Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Lạng Sơn có con sông duy nhất ở miền Bắc chảy ngược lên Trung Quốc.

Sông Kỳ Cùng là sông chính của tỉnh Lạng Sơn, chảy trên Việt Nam dài khoảng 243 km. Đây là con sông duy nhất ở miền Bắc không chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam để đổ vào biển Đông mà chảy ngược theo hướng Đông Nam - Tây Bắc lên Trung Quốc.
Sông bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa cao 1.166 m thuộc huyện Đình Lập, chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc qua thành phố Lạng Sơn. Khi cách thành phố này khoảng 22 km, sông đổi hướng Nam - Bắc tới thị trấn Văn Lãng rồi lại đổi hướng thành Đông Nam - Tây Bắc trước khi rẽ sang hướng Đông ở gần thị trấn Thất Khê. Từ Thất Khê, sông chảy gần như theo đường vòng cung, cho tới khi vượt biên giới sang Trung Quốc để hợp lưu với sông Bằng Giang tại thị trấn Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc).
Ngoài Kỳ Cùng, tỉnh Lạng Sơn còn có rất nhiều sông suối khác như Bản Thí, Bắc Giang, Bắc Khê, sông Thương
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam; cách thủ đô Hà Nội 154 km đường bộ và 165 km đường sắt. Phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía đông bắc giáp Trung Quốc, phía đông nam giáp tỉnh Quảng Ninh, phía nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía tây nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía tây giáp tỉnh Bắc Cạn.
Theo cổng thông tin điện tử của tỉnh, Lạng Sơn có 818.725 ha diện tích đất tự nhiên, 11 đơn vị hành chính, trong đó có một thành phố cùng tên. Dân số tính đến năm 2012 là hơn 745.000.
Với 253 km đường biên giới chung với Trung Quốc, Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng; 2 cửa khẩu quốc gia là Chi Ma, Bình Nghi. Tỉnh có 7 cặp chợ biên giới, giúp Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, trung tâm buôn bán thương mại quan trọng của cả nước với Trung Quốc, sau đó sang các nước Trung Á, châu Âu.

Mẫu Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn

Mẫu Sơn là vùng núi cao chạy theo hướng Đông - Tây, nằm ở phía đông bắc Lạng Sơn - tỉnh có 80% diện tích là đồi núi. Núi Mẫu Sơn cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía đông, giáp với biên giới Việt - Trung. Đây là vùng núi cao nhất tỉnh Lạng Sơn, có địa hình đa dạng, độ cao trung bình 800-1.000 m so với mặt nước biển. Mẫu Sơn gồm quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Mè 1.541 m so với mức nước biển, theo cổng thông tin điện tử tỉnh. 
Về mùa đông nhiệt độ Mẫu Sơn xuống tới âm độ, thường xuyên có băng giá, thi thoảng có tuyết rơi. Nhiệt độ trung bình ở đây là 15,5 độ C, đỉnh núi này quanh năm có mây phủ.
Từ năm 1925, Mẫu Sơn đã có 16 km đường giao thông nối từ quốc lộ 4A lên đến đỉnh núi. Người Pháp đã quy hoạch và xây dựng tại đây nhiều nhà nghỉ. Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn sau đó cũng cho xây dựng công trình phục vụ cho việc nghỉ dưỡng và đón khách du lịch. 
Khu du lịch Mẫu Sơn đã đ­­ược UBND tỉnh Lạng Sơn quy hoạch thành khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, leo núi thám hiểm và du lịch văn hóa. Toàn khu có diện tích trên 20 ha ở độ cao trung bình 800-1.200 m so với mặt n­ước biển, có hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn, bãi cắm trại... đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách du lịch.
Mẫu Sơn nổi tiếng với các sản vật như chè tuyết sơn, gà sáu cựa, chanh rừng, đào chuông, ếch hương, lợn quay, rượu Mẫu Sơn... Đây là nơi cư trú của các dân tộc Dao, Nùng, Tày.

Dân tộc Nùng chiếm phần đông dân số tỉnh Lạng Sơn

Lạng Sơn có đông dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 84,74% tổng số dân của tỉnh. Người Nùng có số dân cư đông nhất Lạng Sơn, chiếm 43,9%.

Tiếp đó là người Tày với 35,3%, người Kinh chiếm 15,3%, tập trung ở các thị xã, thị trấn; người Dao chiếm 3,5%, dân tộc Hoa, Sán Chay, Mông và các dân tộc khác chiếm khoảng 1,4%
Ngôi chùa nổi tiếng ở Lạng Sơn đã đi vào ca dao 
Chùa Tam Thanh nằm trong động Tam Thanh là di tích lịch sử văn hóa, danh thắng nổi tiếng của Lạng Sơn. Ca dao xưa đã có câu ca ngợi di tích này:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em...
Trong cuốn Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn có viết: "Chùa này nằm trong động núi đá thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng, cửa mây nhũ đá trong sạch, không bụi trần. Người địa phương cùng người Minh Hương tô tượng phật phụng thờ, lại có tên nữa là Chùa Thanh Thiền".
Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn, chùa Tam Thanh được các nhà nghiên cứu cho rằng có từ thời nhà Lê. Nơi này, xưa kia là chỗ thờ tự của Đạo Giáo, do vậy Tam Thanh tức là Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh. Đây là ba cung Thanh cao nhất được coi là ba tiên cảnh mà ở đó mỗi cung do một vị thần cai quản, đó là Nguyên Thủy Thiên Tôn (Ngọc Thanh Đại Đế), Linh Bảo Thiên Quân (Thượng Thanh Đại Đế), và Đạo Đức Thiên Tôn (Thái thượng Lão Quân). Sau này do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, Đạo Giáo mờ nhạt trong tâm thức dân chúng địa phương, người ta đưa các yếu tố thờ tự của Phật giáo vào thờ ở trong chùa là chính.
Hiện nay trong chùa Tam Thanh có các cung thờ như: Cung Tam Bảo (thờ Phật), Cung Đức Ông, Cung Công đồng Thánh Mẫu, Cung Ngũ Dinh, Cung Cấm (nơi thờ A Di Đà), Cung Sơn Trang. Trong động Tam Thanh hiện nay, các dấu tích của Đạo Giáo chỉ còn lại cái tên Tam Thanh và ngày lễ hội chính của chùa là ngày 15 tháng giêng cũng là một biểu hiện Đạo Giáo khi xưa (một ngày lễ hội lớn trong Đạo Giáo).
Tân Thanh là tên cửa khẩu có chợ biên giới trao đổi hàng nông thủy sản, và nhập hàng công nghiệp tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc.
Gia vị  nổi tiếng của Lạng Sơn

Mắc mật còn gọi là hồng bì núi hay củ khỉ, dương tùng là loại quả được phân bố ở một số tỉnh miển nùi phía Bắc Việt Nam, trong đó có nhiều ở Lạng Sơn. Quả có thể ăn tươi hoặc dùng để nấu, kho trong một số món ăn.
Lá mắc mật có tinh dầu thơm nên thường được dùng làm gia vị trong các món vịt quay, lợn quay... Cả quả và lá của loại cây này đều là gia vị quan trọng góp phần làm nên sự thành công của rất nhiều món ăn nổi tiếng Xứ Lạng như lợn quay, vịt quay, măng ớt…


Quỳnh Trang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét