Nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai và Sài Gòn, TP HCM có hệ thống sông ngòi, kênh rạch khá dày đặc với mật độ 3,38 km trên mỗi km2.
Một khúc sông ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
|
Ngoài trục các sông chính Đồng Nai và Sài Gòn, TP HCM còn có mạng lưới kênh rạch khá dày, như ở hệ thống sông Sài Gòn có các rạch Láng The, Bàu Nông, rạch Tra, Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Cầu Bông, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé, Lò Gốm, Kênh Tẻ, Tàu Hũ, Kênh Ðôi.
Ở phía nam thành phố cũng có mật độ kênh rạch dày đặc, cùng với hệ thống kênh cấp 3-4 của kênh Ðông (Củ Chi) và các kênh đào An Hạ, kênh Xáng (Bình Chánh).
Huyện Cần Giờ có hệ thống sông rạch nhiều nhất
Tam giác châu (Cần Giờ) là khu vực có sông rạch nhiều nhất TP HCM. Hai sông Đồng Nai và Sài Gòn hợp lưu ở Xóm Đồn, kéo dài tới Xóm Quán hơn 9 km, đoạn này gọi là sông Nhà Bè.
Huyện Cần Giờ có hệ thống sông, rạch chằng chịt. Ảnh: Wikipedia
|
Soài Rạp, Lòng Tàu, Giữa, Đồng Tranh là bốn sông chính của tam giác châu. Giữa những sông lớn ấy có hàng trăm kênh, rạch lớn nhỏ thông thủy với nhau, tạo thành một tam giác châu tràn ngập nước mặn, chỉ có rừng đước sinh sôi.
Có thể kể tên như rạch Ông Nghĩa, Châu Hậu, sông Lôi Giáng, sông Giày Xay, sông Tắc, sông Trậu, rạch Su, rạch Dinh Cậu, tắc Lớn, tắc Cả, rạch Cây Khô, tắc Bà Kiều, tắc Bà Hói, sông Đồng Dinh, tắc Trầu, rạch Mồng Năm, rạch An Thít, tắc Ăn Chè, tắc Lò Vôi.
Hai phụ lưu chính của sông Đồng Nai khi chảy qua địa phận TP
Sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lang Biang phía nam dãy Trường Sơn, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và TP HCM. Hai nhánh sông lớn nhất La Ngà chảy qua Bình Thuận đổ vào lòng hồ Trị An và nhánh Sông Bé chảy qua Bình Phước, Bình Dương rồi đổ vào sông Đồng Nai gần thác Trị An.
Sông Đồng Nai chảy qua thành phố Biên Hòa, tới phía nam trở thành đường thủy phân ranh giới giữa Đồng Nai (huyện Long Thành, Nhơn Trạch) và TP HCM (quận 9, Nhà Bè, Cần Giờ), giữa Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Tân Thành) và TP HCM (huyện Cần Giờ).
Dòng chính sông Đồng Nai ở hạ lưu, đoạn từ chỗ sông Sài Gòn hợp lưu đến chỗ phân lưu thành Soài Rạp và Lòng Tàu, thường gọi là sông Nhà Bè. Sách xưa gọi sông này là Phước Bình.
Sông Đồng Nai có giá trị thủy điện rất lớn ở thượng nguồn và giá trị thủy vận ở hạ nguồn
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trong cuốn Địa lý Gia Định - Sài Gòn - TP HCM (NXB Tổng hợp TP HCM - NXB Văn hóa Sài Gòn), tên chữ của sông Sài Gòn là sông Tân Bình, bắt nguồn từ Campuchia, chảy vào Lộc Ninh (Bình Phước), tạo thành hồ Dầu Tiếng giữa Tây Ninh, chảy qua Bình Dương.
Từ ranh giới giữa thị xã Dĩ An (Bình Dương) và quận Thủ Đức (TP HCM), sông Sài Gòn chảy trong địa phận TP HCM, tới Cát Lái nhập với sông Đồng Nai làm thành sông Nhà Bè.
Từ Phú Xuân, sông Nhà Bè lại chia làm hai nhánh là sông Soài Rạp (coi như nối tiếp sông Đồng Nai) và sông Long Tàu (coi như nối tiếp sông Sài Gòn). Sông Nhà Bè và sông Lòng Tàu chảy vào sông Ngã Bảy; sông Ngã Bảy chảy qua vịnh Cần Giờ ra biển Đông.
Tàu thuyền trên sông Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng
|
Sông Sài Gòn có ích cho thủy vận nhiều hơn là thủy lợi hay thủy điện. Sông chảy dọc thành phố 80 km, bề rộng thay đổi từ 225 m đến 370 m với chiều sâu 10-25 m. Nhờ đó mà tàu 10.000 tấn ra vào Tân Cảng dễ dàng, còn tàu 20.000 tấn vào cảng Sài Gòn không gặp khó khăn vì đáy nước sâu.
Tàu thuyền trong nước và quốc tế vào cửa Cần Giờ, theo sông Sài Gòn lên hải cảng Khánh Hội; thuyền bè nội địa theo sông này đi Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước khá dễ dàng. Qua chi nhánh của sông Sài Gòn, việc chuyên chở từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây cũng thuận lợi.
Cầu dây văng lớn nhất bắc qua sông Sài Gòn ở TP HCM
Cầu Phú Mỹ. Ảnh: Hữu Công
|
Phú Mỹ là cầu dây văng lớn nhất TP HCM bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 2 và quận 7, thuộc đường vành đai ngoài của thành phố, có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng,
Cầu dài hơn 2.000 m, gồm 705 m nhịp dây văng và 1.331 m nhịp dẫn. Ngoài ra, còn có hai đường dẫn vào cầu dài 257 m, chiều rộng mặt cầu là 27,5 m.
Cầu Phú Mỹ được khởi công vào tháng 9/2005, khánh thành sớm hơn dự kiến vào tháng 9/2009. Sau khi đưa vào sử dụng, cầu giúp việc lưu thông trên quốc lộ 1A đoạn từ miền Bắc và miền Trung đi đồng bằng sông Cửu Long, qua địa phận TP HCM được rút ngắn.
Ngoài cầu Phú Mỹ, có hàng chục cây cầu lớn bắc qua sông Sài Gòn thuộc địa phận TP HCM, như: Bình Lợi, Bình Phước, Bình Triệu, Chữ Y, Sài Gòn, Thủ Thiêm, Ông Lãnh...
Đường hầm sông Sài Gòn - hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây của TP HCM
Đường hầm sông Sài Gòn. Ảnh: Tuấn Anh
|
Đường hầm sông Sài Gòn (hay còn gọi là hầm Thủ Thiêm) vượt qua sông Sài Gòn, đồng thời là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây của TP HCM.
Đường hầm có sáu làn ôtô, được dìm dưới lòng sông Sài Gòn với chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m. Ngoài ra, hầm còn có hai làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/h.
Tháng 11/2011, đường hầm sông Sài Gòn được đưa vào sử dụng sau gần 7 năm thi công. Đường hầm kết nối hai bờ sông Sài Gòn, nối quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và giảm tải cho cầu Sài Gòn. Công trình được đánh giá là hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á.
Tổng vốn đầu tư dự án là 700 triệu USD, phía Nhật tài trợ khoảng 65% vốn, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét