Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Huyện đảo có mật độ dân số cao nhất Việt Nam

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi được tách ra từ huyện Bình Sơn vào năm 1993, hiện có ba xã An Vĩnh, An Hải và An Bình.
Huyện đảo Lý Sơn chỉ rộng khoảng 10 km2, dân số khoảng 23.000, mật độ dân số hơn 2.000 người mỗi km2, cao gấp nhiều lần các huyện khác trong tỉnh Quảng Ngãi và cao nhất trong 12 huyện đảo của Việt Nam.
dung-dap-an-la-huyen-dao-ly-son-thuoc-tinh-quang-ngai
Lý Sơn là hòn đảo tiền tiêu. Ảnh: Báo Quảng Ngãi
Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré, theo cách lý giải của dân gian là "cù lao có nhiều cây ré", nằm về phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý.
Địa hình Lý Sơn tương đối bằng phẳng, không có sông ngòi lớn (chỉ có một số suối nhỏ được hình thành vào mùa mưa) và có độ cao trung bình 20-30 m so với mực nước biển. Đảo có năm hòn núi dạng bát úp được hình thành do hoạt động của núi lửa, trong đó cao nhất là núi Thới Lới (169 m).
Lý Sơn chịu tác động chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa trên vùng biển nhiệt đới nóng ẩm và có chế độ mưa trái mùa.

Tỏi Lý Sơn

Tỏi là cây trồng đặc trưng và chủ lực của huyện đảo Lý Sơn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Dù có nhiều khó khăn trong sản xuất do điều kiện tự nhiên, thiếu đất, cát sản xuất, giá cả biến động, nhưng việc trồng tỏi ở đây vẫn phát triển khá tốt. 
Diện tích gieo trồng bình quân ở Lý Sơn hàng năm khoảng 290 hecta, sản lượng bình quân đạt khoảng 1.650 tấn.
dung-do-la-toi-ly-son
Tỏi Lý Sơn củ nhỏ, tròn, mùi thơm đậm đà, vị ngọt dịu. Ảnh: Bizmedia
Tỏi Lý Sơn được xem là đặc sản với kích thước nhỏ, củ tròn trịa, có mùi thơm, vị cay nhưng vẫn dịu ngọt. Hàm lượng tinh dầu khá cao nên không chỉ được dùng làm gia vị, tỏi Lý Sơn còn được dùng làm dược liệu chữa bệnh về tiêu hóa và tim mạch. Nhiều người ví tỏi Lý Sơn là vua các loại tỏi.
Ngoài ra, trên đảo Lý Sơn còn có hải sản quý như: đồn đột biển, áo tơi, vú biển, vích, đồi mồi và nhiều loại tôm, cua, ốc, mực...
 Quảng Ngãi được tách ra từ tỉnh  Nghĩa Bình 

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền lấy tên các nhà cách mạng yêu nước đặt cho đơn vị hành chính từ cấp tỉnh đến phủ, huyện, xã. Tỉnh Quảng Ngãi mang tên tỉnh Lê Trung Đình, phủ Bình Sơn mang tên phủ Nguyễn Tự Tân, phủ Sơn Tịnh là Trương Quang Trọng, phủ Tư Nghĩa là Nguyễn Sụy (Thụy), đồn Lý Sơn gọi là tổng Trần Thành...
Năm 1954-1975, chính quyền Sài Gòn thay đổi danh xưng hành chính huyện thành quận, thôn đổi thành ấp, còn tên gọi vẫn giữ nguyên. Từ ngày 12/6/1958, chính quyền đồng loạt đổi tên các xã trong tỉnh.
dung-do-la-tinh-nghia-binh
Tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.
Tháng 9/1975, tỉnh Nghĩa Bình được hình thành trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Đến tháng 7/1989, tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định được tái lập khi Trung ương tách tỉnh Nghĩa Bình. Lúc đó, tỉnh Quảng Ngãi có một thị xã và 10 huyện.
Hiện, Quảng Ngãi có 14 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Quảng Ngãi và 13 huyện Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn.
"Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới; Nước bao vây cách biển nửa ngày sông"
Đây là những câu thơ trong bài Quê hương của nhà thơ Tế Hanh, sáng tác năm 1938 khi tác giả tròn 17 tuổi, đang theo học trung học ở Huế. Bài thơ sau đó được in trong tập Hoa niên (1945).
Bài thơ đã khắc họa được bức tranh tươi sáng, khoẻ khoắn, đầy sức sống về cuộc sống lao động của một làng quê miền biển, qua đó thể hiện tình yêu quê hương tha thiết, đằm thắm của tác giả.
Tế Hanh (sinh năm 1921), quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới. Đề tài trong thơ ông là những cảnh tượng bình dị, gần gũi, đặc biệt là sinh hoạt biển làng Bình Dương (Bình Sơn) - quê hương nhà thơ.
Quảng Ngãi còn có nhiều nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới như Nguyễn Vỹ, Bích Khê, Nguyễn Viết Lãm.
 Khu công nghiệp lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam 
Dung Quất là khu công nghiệp lọc hóa dầu đầu tiên của cả nước, tập trung nhiều ngành công nghiệp có quy mô lớn, gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất và sân bay quốc tế Chu Lai.
Tổng diện tích khu công nghiệp là 14.000 hecta, trải dài từ mũi Kỳ Hà đến phía nam sân bay Chu Lai rộng 3.700 ha, phần còn lại từ phía nam sân bay Chu Lai đến khu đô thị Vạn Tường.
dung-dap-an-la-dung-quat
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Báo Quảng Ngãi
Năm 2005, trên cơ sở khu công nghiệp Dung Quất, Thủ tướng quyết định thành lập khu kinh tế Dung Quất. Hiện, khu kinh tế này có nhiều cụm công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nặng (lọc dầu, đóng sửa tàu biển, luyện cán thép), công nghiệp hóa dầu, hóa chất, công nghiệp cơ khí sửa chữa lắp ráp, kho dầu, kho bãi, sản xuất vật liệu xây dựng.
Dự án có quy mô lớn, tiêu biểu được đầu tư tại đây là nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm
Cặp biểu tượng sơn thủy, thắng cảnh của tỉnh

Thiên Ấn là tên ngọn núi nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc về phía hạ lưu, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 3 cây số về hướng đông bắc, thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh.
Núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc hợp thành cặp biểu tượng sơn thủy thiêng liêng trong tâm thức người Quảng Ngãi.
chinh-xac-do-la-song-tra-khuc
Thắng cảnh núi Ấn sông Trà ở Quảng Ngãi.
Núi Thiên Ấn cao 106 mét, trông từ bốn phía đều tựa hình thang cân. Đỉnh núi bằng phẳng, tạo thế nhìn phóng khoáng, bao quát một vùng không gian rộng lớn với những ruộng đồng, đồi núi, làng mạc, sông nước, hợp thành bức tranh phong cảnh hữu tình.
Vào mùa nước đầy, nhìn từ phía bờ bắc, dòng nước sông Trà Khúc chảy theo hướng tây nam - đông bắc, như dồn vào chân núi. Sau đó, nước từ chân núi, theo hướng tây bắc - đông nam, đổ về Cửa Đại.
Giữa thiên nhiên thoáng đãng, ngọn núi như chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông xanh, nên người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà.

Mạnh Tùng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét