Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Tỉnh có hai di sản văn hóa thế giới

Việt Nam hiện có tám di sản thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm hai di sản thiên nhiên (vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng), năm di sản văn hóa (khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, thành nhà Hồ, quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn), một di sản hỗn hợp (quần thể danh thắng Tràng An). Trong đó, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam, vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Phố cổ Hội An cách thành phố Ðà Nẵng về phía nam 28 km, ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ 16. Nhờ kết hợp các nền văn hóa qua nhiều thời kỳ, là điển hình tiêu biểu của cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn hoàn hảo, đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999.
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và gần thành cổ Trà Kiệu. Đây được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Năm 1999, UNESCO công nhận thánh địa Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới
 Phố cổ Hội An
Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, Hội An từng là một trong những thương cảng sầm uất nhất Việt Nam trong thế kỷ 17-18, thu hút thương gia từ Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italy... Kiến trúc nhiều ngôi nhà và chùa chiền ở đây chịu ảnh hưởng của phong cách nhiều quốc gia. Những ngôi nhà cổ bên sông gần như không thay đổi qua các cuộc chiến tranh vào thế kỷ 20.
Phố cổ Hội An là trường hợp hiếm thấy trên thế giới được xem như bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Quần thể di tích kiến trúc cổ, từ hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ... được bảo tồn gần như nguyên trạng.
sai-dap-an-dung-la-song-thu-bon
Chùa Cầu ở Hội An được in trên tờ tiền polyme mệnh giá 20.000 đồng. Ảnh: Toplist
Trục phố nhỏ hẹp, kết cấu như ô vuông bàn cờ, nét rêu phong cổ kính và vô số đèn lồng tạo vẻ ngoài độc đáo cho Hội An. Trong khi đó, cư dân phố cổ vẫn đang gìn giữ những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa.
Tên gọi Hội An được hình thành từ rất lâu nhưng chưa được xác định chính xác thời điểm. Trên bản đồ chính thức của chính quyền Đông Dương, người Pháp sử dụng tên Faifo để chỉ nơi này.
Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa, đồng thời là lăng mộ của các vị vua Chăm Pa và hoàng thân, quốc thích.
Theo UNESCO Việt Nam, văn bia tại Mỹ Sơn cho thấy lịch sử của thánh địa này được bắt đầu bằng những ngôi đền gỗ vào thế kỷ 4, sau đó bị cháy. Đến thế kỷ 7, một ông vua khác dâng cúng và xây một ngôi đền gạch. Từ đó về sau, các vương triều Chăm Pa liên tục dâng cúng và xây những ngôi đền. 
Cho đến những đền tháp cuối cùng vào thế kỷ 13, thánh địa Mỹ Sơn được xây mới và tu bổ liên tục, thể hiện sự chuyển hóa của quá trình phát triển nghệ thuật và kiến trúc Chăm Pa. Kết quả, hơn 70 công trình kích thước vừa và nhỏ được xây dựng, chắt lọc tinh hoa của người Chăm Pa xưa, tạo vẻ uy nghiêm và kỳ bí.
sai-vuong-quoc-cham-pa-la-dap-an-dung
Thánh địa Mỹ Sơn là di tích mang đậm dấu ấn Chăm Pa, chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ. Ảnh: Asian Indochina
Chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ, vương quốc Chăm Pa tôn thờ thần Shiva - vị thần quan trọng của Ấn Độ giáo. Đền thờ tại Mỹ Sơn được các vương triều Chăm Pa xây dựng để thờ chính vị vua của mình. Sự kết hợp giữa vương và thần được thể hiện qua tượng Linga.
Năm 1937, các nhà khoa học Pháp bắt đầu trùng tu Mỹ Sơn. Năm 1939, họ cho xây một con đập và đào xuyên núi nhằm đổi hướng dòng nước đã phá sập tháp A9, với mục đích bảo vệ các tháp còn lại. Tuy nhiên, năm 1946, sau một trận lũ lớn, con đập bị vỡ, nước chảy trở lại theo dòng cũ như ngày nay.
Từ năm 1965 đến 1972, khi Duy Xuyên và Quảng Nam trở thành chiến trường, đền tháp Mỹ Sơn bị biến dạng hình hài, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề bởi trận bom năm 1969. Sau chiến tranh, khu vực này được rà phá bom mìn.
Năm 1980, trong chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam - Ba Lan, tiểu ban phục hồi di tích Chăm Pa được thành lập bởi kiến trúc sư Kazimiers Kwiatkowski (1944-1997), thường gọi bằng tên thân mật là Kazik. Ông được coi là người Mỹ Sơn, công dân danh dự của Việt Nam, nhờ sứ mạng cứu vớt di sản văn hóa bị thời gian và chiến tranh tàn phá.

Cù Lao Chàm ở Quảng Nam được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới

Cù Lao Chàm là điểm du lịch nổi tiếng tại xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cụm đảo nằm cách bờ biển Cửa Đại 15 km, bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Theo Việt Nam Văn hóa và Du lịch, tổng diện tích các đảo trên 15 km2, rừng chiếm 90%.
Là di tích văn hóa lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An, Cù Lao Chàm thường được gọi là "Champello" trên bản đồ Tây phương xưa, xuất phát từ tiếng Autronesian, "Pulau Champa". Ngoài ra, Cù Lao Chàm còn có các tên gọi khác như Puliciam, Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La.
sai-dap-an-la-cu-lao-cham
Cù Lao Chàm. Ảnh: Pose
Cù Lao Chàm có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú (nhiều hải sản và yến sào), các rặng san hô được nhà khoa học đánh giá cao. Năm 2003 khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm được thành lập; năm 2009 được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ngoài ra, Cù Lao Chàm còn có nhiều di tích thuộc các nền văn hoá Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm.

Tên gọi Quảng Nam xuất phát từ thời Lê

Lịch sử hình thành Quảng Nam gắn liền với dòng chảy nam tiến mở rộng bờ cõi của dân tộc Việt Nam. Trước kia, Quảng Nam là đất Chiêm Thành. Năm 1306, vua Chiêm Thành là Chế Mân dâng hai châu Ô tức Thuận Châu (nam Quảng Trị, Huế) và châu Rí tức Hóa Châu (một phần Huế, bắc sông Thu Bồn) làm sính lễ cưới con gái vua Trần Nhân Tông là công chúa Huyền Trân. Biên giới Đại Việt là sông thu Bồn, người Việt dần chuyển đến định cư tại hai vùng đất mới.
Năm 1402, Chiêm Thành dâng hai động Chiêm Động và Cổ Lũy cho Đại Việt. Từ 1402-1407, chính quyền Hồ Quý Ly xác lập chủ quyền và ổn định chính trị trên vùng đất mới. Vùng đất mới được chia làm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (tương đương với diện tích Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay).
Năm 1407, quân Minh hỗ trợ Chiêm Thành lấy lại đất cũ, chính quyền Chiêm Thành lấn ra tới vùng Thuận Hóa (ngoại ô thành phố Huế ngày nay), người Chàm trở lại, thực sự làm chủ vùng đất này. Trong gần 40 năm, từ 1407 đến 1446, người Việt sống với người Chàm, lệ thuộc vào sự cai trị của người Chàm, ảnh hưởng đến việc hình thành bản sắc văn hóa.
Năm 1471, sau khi chiếm vùng đất phía Nam Thuận Hóa cho đến đèo Cù Mông, vua Lê Thánh Tông lập thêm đơn vị hành chính thứ 13 - Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Danh xưng Quảng Nam bắt đầu xuất hiện từ đây trong lịch sử mở nước của tiền nhân.
Theo Văn hóa Quảng Nam - Những giá trị đặc trưng, khu vực Đạo Thừa tuyên Quảng Nam vào thế kỷ 15 bao gồm vùng rộng lớn từ Nam Thuận Hóa vào sát núi Thạch Bi ở Phú Yên. Do đó, cả khu vực rừng núi xuống đồng bằng và các hải đảo dọc theo lãnh thổ trên đều thuộc Đạo Thừa tuyên Quảng Nam.
Tên gọi được thay đổi nhiều lần trong tiến trình lịch sử, thành xứ Quảng Nam năm 1490, trấn Quảng Nam năm 1520, dinh Quảng Nam năm 1602. Từ đó đến năm 1613, chúa Tiên sai con trai thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên (1563-1635) vào trấn thủ vì chúa và các cận thần đều xem đây là “đất yết hầu của miền đất Thuận - Quảng”. Sau khi kế nghiệp chúa Tiên, Phước Nguyên trao dinh Quảng Nam lại cho thái tử Nguyễn Phước Kỳ, tiếp theo là Nguyễn Phước Lan… cho đến thế kỷ 18 khi vương quyền chúa Nguyễn tan rã mới chấm dứt.
Năm 1806, vua Gia Long đổi là Trực lệ Quảng Nam dinh thuộc Kinh sư. Đến năm 1832, đời vua Minh Mạng thứ 13 đổi thành tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam có đường bờ biển dài 125 km

Quảng Nam là tỉnh ven biển thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm của miền Trung, phía bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía đông giáp biển Đông với trên 125 km bờ biển, phía tây giáp tỉnh Kon Tum và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía nam giáp tỉnh Quảng Ngãi.
Cổng thông tin Quảng Nam cho biết tỉnh này có 16 huyện và 2 thành phố, trong đó có 9 huyện miền núi là Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước và Nông Sơn; 9 huyện, thành đồng bằng là thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An, huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành và Phú Ninh.
Diện tích tự nhiên của tỉnh là 10.406 km2.Tính đến hết năm 2012, dân số Quảng Nam là 1.435.620, với mật độ dân số trung bình 139 người/km2. 
Tỉnh có bốn tộc người thiểu số cư trú lâu đời là Cơ Tu, Co, Gié Triêng, Xê Đăng và một số tộc người thiểu số mới di cư, chiếm 7,2% dân số toàn tỉnh. Quảng Nam có tỷ lệ dân số sinh sống ở nông thôn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước với 81,4%. 
Lực lượng lao động Quảng Nam chiếm 62% dân số toàn tỉnh, trong đó lao động ngành nông nghiệp chiếm 61,57%; ngành công nghiệp và xây dựng là 16,48% và ngành dịch vụ là 21,95%.
Đặc sản Quảng Nam
Cao lầu là đặc sản ở Hội An. Theo Văn hóa ẩm thực ở phố cổ Hội An, nguồn gốc và tên gọi món ăn rất khó xác định. Những Hoa kiều ở đây không công nhận cao lầu là món ăn của họ. Một số nhà nghiên cứu Nhật Bản cho rằng cao lầu có nét giống món mì ở vùng Ise, nhưng thực tế hương vị và cách chế biến rất khác.
Sợi cao lầu được chuẩn bị rất công phu và là phần tinh túy của món ăn. Người ta ngâm gạo vào nước tro được lọc kỹ của một loại cây địa phương, sau đó xay thành nước bột, do đó có màu vàng. Bột sau khi để khô có độ dẻo, được cán thành miếng và cắt thành sợi mì.
Cao lầu không cần nước lèo, nước nhân, thay vào đó là thịt xíu, nước xíu, tép mỡ và dùng kèm với giá trụng, rau sống. Khi có khách gọi, người bán bắt đầu chần mì, đổ giá ra bát, bỏ vào mấy lát thịt xíu hoặc ba chỉ, đổ tép mỡ, thêm một muỗng mỡ heo rán sẵn ở lò bên. Hương vị của mắm và nước tương khiến món ăn thêm dậy vị.
sai-dap-an-dung-la-cao-lau
Sợi mì màu vàng là tinh túy của món cao lầu. Ảnh: Mytour
Có ý kiến cho rằng món cao lầu gây ấn tượng cho thực khách nhờ sử dụng nước giếng Bá Lễ, tro ở Cù Lao Chàm và rau sống Trà Quế. Do vậy, không nơi nào bắt chước được hương vị này.
Tiệm cao lầu nổi tiếng ở Hội An trước đây từng đi vào câu ca dao: "Hội An có Hạ Uy Di. Chùa Cầu, Âm Bổn, cao lầu Năm Cơ".

Thùy Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét