời nắng, bồ kết xòe tán tỏa bóng mát cho cả khu mộ.
Mỗi lần tới thắp hương, du khách thắc mắc tại sao lại có hai cây bồ kết mọc ở đây? 
Ông Nguyễn Thế Linh (hiện 77 tuổi, nguyên Đại đội trưởng 552) cho hay, đó là câu chuyện bắt đầu vào chiều 24/7/1968, dưới trời nắng như đổ lửa, ông nhận lệnh sẽ có một đoàn xe quân sự đi qua Đồng Lộc, nhiệm vụ của các tiểu đội là đào hầm địa đạo trú ẩn và san đường.


Các nữ thanh niên xung phong thuộc tiểu đội 4 - Đại đội 552 đang lấp hố bom. Ảnh: Tư liệu
Khi nhận nhiệm vụ, Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, 24 tuổi, có người yêu sắp cưới. Cô Hồ Thị Cúc, tiểu đội phó 24 tuổi, đã qua một đời chồng. Những người còn lại độ tuổi từ 17 đến 24, đều chưa lập gia đình.

Ông Nguyễn Thế Linh - nguyên Đại đội trưởng 552. Ảnh: Đức Hùng
Tiểu đội 4 do chị Võ Thị Tần chỉ huy, hôm ấy chỉ còn lại 10 người, bốn người khác bận việc không tham gia.
Cuối giờ chiều, hai máy bay lướt qua dội bom xuống chỗ gần nơi các chị đang đứng. 10 người bị đất đá vùi lấp, tử vong do bị sức ép từ quả bom, riêng tiểu đội phó Cúc chưa tìm thấy thi thể.
“Tôi đứng chỉ huy trên tháp chuông, cách vị trí thả bom vài trăm mét, vội vàng chạy xuống, gọi thất thanh nhưng chị em ai nấy đều đã nằm im”, ông Linh xúc động nhớ lại.
Đêm hôm đó, cả đại đội khóc. Trong không gian mịt mờ, xung quanh tiếng côn trùng kêu, ông Linh ngồi một mình trực bên thi thể 9 cô gái, việc tìm kiếm người còn lại vẫn tiếp diễn.
Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn quây quần đủ mặt
Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân Xanh
A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh
Chỉ thiếu mình em
Chín bỏ làm mười răng được.
Sang ngày tìm kiếm thứ ba, đồng đội tìm thấy chị Cúc trên đồi Trọ Voi, cách hố bom cũ 20 m trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc. Thương xót người em, nhà thơ Yến Thanh - cán bộ kỹ thuật đội N55 cùng có mặt lúc đó đã viết những dòng thơ trên.
Bà Nguyễn Thị Hường (68 tuổi, từng là thanh niên xung phong Tiểu đội 4) kể, ngày hy sinh, đầu tóc của những nữ đồng đội dính đất cát, quần áo vấy bẩn.
Đó là những ngày mùa hè, nắng bỏng rát, dưới đất nước sinh hoạt thiếu thốn, trên trời bom vẫn rơi xuống. Khi khâm liệm, nhiều nữ thanh niên xung phong đầu chưa gội sạch, quần áo vẫn lấm bùn. 
"Nhiều đồng đội ước, có quả bồ kết để gội đầu cho các cô thì tốt biết bao", bà Hường nói. 
Hòa bình lập lại, khi đến thăm Đồng Lộc, đại tá Nguyễn Tiến Tuẩn, nguyên Giám đốc công an Hà Tĩnh, đã về Hương Sơn tìm 2 cây bồ kết mang đến trồng bên cạnh mộ phần các nữ thanh niên xung phong.


Mối tình dang dở

Ông Nguyễn Đức Hồng (74 tuổi, trú xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc) kể, giữa năm 1968, tranh thủ thời gian được cử ra miền Bắc học tập, chàng trai trẻ xin phép thủ trưởng về quê kết hôn. Vừa đặt chân đến nhà, anh nhận tin dữ: Vợ sắp cưới đã hy sinh.
Ông Hồng là người yêu của chị Võ Thị Tần - "Chị cả" của 10 nữ thanh niên xung phong ở Đồng Lộc.
Nhà cách nhau một dậu mùng tơi, chàng trai Hồng mến cô hàng xóm bởi nụ cười hiền, đức tính giản dị. Cuối năm 1964, anh ngỏ lời và được gia đình bạn gái đồng ý. Họ tổ chức lễ dạm ngõ, chờ ngày làm đám cưới.
"Sau đó tôi lên đường nhập ngũ", ông Hồng nói.
Ông Hồng và người vợ hiện tại. Ảnh: Phượng Vũ
Tối hôm đi nhận quân, trời mưa tầm tã. Chị Tần tới cầm tay anh Hồng, lấy từ trong túi áo trao cho anh một bức ảnh và lọn tóc tề. Anh Hồng tặng lại cho chị chiếc lược trắng. Trao kỷ vật xong, cả hai nhìn nhau không nói nên lời. Anh Hồng vào Quảng Trị, chị Tần ở lại Đồng Lộc.
Những năm tháng xa cách, anh chị liên lạc bằng thư. Năm 1968, khi anh Hồng ra đảo Cồn Cỏ thì mất liên lạc với người yêu. Anh bị thương, được cử ra Bắc học tập. Sau đó tranh thủ về quê cưới vợ, nào ngờ ngày về là ngày chia ly.
Hết chiến tranh, anh Hồng trở lại quê, hàng ngày vẫn qua lại chăm sóc bố đẻ của chị Tần. Thấy chàng trai trẻ vẫn nặng tình với con gái, bố chị Tần bàn anh nên cưới vợ, song anh lần lữa. Khuyên không được, ông làm mối một cô gái trong huyện với anh, họ sau đó nên duyên.
Hai vợ chồng ông Hồng sau đó xem chị Tần là một thành viên của gia đình, rước ảnh chị Tần về lập bàn thờ.
Chiến tranh buộc những chàng trai hay cô gái phải đi thêm bước nữa, dù không như ý nguyên ban đầu. Song cũng có nhiều người không thể bước tiếp.
Ông Nguyễn Thế Linh cho hay, đại đội do ông quản lý có nữ thanh niên xung phong tên Cát, yêu chàng trai trú cùng xã song anh này đi đóng quân xa. Buổi chiều năm 1968, người yêu hành quân ghé qua nhà ở Đồng Lộc, cô Cát nghe tin mừng rỡ, xin thủ trưởng về gặp anh.
"Vừa về đến cổng nhà, cả hai chạy ra gặp nhau. Đúng lúc ấy, máy bay thả ngay một quả bom trước cửa. Họ chưa kịp nói một lời tâm tình...", ông Linh kể.
Chuyện của anh Hồng - chị Tần, của nữ thanh niên xung phong Cát là câu chuyện chung của cặp nam nữ đã trao kỷ vật, song chỉ có thể hẹn nhau ở bên kia thế giới, tại Ngã ba Đồng Lộc.
***

Khi chiến tranh kết thúc

Bà Nguyễn Thị Hường.
Sau giải phóng, bà Nguyễn Thị Hường chuyển về làm trong ngành thương nghiệp. Lấy chồng làm bộ đội, bà có ba người con, cuộc sống tuổi già yên ấm với một căn nhà cấp bốn tại thành phố Hà Tĩnh.
Từng chung tiểu đội 4 với 10 cô gái đã hy sinh, những ngày lễ tết, bà cùng các đồng đội hiện còn sống thường lên thắp hương, tưởng nhớ những người bạn xưa cùng chung chiến hào. Những lần gặp, mọi người ôm nhau khóc.
Bà Hường kể, hòa bình lập lại, những cô gái thuộc tiểu đội 4 hồi xưa ra quân, người thì làm ở công ty may mặc, người chuyển về đội vận tải. Với những nam nữ thanh niên xung phong khác, không chuyển được ngành, họ về quê.
Chiến tranh buộc họ phải làm việc giữa thời tiết khắc nghiệt, ngâm mình dưới nước hàng giờ. Trở về, nhiều người mang bệnh tật, cơ thể đau yếu thường xuyên. Lập gia đình, song họ mất thiên chức làm bố, làm mẹ.
"Một số khác, vì muộn phiền nhiều chuyện, họ không kết hôn, tìm đến chốn thanh tịnh nơi cửa phât", bà Hường cho hay.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hợi (69 tuổi, trú huyện Hương Khê) tâm sự, thỉnh thoảng liên lạc với bạn bè ngày xưa làm thanh niên xung phong ở Đồng Lộc, họ khóc qua điện thoại, tâm sự cuộc sống vất vả, có người kinh tế eo hẹp nên gia đình lục đục, dù năm nay đã thất thập.
"Tôi thấy hạnh phúc vì có một tổ ấm, nhưng nhiều đêm nằm mơ thấy bom rơi, giật mình tỉnh giấc thấy thương những người đồng đội ngày xưa vô cùng", bà Hợi nói.

Ông Đào Anh Tuân, Phó ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết, mỗi năm nơi đây đón hàng trăm nghìn lượt khách tới thăm quan, dâng hương. Họ đến từ nhiều tỉnh thành, ngành nghề khác nhau. Đó là các cựu binh, thanh niên, thiếu nhi, công nhân, viên chức....
Những người làm quản lý ở đây đang huy động các nguồn lực để chỉnh trang tổng thể khu di tích, xây dựng đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, phục dựng các công trình vết tích chiến tranh.
Một ngày giữa tháng 10/2017, chị Tú (40 tuổi, đến từ Yên Bái) chia sẻ, khi nghe hướng dẫn viên kể về sự hi sinh của 10 nữ thanh niên xung phong, chị đã khóc.
Rất nhiều khách hành hương khác cũng sụt sùi khi xem những tư liệu và thước phim tại Bảo tàng Đồng Lộc.
"Nhân sắp đến ngày phụ nữ Việt Nam, xin dâng những bông cúc trắng, nén hương thơm và tấm lòng thành kính lên các nữ thanh niên xung phong", chị Tú chắp tay trước mộ phần 10 liệt sỹ.

Ngã ba Đồng Lộc nhìn từ trên cao.

Di ảnh 10 nữ thanh niên xung phong trong bảo tàng ở Ngã ba Đồng Lộc.
Đức Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét