5 giờ sáng mỗi ngày, bà chủ dậy hấp mít để kịp bán cho khách phương xa
Cô Vui, chủ quán mít hong ở Trường Xuân vui vẻ chỉ chỗ cây mít được trồng từ thời cô mở tiệm đến bây giờ, mỗi mùa cho hơn chục trái, chỉ đủ để bán vài bữa, còn lại phải mua từ vùng khác.
Từng hột mít được tách riêng ra khỏi múi, đem luộc chín, rồi giã nhuyễn xào với chút dầu ăn cho thêm béo làm nhân nhồi vào trong múi mít đem hấp chín. Bày mít vào đĩa, rắc chút dừa bào sợi, chan tí nước mắm lên ăn ngọt bùi và béo vô cùng.
Cô Vui, chủ quán mít hong ở Trường Xuân (Tam Kỳ, Quảng Nam) vui vẻ chỉ chỗ cây mít được trồng từ thời cô mở tiệm đến bây giờ, mỗi mùa cho hơn chục trái, chỉ đủ để bán vài bữa, còn lại phải mua từ vùng khác.
Mít hong là món ăn rất đặc biệt, nhiều người nói đùa chỉ có người dân Tam Kỳ mới “dư” thời gian để ngồi tỉ mẩn làm. Có cả chục công đoạn và ngồi hàng tiếng đồng hồ để làm được múi mít hong chỉ đủ khách ăn nhoàm một giây. Mít chín cây, đem xẻ đôi, tách từng múi riêng ra, rồi dùng dao rạch một đường dọc để lấy hột mít làm nhân.
Hột mít đem rửa sạch, luộc khoảng vài tiếng cho chín đều, rồi được cô chủ ngồi lột vỏ cứng, sau đó cho vào cối xay nhuyễn. Thịt của hột mít sẽ được xào với chút dầu ăn cho béo rồi nhồi trở lại vào múi mít đem hấp chín. Từng múi mít chín vàng ươm, nổi lên phần nhân trắng của thịt hạt mít, dưới làn khói bốc lên nghi ngút thật gợi thèm.
Cô Vui kể, đến thời của cô, khẩu vị của khách thay đổi thích ăn ngọt nên cô dùng mít chín để làm món này. Chứ ngày xưa, ông bà thích ăn mít hong nhân mặn, nên phải lựa những trái mít hườm hườm, múi mít còn hơi cưng cứng.
Nhân hạt mít được xào với hành lá thêm chút muối cho mặn mặn rồi mới nhồi vào nhân. Khi ăn rưới thêm tí dừa bào, đậu phộng rang giã sơ, chan chút nước mắm chua ngọt.
Mít vừa ngọt, vừa bùi có chút beo béo, ăn với đậu phộng và dừa bào càng dậy vị. Với người Tam Kỳ, hầu như món ăn nào cũng phải nêm thêm tí tương ớt xào của người Quảng, dẻo dẻo, cay cay cho nó đậm đà. Một đĩa mít hong 6 múi giá chỉ 10 ngàn đồng.
Thường khách đến đây ăn mít hong bao giờ cũng gọi thêm một đĩa bò bía. Người Sài Gòn gọi bò bía để chỉ món cuốn có củ sắn, lạp xưởng bên trong. Người Tam Kỳ gọi một đĩa bò bía là đĩa gỏi đu đủ ăn kèm với thịt khô bò với nước mắm chua ngọt, kèm rau quế, hành phi và đậu phộng rang.
Gỏi đu đủ giòn giòn, ăn kèm với bánh tráng nướng của làng Đại Lộc như tổng hòa của những gì tinh túy nhất, đơn giản mà ghiền. Đương nhiên, trước khi ăn cũng phải kèm thêm một muỗng tương ớt xào để sẵn trên bàn, ai ăn cay hơn có thể cho thêm hai đến ba muỗng. Có lẽ do món ăn có thêm thịt bò khô mà giá của đĩa bò bía lên 15.000 đồng.
Lúc chúng tôi đến, quán sắp đóng cửa, cô chủ bảo do hôm nay có khách từ Đà Nẵng vô, đặt hàng đem về nên quán bán hết sớm. Không chỉ bán cho người địa phương, nhiều người từ các vùng Đà Nẵng, Huế có dịp đến Tam Kỳ sẽ gọi điện trước, đặt chục phần, đem về để những người ở nhà cũng cơ hội được ăn món ngon mà lành như mít hong ở Tam Kỳ
Thiên An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét